Trong cuộc viếng thăm quê hương sau 43 năm xa cách tôi có vài nhận xét tóm tắt sau đây.
Máy bay ghé Bangkok trước khi đến Sài Gòn. Nhà ga Bangkok huy hoàng bao nhiêu thì Tân Sơn Nhất thê thảm bấy nhiêu.
Quang cảnh hai thành phố khác hẳn nhau
Ga phi trường Bangkok
Bangkok ngăn nắp, sạch sẽ, xe gắn máy không nằm trên lề đường, vỉa hè ít khi bị chiếm để bày hàng. Nếu bị chiếm, bộ hành vẫn còn chỗ di chuyển thoải mái. Phố xá không đông nghịt người nhờ hệ thống tàu điện ngầm rất hiện đại.
Hai cao ốc ở đường Đồng Khởi
Sài Gòn khác hẳn : vỉa hè bị mọi người tự tiện chiếm để phơi bày la liệt hàng hóa. Xe gắn máy cũng để đầy trên đó. Tôi có cảm tưởng như thiên hạ đi vài bước cũng trèo lên xe gắn máy vì không thấy nhiều người đi bộ. Trên lòng đường đặc nghẹt đủ thứ loại xe chen lấn, không theo một quy luật nào cả. Lưu thông tắc nghẽn, vận chuyển hết sức chậm. Nói chung quang cảnh vô cùng lộn xộn. Hiện tượng ấy phản ảnh rõ ràng cách sinh hoạt của xã hội.
Vũng Tàu Nha Trang rất phát triển
Một nhà hàng ở Vũng Tàu
Bãi biển Nha Trang
Một vài nhận xét khác
- Chợ Bến Thành và chợ Đồng Xuân : không thay đổi.
- Đường Nguyễn Huệ : giữa hai làn xe là một quảng trường thênh thang sạch sẽ kéo dài từ trụ sở Ủy ban nhân dân (tòa Đô Chánh cũ) đến bến Bạch Đằng.
- Đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) : rất nhiều cao ốc lớn và cao hơn khách sạn Caravelle.
- Trường kiến trúc : dày đặc, hiện đại hơn xưa rất nhiều.
- Hồ Con Rùa : không còn "đồng tiền" trên chóp tượng đài.
- Ở Sài Gòn tôi không thấy cyclo nữa, ở Hà Nội thì vẫn còn.
Hà Nội phát triển hơn Sài Gòn
Cao ốc nhiều và lớn hơn. Gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ hơn Sài Gòn.
Hà Nội nhìn từ phòng ăn ở thượng từng một khách sạn
Trên đường đi Vũng Tàu từ Sài Gòn cũng như đi Bắc Ninh từ Hà Nội tôi không thấy nhà tranh. Tôi nghe nói phải đi đến gần biên giới Campuchia mới thấy. Ở ngoài Bắc, ngay thôn quê có rất nhiều khu nhà chọc trời nhìn thấy xa xa từ đường cao tốc, có lẽ đó là trung tâm các huyện lỵ.
Tôi có cảm tưởng chính quyền cộng sản dành ưu tiên phát triển vật chất cho miền Bắc.
Một điểm rất lạ : Thái Lan xuất khẩu gạo nhiều hơn Việt Nam. Nhưng nhìn từ đường cao tốc tôi thấy Thái Lan ít ruộng lúa hơn ở Việt Nam.
Một cảnh ruộng ở Thái Lan
Những nhận xét trên có thể không chính xác lắm vì đó chỉ là nhận xét nhanh từ bên ngoài.
Bussy Saint Georges ngày 12 tháng 9 năm 2022
Nguyễn Trọng Kha
************************
Sau đây là bài viết bổ sung của giáo sư kiến trúc sư
Nguyễn Ngọc Sơn, 28/09/2022
Về một vài nhận xét của Thầy sau chuyến thăm Việt Nam vừa rồi thì con xin nối thêm vài thông tin.
- Chợ Bến Thành : Đúng là chợ Bến Thành không đổi, chỉ có xung quanh chợ thay đổi.
Chợ Bến Thành mái đỏ bên trái. Cao ốc Spirit of Saigon đang được xây cất phía đối diện. Trung tâm metro cũng tương tự tại đầu công viên 23/9.
- Đường Nguyễn Huệ : Đúng là đường Nguyễn Huệ cũ đã thay đổi. Nay làn xe chạy 2 bên, giữa là quảng trường dài (có người gọi là phố đi bộ) kéo từ tòa Đô chánh cũ (Ủy ban Nhân dân ngày nay) đến bến Bạch Đằng. Vào dịp Tết Nguyên Đán thì nơi đây trở thành đường hoa. Một số dịp khác thì tập trung rất đông người như tổ chức sự kiện hoặc coi đá bóng.
Đoạn trước tòa Đô chánh cũ ngày nay. Đường hoa dịp Tết Nguyên Đán.
Đông người coi đá bóng qua các màn hình lớn.
- Đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) : Đúng là rất nhiều cao ốc, cao hơn khách sạn Caravelle trước đây rất nhiều.
Hình nhìn từ Bến Bạch Đằng nhìn ngược vào thành phố. Đường chính giữa hình là đường Đồng Khởi (Tự Do cũ). Đường bên trái hình là đường Nguyễn Huệ. Góc bên phải hình là công trường Mê Linh nay vẫn còn tượng Trần Hưng Đạo đứng chỉ tay.
- Trường Kiến Trúc : Tòa nhà cao nhất trường Kiến Trúc vẫn là tòa nhà xây cất năm 1970-1972 từ đồ án của Kiến trúc sư Trương Văn Long có sự hỗ trợ của Thầy Phạm Văn Thâng. Các dãy nhà thấp mái dốc thời Pháp không còn, thay vào đó là các khối nhà bê tông cao lớn hơn (nhưng vẫn thấp hơn tòa nhà 1970-1972).
Tổng thể Đại học Kiến Trúc trên đường Pasteur ngày nay. Ngoài cơ sở này, ngay nay Đại học Kiến Trúc còn có thêm các cơ sở tại đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng xưa) gần trường hiện tại, Thủ Đức, Cần Thơ, Đà Lạt vì quy mô mở rộng và nhiều ngành (Thầy Trần Phong Lưu có viết trong bài dấu chân kỷ niệm).
- Hồ Con Rùa : Đúng là không còn đồng tiền trên đỉnh. Tương lai có thể sẽ được quy hoạch thành phố đi bộ cho khu vực này.
Hồ Con Rùa năm 1967.
Hồ Con Rùa ngày nay, có sự thay đổi ở đỉnh tháp.
Đỉnh tháp Hồ Con Rùa ngày nay.
Kính thơ,
(Nguyễn Ngọc) Sơn
(28/09/2022)