Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

15/04/2022

Tại sao lại có cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 ?

Trần Khánh Ân

Cuộc triệt thoái của Mỹ ra khỏi Việt Nam tháng 4/1975 đã gây một chấn động lớn trên toàn thế giới. Người ta cho rằng phe cộng sản đã chiến thắng và Mỹ đã thất bại, cho dù đã dồn vào đó những phương tiện khổng lồ về người lẫn của. Từ sau ngày đó, phong trào cộng sản đã giành thắng lợi trên 10 quốc gia lớn nhỏ, trong đó có Afghanistan (1). Nước Mỹ sau một thời gian trấn tĩnh đã cùng với Châu Âu và sự tiếp tay của Nhật Bản yểm trợ cho các tổ chức kháng chiến Afghanistan, trong đó có hai tổ chức Hồi giáo cực đoan là Al-Qaeda và Taliban đã chiếm Kabul ngày 27/09/1996. Bất ngờ lớn đối với Hoa Kỳ 6 năm sau đó là chính hai tổ chức tổ chức Hồi giáo cực đoan do Mỹ lập ra và hỗ trợ này đã quay lại chống Mỹ kịch liệt, mà cao điểm là cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York và Washington.

1hoigiao1

Quân khủng bố Hồi giáo cực đoan al-Queda tấn công Tháp Đôi New York ngày 11/09/2001

Tại sao có cuộc thay đổi từ bạn thành thù như vậy ?

Chiến lược sai lầm của Mỹ và Châu Âu khi chống Liên Xô thời đó là đã khuyến khích các lực lượng kháng chiến nhân danh Hồi giáo, vì nghĩ rằng Hồi giáo là mẫu số chung của các dân tộc trong vùng, chống lại chế độ vô thần của Liên Xô là một chiến lược sáng suốt. Nhưng ngay sau khi Liên Xô bị đánh bại thì các lực lượng Hồi giáo bừng tỉnh nhận ra rằng mối nguy đối với Hồi giáo thực ra không đến từ chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô mà là các giá trị tự do dân chủ của các quốc gia dân chủ phương Tây, mà Hoa Kỳ là quốc gia đầu não lãnh đạo.

Mối nguy này giống như mối nguy đe dọa vai trò lãnh đạo tinh thần của Thiên Chúa giáo (Christianism) nói chung và Giáo hội Công giáo (Catholicism) La Mã nói riêng hồi cuối thế kỷ 19 vừa qua. Sau khi loại bỏ ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo ra khỏi chính quyền, các nhà tư tưởng Châu Âu cổ xúy phong trào vô thần, khuyến khích lối suy nghĩ tự do, không chấp nhận giáo điều, đạo Công giáo phải trở thành một tôn giáo bình thường như mọi tôn giáo khác, nghĩa là không được tham gia vào sinh hoạt chính trị mà chỉ lo việc thờ phượng.

Đối với những cấp lãnh đạo Hồi giáo toàn nguyên, Sunni và Shia, mất vai trò lãnh đạo chính trị là mất tất cả. Đấng tiên tri Muhammad cho rằng đạo Hồi chỉ có thể phát triển qua giai cấp lãnh đạo chính trị, đạo và đời phải là một. Nhân sự lãnh đạo chính trị phải xuất thân hay được ủy nhiệm bởi giai cấp lãnh đạo Hồi giáo. Cơ sở tư tưởng lãnh đạo xã hội của của các tổ chức Hồi giáo toàn nguyên là kinh Koran (Q'ran), qui tắc điều hành xã hội là luật Sharia. Hai tài liệu này là những giáo điều cơ bản mà mỗi tín đồ Hồi giáo phải tuyệt đối tuân theo.

Các tôn giáo nói chung đều phải có giáo điều, không có giáo điều thì không thể có tôn giáo. Giáo điều tôn giáo khác với triết lý thế phàm, giáo điều là những qui luật đã được các đấng tiên tri tiếp nhận trực tiếp từ Thượng đế, do đó không được tranh cãi hay tu chính. Quan điểm này đã bị những nhà tư tưởng thế quyền dân chủ phủ nhận và loại bỏ, điển hình là cuộc Cách mạng 1789 Pháp : gần như toàn bộ cơ sở thờ phượng (giáo đường, nhà thờ, nhà nguyện, tu viện, trường học, thư viện…) đều bị đốt phá và đập bỏ. Thành công lớn nhất của các chế độ dân chủ thế quyền là làm suy yếu hoặc loai bỏ vai trò của tôn giáo ra khỏi sinh hoạt chính trị, và đây mới chính là lý do lo sợ của các lực lượng Hồi giáo quá khích. Không nắm được chính quyền thì họ không còn lý do tồn tại, do đó phải bằng mọi giá chống trả lại các chế độ dân chủ thế quyền phương Tây muốn loại bỏ tôn giáo ra khỏi chính quyền. Nói chung nỗi lo sợ của các chế độ Hồi giáo toàn nguyên đến từ các quốc gia dân chủ, họ đang lâm nguy.

hoigiao2

Cách mạng Pháp năm 1789

Nhìn lại quá khứ

Từ khi hiện diện tại Châu Âu vào thế kỷ II sau công nguyên, đạo Thiên Chúa trở thành tôn giáo chính của đế quốc La Mã từ thế kỷ IV sau công nguyên. Sang thế kỷ 11, Giáo hội Thiên Chúa giáo bị tách ra làm hai, sinh hoạt độc lập với nhau, nhưng vẫn giữ vai trò chi phối các chế độ thế quyền : Giáo hội Chính Thống Giáo (Orthodox) còn gọi là Giáo hội Công giáo phương Đông cai quản một vùng rộng lớn phía Đông Châu Âu, và Giáo hội Công giáo La Mã cai quản khu vực Tây Âu. Cả hai vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, nhưng Giáo hội Chính Thống giáo có hai trung tâm quản lý : Nga và Hy Lạp ; Giáo hội Công giáo mà cơ quan đại diện là (Tòa thánh) Vatican, vẫn đặt trụ sở tại Roma (Ý), còn gọi là Giáo hội Công giáo La Mã. Riêng Giáo hội Chính Thống giáo Nga vẫn còn giữ vai trò cố vấn tin thần cho chế độ cầm quyền Nga và Ukraine, Giáo hội Chính Thống giáo Hy Lạp giống như Giáo hội Công giáo La Mã Tây Âu, chỉ lo việc phục vụ và thờ phượng.

Cho tới cuối thế kỷ 19, Giáo hội Công giáo La Mã là định chế thần quyền nhân danh Thượng đế chuẩn y hay ban phát quyền lãnh đạo cho của triều đại phong kiến thế tục tại Tây Âu, đặc biệt là tại Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ và Pháp, đạo lãnh đạo đời. Tuy các quốc gia Tây Âu như vương quốc Anh theo Anh giáo (Anglican), của vương quốc Hòa Lan, Đan Mạch Thụy Điển và Đức theo Cơ Đốc giáo (Tin Lành) không có giáo hội thống nhất nhưng các lãnh đạo tôn giáo giữ vai trò cố vấn tinh thần cho các chính quyền dân sự và các vua chúa vẫn được giáo hội tấn phong, ở đây đạo hỗ trợ đời.

Tại Châu Âu, sự suy yếu của Thiên Chúa giáo kéo dài một cách tiệm tiến và khá lâu. Từ thế kỷ XVI vai trò của Giáo hội Công giáo La Mã đã bị xét lại, đặc biệt là tại Đức, kế là tại Hòa Lan, Thụy Sĩ và một số quốc gia Bắc Âu, một tôn giáo mới theo giáo lý Thiên Chúa giáo ra đời : đạo Tin Lành với nhiều hệ phái độc lập. Các giáo hội Tin Lành tuy không can thiệp trực tiếp vào sinh hoạt chính trị nhưng có ảnh hưởng lớn trong mọi quyết định của thành phần nhân sự chính trị, đặc biệt là tại Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada).

Tại Tây Âu, trong thế kỷ 18, còn gọi là Thế kỷ ánh sáng, đã nảy sinh những phong trào tư tưởng dưới nhiều tên gọi như chủ nghĩa duy lý (rationalism), chủ nghĩa cá nhân (individualism) và chủ nghĩa tự do phóng khoáng (liberalism) chống lại chủ nghĩa u mê (obscurantism) và chủ nghĩa mê tín (superstition)  của Giáo hội Công giáo và sự cai trị hà khắc của các triều đình và giới quí tộc. Phong trào này đã lôi kéo được nhiều người theo mà cao điểm là cuộc Cách mạng 1789 lật đổ chế độ phong kiến Pháp tháng 7/1989 và Giáo hội Công giáo. Những lực lượng vô thần đa số là nông dân và giới lao động chân tay, nghĩa là những người không có trình độ học vấn cao, đã nổi lên đốt phá những biểu tượng Công giáo và sát hại những thành phần phong kiến, quí tộc, kể cả những tu sĩ và linh mục với khẩu hiệu : một linh mục tốt là một linh mục đã bị chặt đầu. Ở đây xin mở một ngoặc đơn, các sử gia Việt Nam cho rằng đạo Công giáo đem thực dân Pháp tới là không đúng, bởi vì nước Pháp chính thức đánh chiếm Đại Việt (Việt Nam ngày nay) vào giữa thế kỷ 19, chính xác hơn là từ năm 1857 khi bắn phá cảng Đà Nẵng, nghĩa là hơn 100 năm sau cuộc cách mạng 1789. Đạo Công giáo tuy không còn giữ vai trò nào trong sinh hoạt chính trị của Pháp nhưng vẫn được các chính quyền Pháp bảo vệ khi lâm nguy, vì đó là gia tài nền tảng của văn minh và văn hóa Pháp.

Cũng tại Châu Âu trong những thế kỷ 19 và 20, nhiều cuộc chiến tranh qui ước đẫm máu đã liên tục xảy ra nhưng không quốc gia nào muốn đưa Công giáo trở lại chính quyền như là biểu tượng của hòa bình và ôn hòa. Đạo Công giáo ngày nay chỉ là một tôn giáo bình thường như những tôn giáo khác, nhưng tích cực hơn những tôn giáo khác là cả Công giáo lẫn Tin Lành dấn thân vào những công tác xã hội, như giáo dục, phục hồi và bảo vệ nhân phẩm con người trên toàn thế giới.

Ngày nay vai trò hỗ trợ xã hội dân sự của đạo Thiên Chúa trên toàn thế giới đã được nhìn nhận, những vị lãnh đạo tinh thần vẫn liên tục đầu tư vào những cải tiến để sinh hoạt tôn giáo thích nghi với đà tiến hóa chung của nhân loại và đạo Công giáo được nhìn nhận như là một thành tố tích cực trong xã hội. Đã qua rồi thời đại Thiên Chúa giáo là trung tâm của quyền lực và Thanh Kinh (Bible) không còn là chìa khóa giải thích những vấn đề của xã hội. Phải nói cải tiến lớn nhất được xét lại của đạo Công giáo là không bắt buộc tín đồ phải đi lễ, không phủ nhận tín ngưỡng của người khác và cũng không coi những người không có tín ngưỡng là những người xấu, ngoại đạo. Nói chung Thiên Chúa giáo đã thích nghi được với những hoàn cảnh mới để tiếp tục được tồn tại như là một tôn giáo hỗ trợ cho đời, cho dù số tín hữu tại các quốc gia dân chủ phương Tây ngày càng giảm sút.

hoigiao3

Đã qua rồi thời các tôn giáo chi phối sinh hoạt chính trị và lãnh đạo xã hội.

Hồi giáo không phải là ngoại lệ

Thiên Chúa giáo đã tự cải tiến để thích nghi với xã hội để tồn tại. Hồi giáo không phải là ngoại lệ khi các xã hội dân sự đã tiến hóa và các chế độ dân chủ thế quyền trở nên lớn mạnh. Đã qua rồi thời các chế độ cầm quyền Hồi giáo chi phối sinh hoạt chính trị và lãnh đạo xã hội. Nhưng sự kiện này đã không được những cấp lãnh đạo Hồi giáo toàn nguyên ngày nay chấp nhận, họ vẫn cố giữ tư duy lãnh đạo của thời tiên tri Muhammad dùng vũ lực chinh phục thế giới và truyền báo giáo lý Hồi giáo qua của kinh Q'ran. Họ vẫn tiếp tục duy trì và áp đặt tín đồ sinh hoạt, ăn mặc, học giáo lý và quản trị xã hội như thời thế kỷ thứ 6 và 7.

Chính vì muốn duy trì lối sinh hoạt cổ hũ này mà trong hơn 1.400 năm qua đạo Hồi đã không có một cải tiến nào đáng kể ngoài những cuộc chinh chiến giữa những giáo phái Hồi giáo (Sunni vs Shia) tranh quyền ai là truyền nhân chính thức của Muhammad để được nhìn nhận vai trò lãnh đạo (Caliphate) giáo chúng. Ngày nay nhìn chung các quốc gia Hồi giáo thường thua kém những quốc gia dân chủ phương Tây về đủ mọi mặt, tất cả chỉ vì giai cấp lãnh đạo vẫn trung thành với giáo luật Sharia mà không ai dám bỏ hay cải tiến. Mặc dù vậy cũng đã có nhiều lãnh đạo quốc gia Hồi giáo lớn thực hiện một số cải cách để canh tân đất nước và đã đạt được một số tiến bộ, như trường hợp của Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Lybia, Pakistan, Indonesia… nhưng ngay liền sau đó họ bị những đối thủ Hồi giáo cực đoan khác tố cáo không tuân hành giáo luật Sharia và bị triệt hạ. Ước mơ chung của giai cấp lãnh đạo Hồi giáo Sunni và Shia là ai cũng muốn làm Caliphate để làm sống lại đế chế Hồi giáo, sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ năm 1913. Ngày nay chỉ còn lại một vài quốc gia Hồi giáo tương đối còn được yên bình với biểu tượng vua là truyền nhân trực tiếp của đấng tiên tri Muhammad như các dòng họ Hussein, Mohamet tại vương quốc Morocco, Jordan, Saudi Arabia và các vương quốc ả rập thống nhất vùng Vịnh đã sáng suốt thích nghi với sự tiến hóa của trào lưu dân chủ trên thế giới nhờ hay nhờ tài nguyên dầu khí để tồn tại. Indonesia là một ngoại lệ của ổn định về tôn giáo vì nằm giữa trung tâm giao lưu văn hóa Ấn Hoa, nhưng sẽ không tồn tại lâu vì các phong trào Hồi giáo cực đoan đã và đang bám rễ vào những khu dân cư bình dân nghèo khó để xây dựng lực lượng tranh quyền với các chính quyền dân chủ Hồi giáo đương đại.

Về mặt xã hội học, ta có thể phân biệt ra ba công thức cầm quyền liên quan đến tôn giáo, tùy theo quan hệ của nó đối với xã hội và chính trị.

Thứ nhất là công thức dân chủ : người lãnh đạo phải do nhân dân bầu chọn và ủy nhiệm cầm quyền. Tôn giáo không còn tham gia trực tiếp vào sinh hoạt chính trị mà chỉ lo việc thờ phượng và quản trị tài sản của giáo hội. Công thức này cho phép Thiên Chúa giáo, Tin Lành có được một cuộc triệt thoái an toàn và hòa bìnhr a khỏi chính trị, tôn giáo chỉ giữ vai trò cố vấn nếu được yêu cầu. Công thức này đang là công thức phổ biến nhất hiện nay trong các chế độ dân chủ. "Những gì của Ceasar phải trả lại cho Ceasar, những gì của Thiên Chúa giáo phải trả lại cho Thiên Chúa", nghĩa là có phân biệt rõ ràng giữa chính trị và tôn giáo. 

Thứ hai là công thức toàn nguyên : người lãnh đạo thay mặt Thượng đế cầm quyền. Người lãnh đạo phải là Caliphate, sứ thần của Thượng đế hay truyền nhân của Thượng đế. Công thức này cho phép người cầm quyền nhân danh Thượng đế trực tiếp cầm quyền và lãnh đạo mọi sinh hoạt tôn giáo và chính trị theo tư tưởng và giáo luật đã ghi trong kinh thánh Q'ran.

Thứ ba là còn công thức tuyệt đối : vua là con Trời thay mặt Thượng đế cai trị muôn dân. Công thức này đã được củng cố bởi học thuyết Khổng giáo để duy trì ổn định : mỗi người đều có một bổn phận trong xã hội, vua thì làm vua, quan thì làm quan, dân thì làm dân. Dân có nghĩa phục vụ vua quan, nghĩa là số phận nô lệ, không được phản kháng. Vì là con Trời nên vua có toàn quyền sinh sát tuyệt đối với muôn dân kể cả hoàng tộc và cận thần ; vua muốn ai sống thì người đó sống, muốn ai chết thì người đó chết. Công thức này đã tồn tại tại Trung Hoa trước kia và Trung Quốc ngày nay với số người chết lên đến hàng trăm triệu để duy trì sự thống nhất của trung ương.

Thiên Chúa giáo, dù là Tin lành, Công giáo, Chính Thống giáo hay Cơ đốc giáo đã triệt thoái êm thấm ra khỏi chính trị để tồn tại, nhưng Hồi giáo thì không vì sự cứng nhắt về quan điểm giải thích giáo lý của Kinh Q'ran và luật Sharia. Chính vì thế mỗi nhân loại cải tiến để bước vào một tương lai tươi sáng hơn, thì Hồi giáo lại bước lùi về quá khứ để bảo vệ một di sản văn hóa không muốn thay đổi. Tư tưởng Hồi giáo toàn nguyên buộc chính trị phải phục tùng tôn giáo, mà tôn giáo ngày nay đã và đang mất vai trò lãnh đạo trước một xã hội dân sự muốn được sống trong tự do và sự cởi mở. Chính vì vậy mà các chế độ Hồi giáo toàn nguyên suy sụp rất nhanh sau Thế chiến II và đang tiếp tục co cụm lại. Hiện nay các tổ chức Hồi giáo toàn nguyên bị cô lập tới mức chỉ còn khả năng sử dụng vũ khí tự vệ cuối cùng là khủng bố, vũ khí của những người tuyệt vọng không còn gì để mất. Cuộc khủng bố ngày 11/9 là biểu hiện tuyệt vọng của cao trào Hồi giáo toàn nguyên.

Như một định luật, sự cứng nhắc của công thức toàn nguyên đã dẫn đến sự thua thiệt của những chế độ Hồi giáo toàn nguyên về đủ mọi mặt, vì các quyền tự do tối thiểu của con người đã bị tước đoạt nên xã hội dân sự mất luôn ý kiến và sáng kiến, hai yếu tố của sự phát triển. Nếu phong trào Hồi giáo nhất nguyên không chịu mở mắt chấp nhận tự do dân chủ đa nguyên như là giải pháp phát triển đất nước và dẫn đưa con người tới tự do và hạnh phúc thì tương lai của họ đang đếm ngược.

Suy cho cùng, cuộc khủng bố 11/9 chỉ là kết quả của một cuộc xung đột dai dẳng giữa hai nền văn hóa, văn hóa nhất nguyên và văn hóa đa nguyên với kết quả mà mọi người đều có thể tiên đoán.

Trần Khánh Ân

(15/04/2022)

(1) Phong trào cộng sản đã giành thắng lợi trên 10 quốc gia lớn nhỏ sau 1975 : Việt Nam (toàn quốc), Lào, Campuchia và Afghanistan tại Châu Á ; Bénin, Mozambique, Somalia, Ethiopia, Congo-Brazaville, Madagascar, Angola tại Châu Phi ; và Grenada tại Châu Mỹ la-tinh.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Khánh Ân
Read 756 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)