Mỗi sự kiện luôn gắn liền với một biểu tượng, và biểu tượng chân thực nhất cho Việt Nam năm 2021 có lẽ là hình ảnh hàng triệu người tháo chạy khỏi Sài Gòn trong đại dịch Covid-19, trong đó có nhiều gia đình bồng bế nhau trên những chiếc xe cũ kỹ vượt hàng ngàn cây số để về quê. Một năm đầy đau thương và bế tắc.
Đại dịch Covid-19 càn quét Việt Nam
Gần một năm rưỡi, sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện làm cả thế giới chao đảo, Việt Nam may mắn vẫn an toàn. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận và quản lý sự may mắn này, các lãnh đạo Đảng cộng sản lại cho đó là công lao của Đảng, với những phát ngôn "ngạo nghễ" như "dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được" hay "nếu cột điện ở Mỹ mà biết đi, nó sẽ về Việt Nam"... Với tâm lý chủ quan đó chính quyền cộng sản đã không chuẩn bị để đương đầu với đại dịch, từ vaccine, trang thiết bị y tế cho tới chiến lược để đối phó với dịch bệnh. Kết quả là khi dịch bệnh ấp tới, bộ máy chính quyền đã nhanh chóng rơi vào hỗn loạn, hệ thống y tế nhanh chóng bị quá tải. Những lời cầu cứu của những gia đình có bệnh nhân Covid-19 đang nguy kịch liên tục xuất hiện trên các hội nhóm Facebook vì các bệnh viện quá tải, không thể nhận thêm người. Những vật tư y tế như máy thở, bình dưỡng khí luôn trong tình trạng thiếu hụt. Những biện pháp chống dịch của chính quyền trong nhiều trường hợp chỉ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, như việc lây lan chéo trong các khu cách ly hay khi tập trung người dân để tiêm vaccine... Kết quả là những lò thiêu cũng quá tải.
Sau hơn nửa năm vật lộn với đại dịch, hơn 30.000 người Việt Nam đã thiệt mạng và hàng triệu ca nhiễm, hiện nay Việt Nam đã trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. Số ca nhiễm và tử vong vẫn ngày một tăng lên thay vì giảm xuống, dù theo những báo cáo rất sơ sài của chính quyền. Chiến lược sống chung với đại dịch chỉ đơn giản là xem như không có dịch. Trong khi đó nguy cơ về một làn sóng Covid-19 mới vẫn hiện hữu, nhất là khi biến chủng Omicron đang càn quét khắp các nước Bắc Mỹ và Tây Âu vốn có nền y tế hiện đại hơn Việt Nam nhiều. Nhìn vào tương lai của đất nước, rủi ro vẫn áp đảo so với hi vọng. Ánh sáng nơi cuối đường hầm vẫn chưa ló rạng.
Đại dịch Covid-19 là một thảm kịch lớn cho người dân Việt Nam trong năm 2021
Kinh tế suy sụp
Cùng với thảm kịch về nhân mạng, Covid-19 cũng khiến nền kinh tế Việt Nam chao đảo. Năm 2020 Việt Nam đã là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhiều định chế tài chính dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục giữ nguyên thành tích này khi bước vào năm 2021, nhưng Covid-19 ập đến đã làm đảo lộn tất cả. Hơn 4 tháng phong toả Sài Gòn và một số tỉnh phía nam - trung tâm kinh tế của đất nước - đã khiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp điêu đứng, hành loạt các lĩnh vực như du lịch, hành không, nhà hàng, khách sạn, vận tải... tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Ngay cả khi phần nào đời sống đã trở lại như cũ, tâm lý bất an vẫn ngự trị trong suy nghĩ của người dân, các doanh nghiệp hạn chế đầu tư và mở rộng kinh doanh sản xuất trong khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, mua sắm, đi du lịch...điều này khiến nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tiếp tục trì trệ trong thời gian dài. Trong lúc đó, do kinh doanh khó khăn, dòng tiền lại đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản, làm các thị trường này tăng vọt, chênh lệch giàu nghèo lại tiếp tục tăng lên, dù trước đó đã ở mức thách đố.
Covid-19 cũng làm Việt Nam mất đi một cơ hội lớn. Do cuộc đối đầu với Trung Quốc, khối các nước dân chủ muốn lôi kéo Việt Nam về phía mình nên đã dành cho Việt Nam rất nhiều ưu đãi về thương mại, kết quả là hàng loạt các doanh nghiệp lớn chuyển nhà máy từ Trung Quốc tới Việt Nam, một cơ hội lớn để Việt Nam có thể vươn lên và bắt kịp mức sống của nhiều nước trong vùng, tuy nhiên Covid-19 đã tước mất của Việt Nam cơ hội đó. Nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp dự tính đầu tư vào Việt Nam chuyển hướng qua những nước khác trong vùng. Dù vậy, thương mại với các nước dân chủ cũng giúp nền kinh tế Việt Nam không tới mức quá suy sụp trong năm qua, tổng giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu vẫn tăng tới 22,6%, giúp cứu vãn phần nào nền kinh tế với nhiều lĩnh vực đang trong tình trạng suy thoái sâu.
Thảm kịch nhân đạo
Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa trong hơn 4 tháng tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận đã đẩy hàng triệu lao động vào cảnh thất nghiệp, kết hợp với một xã hội thiếu vắng các chính sách an sinh xã hội, đã gây ra một thảm kịch nhân đạo lớn. Không biết bao nhiêu lời kêu cứu xuất hiện trên các trang mạng xã hội, đâu đâu cũng có những người cần được giúp đỡ. Cuộc sống quá khó khăn và bất an đã khiến hàng triệu lao động tháo chạy khỏi Sài Gòn. Hình ảnh một em bé chỉ mới 10 ngày tuổi đã phải rong ruổi cùng gia đình trên chiếc xe máy cũ kỹ trên hành trình hơn 1.000 cây số trở về quê trong đại dịch thể hiện một cách chân thực nhất thảm kịch mà đất nước đã phải chịu đựng. Hình ảnh này chất vấn tất cả chúng ta, rằng chúng ta có còn là một dân tộc. Chỉ cần một cố gắng nhỏ, rất nhỏ thôi từ phía chính quyền cũng có thể ngăn chặn được thảm kịch này, như sắp xếp phương tiện di chuyển, xe khách hoặc tàu hoả, cho người dân về quê, vừa giúp đỡ được người lao động, vừa giúp được ngành vận tải. Nhưng đã không có cố gắng nào cả. Đảng cộng sản vô cảm hay vô trách nhiệm ? Thật không thể tưởng tượng nổi.
Đại hội 13 của Đảng cộng sản
Trong tình trạng của đất nước như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản, vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói : "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Một người bình thường không thể nào có những phát biểu như vậy. Nhưng ông Trọng không phải là một người bình thường, ông là lãnh đạo của Đảng cộng sản ba nhiệm kỳ liên tiếp. Đại hội 13 bắt đầu với sự dửng dưng của dân chúng và kết thúc trong sự tuyệt vọng của Đảng cộng sản. Trước đại hội không ai còn nghĩ tới việc góp ý "giúp Đảng cải thiện để mạnh lên, giành lại lòng tin của nhân dân" như các đại hội trước, sau đại hội không ai còn nghĩ rằng Đảng cộng sản có thể có một tương lai. Việc giữ nguyên ông Trọng, một người đã suy nhược trầm trọng cả về trí tuệ lẫn sức khỏe, ở vị trí lãnh đạo cao nhất, trong lúc Đảng cộng sản và đất nước đang phải đối mặt với vô số vấn đề nan giải, không khác gì hơn là một hành động thú nhận sự tuyệt vọng. Sức khỏe của Đảng cộng sản chắc chắn còn kém hơn cả sức khỏe của ông Trọng, họ không còn bất cứ giải pháp nào cho đất nước và ngay cả cho chính họ.
Việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng bí thư nhiệm kỳ 3 cho thấy sự bế tắc của ĐCSVN.
Sự phẫn nộ của dân chúng với chế độ tăng cao
Trong lúc cả nước đang oằn mình chống dịch, trong lúc chính quyền đang kêu gọi người dân góp tiền mua vaccine, trong lúc ông Vương Đình Huệ vừa công du Châu Âu để xin viện trợ vaccine, hình ảnh ông Tô Lâm với những "miếng thịt bò dát vàng", với hóa đơn một bữa ăn lên tới hàng chục ngàn đô la đã làm cả nước phẫn nộ. Báo chí chính quyền im bặt. Họ không có gì để nói và không thể nào thể biện hộ cho hành động này. Có lẽ họ cũng phẫn nộ như mọi người Việt Nam khác mà không được nói. Ông Tô Lâm chắc chắn không phải là lãnh đạo duy nhất có lối sống vương giả trong một đất nước bần cùng. Sự "bất cẩn" của ông Tô Lâm cho thấy lãnh đạo Đảng cộng sản vừa không có kiến thức chính trị vừa không có đạo đức chính trị.
Sau sự việc này, một sự việc khác còn nghiêm trọng hơn nhiều là sự kiện các lãnh đạo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại nhiều tỉnh nhận hối lộ của công ty Việt Á để cung cấp những sản phẩm y tế kém chất lượng với giá "cắt cổ" - đây là một tội ác, một hành động ăn tiền trên "xác chết" của người dân. Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ chắc chắn có trách nhiệm lớn trong tội ác này. Tuy nhiên trường hợp "Việt Á" không phải là một ngoại lệ, nó là một thông lệ. Có doanh nghiệp nào có thể làm việc với chính quyền mà không phải đưa hối lộ ? Mặt khác, vụ việc này cũng có thể nhằm mục đích chuyển sự phẫn nộ của người dân với chính quyền sang một công ty tư nhân sau những thất bại và mất mát nghiêm trọng từ cách chống dịch cực đoan và sai lầm của chính phủ.
Qua hai sự kiện này, cũng như vô số các sự kiện khác, như việc các quân nhân bị đánh chết trong quân đội nhưng thủ phạm lại được các tướng lĩnh bao che, hay nhiều người dân chết trong đồn công an với lý do "tự tử", những vụ tham nhũng lớn nhỏ mà gần như tháng nào cũng bị tố giác...luôn làm cho người dân phẫn nộ mỗi khi nhắc tới chính quyền. Các lãnh đạo của Đảng và chính phủ gần như là một lớp người riêng biệt, họ không thấy mình có trách nhiệm, nghĩa vụ hay bổn phận gì với những người Việt Nam khác, họ không tự coi mình là người Việt Nam. Họ hoàn toàn không có lý tưởng phục vụ đất nước, mà chỉ xem đất nước như là nơi để thống trị và vơ vét, không khác gì một lực lượng chiếm đóng. Tuyệt đại đa số dân chúng đều đang dần nhìn rõ bản chất của chế độ, sự phẫn nộ chỉ có thể ngày một tăng lên.
Chế độ gia tăng đàn áp
Trước tình hình đất nước nguy ngập, bất mãn trong dân chúng dâng cao trong khi chế độ hoàn toàn bế tắc, chính quyền cộng sản đã không biết làm gì hơn là gia tăng đàn áp. Hàng loạt những nhà báo, những dân oan, những người đấu tranh đều bị xét xử với những bản án dã man. Nhà báo Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù, nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù, bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư bị kết án 8 năm tù, anh Trịnh Bá Phương và anh Đỗ Nam Trung bị tuyên án 10 năm tù... Một sự kiện cần được lưu ý là không ai nhận tội trong những phiên tòa dàn dựng này. Sự hung bạo đã không khiến người dân cúi đầu, đàn áp đã không còn nhiều tác dụng.
Những hành động đàn áp này không chứng tỏ sức mạnh của chính quyền, mà ngược lại, nó chỉ chứng minh sự tăm tối của họ. Họ không còn khả năng suy nghĩ để phân biệt cái gì nên làm, cái gì không nên làm và cái gì không thể làm. Một hành động mà bất cứ chính quyền Việt Nam nào cũng không thể làm đó là thách thức thế giới. Với một nền kinh tế lệ thuộc nặng nề vào các nước dân chủ, ngoại thương lớn hơn 200% GDP, bất cứ lúc nào thế giới cũng có thể gây áp lực lớn lên Việt Nam. Với một chính quyền tăm tối như vậy, sự sụp đổ có thể tới bất cứ lúc nào.
Việc chính quyền Việt Nam tuyên án nặng các tiếng nói bất đồng chính kiến và dân oan như gia đình bà Cấn Thị Thêu là một sai lầm khi thách thức dư luận trong nước và cả thế giới.
Phong trào đấu tranh xuống dốc
Trong lúc chính quyền thể hiện sự tồi tệ của mình, đáng ra phải là cơ hội để phong trào đấu tranh mạnh lên. Nhưng trong năm qua, phong trào đã im ắng hơn, những tiếng nói của các nhân sĩ ngày càng yếu và không gây được sự chú ý. Nguyên nhân có lẽ là vì phong trào đấu tranh chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức chống chế độ thay vì đấu tranh cho dân chủ. Tuy nhiên qua những sự kiện vừa kể trên, có người Việt Nam nào biết suy nghĩ mà còn ủng hộ chế độ ? Người Việt không cần được thuyết phục chống chế độ nữa mà họ cần được thuyết phục để đóng góp xây dựng một đất nước mới, dựa trên một dự án tương lai đúng đắn và khả thi. Phong trào đấu tranh đã đi sau thay vì đi trước và dẫn đường cho quần chúng, không có gì đáng ngạc nhiên khi nó rơi vào bế tắc. Dù vậy thì đây cũng có thể xem là một dịp để phong trào đấu tranh tự xét lại mình và mạnh lên, để có thể hóa thân thành phong trào dân chủ thực sự chứ không chỉ dừng lại ở mức độ "chống cộng" như nhiều người đang làm hiện nay.
Năm 2021 đã khởi đầu trong sự lạc quan và kết thúc trong sự bế tắc. May mắn một lần nữa lại biến thành thảm kịch. Nhìn lại giai đoạn đầu năm chúng ta chỉ có thể tiếc nuối. Nếu chính quyền đặt mua vaccine sớm hơn, nếu trang thiết bị y tế được chuẩn bị đầy đủ, nếu các biện pháp chống dịch được lên kế hoạch bài bản từ trước... thì có lẽ thảm kịch đã không tồi tệ đến như thế. Tiếc là những cái "nếu" này chỉ xảy ra nếu chúng ta có một chính quyền có khả năng và trách nhiệm. Nhưng chúng ta đã chỉ có chính quyền cộng sản, và một lần nữa họ lại là chính mình với tất cả sự tồi dở và vô trách nhiệm.
Những thảm kịch trong năm qua chỉ nhắc lại cho chúng ta một kết luận mà đáng ra phải có từ lâu, chúng ta là một dân tộc đông đảo với hơn 100 triệu người, chúng ta sẽ luôn phải đối mặt với vô số vấn đề nghiêm trọng và khẩn cấp, chúng ta cần một chính quyền sáng suốt để giải quyết những vấn đề đó và chính quyền cộng sản chắc chắn không phải là một chính quyền như vậy. Điều may mắn là chính Đảng cộng sản, qua đại hội 13, cũng đã thừa thận rằng họ không thể là giải pháp cho đất nước, chính họ cũng đang chờ đợi một giải pháp khác cho chính mình và cho đất nước. Giải pháp đó chỉ có thể đến từ một lực lượng dân chủ.
Trần Hùng
(31/12/2021)