Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

11/02/2022

Nước Mỹ lâm nguy, cải tổ hay cách mạng ?

Nguyễn Gia Kiểng

Những bế tắc của chính phủ Biden trong những việc làm rất đúng và rất cần như các dự luật về bầu cử và về an sinh xã hội chứng tỏ rằng bệnh tình của nước Mỹ đã quá nặng và các cải tổ không còn đủ nữa, thậm chí không còn thực hiện được nữa. Nước Mỹ cần một cuộc cách mạng, dù có thể rất đau nhức.

my1

Nền dân chủ Mỹ và nước Mỹ đang lâm nguy và lâm nguy ở mức độ nghiêm trọng

Trái với niềm tin lạc quan của nhiều bạn tôi ở Mỹ, nền dân chủ Mỹ và nước Mỹ đang lâm nguy và lâm nguy ở mức độ nghiêm trọng, có thể không có lối thoát an toàn.

Một người có lẽ cũng nghĩ như vậy là chính tổng thống Joe Biden. Vài tháng sau khi nhậm chức ông tuyên bố "nền dân chủ của chúng ta đang lâm nguy" (our democracy is in peril". Gần đây, trong bài diễn văn tại Quốc Hội nhân kỷ niệm cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 01/2021, ông nhắc lại một lần nữa với lời lẽ thống thiết hơn : "đừng lầm, đây là cuộc chiến đấu bảo vệ linh hồn của nước Mỹ" (make no mistake, this is the fight for American soul). Không đầy một tuần sau, ngày 11/01, ông và phó tổng thống Kamala Harris cùng đến Atlanta, bang Georgia, để cùng nhắc lại lời cảnh báo đó. Biden nói đúng. Nước Mỹ được thành lập và vận hành trên nền tảng dân chủ. Dân chủ lâm nguy thì sự sống còn của nước Mỹ cũng lâm nguy.

Lâm nguy như thế nào ?

Trước hết là định chế chính trị bệnh hoạn. Chế độ tổng thống tự nó đã không lành mạnh, cách bầu tổng thống bằng đại cử tri đoàn tại mỗi tiểu bang theo thể thức "được ăn cả" (winner takes all) còn gây chia rẽ và làm nẩy sinh nhiều nghịch lý. Thượng Viện có quá nhiều quyền lực và lạm dụng quyền lực đó để ngăn chặn ngay cả những điều đúng và cần thiết như những dự luật về bầu cử, dự luật an sinh xã hội, giáo dục và môi trường, hay việc bổ nhiệm những viên chức quan trọng. Thực là vô lý vì Thượng Viện Mỹ chỉ có rất ít tính chính đáng dân chủ, quá 2/3 số thượng nghị sĩ chỉ do 30% cử tri bầu ra. Hạ viện bầu lại hai năm một lần khiến các dân biểu vừa được bầu đã phải lo vận động tranh cử và vì thế luôn luôn lệ thuộc vào các nhà tài trợ. Rồi các trò gian lận hợp pháp như nói câu giờ (filibuster) và chắp vá đơn vị bầu cử (gerrymandering) v.v. Đó chỉ là một vài thí dụ. Định chế chính trị Mỹ đã quá lỗi thời và cần nhiều thay đổi lớn nhưng lại rất khó thay đổi.

my2

Một vài thí dụ về những chắp vá đơn vị bầu cử ở Mỹ (gerrymandering)

Kế đến là khủng hoảng ngay về thực chất của dân chủ. Năm 2014 một nghiên cứu chung của hai trường đại học Princeton và Northwestern, do hai giáo sư Martin Gilens và Benjamin Page chủ trì, đã khảo sát 1.799 chính sách gần đây nhất được Quốc hội Mỹ thông qua và đi đến kết luận rằng chúng chỉ phản ánh nguyện vọng của các công ty lớn và những người giầu, ý muốn của cử tri Mỹ hoàn toàn không có ảnh hưởng nào.

Tại sao ? Năm 2015, giáo sư Lawrence Lessig của đại học Havard đã thực hiện một nghiên cứu khác cho thấy là tất cả các ứng cử viên dân biểu và nghị sĩ Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, cấp tiểu bang cũng như cấp liên bang, đều phải do các công ty lớn và khoảng 0,02% những người giầu nhất - phần đông đồng thời cũng là chủ nhân của các công ty này tuyển lựa trước qua một "sơ bộ tiền" (money primary). Sau đó khối 99,98% cử tri Mỹ chỉ được bầu trong số những ứng cử viên đã được họ chọn trước. Lý do là vì các cuộc vận động tranh cử rất tốn kém và các ứng cử viên không được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Kết quả là những người trên nguyên tắc đại diện cho dân trên thực tế chỉ là những người làm công cho giới tài phiệt và phải chiều ý họ. Một nghiên cứu khác cũng đã cho thấy là các dân biểu và nghị sĩ Mỹ phải dành quá phân nửa thời giờ để chỉ tiếp xúc và tham khảo ý kiến của các công ty. Đã có một dự luật tài trợ một phần chi phí cho các ứng cử viên để họ đỡ lệ thuộc vào các thế lực tài phiệt như tại các nước Châu Âu nhưng dự luật này chết yểu vì các dân biểu và nghị sĩ phải biểu quyết theo ý muốn của các nhà tài trợ và những người này muốn giữ nguyên độc quyền chọn trước các ứng cử viên.

my3

Khoảng 0,02% những người giầu nhất tuyển lựa trước qua một "sơ bộ tiền" (money primary). Sau đó khối 99,98% cử tri Mỹ chỉ được bầu trong số những ứng cử viên đã được họ chọn trước.

Tình trạng này -trong đó các chính sách chủ yếu nhắm phục vụ giới tài phiệt- khiến người ta phải đặt câu hỏi là người Mỹ còn lý do nào để quan tâm tới việc nước và trên thực tế nước Mỹ có còn là một nước dân chủ hay không. Nó đồng thời cũng tích lũy bất công và chia rẽ xã hội Mỹ một cách nghiêm trọng, đe dọa sự sống còn của nền dân chủ Mỹ và của cả nước Mỹ. Theo một nghiên cứu của Nick Hanauer, một học giả đồng thời cũng là một tỷ phú, trong 30 năm qua khối 1% những người Mỹ giầu nhất đã giầu thêm 21.000 tỷ USD trong khi khối 50% những người Mỹ thuộc nửa dưới đã nghèo đi 900 tỷ USD. Xã hội Mỹ ngày càng phân hóa.

my4

Theo một số thăm dò, gần 40% người Mỹ muốn nước Mỹ bể ra thành năm hoặc sáu nước khác nhau trong đó nguyện vọng của họ được thể hiện.

Nước Mỹ còn ít nhất ba khủng hoảng khác có lẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều vì ở ngay trong linh hồn của một quốc gia như tổng thống Joe Biden đã nói. Đó là :

Khủng hoảng đạo đức chính trị. Người Mỹ ngày nay không còn thấy cần phân biệt phải trái, đúng sai. Chỉ còn phe ta và phe địch. Đây là tâm lý nội chiến. Không một dân biểu hay nghị sĩ Cộng Hòa nào bầu cho dự luật Build Back Better dù thừa biết nó không chỉ có lợi mà còn cần thiết cho nước Mỹ ; họ chống lại chỉ vì nó do một tổng thống Dân Chủ đưa ra. Chỉ có một hay hai dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa biểu quyết tán thành việc luận tội Donald Trump dù thừa biết ông ta có tội nặng chỉ vì Trump là một tổng thống Cộng Hòa. Hơn 200 đạo luật tại các bang Cộng Hòa nhằm giới hạn quyền bầu cử hoặc gây khó khăn cho cử tri đi bầu v.v. Ít nhất từ ba thập niên qua người Mỹ hình như đã quên rằng khi chính trị đã rời xa đạo đức thì nó mất hết giá trị và chỉ có thể dẫn tới thảm kịch.

Khủng hoảng về tinh thần dân tộc. Quốc gia trước hết là một dự án tương lai chung nhưng người Mỹ không còn muốn sống chung và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Theo một số thăm dò gần 40% người Mỹ muốn nước Mỹ bể ra thành năm hoặc sáu nước khác nhau trong đó nguyện vọng của họ được thể hiện. Thật là kinh hoàng. Trên thế giới hiện nay có bao nhiêu dân tộc như vậy ? Nếu ta hỏi ngay cả một dân tộc xấu số đang phải chịu ách độc tài như dân tộc Việt Nam thì tỷ lệ này cũng chưa chắc tới 1%. Đây cũng là dịp để nhìn lại Giấc Mơ Hoa Kỳ, the American Dream, mà các tổng thống Mỹ thường nhắc tới một cách hãnh diện. Giấc mơ này thực ra không thơ mộng như nhiều người nghĩ vì quá khâm phục nước Mỹ. Nó chỉ là giấc mơ thành công cá nhân chứ không hề chứa đựng một hoài bảo phục vụ cho một lý tưởng cao đẹp nào. Giấc mơ Hoa Kỳ là giấc mơ làm giầu cho cá nhân mình và chính là nguyên nhân sâu xa của tinh thần cô lập ích kỷ America First cố hữu của nước Mỹ. Nhưng lần này tinh thần cô lập quay lại chia rẽ chính nước Mỹ bởi vì nó đang được thể hiện giữa các tiểu bang và giữa những thành phần xã hội Mỹ và đe dọa làm tan rã nước Mỹ. Nước Mỹ đang cần một phép mầu.

khủng hoảng về dân trí. Nhiều thăm dò cho thấy đa số người Mỹ không còn đọc sách báo và nghe những bình luận đứng đắn của các báo đài thuộc dòng chính (mainstream media) nữa mà chỉ còn theo dõi những chương trình thể thao và giải trí, gần phân nửa sẵn sàng tin những thuyết âm mưu của truyền thông dân túy. Việc người Mỹ có thể bầu một tổng thống thô lỗ, vô đạo đức và vô trách nhiệm với kiến thức chính trị sơ sài như Donald Trump và sau 4 năm vẫn còn 74 triệu người bầu cho ông ấy chứng tỏ dân trí Mỹ đã xuống rất thấp, thấp một cách bi đát. Nghiêm trọng hơn, dân trí Mỹ không chỉ thấp trong xã hội mà ngay cả trong trong giới cầm quyền. Quá phân nửa dân biểu và nghị sĩ Mỹ không có hộ chiếu (passport) vì không hề ra khỏi nước Mỹ. Có thể nói mẫu số chung của các chính trị gia Mỹ là họ gần như không biết gì về thế giới bên ngoài. Tư tưởng chính trị và các kiến thức đúng đắn uyên thâm không thiếu nhưng chỉ quanh quẩn trong các trường đại học danh tiếng, các viện nghiên cứu và các câu lạc bộ trí thức. 

Ông Joe Biden đã trình bày rất đúng tình trạng khủng hoảng của nền dân chủ Mỹ và nước Mỹ nhưng ông không đưa ra được một lý do thuyết phục nào để tin rằng nước Mỹ có thể vượt qua được thử thách và vươn lên, ngoài ơn Chúa, lòng tốt và sự cao cả của người Mỹ (the grace of God and the goodness and greatness ò the American people). Nhưng hiện nay tỷ lệ người Mỹ còn tin ở Chúa là bao nhiêu ? Và người Mỹ có thực sự có lòng tốt và sự cao cả không ? Họ đối xử với nhau như thế nào ? Họ đối xử thế nào với những người di dân ? Chỉ vì từ chối một cố gắng không đáng kể (hầu như không có quân nhân nào bị chết và chi phí cũng chỉ vài tỷ USD mỗi năm) mà nước Mỹ bàn giao tính mạng của 38 triệu người Afghanistan cho bọn man rợ Taliban thì tốt và cao cả ở chỗ nào ? Hơn thế nữa Joe Biden không hề có một lời nào cho các nạn nhân mà còn biện luận rằng đây là quyết định đúng nhất, một biện luận mà ngay cả tướng Lloyd Austin, bộ trưởng quốc phòng, và tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng, do chính ông Biden bổ nhiệm cũng thẳng thắn bác bỏ. Chính Joe Biden cũng cần thêm đạo đức và sự cao cả.

Một thay đổi mới mà theo tôi chưa được đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng là tổng thống Joe Biden đã bỏ cố gắng hòa giải dân tộc mà ông từng theo đuổi lúc mới nhậm chức để chấp nhận logic nội chiến. Ông đã công khai đả kích Donald Trump và Đảng Cộng Hòa một cách gay gắt trong bài diễn văn tại Capitol. Tại Atlanta, thủ đô của bang Georgia, cả ông lẫn bà phó tổng thống Harris đã lớn tiếng đả kích chính quyền bang và Đảng Cộng Hòa. Ngược lại họ cũng không được chính quyền địa phương tiếp đón. Đây là điều chưa từng có tại bất cứ nước nào. Không khí nội chiến, đối địch nhau thay vì hợp tác với nhau, giữa hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa ngày càng rõ rệt hơn và đã gay gắt tới mức bất chấp cả nghi thức. Nước Mỹ đã quá chia rẽ.

Donald Trump không phải là nguyên nhân mà chỉ là hậu quả của một tiến trình xuống cấp liên tục trong một thời gian dài của chế độ chính trị Mỹ. Những bế tắc của chính phủ Biden trong những việc làm rất đúng và rất cần như các dự luật về bầu cử và về an sinh xã hội chứng tỏ rằng bệnh tình của nước Mỹ đã quá nặng và các cải tổ không còn đủ nữa, thậm chí không còn thực hiện được nữa. Nước Mỹ cần một cuộc cách mạng, dù có thể rất đau nhức.

Vị thế của nước Mỹ trên thế giới sẽ ra sao ?

Biden vừa cầm quyền được một năm. Về đối nội ông đã hành động đúng trong hoàn cảnh khó khăn nhưng, một cách không ngờ, ông đã lúng túng trong chính sách đối ngoại, địa hạt mà người ta nghĩ là ông có nhiều khả năng và kinh nghiệm. Những đổ vỡ do Donald Trump gây ra mới chỉ hàn gắn được một phần nhỏ. Sự cô lập của Mỹ có thể thấy rõ qua cách đương đầu với Putin tại Ukraine. Mỹ và Châu Âu nói chuyện riêng với Nga vì không còn thực sự là đồng minh, Châu Âu không còn nhìn nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ. Nước Mỹ đã mất gần hết uy tín, khối NATO gần như tê liệt, niềm tự hào của người Mỹ cũng đang bốc hơi. Trong bối cảnh này Nhật và Ấn Độ cùng lắm cũng sẽ chỉ là những đồng minh thận trọng.

Nhiều người vì quá tin vào sức mạnh của Mỹ cho rằng sự xuống cấp về uy tín và vai trò lãnh đạo của Mỹ chẳng có gì đáng lo, trái lại còn khiến Mỹ nhẹ bớt gánh nặng. Họ lầm lớn. Sự xuống cấp này sẽ nhanh chóng kéo theo sự lung lay của đồng Dollar trong cương vị đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế, với những hậu quả rất tai hại cho kinh tế Mỹ. Nhưng đây là một đề tài lớn cần một cuộc thảo luận riêng.

Vì đâu nên nỗi ?

Có thể kể ba lý do chính đưa tới tình trạng của nước Mỹ hiện nay.

Lý do đầu tiên là chủ nghĩa tân phóng khoáng (neo-liberalism). Cần nói rõ, mặc dù tên gọi "tân phóng khoáng" có thể gây hiểu lầm, chủ nghĩa này rất khác với chủ nghĩa phóng khoáng cổ điển (classical liberalism). Nó đặt kinh tế và lợi nhuận lên trên hết, đề cao cạnh tranh, đòi giảm thuế cho người giầu, bất chấp chênh lệch giầu nghèo và liên đới xã hội, chống lại mọi can thiệp và quy định của chính quyền. Nói chung, nó nhắm trước hết phục vụ các công ty và giới chủ nhân. Chủ nghĩa tân phóng khoáng ra đời từ giữa thập niên 1970 sau cuộc khủng hoảng dầu khí và đã lộng hành từ thập niên 1990 sau khi Liên Bang Xô Viết và phong trào cộng sản sụp đổ. Từ Mỹ nó đã lan sang hầu hết các nước dân chủ phát triển khác bởi vì sức mạnh kinh tế cho phép Mỹ áp đặt luật chơi.

Một mặt, nó đã tạo ra chênh lệch giầu nghèo quá đáng và khiến tài chính chiếm đoạt quyền lực chính trị và làm dân chủ mất nội dung. Nhiều người hay đồng hóa chủ nghĩa tư bản với dân chủ mà quên rằng hai khái niệm này khác nhau. Tư bản chỉ đồng hành nhịp nhàng với dân chủ khi chính trị giữ vai trò lãnh đạo.

Mặt khác, vì tư bản không có tổ quốc nên chủ nghĩa tân phóng khoáng đã lạm dụng phong trào toàn cầu hóa một cách vô trật tự, tạo ra cả một phong trào di chuyển ồ ạt các hoạt động công nghiệp sản xuất sang Trung Quốc và các nước chưa phát triển, khiến một số đông công nhân tại Mỹ và các nước dân chủ phát triển mất công việc làm phù hợp. Kết quả là gây xáo trộn trong nhiều nước trong khi quốc gia chính là đơn vị thực hiện dân chủ. Đừng quên rằng dân chủ được thực hiện trong từng nước.

Một lý do khác là chế độ tổng thống. Kinh nghiệm của các quốc gia đã cho thấy chế độ này làm suy yếu các chính đảng, biến chính trị thành một trò trình diễn, hạ thấp dân trí và khuyến khích chủ nghĩa dân túy. Chúng ta có thể nhận xét là phần lớn các lực lượng dân túy mạnh lên trong các chế độ tổng thống, dù là tại Mỹ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Philipines, Nga và cả Pháp. Tại các nước theo chế độ đại nghị, các lực lượng dân túy dù có nhất thời trỗi dậy cũng bị kiểm soát và suy thoái dần, như tại Anh và Ấn Độ.

Sau đó là sự tự mãn của người Mỹ. Nước Mỹ ra đời cách đây 246 năm trên nền tảng dân chủ, nhờ đó đã vươn lên nhanh chóng và đồng thời mở ra cho thế giới một kỷ nguyên phát triển mạnh. Nhưng rồi vì người Mỹ quá tự hào về thành công của mình và không chịu cải tiến, các định chế chính trị dần dần trở thành lỗi thời và bây giờ đã quá lỗi thời, xã hội dần dần bị phân hóa và bây giờ đã quá phân hóa. Và bệnh càng để lâu càng khó chữa.

Khủng hoảng dân chủ toàn cầu ?

Hầu hết các nhà nghiên cứu chính trị hiện nay đều đồng ý là dân chủ đang khủng hoảng trên khắp thế giới. Theo viện nghiên cứu Freedom House, các nền dân chủ nói chung đã suy thoái liên tục trong 15 năm qua. Đúng, nhưng khủng hoảng như thế nào ?

Cho tới nay Mỹ vẫn được coi như là siêu cường vượt trội và trung tâm dân chủ của thế giới cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi chủ nghĩa tân phóng khoáng và sự suy thoái của dân chủ tại Mỹ cũng lan rộng sang nhiều nước khác.

Tuy vậy, nếu nhìn một cách bình tĩnh thì nước Mỹ tuy khủng hoảng nặng nhưng vẫn còn hy vọng phục hồi vì dầu sao cũng vẫn là một nước dân chủ. Dân chủ Mỹ tuy mất nội dung như người ta phải nhìn nhận nhưng nguyên tắc dân chủ pháp trị vẫn được tôn trọng, nghĩa là nền tảng để hòa giải, thỏa hiệp và hợp tác vẫn còn nguyên. Trong khi đó Nga, Trung Quốc và các nước độc tài khác còn gặp khó khăn hơn Mỹ rất nhiều và không có lối thoát vì mọi chế độ đều không còn lý do tồn tại trong một thế giới đã văn minh hơn, với những con người ngày càng nhìn rõ những quyền cơ bản không thể chuyển nhượng của mình. Vả lại, nếu nhìn sát hơn thì ngoài Mỹ các nền dân chủ khác vẫn vững vàng, chỉ có nhu cầu cải tiến.

Một tin mừng là năm 2022 sẽ có nhiều cuộc bầu cử quan trọng tại Mỹ, Pháp, Hung, Ấn Độ, Philippines, Brazil và nhiều nước khác. Tại Mỹ chưa có gì chắc chắn, nhưng tại tất cả các nước khác các lực lượng dân túy đều rất khốn đốn và sẽ thảm bại. Cũng như dịch Covid-19, phong trào dân túy đã đạt tới cao điểm và đang suy thoái.

Một tin mừng khác là phong trào toàn cầu hóa, một nguyên nhân quan trọng khiến dân chủ bị khủng hoảng và các lực lượng dân túy bùng lên đang chậm lại, được xét lại và điều hợp. Dân chủ bớt đi một lý do khủng hoảng.

my5

Nước Mỹ không còn là thủ đô của dân chủ nữa, vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ của Mỹ đã chấm dứt và sẽ không bao giờ được tái lập.

Một sự kiện cũng rất quan trọng dù chưa được nhấn mạnh là nước Mỹ không còn là thủ đô của dân chủ nữa, vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ của Mỹ đã chấm dứt và sẽ không bao giờ được tái lập. Mỹ chỉ còn là một người anh em quan trọng trong đại gia đình dân chủ. Các nước dân chủ sẽ hành động có phối hợp hơn và thế giới sẽ không còn phải chịu đựng những thảm kịch do quyết định đơn phương của Mỹ như Việt Nam năm 1975 và Afghanistan năm 2021 nữa.

Để kết luận, có thể nhận định một cách trung thực rằng chỉ trừ tại Mỹ cuộc khủng hoảng của dân chủ về bản chất là một cuộc khủng hoảng tăng trưởng. Khái niệm dân chủ đã phong phú hơn, tinh vi hơn, hoàn chỉnh hơn và chính xác hơn và, vì thế, đòi hỏi nơi các chế độ dân chủ những cố gắng mới để thích nghi với một tầm cao mới. Dân chủ sau đó sẽ mạnh hơn.

Các chế độ độc tài sẽ rất lầm nếu nghĩ rằng đây là một thời điểm thuận lợi cho họ.

Nguyễn Gia Kiểng

(11/02/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 1965 times

4 comments

  • Comment Link Dzung Pham mercredi, 23 février 2022 22:07 posted by Dzung Pham

    Lý thuyết của Ông NGK dường như bỏ qua yếu tố địa chính trị và tôn giáo, nên sẽ không giải thích được những xung đột văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội khu vực, hay toán cầu. Td: Trung Hoa và các nước Hồi giáo khong thể nào chấp nhận những tư tưởng và hình thái tổ chức chính trị, xã hội của nhóm các nước được xếp vào "Tự do- Dân chủ" như Anh, Mỹ , Âu châu....

  • Comment Link Nguyễn Gia Kiểng mercredi, 16 février 2022 22:30 posted by Nguyễn Gia Kiểng

    Cảm ơn bạn Lê Linh đã góp ý trang nhã.
    Trước hết xin đáp lời thắc mắc của bạn về tương quan giữa tự do và dân chủ. Dân chủ là phương thức tổ chức xã hội để bảo đảm tự do một cách tối ưu, nghĩa là để tự do thúc đẩy tiến bộ. Tư do là cứu cánh, dân chủ là phương tiện. Như vậy nói đến kiện toàn dân chủ đồng nghĩa với cố gắng để thăng tiến tự do.
    Phong trào toàn cầu hóa về bản chất là tốt vì nó đem các dân tộc tới gần nhau và tăng cường tinh thần nhân loại anh em mà tất cả chúng ta đều phải mong muốn. Không một người có thiện chí nào có thể tự cho phép chống lại toàn cầu hóa. Nhưng thuốc bổ mà sử dụng một cách ồ ạt vô độ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đó là điều đã xảy ra. Như trong bài viết tôi đã nói vì tư bản không có tổ quốc mà chỉ biết có lợi nhuận nên giới chủ nhân đã di chuyển ồ ạt các hoạt động sản xuất sang Trung Quốc và các nước chưa phát triển để khai thác nguồn nhân công rẻ, làm mất công việc làm của nhiều công nhân trong các nước phát triển khiến họ phẫn nộ và bị các phong trào dân túy lôi cuốn.
    Điều cũng rất quan trọng cần được lưu ý là phong trào toàn cầu hóa nếu không cảnh giác có thể làm chao đảo khái niệm Quốc Gia và tác hại tới dân chủ vì quốc gia là đơn vị thực hiện dân chủ. Như thế muốn được thực hiện một cách đúng đắn phong trào toàn cầu hóa phải được quan niệm như đồng thời cũng là một làn sống dân chủ toàn cầu. Cụ thể là chỉ hợp tác vói các nước dân chủ hoặc đã thành thực chấp nhận dân chủ hóa.
    Lập trường của anh em chúng tôi được trình bày trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai mà bạn có thể đọc hoặc tải xuống trong trang Web này.
    Một lần nữa cảm ơn bạn Lê Linh. Chúng ta là anh em!
    Nguyễn Gia Kiểng

  • Comment Link Lê Linh mercredi, 16 février 2022 09:48 posted by Lê Linh

    Ông Nguyễn gia Kiễng có nêu lên những điểm đúng đáng quan tâm trong bài này ví như đồng USD sẽ suy yếu khi Mỹ không còn là quốc gia lãnh đạo thế giới tự do (trong bài viết ông đã quá sức đề cao dân chủ mà bỏ mất tự do) hay việc nguời ta thường lầm lẫn mà hòa chung tư bản và dân chủ vào một nhưng có những điểm tôi cũng băn khoăn hay phải nhờ ông giải thích thêm trên quan điểm của ông rằng việc toàn cầu hóa là có lợi cho ai? dĩ nhiên dể thấy nhất là giới chủ tư bản nhưng bọn độc tài toàn trị cũng có lợi không kém nếu không muốn nói hơn vì chúng vừa được tiền vừa được giải quyết những bế tắc kinh tế vừa được củng cố quyền lực ...Nhìn vào quá khứ và cho đến tận bây giờ những người hay thành phần tổ chức chống toàn cầu hóa đều bị quy cho cái mác DÂN TÚY! Nhớ không lầm vào năm 2000 hàng trăm cảnh sát Italy đã xông vào một trường đại học ở Rome nơi nghỉ chân cho các nhà hoạt động xã hội,sinh viên và nhà báo từ nhiều nơi trên thế giới đổ về dự định sẽ tổ chức một cuộc biểu tình diễu hành ôn hòa để kêu gọi chống toàn cầu hóa vào hôm diễn ra cuộc gặp mặt của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của các nước trên thế giới, đánh đập tàn nhẫn, nhiều người đã vong mạng, nhiều người đã tàn tật vĩnh viễn ... họ là dân túy chăng? báo chí thời đó bị bưng bít đến đáng xấu hổ cho một danh xưng BÁO CHÍ TỰ DO, sự thực (không biết có đầy đủ hay không) chỉ mới được khui ra cách đây vài năm.Còn muốn nói thêm nữa nhưng tự cân nhắc vì tôi rất rất rất nghi ngờ câu kết bài của bác Kiểng. Chúc bác Nguyễn gia Kiểng sức khỏe .

  • Comment Link Phan Hoang dimanche, 13 février 2022 10:02 posted by Phan Hoang

    Nguyễn Gia Kiểng viết về Mỹ mà lại quên khái niệm Tự do DC Mỹ thì bài viết bị lệch ko đúng vị thế Mỹ .
    Bản chất Mỹ là Tự do trước DC chứ ko phải DC trước Tự do , từ Tự do mới có Kinh tế mạnh nhất TG để lãnh đạo phe Tự do DC .
    Nếu chỉ có DC thì Mỹ sẽ suy thoái như Anh, Pháp mà thôi .

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)