Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/09/2022

Chế độ cộng sản lập hiến !

Hoàng Quốc Dũng

Phiếm luận

Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà

Vào những thời điểm có các sự kiện lớn, thì ai ai, đâu đâu cũng nói về sự kiện đó. Thông thường tôi không có viết theo "chiều gió" vì các bài viết về sự kiện đầy ra, không cần thiết phải bổ sung. Nhân vụ này tôi nói về chế độ quân chủ và đề xuất một giải pháp…

laphien0

Vua chúa có lẽ đã có ngay từ thời có xã hội loài người, khi con người phải sống trong cùng một cộng đồng, phải cùng nhau để hái lượm, săn bắn, chống chọi với thiên nhiên và đấu tranh với kẻ thù. Vua là người lãnh đạo tối cao và có quyền lực vô biên.

Các chế độ vua chúa

Chế độ quân chủ là chế độ vua chúa thôi. Ban đầu, trên thế gian này, vua có quyền lực vô biên nên người ta gọi đó là chế độ QUÂN CHỦ TUYỆT ĐỐI và vì vua là con trời, ý vua ý trời, tức là người được làm vua là do ý của thần thánh, có liên quan đến tôn giáo nên người ta cũng gọi Quân chủ tuyệt đối là QUÂN CHỦ THẦN QUYỀN. Chúng ta hay nghe nói đến Quân Chủ Thần Quyền hơn là Quân Chủ Tuyệt Đối. 

Nhưng rồi xã hội loài người luôn phát triển, tiến bộ và văn minh hơn. Ngày càng có nhiều sự tham gia của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của đất nước… Trước sự lớn mạnh của các phong trào dân chủ, chế độ quân chủ thần quyền không còn phù hợp nữa và nó phải được thay thế bằng một chế độ khác. Tuy nhiên, chuyện vua chúa và tôn giáo nó có từ thời con người "khai sinh lập địa", nó là một thói quen, một sự hiện hữu có vẻ cần thiết cho đại đa số quần chúng. Chính vì vậy, Pháp là nước đầu tiên sinh ra chế độ QUÂN CHỦ LẬP HIẾN vào năm 1791. Đó là một dạng chế độ chính trị công nhận một ông vua như là một người đứng đầu nhà nước, nhưng có 1 hiến pháp giới hạn quyền lực của nhà vua. Trên thế giới hiện nay vẫn còn nhiều nước có chế độ Quân chủ lập hiến như Anh Quốc, Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ, Canada, Úc, Luxembourg, Hà Lan, Thái Lan, Mã Lai, Campuchia, Maroc…

Các chế độ quân chủ lập hiến hiện đại là các nền Quân Chủ nghị viện, có hệ thống tam quyền phân lập. Hiến pháp của các nước này giới hạn một cách khác nhau quyền lực của vua, do vậy vua của nước này có thể có quyền hơn vua của nước kia một tý, nhưng nói chung vua có rất ít quyền và chỉ còn là hình thức. Nói một cách rất hay là NHÂN DÂN LÃNH DẠO NHƯNG VUA VẪN TRỊ VÌ. Như vậy cũng tốt cả cho đôi bên. Quá đẹp.

Bước tiến của nhân loại đến Quân Chủ Lập Hiến là một bước đi rất tiến bộ, hợp tình hợp lý và vẫn đạt đến dân chủ.

Tuy nhiên để tiến tới dân chủ thì còn có cách khác, triệt để hơn, đó là cách bỏ hẳn chế độ quân chủ để chuyển sang nền CỘNG HÒA. Con đường này thông thường phải tốn nhiều máu và nước mắt vì khi bỏ vua đi thì phái bảo hoàng sẽ đấu tranh quyết liệt với nền cộng hòa để tái lập vua, gây ra nội chiến đẫm máu…

laphien1

Trở về với Việt Nam

Nói gì thì nói cũng vẫn phải nói về Việt Nam. Việt Nam đã rất là may mắn chuyển sang chế độ cộng hòa mà không đổ máu. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Vua Bảo Đại buộc phải thoái vị. Sau đó Vua Bảo Đại được vời ra Hà Nội để làm cố vấn cho chính phủ. Khi đi, vua Bảo Đại đã nghĩ rằng đó là cuộc chia ly cuối cùng của ông với hoàng tộc vì ông quá rõ về việc Lenin đã tàn sát một cách dã man toàn bộ gia đình hoàng tộc Nga, kể cả những người hầu hạ gia đình Nga Hoàng. Chỉ có mỗi một con chó được tha bổng. Cuối cùng thì Bảo Đại cũng không bị Hồ Chí Minh giết. Riêng chuyện này thì Hồ Chí Minh khôn hơn và nhân đạo hơn Lenin. 

Như vậy nước Việt Nam đã chuyển sang chế độ cộng hòa mà không có tắm máu. Đó là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam để đi về dân chủ. Nhưng rất tiếc chế độ thay thế chế độ quân chủ lại là chế độ cộng sản, kẻ thù số 1 của dân chủ (có thể ban đầu nhiều người cộng sản không biết chuyện này). Việt Nam đã trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu làm chết vài triệu người nhưng đó không phải là cuộc chiến của cộng hòa với bảo hoàng. Nó là một cuộc chiến ý thức hệ của các thế lực nước ngoài muốn gây ảnh hưởng ở Việt Nam.

Rất tiếc là chế độ cộng sản lại là người thắng cuộc nên dân chủ còn là một chuyện xa vời đối với Việt Nam. Thực tế là các lãnh đạo của chế độ hiện nay không phải không nhìn thấy các vấn đề độc quyền độc đoán của họ gây ra rất nhiều tổn thất cho đất nước : tham nhũng, dốt nát, lãng phí, mua quan bán chức, đạo đức suy đồi…

Họ cũng muốn thay đổi nhưng họ vẫn muốn giữ lại hình thức xã hội cộng sản và họ cũng vẫn muốn trị vì. Về phía nhân dân thì sao ? Các nhà đấu tranh dân chủ chỉ nằm ở nước ngoài hô hào từ mấy chục năm nay thì cứ mơ rằng toàn dân đã quá chán ghét cộng sản. Tôi xin khẳng định với quý vị rằng, dân ta trình độ chính trị rất thấp, kể cả những người có học và trải qua gần trăm năm cộng sản họ cũng quá quen và thậm chí vẫn còn rất rất nhiều người ca ngợi và ủng hộ chế độ cộng sản nói chung.

Nước Viet Nam ta hay có nhiều những cái quái gở. Chắc thêm một cái quá gở nữa cũng chẳng sao miễn là được việc. 

Tôi đề xuất chúng ta nên có sáng kiến như nước Pháp năm 1791 : Thay thế chế độ cộng sản chuyên quyền hiện nay bằng CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN LẬP HIẾN. Như vậy chẳng dung hòa cả mọi phía là gì. Nhân dân sẽ lãnh đạo và đảng vẫn trị vì.

Hoàng Quốc Dũng

(10/09/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Quốc Dũng
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)