Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

05/01/2022

Phản biện “luận án tiến sĩ” của thượng tọa Thích Chân Quang

Thiên Cầm

1. Quyền và nghĩa vụ

Mới đây, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, đã diễn ra buổi lễ Bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) với đề tài "Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam" thuộc Chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính. Trong luận án ông Vương Tấn Việt đã nhấn mạnh rằng "nghĩa vụ phải đi trước quyền" như thế thì xã hội mới phát triển và tồn tại. Ví dụ mà ông đưa ra là việc trồng lúa, hiểu đơn giản như các bạn trẻ hiện nay hay nói là "có làm mới có ăn". Nhưng cần hiểu rằng quyền con người mà tác giả đề cập đến đó là "quyền được có" tức là quyền mà mỗi cá nhân có thể đòi hỏi ở xã hội như : quyền được giáo dục miễn phí, quyền được trợ cấp, quyền được bảo đảm mức sống về sức khỏe, nhà ở, thực phẩm, quyền được hưởng lương và các khoản hỗ trợ cho đời sống... (những điều 23, 24, 25 và 26 của Tuyên Ngôn Phổ cập Nhân Quyền) (1).

Theo ông Việt thì quốc tế đang quá đề cao quyền mà không đòi hỏi nghĩa vụ. Đây là điểm nguy hiểm trong lập luận khi tác giả lờ đi các "quyền không bị" và đồng nhất các "quyền được có" với các quyền cơ bản mà quốc tế đã công nhận. Cần hiểu "quyền không bị" là những quyền tự do căn bản nhất, xuất hiện ngay từ khi con người sinh ra, không thay đổi, không thể bị tước đoạt, không thể bị ngăn cấm. "Quyền không bị" qui định một không gian tự do cho mỗi người trong mọi hoàn cảnh đó là quyền không bị ngăn cản lập hội nhóm, quyền bầu cử ; quyền không bị hạn chế thông tin ; quyền không bị xâm phạm đến tài sản, nhân phẩm, danh dự, cơ thể...

Tác giả còn cho rằng nếu áp dụng các điều ước quốc tế về quyền con người thì sẽ làm cho người ta chỉ biết đòi hỏi mà quên nghĩa vụ của bản thân đối với xã hội từ đó dẫn đến nợ công. Ông lấy ví dụ là các nước như Mỹ, Nhật có tỷ lệ nợ công cao vì luôn đầu tư vào phúc lợi xã hội. Luận điểm về nợ công sẽ được bàn tiếp, trong phần này thì chúng ta chỉ cần quan tâm đến những quyền được ghi trong Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR - International Covenant on Civil and Political rights) và Tuyên ngôn Phổ cập Nhân quyền (Universal Declaration of Human rights).

luanan1

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập đã được toàn thể nhân loại thông qua năm 1948.

Nếu như nghĩa vụ phải đi trước quyền như tác giả nói thì ICCPR không được sinh ra để bảo vệ cho nhà nước Việt Nam nếu xét theo góc độ lịch sử, tức là Việt Nam phải có nghĩa vụ nào đó cần thực hiện để được độc lập khỏi khối Liên hiệp Pháp. Hay đơn giản hơn, nếu Mặt trận Nhân dân Pháp (phong trào cánh tả được hình thành từ liên minh đảng xã hội và đảng cộng sản Pháp) không thực hiện các quyền trong bản Tuyên ngôn Phổ cập Nhân quyền thì Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không đời nào có cơ hội vàng để giành được chính quyền bằng Cách mạng tháng 8. Nói cách khác, phong trào cộng sản và cánh tả cực đoan tại những nước thuộc địa thực chất đã lợi dụng Bản Tuyên ngôn Phổ cập Nhân quyền để đạt được mục đích của họ nhưng khi giành được chính quyền thì họ cấm tiệt các quyền tự do căn bản mà họ đã từng đòi hỏi.

Quyền sinh ra không nhằm phục vụ cho riêng một bộ phận tập thể nào trong cộng đồng xã hội, quyền sinh ra để bảo vệ tất cả mọi người trên thế giới nên quyền được coi là đối chọi với giai cấp cầm quyền trong các quốc gia vì nó không chấp nhận thỏa hiệp và không chấp nhận bị thay đổi theo thời gian mà nếu có thay đổi thì chỉ có tăng lên. Không thể so sánh "quyền không bị" với "quyền được có" tương tự như không thể so sánh "không khí, nước, ánh sáng, nhiệt độ" với "lúa gạo, thức ăn, vải vóc, trang sức". "Quyền không bị" là quyền tự do căn bản của con người, chúng đương nhiên phải có và không cần bất cứ điều kiện nào. "Quyền được có" là đảm bảo cho sự bình đẳng của công dân trong mỗi quốc gia. Cách lập luận coi tất cả các quyền trong các điều ước quốc tế đều phải là "những quyền cần có điều kiện" khiến cho lập luận mà luận án đưa ra trở nên vô giá trị.

Cũng cần có một lưu ý là khi hô hào giành chính quyền thì đảng cộng sản chỉ nói đến "quyền được có" bằng những khẩu hiện như : "người cày có ruộng", "lấy của người giàu chia cho người nghèo", "diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm"... Nhưng càng lúc con cháu đời sau của Đảng cộng sản Việt Nam càng có xu hướng xóa bỏ luôn "quyền được có" mà cha ông họ đã hứa hẹn với nhân dân. Điển hình nhất là qua cách xử lý đại dịch Covid-19, không những làm thiệt mạng 33.245 đồng bào (theo số liệu Bộ y tế) mà còn khiến hàng triệu người dân phải bỏ phố về quê vì công việc đình trệ. Vậy câu hỏi cần đặt ra cho tác giả là những "quyền không bị" vốn đã không tồn tại hoặc bị bách hại từ khi đất nước tiến hành cuộc cách mạng tháng 8, nay "quyền được có" của nhân dân ngày càng suy giảm thì phúc lợi lý ra nó đâu được dùng để dành cho hai quyền này ? Là tác giả không nhìn thấy ? Cả 7 thành viên trong Hội đồng chấm Luận án cũng không nhìn thấy ? Hay cả hai đều bị ý thức hệ và lợi ích chi phối ? Chúng ta đã quá rõ câu trả lời.

luanan2

Các quyền được có đã là lý cớ để các chế độ cộng sản, quân phiệt, phát-xít, quốc xã tước bỏ những quyền phải có, nghĩa là những quyền không bị, tạo ra những tai họa kinh khủng trong thế kỷ 20. (Ảnh : Đài tưởng niệm nạn nhân chủ nghĩa cộng sản tại Mỹ)

Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt còn đi xa hơn khi muốn nộp bản đề nghị "tuyên ngôn nghĩa vụ con người" lên Liên Hợp Quốc với cách lập luận "đã có quyền thì phải có nghĩa vụ và nghĩa vụ phải đi trước quyền thì con người mới có thể phát triển". Vậy chúng ta hãy đơn giản vấn đề ở đây là cách lập luận của tác giả không khác gì đòi một đứa trẻ vừa sinh ra "phải có làm mới có ăn" tức là phải thực hiện nghĩa vụ lao động rồi mới được quyền hưởng thụ thành quả lao động là thức ăn. Chính tác giả nói : "Thế giới hiện nay quá nhiều quyền, vừa mở mắt sinh ra đã đòi quyền mà quên nghĩa vụ". Cách lập luận ấy không phù hợp với thế giới văn minh, thậm chí ngay cả đối với một người theo Marxism. Marx đã trình bày phạm trù phát triển bằng hai nguyên lý phát triển của phép duy vật biện chứng cũng không ngang ngược đến mức phủ nhận sự hỗ trợ của xã hội để mỗi cá nhân có thể phát triển.

Không thể và sẽ không bao giờ có một bản tuyên ngôn về nghĩa vụ để làm đối trọng với Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập như tác giả đề nghị, vì quyền - như đã nói được sinh ra để bảo vệ mọi người, không riêng nhà cầm quyền hay người dân. Trong khi lập luận của tác giả đặt nặng nghĩa vụ của người dân đối với nhà nước mà lơ đi nghĩa vụ của nhà nước đối với người dân. Và cũng không cần tác giả nhắc nhở, nghĩa vụ của người dân luôn được các nhà cầm quyền "ghi nhớ" và yêu cầu thực hiện hằng ngày, đó là nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ trả nợ công, nghĩa vụ quân sự... Bây giờ thêm các nghĩa vụ khác mang tầm quốc tế thì người dân các nước phải làm gì nữa để thỏa mãn các nhà cầm quyền ?

Trong một xã hội mà nếu triệt tiêu đi các "quyền không bị" thì con người không khác gì con vật vì chỉ được ăn chứ không được nói và không được suy nghĩ. "Quyền không bị" đảm bảo cho "quyền được có" và buộc trách nhiệm nhà cầm quyền phải ngang hàng hoặc cao hơn nghĩa vụ của người dân. Dù là được nhân dân tín nhiệm nhưng nhà cầm quyền không có quyền tăng thêm nghĩa vụ của người dân đối với mình trừ khi người dân đòi hỏi. Ví dụ như trường hợp Singapore, trước kia người dân bị ám ảnh bởi bạo loạn sắc tộc sau khi giành được độc lập nên đã cho phép nhà cầm quyền giảm bớt quyền tự do bằng cách thiết lập các hệ thống an ninh giám sát bằng camera. Trong trường hợp của Singapore, người dân phải nhượng bớt quyền và thực hiện nghĩa vụ tuân thủ các đạo luật mới để phòng một cuộc bạo loạn xảy ra trong tương lai. Cái giá mà người Singapore trả là một xã hội ít tội phạm nhưng bí bách về tự do dù rằng sự tự do đó đã đạt các điều kiện tối thiểu trong ICCPR và nó cũng không được freedom house đánh giá cao.

2. Nợ công, niềm tin, tham nhũng và phúc lợi xã hội

Hiện nay mức nợ công của Mỹ là khoảng 106% GDP trong những tháng đầu năm 2021, Bỉ là 105%, Singapore là 111%, Nhật Bản là 273%... trong khi Việt Nam có mức nợ công theo báo cáo của Bộ tài chính thì chỉ chiếm khoảng 65% GDP. Vậy thì nếu chỉ nhìn số liệu và tên quốc gia thì mọi người sẽ nghĩ lập luận của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt là đúng vì những quốc gia kể trên trừ Việt Nam có mức nợ công cao hơn GDP của họ. Như thế tác giả đã lập luận đúng hay sai ? Theo tôi, cách lập luận đó không những sai mà còn phiến diện.

Đầu tiên cần hiểu rằng nợ công sinh ra từ sự vận hành kinh tế trong một quốc gia và như các nhà kinh tế học hay nói : nợ công là một phần tài sản của quốc gia trong tương lai. Như cách thức mà một cái thẻ tín dụng hoạt động, một quốc gia có thể vay nợ không giới hạn miễn là có khả năng trả nợ. Tức là một quốc gia có các chính sách tốt thì vài đồng nợ có thể sinh ra hàng đồng lãi và ngược lại, nếu chính sách kém thì chỉ đủ trả nợ thậm chí là thâm hụt. Nợ công chỉ là một vấn đề nghiêm trọng khi quốc gia đó không có khả năng trả được nợ hoặc các chủ nợ nghĩ quốc gia đó không thể trả được nợ. Do đó không thể so sánh qui mô nợ của các quốc gia mà phải so sánh khả năng trả nợ giữa các quốc gia. Thêm nữa, khi nói về nợ công thì có hai loại nợ là nợ nội địa và nợ quốc tế, chính phủ có thể thương lượng để "quỵt" nợ nội địa hay kêu gọi người dân giúp đỡ ; nhưng nợ ngoại địa thì khác vì nó phải trả bằng đồng ngoại tệ, nếu chính phủ quỵt thì sau này không thể vay cho các dự án tương lai nữa.

Đáng buồn là Việt Nam nợ nước ngoài là chủ yếu và cách tính nợ của chính phủ còn né tránh, giảm nhẹ vì chính phủ không tính nợ doanh nghiệp nhà nước vào công nợ. Như vậy nợ công tại Việt Nam thực tế có thể cao hơn nhiều so với báo cáo của chính phủ.

Còn nợ công của chính phủ Mỹ cao ư ? Đơn giản là đa số người Mỹ nợ nhau hay là nợ nội địa cộng thêm nguồn vốn từ việc bán được trái phiếu ở quốc tế, điều này chứng tỏ thị trường tài chính trái phiếu tại Mỹ rất uy tín và do huy động được nguồn vốn thông qua trái phiếu mà Mỹ có nợ công cao nhưng các dự án xã hội được hoàn thành đúng thời hạn. Đương nhiên có nhiều trục trặc đến từ thể chế nước này, điển hình là gần đây nhất những chính sách tăng cường liên đới xã hội của tổng thống Biden liên tục bị đảng Cộng hòa tại nước này tìm cách bác bỏ.

luanan3

Nợ công của Việt Nam đến từ những chính sách phát triển kém hiệu quả, chính xác hơn là từ thể chế chính trị.

Thứ hai cần hiểu là nợ công của Việt Nam đến từ những chính sách phát triển kém hiệu quả, chính xác hơn là từ thể chế chính trị, đã khiến Việt Nam không thể tận dụng hiệu quả nợ nước ngoài để phát triển đất nước chứ đừng nói đến bảo đảm phúc lợi xã hội. Tệ hơn nữa là tham nhũng đã khiến người dân gánh thêm hàng loạt các khoản nợ khác, không ngẫu nhiên mà nhà kinh tế học Henri Ghesquiere gọi tham nhũng là loại thuế vô hình của quốc gia. Tham nhũng không chỉ tàn phá kinh tế mà còn làm băng hoại đạo đức xã hội, xói mòn niềm tin, làm ô nhiễm môi trường... Điển hình là các vụ việc tham nhũng như Formosa, Việt Á, Nguyễn Đức Chung, Đinh La Thăng, Vũ nhôm, Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng... Tại sao trong luận án tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang không thấy nêu lên những vấn đề này ?

Theo Ủy ban Minh bạch Quốc tế (International Transparency) thì năm 2020, Việt Nam đạt 36/100 điểm, giảm 1 điểm so với năm 2019, đứng thứ 104/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Điểm CPI của Việt Nam thấp hơn điểm trung bình của khu vực ASEAN (42/100). Trong khi đó nhân dân ta vẫn có mức sống thấp, phúc lợi xã hội còn chưa cao mà tại sao lập luận là vì tăng mức phúc lợi xã hội nên nợ công cao ? Nợ công Việt Nam vẫn tăng theo hàng năm và nguy cơ không trả nợ ngày một lớn. Nguyên nhân gốc rễ đã là sự tham nhũng vô độ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư quốc tế và của cả nhân dân Việt Nam.

Lập luận của tác giả trong luận án cũng đã ngầm nói rằng Nhà nước không có nghĩa vụ tái phân phối lợi tức cũng như nâng cao phúc lợi xã hội. Đây chẳng phải là một "lập luận phản động" đối với Nhà nước Việt Nam nếu xét theo những lời nói gần đây của thủ tướng Phạm Minh Chính là "không được để ai thiếu ăn thiếu mặc" ? Tóm lại một người có lương tri và đạo đức không thể nào viết lên được một luận án vô nhân tính như vậy.

3. Đảng cộng sản không còn là giải pháp cho đất nước

Trí thức - những người đại diện cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc phải hiểu rằng ủng hộ một tổ chức đối lập dân chủ chính là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi bể khổ này.

Hãy ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì chúng tôi có dự án chính trị rõ ràng ; có văn hóa tổ chức và dân chủ và hơn hết chúng tôi đề cao đạo đức chính trị, chúng tôi không bao giờ ủng hộ cho cái sai hay phát ngôn một cách thiếu trách nhiệm nếu chưa được thảo luận trước.

Tập Hợp là tổ chức đối lập lương thiện và đứng đắn mà mỗi người Việt Nam cần ủng hộ vì tương lai dân tộc. Chúng tôi vui mừng khi thấy có thêm các thành viên mới tham gia sát cánh cùng chúng tôi, đối với chúng tôi, sự hiện diện của các bạn trong tổ chức là niềm hạnh phúc lớn nhất mà chúng tôi mong chờ.

Chúng ta sẽ có một truyện thuyết tương lai khác tươi sáng hơn.

Chúng ta sẽ có một chính quyền thực sự liêm chính và thượng tôn pháp luật.

Chúng ta sẽ có chính quyền và những nghị sĩ được bầu từ lá phiếu của nhân dân.

Chúng ta sẽ có một đất nước Việt Nam đáng yêu mà tình thương yêu và liên đới xã hội được tán phục.

Chúng ta sẽ được hưởng quyền tự do căn bản nhất mà một con người phải có.

Và hơn hết, chúng ta sẽ tự hào chúng ta là một người Việt Nam.

Xin chúc mọi người dân Việt Nam một năm hạnh phúc và thêm nhiệt thành để ủng hộ tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Thiên Cầm

(5/1/2022)

(1) Quyền con người. Nguyễn Gia Kiểng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thiên Cầm
Read 1251 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)