Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

13/07/2022

Bài học nào cho người Việt từ khủng hoảng Sri-Lanka ?

Việt Hoàng

Ngày 9/7/2022 hàng trăm ngàn người dân Sri-Lanka đã xuống đường biểu tình, họ xông vào chiếm dinh tổng thống và sau đó phóng hỏa tư gia thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Đương kim tổng thống Gotabaya Rajaparka đã bỏ chạy sang quốc đảo Maldives sau những nỗ lực bất thành khi cố gắng chạy sang UEA, Ấn Độ và Mỹ. Ông tuyên bố từ chức vào hôm nay, 13/7/2022 để mở đường cho việc thành lập chính phủ mới. Dù vậy các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra ở Sri-Lanka và tương lai của quốc đảo này vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Trước khi đi vào phân tích tình hình tại Sri-Lanka và sau đó rút ra những bài học cho Việt Nam, chúng ta cùng tìm hiểu nhanh về quốc gia này. Sri-Lanka có tên gọi chính thức là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa - Dân chủ Sri-Lanka. Sri-Lanka là một quốc đảo vùng Nam Á với dân số khoảng 22 triệu người. Sắc tộc Sinhala chiếm đa số với 75%, sau đó là người Tamil chiếm 11% dân số. Đa số người dân Sri-Lanka theo Phật giáo. Sri-Lanka là một quốc đảo nổi tiếng về du lịch với những cánh rừng nhiệt đới nằm cạnh bãi biển với phong cảnh tuyệt đẹp. Ngoài ra Sri-Lanka còn có nhiều sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng như chè, cà phê, dừa và cao su.

sri4

Khủng hoảng kinh tế tại quốc đảo Sri-Lanka đã dẫn đến khủng hoảng về chính trị. (Ảnh: Người biểu tình phóng hỏa tư gia của thủ tướng Ranil Wickremesinghe)

Sri-Lanka được người Anh trao trả độc lập năm 1948 nhưng sau đó đã trải qua một giai đoạn nội chiến đẫm máu trong thập niên 70 giữa chính phủ (do người Sanhala nắm quyền) với lực lượng đòi ly khai của người Tamil. Thể chế chính trị của Sri-Lanka là ‘bán tổng thống’ nhưng quyền lực nằm trọn trong tay tổng thống với các chức vụ như nguyên thủ quốc gia, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và lãnh đạo chính phủ. Cả thống thống, thủ tướng và nhiều bộ trưởng đều là người của gia tộc Rajapaska, họ đã nắm quyền liên tục gần 20 năm qua. Đây là một hình thức độc tài kiểu gia đình trị.

Tất cả các chế độ độc tài đều dân túy và không có viễn kiến. Nhằm thúc đẩy nền kinh tế, chính phủ Sri-Lanka đã vay rất nhiều tiền của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng biển và sân bay. Do tham nhũng và đi đêm với Trung Quốc nên Sri-Lanka đã rơi vào cái gọi là ‘bẫy nợ của Trung Quốc’ với kết cục là phải gán nợ cảng biển quan trọng Hambantota cho Trung Quốc trong 99 năm để trừ khoản nợ 1,2 tỉ USD. Cuộc khủng hoảng tại Sri-Lanka cho thấy Trung Quốc đang hết tiền. Chỉ cần vài tỉ USD là có thể cứu được quốc đảo này nhưng Trung Quốc đã không làm. Là chủ nợ chính của Sri-Lanka Trung Quốc sẽ mất rất nhiều khi quốc gia này vỡ nợ và rơi khủng hoảng như hiện nay.

Đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm và sau đó là cuộc xâm lược Ukraine của Putin đã giáng những đòn mạnh vào nền kinh tế Sri-Lanka khi ngành du lịch thất thu vì không có du khách, các mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh khiến thất thu thuế, chính phủ phải dùng dự trữ ngoại hối để trả nợ. Nhiều mặt hàng như xăng dầu, thuốc men và nhu yếu phẩm nhập khẩu khan hiếm và giá cả tăng vọt. Hôm 12/4/2022 chính phủ Sri-Lanka tuyên bố vỡ nợ với khoản vay nước ngoài 51 tỉ USD. Tại các nước độc tài thì một cuộc khủng hoảng về kinh tế sớm muộn cũng dẫn đến khủng hoảng về chính trị.

Theo hiến pháp Sri-Lanka thì khi tổng thống rời khỏi đất nước thì thủ tướng sẽ trở thành quyền tổng thống. Tuy nhiên người dân không thừa nhận thủ tướng Ranil Wickremesinghe do mất lòng tin vào giới chính trị gia chế độ cũ. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố vô thời hạn tại thủ đô Colombo nhưng các cuộc biểu tình vẫn gia tăng và đang có dấu hiệu leo thang bạo lực. Người dân tiếp tục xông vào văn phòng thủ tướng và yêu cầu ông ta từ chức ngay lập tức. Dưới sức ép của người dân, thủ tướng Wickremesinghe tuyên bố sẽ từ chức để mở đường thành lập một chính phủ đoàn kết, tuy nhiên mọi chuyện có vẻ không hề dễ dàng.

sri2

Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục tại Sri-Lanka dù lệnh giới nghiêm đã được ban bố.

Chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua về đối lập Sri-Lanka. Hiện tại có 5 tổ chức đối lập trong đó lớn nhất là nhóm ‘Quyền lực Nhân dân Thống nhất’ do Sajith Premadasa lãnh đạo. Qua lời nói, tổ chức này ủng hộ dân chủ đa nguyên nhưng thực tế không có một dự án chính trị nào rõ ràng vì liên minh này mới thành lập được 2 năm. Tổ chức thứ hai là ‘Liên minh Người Tamil’, chủ trương đòi độc lập và tản quyền. Mặc dù có tổ chức chặt chẽ nhưng người Tamil luôn xem người Sinhala (sắc tộc chính của Sri-Lanka) như kẻ thù. Ba tổ chức còn lại đều theo chủ nghĩa cộng sản.

Thủ lĩnh phe đối lập chính là Premadasa tuyên bố sẽ ứng cử tổng thống nhưng ông không nhận được nhiều sự ủng hộ từ dân chúng vì liên minh của ông không có đường lối rõ ràng và khá ô hợp do thành lập vội vã. Chính ông thừa nhận rằng tình hình hiện tại ở Sri-Lanka là ‘bối rối, không chắc chắn và vô chính phủ hoàn toàn’. Theo ông cần có ‘sự đồng thuận, tham vấn, thỏa hiệp và đồng lòng’ mới có thể thành lập một chính phủ mới. (BBC) Tuy nhiên làm thế nào để có ‘sự đồng thuận, thỏa hiệp và đồng lòng’ thì không thấy ông nói đến.

Là một tổ chức đối lập Việt Nam đang tranh đấu để đất nước sớm có dân chủ, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phân tích và nói rất nhiều về về vai trò của đối lập dân chủ, cách thức thành lập và vận hành của một tổ chức chính trị cũng như chất keo để tạo ra sự kết dính và đồng thuận trong tổ chức…Thật tình là chúng tôi thấy lo lắng cho tương lai của quốc đảo Sri-Lanka hơn là vui mừng khi chứng kiến những gì đang diễn ra. Chúng tôi cũng hết sức lo lắng cho tương lai của Việt Nam. Chúng tôi không bao giờ muốn Việt Nam rơi vào hoàn cảnh như Sri-Lanka vì khi đó hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Bạo lực sẽ bùng phát và hoàn toàn có thể mất kiểm soát khi đám đông giận dữ không được lãnh đạo và dẫn dắt.

th1

Đất nước Việt Nam đã có một dự án chính trị ‘dân chủ đa nguyên’ để thay thế cho giải pháp cộng sản. Người dân và trí thức Việt Nam cần đọc để biết dự án đó đề nghị những gì cho tương lai.  

Tất cả các chế độ độc tài đều để lại một khoảng trống quyền lực và chính trị rất lớn sau khi cáo chung. Khoảng trống nguy hiểm đó nếu không được bồi lấp bởi một tổ chức chính trị đứng đắn, có viễn kiến và có tinh thần yêu nước thì rất dễ dàng bị các thế lực đen tối đánh cắp và chiếm lấy. Tương lai có thể còn đen tối hơn cả trước đó khi các nhóm maphia liên kết với một số người trong chính quyền cũ cướp được chính quyền.

Muốn Việt Nam không rơi vào hoàn cảnh như Sri-Lanka thì một mặt các lực lượng tiến bộ trong nội bộ Đảng cộng sản cần nhanh chóng có kế hoạch dân chủ hóa đất nước, mặt khác trí thức và người dân Việt Nam cần khẩn trương tìm hiểu và ủng hộ cho một tổ chức đối lập đứng đắn để tổ chức đó trở thành một giải pháp mới cho đất nước. Không nên chờ nước ngập đến cổ mới tập bơi, khi đó khả năng sống sót sẽ là bằng không.

Dù là cá nhân hay một công ty hay một đất nước thì cũng cần có những dự án cho tương lai, ngay cả khi đang ở đỉnh cao. Không có thực tại nào là bền vững mãi mãi. Cuộc sống luôn thay đổi và mọi quốc gia, mọi dân tộc đều phải thay đổi không ngừng để tiến lên. Quốc gia nào được dẫn dắt bởi một đảng cầm quyền có viễn kiến, có khả năng phân tích và dự đoán được bước tiến chung của nhân loại về tương lai thì quốc gia đó sẽ trở nên hùng mạnh và thịnh vượng. Nếu ngược lại thì quốc gia đó sẽ tan vỡ dù đang hùng mạnh đến đâu đi nữa. Nước Nga của Putin là một ví dụ.

Việt Hoàng

(13/7/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 948 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)