Thời gian qua dư luận Việt Nam liên tục nóng lên bởi tin tức về cuộc ‘đại chiến’ giữa hai nhà sư quốc doanh Thích Nhật Từ và Thích Trúc Thái Minh về việc xin tiền phật tử một cách phản cảm của các nhà sư chùa Ba Vàng. Tiếp đến là việc các phụ huynh phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội phải bốc thăm để con được vào trường…mầm non. Chuyện doanh nhân, từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam Trịnh Văn Quyết (FLC) ‘bỗng nhiên’ trở thành một kẻ ‘lừa đảo, chiếm đoạt tài sản’. Rồi chuyện khủng hoảng ngành y tế khi nhân viên bỏ việc, thuốc men thiếu thốn, không có cả dao và chỉ để phẫu thuật bệnh nhân. Ngành giáo dục một số nơi bắt phụ huynh phải bỏ tiền mua bàn ghế cho năm học mới…Tất cả những vấn nạn này có mới không và có thể giải quyết được không? Xin thưa là không. Những vụ việc như thế này chỉ ngày càng tăng lên chứ không thể giảm xuống.
Để biện hộ người ta có thể đưa ra hàng trăm lý do nhưng lý do thật sự chỉ có một: ‘Giải pháp cộng sản’ không còn phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước. Chính trị quyết định tất cả và bao trùm lên tất cả. Mọi quyết định chính trị đều xuất phát từ một tư tưởng chính trị. Tư tưởng chính trị là những suy nghĩ nghiêm chỉnh về các vấn đề liên quan đến phương thức tổ chức xã hội. Tất cả những vấn nạn của Việt Nam ngày hôm nay đều xuất phát từ thể chế chính trị nhưng Đảng cộng sản Việt Nam không còn là giải pháp cho đất nước vì nền tảng tư tưởng của chế độ là Mác-Lê đã chứng tỏ sự độc hại và sai lầm không thể sửa chữa. Cả Gorbachev (tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên bang Xô Viết vừa tạ thế) và Yeltsin (tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga) đều khẳng định ‘Đảng cộng sản không thể sửa chữa mà chỉ có thể thay thế’.
Đảng cộng sản không thể sửa chữa mà chỉ có thể thay thế.
‘Giải pháp cộng sản’ sai từ gốc nên mọi cố gắng sửa chữa đều vô ích. Ngay cả những ý kiến đúng cũng không thể thực hiện được vì Đảng cộng sản đã mất đồng thuận nên nạn tham nhũng và đặc quyền đặc lợi là luật chơi bắt buộc của mọi ban ngành trong bộ máy nhà nước. Vụ Việt-Á hay các chuyến bay giải cứu trong đại dịch Covid-19 bị phanh phui là những ví dụ cho nạn tham nhũng đã ăn sâu vào hệ thống công quyền.
Ở các nước dân chủ, một đảng chính trị chỉ được cầm quyền trong thời gian 4-5 năm sau đó người dân sẽ xem xét đảng chính trị đó có thực hiện được các mục tiêu đã đề ra hay không để quyết định bầu hay không bầu cho họ thêm một nhiệm kỳ nữa. Đảng cộng sản Việt Nam đã cầm quyền tuyệt đối trong gần 80 năm qua và thực tế chứng minh là họ đã thất bại trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa hạt và theo bất cứ một tiêu chuẩn nào.
Có lẽ đại đa số người Việt Nam hôm nay đều mong muốn đất nước có dân chủ nhưng làm thế nào để đất nước có được dân chủ thì không phải ai cũng có câu trả lời. Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì có bốn điều kiện cần và đủ để một cuộc cách mạng dân chủ thành công:
- Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.
- Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.
- Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.
- Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.
Trong bài viết này chúng tôi muốn nói đến điều kiện thứ ba, khi đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới. Hay nói một cách dễ hiểu hơn nữa là cần có một ‘giải pháp mới’ cho Việt Nam.
Khi một giải pháp cũ như giải pháp cộng sản đã trở nên lạc hậu và không phù hợp thì cần có một giải pháp mới, đó là tiền đề cho mọi sự thay đổi. Ví dụ, chúng ta ai cũng biết, để các đô thị lớn như Hà Nội hay Sài Gòn trở nên văn minh và hiện đại thì phải hạn chế dần dần và cuối cùng là cấm hẳn xe máy. Tuy nhiên muốn người dân chấp nhận chuyện đó thì phải có những phương tiện khác thay thế và đó phải là các phương tiện giao thông công cộng hiện đại, tiện nghi, dễ sử dụng và kết nối đồng bộ. Nếu không có phương tiện tốt hơn thay thế thì không thể nào cấm người dân đi xe máy. Chính trị cũng vậy, nếu giải pháp cộng sản không còn phù hợp thì phải có giải pháp mới thay thế.
Một giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản chỉ đến từ các tổ chức chính trị dân chủ. Các giải pháp cá nhân không thể là giải pháp chung cho cả dân tộc. Luồn lách không phải là một giải pháp vì nó là tình trạng ‘một người chống mọi người và mọi người chống một người’.
Một giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản chỉ đến từ các tổ chức chính trị dân chủ. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một giải pháp như thế.
Chính trị và các hoạt động chính trị là việc chung, là những cố gắng chung để thành công chung. Ai cũng có quyền và trách nhiệm tham gia vào chính trị nhưng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức. Người Việt cần quan niệm lại về chính trị và các hoạt động chính trị. Làm chính trị không phải để làm ‘ông nọ bà kia’, tranh giành quyền lực hay ‘vinh thân phì gia’ mà là để cống hiến cho một lý tưởng quảng đại và đem lại hạnh phúc tối đa cho người dân.
Một lý tưởng hay mục tiêu cao đẹp phải được thực hiện bằng những phương tiện lành mạnh và trong sáng. Chính trị vì vậy không thể là dối trá và gian manh mà phải là đạo đức, tôn trọng lẽ phải và sự thật. Môi trường hoạt động chính trị phải là nơi trong sáng và sạch sẽ nhất.
Các vấn nạn của đất nước sẽ càng ngày càng tăng như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục, giao thông, y tế…Sẽ không có bất cứ giải pháp nào cho các vấn nạn trên nếu đất nước không có dân chủ. Mọi góp ý đều vô nghĩa, cho nên, thay vì ‘góp ý cho đảng’ thì trí thức Việt Nam nên tìm hiểu để rồi ủng hộ cho một giải pháp mới của một tổ chức chính trị dân chủ.
Đành rằng chính trị là việc chung, ai cũng có thể tham gia nhưng vai trò của tầng lớp trí thức có vai trò rất quan trọng vì bất cứ ở đâu và trong bất cứ thời điểm nào thì trí thức luôn là tiếng nói, tâm hồn và trí tuệ của một dân tộc. Trí thức có một trách nhiệm lớn lao đó là ‘hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng’ thay vì chỉ biết ca thán, chạy theo đuôi quần chúng và khai thác các sự kiện do báo chí và Ban tuyên giáo của Đảng cộng sản tung ra.
Một tâm tình và chia sẻ rất đáng để những người còn xem mình là trí thức phải trăn trở và suy nghĩ là của nhà văn Tạ Duy Anh nói về trách nhiệm hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng của giới trí thức nói chung và các nhà văn nói riêng. Sỡ dĩ Đảng cộng sản vẫn còn tồn tại và cai trị Việt Nam một cách ngang ngược như vậy là vì vẫn còn những người a dua, xu nịnh chế độ vì quyền lợi của bản thân hoặc vì thiếu hiểu biết. Chính sự ca tụng đó làm cho ban lãnh đạo Đảng cộng sản hoang tưởng, họ không biết họ sai, họ không biết rằng họ đang dẫn đất nước đi vào đêm đen. Không phải tự nhiên mà ông Nguyễn Phú Trọng có thể phát biểu xanh rờn rằng ‘đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay’.
Sự xu nịnh và tung hô của không ít người Việt Nam đã làm cho Đảng cộng sản trở nên hoang tưởng.
Trí thức Việt Nam phải dành thời gian để đọc và nghiên cứu các dự án chính trị của các tổ chức chính trị để xem các dự án đó đúng sai thế nào, liệu chúng có khả thi cho đất nước hay không, để rồi từ đó giới thiệu giải pháp đó đến với người dân Việt Nam. Khi đa số người dân đồng ý và chia sẻ với giải pháp mới thì Đảng cộng sản sẽ bị cô lập và bị nhìn nhận như là vật cản đường. Khi đó họ sẽ bớt huênh hoang để nhận ra sự kém cỏi của họ. Phải nói cho họ biết là họ không còn phù hợp cho tiến trình phát triển của đất nước nữa. Đến lúc đó muốn hay không họ cũng phải rút lui khỏi sân khấu chính trị. Trí thức phải là lực lượng tiên phong làm việc đó chứ không phải ai khác.
Để đất nước không rơi vào hoàn cảnh ‘tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa’ như hồi năm 1945, vừa đuổi được thực dân Pháp thì lại rước về một thứ còn tồi tệ hơn là Đảng cộng sản thì trí thức phải bỏ thời gian đọc, nghiên cứu và tìm hiểu các dự án chính trị của các tổ chức chính trị dân chủ. Phải phân tích và hướng dẫn cho người dân để họ nhận ra đâu là một dự án chính trị khả thi cho đất nước. Đa số người dân không có thời gian và kiến thức để làm việc đó. Sự thực thì các dự án chính trị không có nhiều ngoài Dự án chính trị đã được nhiều người biết đến là tài liệu Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Đó cũng chính là ‘giải pháp dân chủ đa nguyên’ mà chúng tôi đề nghị cho dân tộc Việt Nam.
Thế giới đang đứng trước một khúc quanh quan trọng để định hình lại trật tự thế giới. Làn sóng dân chủ thứ Tư sẽ tiếp tục dâng lên và quét đi các chế độ độc tài cuối cùng. Việt Nam sẽ không nằm ngoài dòng chảy đó của lịch sử. Người dân và trí thức Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần để đón nhận thời cơ và cùng nhau mở ra một trang sử mới cho dân tộc.
Việt Hoàng
(1/9/2022)