Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

12/04/2022

Kabul thất thủ, trật tự khu vực Trung-Nam Á xáo trộn

Trần Khánh Ân

Ngày 16/08/2021, lực lượng Taliban đã tiến vào thủ đo Kabul và chính thức làm chủ Afghanistan sau 20 năm bị loại ra khỏi chính quyền. Sự kiện này đã như trận động đất làm xáo trộn toàn bộ những liên minh chính trị, quân sự và thế chiến lược an ninh trật tự trong vùng.

afghanistan1

Những thủ lãnh Taliban chiếm Phủ Tổng thống và ngồi trên bàn làm việc của Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, bỏ chạy sang Tadjikistan tị nạn

Thấy gì qua sự kiện này ?

Taliban tuy chiếm được Kabul nhưng sẽ khó làm chủ được Afghanistan. Tại sao ? Tại vì tất cả các nước trong vùng như Pakistan, Nga, Trung Quốc đều không muốn thấy một lực lượng Taliban hùng mạnh và một Afghanistan thống nhất. Một lực lượng Taliban sẽ đe dọa mọi thế lực trong vùng và một Afganistan thống nhất càng là một đe dọa cho sự toàn vẹn lãnh thổ của những thế lực chính trị, kinh tế và quân sự trong vùng.

Đầu tiên là với Trung Quốc, Taliban là một chế độ Hồi giáo nằm sát Tân Cương mà Trung Quốc thì đang có vấn đề lớn ở đó. Nỗi ám ảnh của người Hán là rợ hung nô, tức người Hồi giáo ở phương Tây tràn vào lãnh thổ. Những triều đại phong kiến Trung Hoa đã không ngừng xây dựng và nới rộng những trường thành ngăn chặn. Tập Cận Bình không phải là một ngoại lệ, từ khi lên cầm quyền đến nay, ông không ngừng mở rộng ảnh hưởng của người Hán trên toàn lãnh thổ Tân Cương và tìm đủ mọi cách để khống chế người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), sắc tộc chính của vùng đất này theo đạo Hồi. Ngườu Uyghur cũng đã nhiều lần nổi dậy chống Bắc Kinh nhưng đề bị đàn áp trong máu và lửa.

Kế là nước Nga của Putin, nếu chế độ Hồi giáo toàn nguyên được thành lập tại Afghanistan thì các nước Hồi giáo trong và cạnh nước Nga hiện nay sẽ đòi tách khỏi liên bang và sẽ không muốn bị lệ thuộc vào sự chỉ huy của Moskva. Sự hình thành một Nhà nước Hồi giáo toàn nguyên bên cạnh lãnh thổ người Slav theo Chính thống giáo là không thể chấp nhận. Chính vì thế dưới thời Liên bang Xô Viết cũ, năm 1979 quân Nga đã tràn vào chiếm đóng Afghanistan để thành lập một Nhà nước thân Liên Xô và đã thất bại, năm 1989 phải rút hết quân về nước.

Còn Pakistan, biên giới Afghanistan và Pakistan, còn gọi là Durand Line, được người Anh phân định giữa Afghanistan và Ấn Độ thuộc Anh năm 1893. Đường biên giới này đã chia cắt địa bàn sinh sống của tộc người Pashtun, sắc tộc chính của Afghanistan, dọc vùng trung lưu sông Indus. Chính quyền Afghanistan thời đó tuyên bố không chấp nhận đường biên giới này, chiến tranh và loạn lạc đã liên tiếp xảy ra. Cho tới nay không ai hay một thế lực nào có thể khuất phục được nhân dân Afghanistan nói chung và người Pashtun nói riêng. Chính vì thế nên một Afghanistan thống nhất sẽ là mối nguy cho Pakistan ở hướng tây-bắc vì có thể liên kết với Ấn Độ, kẻ thù của Pakistan, hướng đông-nam, để kềm kẹp và làm áp lực trên chính quyền Islamabad.

Thiếu vắng một chính sách đào tạo nhân sự chính trị dân chủ

Yếu tố không thế lực nào nắm giữ được tại Afghanistan là những sắc tộc (cũng có thể gọi là bô lạc) góp phần tạo ra sự thống nhất của Afghanistan. Vì mỗi địa phương được cai trị hay quản lý bởi một lãnh chúa (thế quyền hợp pháp hay tập tục nhìn nhận) thuộc sắc tộc đa số. Khi thương lượng sống chung với trung ương hay thế lực cai trị, mỗi lãnh chúa đòi hỏi quyền lợi tối đa cho sắc tộc mình, nếu cần thì bằng bạo lực. Nên đối với những cấp chỉ huy địa phương này, bên nào hứa hẹn đem lại lợi ích cho địa phương mình thì sẵn sàng theo, có khi còn cung cấp chiến binh cho thế lực này triệt hạ thế lực kia. Ngược lại, nếu những cấp chỉ huy địa phương này thấy lợi ích của phe mình không được toại nguyện hay không được đảm bảo thì họ sẵn sàng trở mặt. Afghanistan là một điển hình của những liên minh lỏng lẻo giữa các bộ tộc, họ chỉ theo đuổi những lợi ích trước mắt và ngắn hạn cho bộ tộc mình. Họ không theo đuổi những lợi ích cốt lõi và lâu dài với tính chất của một quốc gia. Với một tư duy như vậy thì sự tráo trở hay dễ trở cờ chỉ là những phản ứng bình thường để tồn tại. Và cũng khó xây dựng một dự án tương lai chung

Nhìn lại sự thất thủ của chính quyền Kabul, các bộ tộc từng chống Taliban trước kia khi hay tin Mỹ sắp rút quân trong khi chính quyền Kabul thì bất tài tham nhũng, họ liền trở mặt thương lượng với Taliban để hợp tác hay đầu hàng với điều kiện là Taliban để yên cho họ. Việc này đã làm suy yếu thế phòng thủ của chính phủ Afghanistan.

Đáng lẽ người Mỹ phải hiểu khi can thiệp vào Afghanistan là họ không thể tin tưởng hoàn toàn vào bất kỳ ai, sẽ không có đồng minh nào là hoàn toàn và lâu dài ở khu vực này. Điều duy nhất để đảm bảo thành công là họ phải đào tạo ra một lớp người Afghanistan có lý tưởng, có bản lĩnh để đối đầu với lực lượng hồi giáo toàn nguyên. Sau đó sẽ từ từ rút đi nhưng vẫn duy trì yểm trợ cho những người Afghanistan chống lại ảnh hưởng của Taliban. Lực lượng Taliban sẽ dần mất đi lý tưởng hồi giáo toàn nguyên, khi các giá trị bắt đầu bám rễ vào xã hội Afghanistan. Đây sẽ là cố gắng rất lớn, đòi hỏi một quyết tâm cao độ và sự kiên trì trong một khoảng thời gian dài. Nhưng người Mỹ thì chưa bao giờ thể hiện được sự kiên trì và một quyết tâm cao trong việc bảo vệ những giá trị phổ cập của con người.

afghanistan2

Logo của công ty lính đánh thuê Blackwater

Có thể trông cậy gì vào nước Mỹ ?

Chính quyền Mỹ không toàn hảo như người ta có thể tưởng. Vào năm 2009, dưới áp lực của gia đình những nạn nhân vụ khủng bố ngày 11/09/2001, bà Hilary Clinton khi đó là Ngoại trưởng Mỹ mới công bố những nguồn tài trợ chính của Taliban liên quan đến vụ khủng bố. Theo đó dư luận mới khám phá ra rằng tài chính của Taliban đến từ 3 nguồn thu chính. Một là từ nguồn lợi do buôn bán thuốc phiện. Hai là từ sự tài trợ của các lãnh chúa tại một số vương quốc nhỏ ở vùng Vịnh. Ba là gián tiếp đến từ các công ty lính đánh thuê của Mỹ.

Vũ khí của Taliban chủ yếu là vũ khí của Mỹ. Quân Taliban có nhiều nguồn cung cấp. Nguồn thứ nhất đến từ chính quyền Kabul, đây những chiến lợi phẩm thu được do quân đội chính quyền Kabul bỏ lại khi bị thua, không phải là một vài khẩu súng rơi vãi trên chiến địa mà là cả kho vũ khí và đạn dược vừa được Mỹ cung cấp. Đó là chưa kể một số tướng tá tham nhũng trong chính quyền Kabul đã tổ chức những vụ nổ kho đạn sau khi đã bán hết khí tài cho Taliban để phi tang. Nguồn thứ hai đến từ Pakistan, khi còn là đồng minh của Mỹ để đương đầu với Trung Quốc và Liên Xô.

Vai trò của Lục quân Mỹ từ 20 năm trở lại đây đang bị lu mờ, nhất là vào thời điểm này. Dù ở Iraq hay ở Afghanistan, quá phân nửa những người lính bộ binh Mỹ trên chiến trường không là lính chính quy mà là lính của các công ty lính đánh thuê Blackwater (Academi hay Frontier Service Group), những người lính chiến đấu không vì lý tưởng ngoài việc làm tiền với giá cao bằng những hợp đồng "chết bỏ". Nước Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào Không quân, Hải quân, vào hỏa tiễn, vào lực lượng nguyên tử nhưng bộ binh thì bị liệt vào hàng thứ yếu, trong khi lực lượng chính của quân đội bao giờ cũng là Lục quân. Trong chiến tranh, Hải quân và Không quân có thể gây ra những thiệt hại lớn nhưng chiến thắng cụ thể luôn được thể hiện và xác nhận rõ ràng bởi Lục binh (Bộ binh, Công binh, Khinh binh, Nhảy dù, Biệt động, Thủy quân lục chiến, Thiết giáp, Chiến xa, Pháo binh, radar, tin học…).

Qua cuộc rút vội vả và thiếu chuẩn bị tại Afghanistan trong tháng 8/2021 vừa qua, dư luận đặt câu hỏi tại sao nước Mỹ có nhiều viện nghiên cứu và cố vấn (think tank), nhiều chuyên gia mà các chính sách và chiến lược liên quan đế an ninh trật tự thế giới lại tồi tệ như vậy ?

Các quyết sách này cũng cho thấy sự thiếu vắng hiểu biết về bối cảnh của thế giới trong văn hóa sinh hoạt chính trị Mỹ. Các chính trị gia đã quan tâm đến lá phiếu của họ hơn là những việc đáng ra phải làm cho nhân loại với tư cách là hình mẫu dân chủ thành công nhất và cũng là điều phải làm cho chính lợi ích lâu dài của nước Mỹ.

Nước Mỹ đã chia rẽ quá lâu mà không hề được nhận diện và giải quyết. Điều này cũng không lạ bởi nó nằm trong mục tiêu trong hành trình mới của loài người, bắt đầu từ 2010, là xét lại sinh hoạt của các quốc gia ở các nước đã có dân chủ vào lúc ý niệm quốc gia đang bị công phá mạnh mẽ bởi toàn cầu hóa bừa bãi và nhìn lại lần cuối hậu quả mà sự phóng túng của chủ nghĩa tân phóng khoáng (neo-liberalism) đem lại.

Lãnh đạo những quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ-Thái Bình Dương không nên trông cậy vào bất cứ thế lực nào giúp mình không công, phải tự lực cánh sinh để tồn tại. Cho dù có một vị trí địa lý chiến lược thuận lợi nhưng chính quyền và người dân địa phương không biểu hiện một quyết tâm tự bảo vệ và không để lộ một cố gắng tự vươn lên thì không ai có thể giúp mình. Bài toán và giải pháp về trật tự khu vực Trung-Nam Á là chỗ đó.

Trần Khánh Ân

(12/04/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Khánh Ân
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)