Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

05/06/2017

Đa nguyên và nhất nguyên trong một tổ chức chính trị

Việt Hoàng

Đa nguyên là gì ? Đa là nhiều, còn Nguyên có nghĩa là  cái nguyên thể" (nhất nguyên). Đa nguyên tức là không  phải chỉ có một hệ tư tưởng duy nhất, mà phải chấp nhận có nhiều hệ tư tưởng khác nhau.

Trong bài viết này thì có thể hiểu một cách giản dị rằng "đa nguyên" là có nhiều quan điểm hay tư tưởng khác nhau, còn "nhất nguyên" là sự thống nhất trên một lập trường và quan điểm chung.

danguyen1

Đa nguyên tức là không  phải chỉ có một hệ tư tưởng duy nhất, mà phải chấp nhận có nhiều hệ tư tưởng khác nhau

Chúng ta hay nghe nói nhiều về đa nguyên, có người cho rằng đa nguyên là ai muốn nói gì hay làm gì cũng được vì như thế mới là… dân chủ. Thực ra điều này không phải lúc nào cũng đúng bởi vì đa nguyên phải được nhìn nhận trong một phạm vi rộng lớn hơn, ví dụ như đa nguyên trong bức tranh toàn xã hội. Còn trong một tổ chức (dù là tổ chức chính trị hay xã hội dân sự) thì lại khác, mỗi một tổ chức đều theo đuổi một lý tưởng riêng vì vậy một tổ chức chỉ là "một cái nguyên" trong rất nhiều "cái nguyên" khác. Từ "cái nguyên" của đảng cầm quyền cho tới những "cái nguyên" của các tổ chức chính trị đối lập hay các tổ chức xã hội dân sự khác đã và đang tiếp tục xuất hiện.

Trong một quốc gia luôn hiện hữu sự đa nguyên vì quốc gia là tập hợp của nhiều thành phần dân chúng với những khuynh hướng chính trị khác nhau như dân chủ, bảo thủ, xã hội, cộng sản, cộng hòa… Còn trong một chính đảng thì chỉ có một dự án chính trị (một tư tưởng và đường lối) duy nhất. Tinh thần đa nguyên trong một tổ chức thể hiện trong lúc thảo luận để quyết định cương lĩnh chính trị. Mọi người hoàn toàn tự do góp ý và thảo luận về nội dung của cương lĩnh chính trị nhưng khi đã soạn thảo xong cương lĩnh chính trị và sau khi đã biểu quyết thì mọi người đều phải tuân theo.

Trong một quốc gia dân chủ, đa nguyên tức là có nhiều chính đảng, nhưng trong một đảng chính trị thì chỉ có thể có một ban lãnh đạo chứ không thể có những "đảng con" trong đảng. Quốc gia là tập thể của những con người với những lập trường chính trị khác nhau. Nhưng Đảng (hay tổ chức chính trị) là tập thể của những người tự nguyện đến với nhau và cùng chia sẻ một lập trường chính trị chung. Việc Đảng cộng sản Việt Nam theo đuổi sự "nhất nguyên" là chủ nghĩa cộng sản và học thuyết Mác-Lênin, thật ra, đó là quyền của họ và sẽ không có gì đáng lên án nếu như họ chỉ giới hạn sự nhất nguyên đó trong tổ chức của mình. Họ bị lên án vì họ đã dùng bạo lực để áp đặt sự "nhất nguyên" của họ lên toàn thể dân tộc VN thay vì vận động và thuyết phục để được người dân chấp nhận.  

Bất cứ một tổ chức nào cũng phải cố gắng để đạt được sự đồng thuận chung, một tiếng nói chung, một suy nghĩ chung và cuối cùng là một hành động chung cho các thành viên của mình. Nếu một tổ chức mà trong đó các thành viên muốn nói gì thì nói và luôn phát biểu trái ngược với các lập trường căn bản của tổ chức thì đó không còn là một tổ chức nữa mà là một nhóm ô hợp. Cái nhất nguyên của tổ chức, tức là sự thống nhất trong tổ chức sẽ biến mất. Những tổ chức đó không sớm thì muộn cũng sẽ tan vỡ vì "ông nói gà, bà nói vịt", "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", người ngoài nhìn vào không thể hiểu được tổ chức đó muốn gì.

Nói như vậy không có nghĩa là trong tổ chức không cần sự đa nguyên, tức là sự khác biệt (quan điểm) nhưng sự đa nguyên đó phải có giới hạn, hay có thể gọi là "đa nguyên cục bộ" nghĩa là những khác biệt tương đối nhỏ và không đi ngược lại với những lập trường căn bản của tổ chức. Nếu một người có quan điểm khác biệt quá lớn với tổ chức thì tham gia vào tổ chức đó để làm gì ?

Tinh thần đa nguyên trong nội bộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn được tôn trọng và đề cao với phương châm "không có ý kiến nào là cấm nêu ra và không có chủ đề nào là cấm bàn đến". Mọi thành viên không nhất thiết phải hiểu và đồng ý với nhau 100% về Dự Án Chính Trị hay Qui Ước Sinh Hoạt (là hai tài liệu cơ bản và quan trọng nhất) của tổ chức. Chính vì thế mới có qui ước rằng "Ban lãnh đạo là cơ quan có thẩm quyền cao nhất để diễn giải Dự án Chính trị".

Mỗi thành viên trong một tổ chức phải luôn cố gắng làm cho "cái nhất nguyên" của tổ chức mình gắn kết để tạo nên sức mạnh và khi đó mới có thể đối phó được với nhiều "cái nhất nguyên" khác. Muốn vậy, các thành viên phải hiểu rõ cái gì khiến chúng ta đến với nhau ? Chúng ta phải tìm hiểu, thảo luận những giá trị mà chúng ta theo đuổi. Nếu không thống nhất được về tư tưởng và ngôn ngữ chúng ta sẽ suy yếu vì chia rẽ, không còn sinh lực để đối phó với đối thủ. Cũng đừng quên rằng lãnh đạo luôn là người thấu triệt tư tưởng của tổ chức và có trách nhiệm cao nhất với sự sống còn hay phát triển của tổ chức.

Sau này, nếu một tổ chức chính trị được người dân chọn lựa và trở thành đảng cầm quyền thì tổ chức đó sẽ phải đối mặt với rất nhiều phản biện từ các tổ chức đối lập, hay từ những trí thức độc lập trong môi trường tự do báo chí và ngôn luận. Người lãnh đạo của tổ chức chính trị cầm quyền sẽ bị ràng buộc bởi rất nhiều định chế phức tạp dưới chế độ dân chủ đa nguyên, chứ không thể tự tung tự tác như Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay. Nếu sau khi chế độ cộng sản cáo chung, đất nước lại phải chịu đựng một chế độ độc tài khác, thì nguyên nhân là từ những yếu tố khác, chứ không phải vì sự nhất nguyên, thống nhất và gắn kết trong một tổ chức.

Một tổ chức muốn đảm bảo cho sự thống nhất cái "nhất nguyên" của mình thì bắt buộc phải có một "tư tưởng chính trị" để gắn kết các thành viên lại với nhau. Mỗi người trước khi tham gia vào một tổ chức nào đó thì cần nắm rõ tư tưởng, đường lối và lộ trình tranh đấu của tổ chức đó. Nếu không thế thì sẽ sớm thất vọng, chán nản và mất phương hướng.

Một tổ chức muốn đảm bảo sự ổn vững trong nội bộ thì cũng cần phải có một bộ "qui ước sinh hoạt" mà các thành viên bắt buộc phải tuân thủ. Khi một người tham gia vào một tổ chức có nghĩa là người đó đã chấp nhận hy sinh ít nhiều tự do để có thể đứng trong khuôn khổ của tổ chức. Điều này đúng cả với trường hợp hôn nhân chỉ có hai người, ví dụ, một người đã kết hôn thì không thể đi sớm về khuya hay la cà, chung chạ hoặc qua đêm ở chổ khác như khi chưa có vợ. Mỗi tổ chức phải có những nguyên tắc của riêng mình nếu không tổ chức đó sẽ trở thành cái chợ. Nếu một người tham gia vào "hội những người thích uống bia" thì không thể suốt ngày kêu ca là uống bia đầy bụng, mà phải uống rượi mới đúng…

Trong một quốc gia thì luôn có rất nhiều sự đa nguyên khác nhau nhưng đa nguyên nào cũng có giới hạn và phải bị chế tài bởi luật pháp (sự nhất nguyên). Tự do của mỗi người dù được tôn trọng đến đâu cũng phải dừng lại khi sự tự do đó ảnh hưởng đến tự do của người khác. Ví dụ bạn không thể hát karaoke ầm ĩ tại căn hộ của bạn sau 10 giờ đêm vì hàng xóm của bạn cũng cần phải nghỉ ngơi.

Trong một xã hội dân chủ với tất cả sự đa nguyên của nó thì cũng cần đến một sự nhất nguyên (đã được thống nhất và đồng thuận trước đó). Ví dụ trước các cuộc bầu cử thì các đảng phái chính trị, thuộc mọi khuynh hướng khác nhau đều được tự do vận động và tranh cử nhưng cuối cùng đảng nào hoặc liên minh nào có số phiếu bầu cao nhất sẽ trở thành đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền là tổ chức chính trị duy nhất (nhất nguyên) có toàn quyền thực thi mọi chính sách và đề nghị trước đó cũng như quyền sử dụng mọi phương tiện để đạt được mục đích kể cả việc sử dụng bạo lực một cách hợp pháp. Các tổ chức thua cuộc phải chấp nhận làm đối lập và cần thay đổi để có thể giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tiếp theo. Không một xã hội dân chủ nào chấp nhận chuyện các đảng đối lập thua cuộc trong một cuộc bầu cử minh bạch mà lại không công nhận kết quả bầu cử và tự ý thành lập riêng một chính phủ khác. Mọi hành vi đảo chính, lật đổ một chính phủ dân cử đều là phi dân chủ và bất hợp pháp.     

Để cho nguyên tắc đa nguyên (tôn trọng sự khác biệt) thành công trong việc mang lại lợi ích chung, mọi thành phần trong cộng đồng đều phải đồng thuận về một hệ giá trị chung, và trong hệ giá trị đó, sự tôn trọng, bao dung và nhân nhượng lẫn nhau là quan trọng nhất. Khái niệm này đã và đang được dùng như là nền móng của dân chủ. Trong một tổ chức cũng vậy, muốn thành công thì phải có sự đồng thuận và thống nhất trên những giá trị chung của tổ chức. Mọi sự khác biệt cần trao đổi và phát biểu với tinh thần ôn hòa và tương kính. Một tổ chức dù bao dung và dân chủ đến đâu cũng không thể chấp nhận sự mạ lỵ, xúc phạm và tấn công cá nhân.

Mọi sự quá đáng đều trở nên vô nghĩa. Một ý kiến dù hay và tốt đến đâu nhưng nếu mang tính khiêu khích và xúc phạm thì đều sẽ không được đón nhận. Chế độ dân chủ chỉ vận hành được nếu mọi người tuân thủ đồng thuận, cam kết với một "luật chơi" được soạn ra một cách minh bạch từ trước. Chúng ta không thể lạnh lùng xé bỏ khế ước mà chính ta tự do lựa chọn, rồi nói rằng, như thế mới tự do và dân chủ.

Nếu không có LÒNG TIN mãnh liệt vào một tư tưởng chính trị lành mạnh và trong sáng, nếu không có LÒNG TIN vào tổ chức và người lãnh đạo của tổ chức mà mình tham gia, nếu không có đủ bản lĩnh và sáng suốt để nhận ra một kịch bản dẫn đến thắng lợi cuối cùng, nếu không có LÒNG TIN vào tương lai của đất nước…thì một người dù yêu nước, dũng cảm và nhiệt tình đến bao nhiêu đi nữa cũng sẽ nhanh chóng chán nản, thất vọng và bỏ cuộc.

Việt Hoàng

(05/06/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1904 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)