Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

07/03/2022

Người Hiền 4 – Đại tá Phạm Quế Dương

Phạm Đình Trọng

4. Một chút riêng tư

Hơn tôi một cuộc chiến tranh, cuộc chiến tranh chống Pháp, Phạm Quế Dương là người Anh thân thiết với tôi suốt hơn nửa thế kỉ qua.

pdt1

Tại nhà Người Hiền - Đại tá Phạm Quế Dương. Hà Nội 2018.

Là thượng sĩ, làm biên tập tờ báo binh chủng Thông tin, tôi thường xuyên có bài được sử dụng trên các cơ quan truyền thông quân đội, chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân. Năm 1970 tham dự cuộc gặp mặt cộng tác viên báo Quân đội Nhân dân ở nhà khách bộ Quốc phòng, trạm 66, cạnh cổng Cửa Bắc thành cổ Hà Nội, phố Phan Đình Phùng, tôi lần đầu được gặp anh Phạm Quế Dương. Lúc đó anh Phạm Quế Dương là đại úy, Tổng biên tập báo quân chủng Phòng Không – Không Quân.

Sau đó tôi đi học trường sĩ quan Thông tin, ra trường, vào mặt trận Tây Nguyên. Anh Phạm Quế Dương khi mang quân hàm thiếu tá cũng xuống đơn vị chiến đấu, làm chính ủy trung đoàn pháo cao xạ 243, sư đoàn 365, bảo vệ những trọng điểm bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất trên cung đường nối hậu phương miền Bắc với mặt trận miền Nam : cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa, bến phà Long Đại, Quảng Bình. Tháng mười, năm 1972, khi sư đoàn pháo cao xạ 365 hành quân ra Bắc, tổ chức trận địa từ Cầu Đuống, Hà Nội đến Đồng Đăng, Lạng Sơn bảo vệ vùng trời phía Bắc Hà Nội thì thiếu tá Phạm Quế Dương là trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn.

Kết thúc cuộc nội chiến Nam Bắc, lại trở về với phố nhà binh Lý Nam Đế, Hà Nội, tôi mới gặp lại anh Phạm Quế Dương sau hơn mười năm xa cách. Xưởng Phim Quân Đội, 17 Lý Nam Đế Hà Nội, nơi tôi ở và làm việc chỉ cách nhà riêng anh Phạm Quế Dương, 37 Lý Nam Đế, vài khối nhà đều là các cơ quan quân đội như nhà xuất bản Quân đội, tòa án Quân sự trung ương…

Là Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, anh Dương có trong tay nhiều bài viết ngồn ngộn tư liệu lịch sử. Khi có những tư liệu về góc khuất của những sự kiện và nhân vật lịch sử, khi có bài viết chân thực, thẳng thắn và mới mẻ về những vấn đề xã hội, anh Dương lại mang đến cho tôi một bản đánh máy, sau này là bản photo. Biên kịch phim tài liệu quân đội là công việc khá tự do, tôi thường hay đi. Nhiều lần anh Dương phải đến hai, ba lấn mới gặp tôi. Những trang tư liệu chân thực về một thời lịch sử oan nghiệt đang bị bưng bít được anh Phạm Quế Dương ưu ái, tận tình và bền bỉ mang đến cho tôi đã âm thầm thức tỉnh tôi.

Năm 1990, tôi chuyển hẳn vào Sài Gòn. Dẫn con gái là Phạm Quỳnh Anh, á quân cầu lông Hà Nội vào Sài Gòn thi đấu giải vô địch cầu lông toàn quốc, anh Phạm Quế Dương đã mất cả một ngày lặn lội một góc quận 11 tìm tôi mà không gặp. Nhà tôi ở 115/91/5 đường Lò Siêu, quận 11, có tới ba hàng chữ số với hai dấu gạch chéo trên con đường nhỏ không có vỉa hè, lại bị khối nhà chen chúc, lộn xộn cắt ngang, con đường nhỏ bị xóa mất một đoạn dài, bị chia thành hai khúc cách xa nhau. Anh Phạm Quế Dương đã lạc vào khúc không có số nhà tôi ở và cứ tưởng rằng đường Lò Siêu chỉ có khúc đó. Ngày đó lại chưa có điện thoại bỏ túi.

Anh Dương không tìm được tôi giữa Sài Gòn nhốn nháo nhưng tôi đã nhận được tình cảm thân yêu anh Dương dành cho tôi trong sâu thẳm, yên tĩnh lòng anh. Như tình cảm anh Dương dành cho những người ruột thịt.

Hai năm liền anh Dương không được công nhận là đảng viên bốn tốt. Sau năm 1975, cả nước đói deo đói dắt. Nhà nhà lo chạy ăn. Anh Dương chỉ lo chạy học ba đứa con. Cả ba con anh Dương đều được học tiếng Anh và học đàn piano. Bị đảng ủy cấp trên đánh giá là gia đình cán bộ quân đội cách mạng mà sinh hoạt theo lối tư sản, phai nhạt tình cảm giai cấp vô sản ! Cuối năm dù chi bộ nhất trí bình bầu anh Dương là đảng viên bốn tốt nhưng đảng ủy cấp trên không công nhận. Gia đình không dư dả, anh Dương chấp nhận sống kham khổ cho con được tiếp nhận giá trị văn hóa nhân loại, tiếp cận được với thế giới. Đảng viên như vậy đáng ra phải được năm tốt, mười tốt. Nhưng thôi, bố thà không được đảng viên bốn tốt để con được là người tốt.

Thấy ở nhà anh Dương không phải chỉ có tấm ảnh anh chụp với tướng Võ Nguyên Giáp mà còn có cả tấm ảnh anh Dương chụp với hung thần Sáu Búa Lê Đức Thọ. Tôi hỏi về tấm ảnh anh Dương ngồi cạnh Lê Đức Thọ, anh Dương bảo : Ngay từ số tạp chí Lịch Sử Quân Sự đầu tiên, mình đã gửi biếu anh Văn. Về sau thấy chỉ gửi cho riêng anh Văn thì không tiện nên mình gửi biếu thêm ông Duẩn, ông Đồng, ông Trường Chinh, ông Sáu Thọ. Một hôm thư kí ông Sáu Thọ điện thoại cho mình bảo ông Sáu Thọ muốn gặp mình và cho biết ngày ông Sáu hẹn gặp.

pdt2

Người Hiền - Đại tá Phạm Quế Dương với vị tướng võ được những người lính thân cận gọi là Anh Văn.

Anh đã bắt tay anh Chính Hữu bao giờ chưa ? Anh Dương bỗng hỏi tôi. Dạ có. Tôi nói. Những lần vào trong thành học chính trị, gặp anh Chính Hữu, anh đưa tay cho em bắt. Chỉ có bàn tay em nắm chặt tay anh Chính Hữu, còn bàn tay anh Chính Hữu mềm nhũn thì hờ hững, không hề nắm tay em. Như người bề trên ban phát đặc ân cho bề tôi được nâng niu nắm tay bề trên vậy. Đúng vậy. Anh Dương công nhận lời tôi nói. Mình thường xuyên làm việc với cục Tư tưởng Văn hóa. Anh Hồng Cư cục trưởng. Anh Chính Hữu cục phó. Anh Chính Hữu là nhà thơ nhưng đúng như vậy. Ông Sáu Thọ thì khác. Ông bắt tay rất chặt, tỏ ra trân trọng và nồng nhiệt.

Ông Thọ tỏ ra quan tâm, hỏi khá kĩ về tạp chí của mình nhưng mình biết đó chỉ là cách vào đề thôi. Khi ông Thọ nhắc đến vụ xét lại chống đảng và nói rằng rất đau xót là những người đầu trò trong vụ án xét lại chống đảng phần lớn lại là tướng tá cấp cao, nắm giữ những vị trí trọng yếu trong quân đội. Từ Trung tướng, Thứ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh đến Thiếu tướng chăm lo việc hậu cần của quân đội Đặng Kim Giang. Từ Đại tá, Chánh Văn phòng bộ Quốc phòng, đến Đại tá cục trưởng cục Tác chiến, Đại tá, cục trưởng cục Quân báo. Từ chính ủy sư đoàn đến Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Thư kí tòa soạn báo Quân đội Nhân dân. Ra tay với nhóm xét lại, đảng lại phải ra tay với quá nhiều sĩ quan cấp cao quân đội mà đảng trông cậy. Đau xót lắm.

pdt3

Người Hiền - Đại tá Phạm Quế Dương với ông quan đảng Lê Đức Thọ mang biệt danh đao phủ : Sáu Búa

Mình biết rằng đây mới là điều để ông Thọ cần gặp, mình liền lấy giấy bút ra ghi. Anh Dương nói tiếp. Nhưng ông Thọ bảo hôm nay ông không dành được nhiều thời gian cho cuộc gặp. Ông chỉ nói qua thôi. Để hôm khác ông sắp xếp được thời gian, mình sẽ đến làm việc với ông. Ông Thọ nói tiếp rằng bọn chống đảng mới chỉ chống bằng tư tưởng, lí luận. Họ chưa có lực lượng để chống bằng sức mạnh bạo lực. "Đảng là anh Ba Duẩn. Tư tưởng lí luận là anh Năm Thận. Tôi chỉ lo về công tác tổ chức đảng. Anh Ba, anh Năm cần xử lí về tổ chức mới đến phần việc của tôi". Ông Thọ nói như để thanh minh rằng ông đứng ngoài việc xử lí vụ xét lại chống đảng và dẫn chứng những cán bộ được ông phát hiện, cất nhắc, đề bạt như Đỗ Mười, như Nguyễn Thị Hằng đều là những cán bộ có năng lực, làm tốt những công việc nặng nề được đảng giao phó trong bộ máy nhà nước.

Ông Thọ say sưa nói rất rộng về việc sử dụng con người trong bộ máy đảng và nhà nước rồi lại quay về vụ xét lại chống đảng. Ông nhắc đi, nhắc lại rằng đám chống đảng mới chỉ là chống về tư tưởng lí luận mà đảng là anh Ba, tư tưởng lí luận là anh Năm. Nghe ông bảo hẹn một buổi khác sẽ có nhiều thời gian hơn, mình đoán rằng buổi đầu ông gặp mình chỉ để thăm dò xem mình là người thế nào. Xiết chặt tay tiễn mình, ông Thọ không gọi mình là đồng chí của quan hệ trong đảng nữa mà thân tình, suồng sã con người với con người : Lịch sử để lại cho mai sau là việc hệ trọng. Mình tin cậu. Lần sau cậu đến được với mình thì tốt. Cậu bận quá không đến được thì người thay cậu phải là người tin cậy.

Người mà mình tin cậy là Đào Thái Tôn. Chắc anh Trọng biết Đào Thái Tôn. Vâng. Anh Đào Thái Tôn học chuyên sâu về Hán Nôm, là cán bộ viện Hán Nôm. Anh Tôn đã có mấy năm là cán bộ phòng Văn hóa Văn nghệ quân đội cùng ở nhà số bốn Lý Nam Đế với tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, rất thân thiết với bọn em.

Nghe tôi nói về Đào Thái Tôn, anh Dương tiếp lời : Đào Thái Tôn có vốn Hán Nôm khá tốt, rất cần với tạp chí nghiên cứu lịch sử quân sự của bọn mình. Nghiên cứu lịch sử quân sự của bọn mình không chỉ là mấy chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Buôn Mê thuật, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 mà còn là phòng tuyến sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt năm 1076, là chiến dịch Bạch Đằng năm 939 của Ngô Quyền và Bạch Đằng năm 1288 của Trần Hưng Đạo, chiến dịch tổng tấn công mùa xuân Kỉ Dậu 1789 của Quang Trung. Nhiều lắm. Phải biết Hán Nôm mới tiếp cận được tư liệu gốc của những chiến dịch đó. Mắc chứng viêm tắc động mạch ngón chân khó chữa trị, người gày guộc xanh xao nhưng Đào Thái Tôn có tính cách mạnh mẽ, trung thực, thẳng thắn, không chịu được sự khuất tất, ngang trái, nịnh bợ. Mình rất quí Đào Thái Tôn và khi ông Thọ hẹn gặp thì minh cử Tôn đi.

Gặp ông Thọ về, Tôn bảo mình : Ông Thọ lộ ra nhiều chuyện hay lắm anh ạ. Nhưng em không viết được đâu. Viết sai sự thật đã chả ra gì. Viết sai lịch sử chỉ là hạng bất lương. Mình quí Tôn không phải ở cái học hàm Phó Giáo sư, ở cái học vị tiến sĩ Hán Nôm mà ở khí khái trung thực kẻ sĩ đó.

Anh Dương gói lại câu chuyện với ông Lê Đức Thọ : Mình vẫn biết ông Thọ đã biến quyền uy tổ chức đảng thành quyền uy của riêng ông. Trên ông Thọ chỉ có ông Ba Duẩn. Có lẽ Hồ Chí Minh ông Thọ cũng chẳng coi ra gì. Các ông Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng luôn tự nhận là học trò của Hồ Chí Minh. Mình chưa hề đọc được một câu khiêm nhường của ông Thọ với Hồ Chí Minh. Và Hồ Chí Minh hình như cũng kị ông Thọ, chẳng bao giờ cho ông Thọ một chút quyền lực nhà nước nào. Không có quyền lực nhà nước thì ông có quyền lực đảng. Ông Thọ đã dùng quyền lực đảng làm cho đám quyền lực nhà nước nhiều phen thất điên bát đảo. Đến ông đại tướng thống lĩnh ba quân, ông Thọ còn triệt hết quyền lực bằng cách bứng ra khỏi quân đội, đặt vào ghế trưởng ban kế hoạch hóa gia đình, trông coi việc đẻ đái của đàn bà thì còn gì khinh thường, giễu cợt hơn.

Anh Dương cười cười bảo tôi : Mình biết thân biết phận chỉ là anh cán bộ quèn. Nhưng từ cái bắt tay đầu tiên của ông Thọ đã làm mình ngạc nhiên. Ông Thọ tỏ ra rất thân thiện, tử tế với mình. Tôi bảo : Ông Thọ tử tế với anh vì anh là lịch sử. Cái ác của cá nhân thì sợ pháp luật. Cái ác nhân danh thể chế, nhân danh pháp luật không sợ pháp luật, chỉ sợ lịch sử thôi. Vụ xét lại chống đảng là cái ác khủng khiếp nhân danh đảng, nhân danh thể chế cộng sản để những người cộng sản nắm quyền lực bộc lộ cái ác với nhau. Mà ông Thọ thực sự là người đầu trò gây ra vụ Xét lại chống đảng, gây ra cái ác đó.

Anh Phạm Quế Dương lại nhìn tôi cười cười. Anh luôn có nụ cười hiền hậu, bao dung như vậy.

Phạm Đình Trọng

(07/03/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Trọng
Read 501 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)