Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

07/01/2022

Sứ mệnh của nghề giáo là gắn kết xã hội

Quốc Bảo

Khi người Việt mạt sát ai đó là ‘mất dạy’, có thể chúng ta cũng không hiểu đúng ‘dạy’ là gì. Trầm tư mà nghĩ, xã hội thiếu tình người cũng một phần từ việc hiểu sai này. Càng nhanh càng tốt, chúng ta phải thay đổi ngay quan niệm về ‘dạy’ và "nghề giáo".

Khi chửi ai đó là ‘mất dạy’, đối với người Việt không hẳn là mạt sát người này không được giáo dục mà có hàm ý người này vô đạo đức, không biết cư xử, trái với thuần phong mỹ tục. Khi đó thì ‘mất dạy’ ở đây là có học, nhưng không biết cách xử thế. Vậy sao không chửi đồ vô đạo đức, đồ vô ơn, vô học, không biết cư xử ? Có thể thấy những cụm từ đấy không mang nhiều ý nghĩa sỉ vả bằng ‘mất dạy’. Từ ‘dạy’ với chúng ta là thứ gì đó rất nặng nề. Nó gồm tri kiến, tinh thần và cách hành xử, cũng gần như là tất cả những gì phân biệt giữa người và người. Ở đây là người dạy và người học.

Một đứa trẻ cũng hiểu được ‘dạy’ là tiếp nhận những kiến thức mà mình chưa biết hoặc hiểu chưa đúng. Cũng có thể đó là một tình cảm, ước mơ hay nhận thức, dù nó có đón nhận điều đó hay không là việc khác. Một người trưởng thành sẽ hiểu "dạy" nghĩa tương tự, nhưng kèm theo thái độ, kĩ năng truyền đạt và chủ ý người dạy. Và được dạy theo nghĩa được đón nhận điều mình muốn biết. Chúng ta cũng cảm nhận ‘dạy’ mang hàm ý tôn trọng người và điều mình đang được tiếp thu và có thể gia tăng sự trân trọng với kiến thức được truyền bá bằng thêm vào từ "giảng". "Giảng dạy" là từ ghép dường như thuộc quyền sử dụng của ngành sư phạm vì ít người dùng từ đó trong cuộc sống hàng ngày. Thực tế, đó đều là việc truyền đạt giữa điều biết cho người có thể chưa biết.

nhagiao1

Tri thức là vô tận và là sức mạnh vô địch. Ai cũng phải học và học suốt đời.

Ám ảnh bởi văn hoá Khổng giáo khiến rất nhiều người Việt quan niệm khoa bảng là con đường thành người và tiến thân xứng đáng nhất để đặt chân vào. Dù phần đông biết quan chức đương nhiệm không thực học, dùng bằng giả nhiều, họ vẫn không thể thoát khỏi ám ảnh đó. Ngay cả khi ngày nay, nghề giáo chỉ là một nghề, và công chức không còn là con đường độc đạo để vươn lên, ám ảnh đó vẫn khiến người Việt đánh giá sai về ‘dạy’. Dạy là động từ phản ánh tâm lý phân cấp. Người dạy ở "cấp cao" hơn người được dạy.

Khi bạn nói dạy cho ai đó, liệu trong vô thức của bạn có hàm ý so sánh cái mình đã biết với người mình đang nói hay không? Phần đông người Việt là có. Nghĩa là so điều mình biết với yếu tố ‘con người’, gần với phẩm giá của người mình đang dạy. Tự thân phép so sánh đó đã sai về mặt định lý : Kiến thức so với phẩm giá. Nhưng chúng ta vẫn thích so vì chúng ta mang sẵn tâm lý tật nguyền của việc muốn hạ người khác xuống, để nâng mình lên.

Đấy là chưa kể, sự so sánh này tước đi một đặc tính vô cùng quan trọng trong phát triển ở mỗi người: Chúng ta phải luôn luôn nghi ngờ điều mình biết, luôn đặt nhiều nghi vấn về điều mình đã nắm thì mới giúp ta trau dồi kiến thức, vốn luôn vận động thay đổi cùng sự sống. Phản xạ tự nhiên khi có đặc tính ấy giúp chúng ta dạy người khác với sự trang nhã và khiêm nhường. Để nhận lại sự tương kính và tình cảm.

Người Việt cần nhận diện và thay đổi triệt để văn hoá ‘dạy’ vì nó triệt tiêu một văn hoá khác, nhân văn hơn, thời đại hơn và cấp bách hơn: Văn hóa đối thoại. Trong rất nhiều trường hợp, từ dạy mang cả nghĩa miệt thị. Một cách khẩn cấp, chúng ta cần bình thường hoá từ ‘dạy’. Chỉ nên xem đó là sự truyền bá kĩ năng, kiến thức, nhận thức trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Chấm hết. Ai cũng có thể "dạy" người khác và ai cũng phải "học" người khác. Không ai là người có thể biết hết mọi thứ, mọi việc trên đời. Con cháu có thể dạy bố mẹ, ông bà mình khiêu vũ, vẽ tranh hay chơi game, và ngược lại người lớn có thể dạy trẻ con cách ứng xử, giao tiếp và kinh nghiệm sống mà mình đã tích lũy được.

Còn khi ta vẫn đặt nặng trách nhiệm hay xem đó là ơn huệ khi dạy cho ai, có nghĩa ta đang đề cao những phẩm chất đương nhiên phải có. Có ai muốn tự nhận mình thiếu trách nhiệm hay thích ban ơn không ? Khả năng cao là không. Hệ luỵ của một quan niệm sai về dạy đó là sẽ không ai dạy người khác để giỏi hơn mình. Không ai muốn bị hạ cấp cả.

Nghề giáo là để gắn kết con người

Việt Nam là thành viên của Liên hiệp các công đoàn giáo dục thế giới (FISE), và ngày 20/11 chúng ta cũng kỷ niệm ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo. Nhưng từ khi có Đảng cộng sản xuất hiện, mọi chân lý đều bị đảo lộn. Chính quyền biến giáo dục thành công cụ chính trị để rao giảng về nhân quyền, văn hoá và đạo lý. Tất cả chỉ để người Việt hiểu, làm người trước tiên là phải thừa nhận vai trò độc tôn của Đảng cộng sản. Chúng ta không còn thấy hiến chương các nhà giáo đâu nữa. Nghề giáo thành nghề bán cả lương tâm. Khi lương tâm cũng bị mang ra bán, nghề giáo thành một nghề hạ cấp.

Thế nhưng bất chấp sự toàn trị của Đảng cộng sản, các giáo chức vẫn có thể tự trang bị cho mình nhận thức về nghề nghiệp riêng :

- Dạy luôn là sự cho đi, là sự bao dung, trách nhiệm và niềm vui. Điều đó không chỉ nghề giáo mới sở hữu và được hưởng nhưng nghề giáo cần tâm niệm sâu sắc về chức năng "dạy làm người". Kiến thức hay nhận thức chỉ là lát cắt mỏng của khoa học và sự sống, dạy cũng sẽ được dạy lại, cho đi sẽ được nhận lại, sự trao đổi tạo ra gắn kết. Đó là điều khiến con người vượt lên trên con vật, vốn chỉ cần thoả mãn nhu cầu sinh lý.

- Với sự ân cần và bao dung các nhà giáo phải gieo mầm cho những mầm non và học sinh về nếp sống, cách ứng xử và nhân sinh quan, những yếu tố vốn là nền tảng của văn hóa đối thoại và tổ chức, đặc biệt với trẻ nhỏ và bậc trung học cơ sở. Chính những kỹ năng và kiến thức cơ bản đó sẽ quyết định cho sự thành công của các em học sinh trong tương lai và mở rộng ra là cho cả xã hội.

nhagiao2

Người lớn hãy mở lòng và lắng nghe con trẻ. Đừng áp đặt một chiều theo truyền thống văn hóa cũ.

Internet đang tiếp tục truyền bá tri thức phong phú hơn hẳn so với những bài giảng ở trường. Nếu học sinh có khả năng chủ động sàng lọc kiến thức, các em có thể học nhanh hơn cả giáo trình. Nhưng nếu không có hành trang từ cách hành xử tử tế của các thầy cô, chúng sẽ là các sản phẩm lỗi của nền giáo dục và của cả xã hội. Kiến thức không đi cùng tâm hồn, không giúp mỗi người thấu hiểu bản thân, đồng loại sẽ dẫn tới tranh đoạt và hạ bệ nhau. Nếu độc giả cần một minh chứng cho hậu quả của việc nhiều kĩ năng nhưng thiếu liên đới xã hội thì hãy quan sát xã hội Mỹ. "Chủ nghĩa phóng khoáng" đã khuyến khích người dân Mỹ dùng tất cả kĩ năng chỉ để kiếm tiền và để có tự do tài chính. Liên đới xã hội bị coi nhẹ khiến nước Mỹ ngày càng lâm nguy vì chia rẽ trầm trọng.

Dân tộc Việt Nam suốt hơn 2000 năm qua đã không biết cách đối thoại với nhau vì thế lịch sử của chúng ta trong ngần ấy năm luôn gắn liền với chiến tranh và bạo loạn. Các tác phẩm nghệ thuật và văn chương của chúng ta không toát lên tình đồng bào, sự tương kính và đối thoại mà nặng về bạo lực, hận thù, chia rẽ và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Đáng buồn thay là chúng ta đã nói với nhau rất ít nhưng động thủ rất nhiều, nâng đỡ nhau rất ít và hạ bệ nhau rất nhiều. Nhưng người Việt có phải chỉ hiếu chiến và vô tình ? Chắc chắn là không. Chúng ta cũng giàu tình cảm, giàu sức sống và dám đấu tranh, chúng ta chỉ thừa hưởng một văn hoá không còn phù hợp và đã quá mệt mỏi vì những cuộc nội chiến. Chúng ta không biết cách nâng nhau lên. Các dân tộc văn minh trên thế giới này có phải bẩm sinh đã có sẵn DNA đặc biệt để từ đó trở nên thượng đẳng ? Không. Họ đã vươn lên được nhờ biết đối thoại và sau đó là hợp tác với nhau.

Mà như thế, nghề giáo trở nên một nghề cao quý và có vai trò gắn kết con người, ngay cả khi đang còn phải chịu họa cộng sản. Từng người và từng giáo chức, vẫn có thể thay đổi nhận thức của mình. Với mỗi người, chúng ta đều có thể dạy và được dạy. Với thầy cô, chúng ta đều có thể dạy cho học trò cách xử thế và tình người. Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay vì giáo dục hiện đại là cuộc chiến đấu để xây dựng dân chủ và sự sinh tồn của mỗi quốc gia.

Quốc Bảo

(07/01/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Bảo
Read 1041 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)