Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

08/01/2023

10 sự kiện nổi bật của thế giới năm 2022

Duy Quang

Chúng ta đã từ giã những ngày cuối cùng của năm 2022, một năm đầy biến động với rất nhiều những lằn ranh đỏ đã bị vượt qua. Cả thế giới hồi hộp quan sát những sự kiện có thể dẫn đến một bước ngoặc về các hành động quân sự, chính trị có thể kéo theo sự tham dự của rất nhiều các quốc gia. Những quyết định đã được định hình trong năm nay sẽ ảnh hưởng đến cách vận hành của thế giới trong nhiều năm sau. Tương quan lực lượng giữa hai phe độc tài và dân chủ được thể hiện một cách rõ nét và chắc chắn không thể đảo ngược.

Nếu cần phải đặt ra tiêu đề cho bức tranh toàn cảnh của thế giới năm 2022 thì có hai chủ đề lớn :

- Sự rã rượi và suy thoái của các chế độ độc tài.

- Sự xét lại và chấm dứt phong trào toàn cầu hóa xô bồ, duy lợi nhuận mà thế giới đã theo đuổi từ 40 năm qua.

Hệ quả của hai vấn đề này là nó gây ra thêm nhiều khó khăn cho những người dân không may mắn dưới các chế độ độc tài vì tình trạng suy thoái kinh tế tại các nước phát triển, lạm phát và thiếu hụt hàng hóa do tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Những xét lại luôn luôn đau nhức nhưng nó là cần thiết để thế giới tiến bộ, văn minh hơn.

1. Cuộc chiến Putin gây ra tại Ukraine

Ngày 24/02/2022 quân đội Nga dưới sự chỉ huy tối cao của Putin đã ồ ạt tiến vào Ukraine qua biên giới Nga, Belarus và Crimea. Hành động này được Putin gọi tên là "hiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm "phi phát xít hóa Ukraine" và "bảo vệ người nói tiếng Nga tại Ukraine". Cả thế giới bàng hoàng vì chính quyền Putin đã vi phạm trắng trợn công ước quốc tế, một cuộc chiến hoàn toàn phi nghĩa vì cả hai lý do Putin đưa ra đều rất ngang ngược và vô lý : Chính quyền Ukraine là một chính quyền dân chủ, bản thân tổng thống Ukraine là người Do Thái, một nửa dân số Ukraine nói tiếng Nga vẫn đang sống yên ổn tại Ukraine và không một bằng chứng về sự phân biệt nào giữa người nói tiếng Nga và Ukraine được Nga đưa ra.

Trái với kỳ vọng kiểm soát thủ đô Kyiv trong vòng một tuần lễ, quân đội Nga đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của người Ukraine, ngoài một thiểu số thuộc chính quyền tự xưng được nuôi dưỡng và hậu thuẫn từ Nga tại các vùng Donesk và Luhansk không một ai chào đón binh lính Nga bằng bánh mì và hoa hướng dương như Putin mong đợi. Thay vào đó là Javelin, Stinger, Himas... dội xuống đầu quân Nga. Sự vượt trội về quân số và vũ khí không thể thắng được sự đồng thuận của một dân tộc đã đoàn kết lại. Quân đội Nga bị sa lầy tại Ukraine và kinh tế Nga ngày càng kiệt quệ bởi chi phí cho cuộc chiến và các lệnh trừng phạt kinh tế dày đặc từ các nước phương Tây.

Thực tế cuộc chiến đã hoàn toàn trái ngược với những gì Putin mong đợi, thay vì tuyên bố ngang ngược như lúc bắt đầu tấn công Ukraine, Putin tuyên bố cuộc chiến này để "bảo vệ không gian sinh tồn của Nga" trước phương Tây – một lần nữa lại là một ngụy biện vì chính Putin và kho vũ khí, đầu đạn hạt nhân của ông ta mới là sự đe dọa cho sự hòa bình và ổn định của thế giới. Cũng như các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã dân chủ hóa và gia nhập Nato : Latvia, Litva, Slovakia... nếu nước Nga chấp nhận dân chủ hóa thì cuộc sống nhân dân Nga hoàn toàn có thể tốt hơn nhiều lần dưới chế độ độc tài của Putin.

Có nhiều giả thiết về việc tại sao Putin lại đưa tới một quyết định như vậy. Điều này hiện tại chỉ mình Putin có câu trả lời nhưng chúng ta có thể khẳng định chắc chắn đó không phải là vì nhân dân Nga như ông ta tuyên bố. Vì một lý do không lấy gì là quảng đại, cuộc chiến Putin gây ra đã gây ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ nặng nề trên toàn thế giới, là nguyên nhân chính của đợt khủng hoảng lạm phát lớn nhất xảy ra kể từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008. Ngăn cản Ukraine xuất khẩu lương thực, Putin đã làm nghiêm trọng thêm nạn đói tại các nước Châu Phi. Còn tại Ukraine, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, thường dân bị trở thành mục tiêu của hỏa tiễn Nga. Thế giới sẽ không bao giờ quên tội ác mà quân đội Nga gây ra với dân thường tại Bucha, Mariupol, hàng ngàn thường dân trong đó có cả phụ nữ, người già và trẻ em đã bị thiệt mạng.

Nước Nga cũng không khá hơn, hơn một trăm ngàn thanh niên đã vĩnh viễn nằm lại nơi mà họ không thể ngờ được là sẽ phải chiến đấu và bỏ mạng. Nền kinh tế chiếm 1,5% tỉ trọng kinh tế thế giới vốn đang trên đà suy thoái chịu áp lực nặng nề bởi chi phí cho cuộc chiến. Trái với Nga, Ukraine sẽ được thế giới hỗ trợ để tái thiết đất nước, còn nhân dân Nga không có may mắn như vậy, vì Putin. Càng kéo dài cuộc chiến này, nước Nga càng kiệt quệ. Không có một dấu hiệu nào cho thấy Putin quan tâm đến điều đó. Một tương lai rất ảm đạm đang chờ đợi nước Nga ở phía trước.

quang2

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga là sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong năm 2022 - Ảnh minh họa :Khói đen bốc lên từ đám cháy trên cây cầu Kerch nối Crimea với Nga sau một vụ nổ ngày 9/10/2022. AFP qua Getty Images

2. Sự thách thức vai trò lãnh đạo của chế độ thần quyền Iran

Sau cái chết của cô gái 22 tuổi Mahsa Amini bị đội cảnh sát đạo đức bạo hành do không đeo khăn trùm đầu, cả đất nước Iran rung động. Giọt nước cuối cùng cũng tràn ly, hàng ngàn người xuống đường biểu tình bất chấp súng và lựu đạn hơi cay. Họ hô vang khẩu hiệu "Cái chết cho những kẻ độc tài", "Phụ nữ, cuộc sống, tự do". Những khẩu hiệu này thách thức chính những điều luật hà khắc của các điều luật hồi giáo – thứ duy nhất đem lại tính chính danh cho sự cầm quyền của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Những cuộc biểu tình bắt đầu từ giữa tháng 9/2022 và không có dấu hiệu dừng lại.

Thái độ của người dân Iran là không khoan nhượng trước chính quyền Ali Khamenei. Sự thách thức, phản kháng đến từ tất cả các tầng lớp trong xã hội : các cầu thủ bóng đá, giới điện ảnh… Một kỳ thủ cờ vua, một người dân Iran đã lựa chọn tự sát để thể hiện thái độ không khoan nhượng của người dân. Những đe dọa bằng vũ lực và cả những nhượng bộ nhỏ của chính quyền như giải tán đội cảnh sát đạo đức không thể làm suy yếu quyết tâm của người dân. Người dân Iran đã có một đồng thuận dân tộc lớn : Chế độ này cần thay đổi. Họ sẽ không dừng lại khi chưa đạt được mục đích đó.

3. Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX – Tập Cận Bình tiếp tục tại vị

Trung Quốc là một quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về tỉ trọng kinh tế, nhưng khác với các mô thức của các quốc gia dân chủ, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc có quyền lực và tầm ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều lần so với bất kỳ một lãnh đạo hành pháp nào trên thế giới. Vì vậy hội nghị Đảng cộng sản Trung Quốc tự nhiên có tầm quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến thế giới. Dù không trái với dự đoán về một kết quả đã được báo trước nhưng Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX cho chúng ta thấy một góc nhìn rất khác về Trung Quốc : một quốc gia bế tắc và khủng hoảng.

Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, không một vấn đề mới được nêu ra, ngay cả cuộc chiến Nga gây ra tại Ukraine ảnh hưởng thế nào đến trật tự thế giới cũng không được bàn đến. Xuyên suốt hội nghị là những vấn đề nhàm chán dựa trên những ảo tưởng đã được thêu dệt từ trước : định hướng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, sự thành công hão huyền của chiến lược Zero Covid, khẳng định lập trường không đổi của Trung Quốc với Đài Loan là sẽ sát nhập bằng mọi giá bằng mọi phương tiện. Dự án "vành đai và con đường" vốn là định hướng cho sự phát triển của Trung Quốc đã không còn được nhắc tới. Tất cả những thành tích mà Đảng cộng sản Trung Quốc nêu ra chỉ là viển vông, ngay cả việc có vẻ thực tế nhất là sát nhập Đài Loan cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là điều không thể. Trung Quốc bế tắc nên chỉ có thể nuôi ảo tưởng !  

Điểm nhấn quan trọng của hội nghị Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX có lẽ là hình ảnh cựu chủ tịch Trung Quốc - Hồ Cẩm Đào bị lôi ra khỏi phòng họp trong khi đang cố gắng để phát biểu điều gì đó. Ngoài mục đích chính trị để khẳng định thêm vai trò độc tôn của Tập Cận Bình việc làm này còn khắc họa rõ nét chân dung của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chính Hồ Cẩm Đào là người đã đưa Tập Cận Bình từng bước lên đỉnh cao quyền lực.

dh20-1

Trung Quốc đã không còn có thể che dấu sự khủng hoảng của mình - Ảnh minh họa : Cựu chủ tịch Trung Quốc - Hồ Cẩm Đào bị lôi ra khỏi phòng họp ngày 22/10/2022 trong khi đang cố gắng để phát biểu điều gì đó. AFP.

Đội ngũ nhân sự được xây dựng xung quanh nhà lãnh đạo Trung Quốc – các ủy viên Bộ Chính Trị hoàn toàn được thay thế bởi những người không hề có thành tích nổi bật. Thay vì những lãnh đạo kỹ trị như Uông Dương, Lý Khắc Cường… đội ngũ nhân sự được thay thế bởi các thành viên bảo thủ và trung thành. Những thiệt hại nặng nề về kinh tế do các chính sách gây hấn với thế giới, áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, đe dọa dùng vũ lực để cưỡng chiếm Đài Loan đã làm tốc độ tăng trưởng Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng. Biểu hiện ra bên ngoài là sự phá sản của nhiều công ty địa ốc lớn EverGrande, Shimao, Fantasia, Kaisa... Một thống kê cho thấy có đến hơn 20% số người trẻ ở Trung Quốc không có việc làm. Nền kinh tế Trung Quốc là một quả bóng âm ỉ chực chờ phát nổ. Ngay lúc này Tập Cận Bình cần những người trung thành với ông ta để đối phó với nguy cơ đã hiện hữu.

4. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ Sri Lanka vỡ nợ

Sau những đòi hỏi về việc giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu, khí đốt, điện, lương thực không được giải quyết từ tháng Tư, sau nhiều ngày bao vây phủ Tổng thống, ngày 09/07 Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã bỏ trốn sang Maldives trên một máy bay quân sự. Người dân bất mãn tràn vào phủ Tổng thống chiếm giữ trong vòng 2 ngày trước khi bị chính quyền do tổng thống tạm quyền Ranil Wickremesinghe dập tắt. Sự lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc thông qua các khoản cho vay để đầu tư xây dựng đã khiến nền kinh tế nước này trở thành bất ổn. Nợ vay ngày càng lớn do tham nhũng nặng nề là nguyên nhân xảy ra bất mãn xung đột với chính quyền. Đó là một cuộc phản kháng dân sự để đòi hỏi những điều kiện rất thực tế trước mắt, tuy vậy phong trào này đã nhanh chóng bị phân rã và dập tắt.

Điều ngạc nhiên gây ra cho thế giới là tại sao dưới sự bảo trợ của Trung Quốc mà một quốc gia có trọng lượng kinh tế không đáng kể như Sri Lanka lại có thể vỡ nợ ? Sri Lanka tuy nhỏ bé nhưng cũng là một thành viên của Liên Hợp Quốc, có quyền biểu quyết trong nhiều vấn đề mà Trung Quốc cần đến sự ủng hộ. Hơn ai hết, trong lúc này Trung Quốc cần đồng minh để tạo đối trọng với thế giới. Trung Quốc đã không tiếc tiền để mua ảnh hưởng về mặt chính trị thông qua dự án ‘vành đai và con đường’, tại sao họ lại bỏ mặc Sri Lanka trong lúc này ? Điều đơn giản có thể giải thích là chính Trung Quốc cũng đang gặp những vấn đề rất lớn đến mức không thể tự lo cho bản thân. Sri Lanka mất chỗ dựa và vỡ nợ.

Nói đến Sri Lanka không thể không quên nhắc đến Lào, một quốc gia có nhiều điểm chung với Sri Lanka. Một cuộc khủng hoảng không thể trả lãi vay đã xảy ra và Lào đã trên bờ vực vỡ nợ. Tương lai của Sri Lanka rất có thể là tương lai của Lào nếu quốc gia này không thay đổi chính sách chỉ phụ thuộc Trung Quốc.

5. Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên chính thức của NATO

Từ trước đến nay, Phần Lan và Thụy Điển luôn giữ thái độ trung lập đối với Nga. Hai nước tuy là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu không tham gia tổ chức hiệp ước NATO. Tuy vậy cuộc xâm lược của Putin đã đe dọa đến sự ổn định của khu vực khiến hai quốc gia này thay đổi quan điểm đối với Nga. Việc gây chiến một cách phi nghĩa là một mối đe dọa quá lớn đối với họ. Quyết định gia nhập NATO cho thấy thái độ dứt khoát không khoan nhượng với các chế độ độc tài. Quân đội của NATO sẽ có mặt tại biên giới Phần Lan chỉ cách thành phố lịch sử Saint Petersburg chưa đến 200 km. Điều đáng chú ý là Putin không hề có động thái nào trước quyết định này của Phần Lan, một lần nữa tố cáo lý do Putin đem quân xâm lược Ukraine để "bảo vệ không gian sinh tồn của người Nga" chỉ là ngụy biện.

Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt lớn về tư duy và thái độ của Liên Âu với các quốc gia độc tài. Nó chấm dứt một ảo tưởng có thể sống chung một cách hòa bình với Nga và Trung Quốc thông qua việc hợp tác về kinh tế có thể dần ảnh hưởng đến chính trị để thay đổi các quốc gia độc tài theo chiều hướng cởi mở, dân chủ hơn. Cùng với quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, các nước Litva, Latvia, Estonia đã rời bỏ nhóm hợp tác Trung Quốc – Trung Đông Âu. Tuần trăng mật của các chế độ độc tài đã kết thúc.

6. Chủ tịch hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan

Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặc lịch sử trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Đài Loan. Lần đầu tiên kể từ khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc có một lãnh đạo cấp cao của Mỹ đến thăm Đài Loan. Chuyến đi này khẳng định thêm quyết tâm của Mỹ bảo vệ Đài Loan trước sự đe dọa của Trung Quốc. Một cách gián tiếp công nhận chủ quyền của Đài Loan. Sự hung hăng của Trung Quốc trước chuyến viếng thăm này chỉ càng thể hiện thái độ bất lực của Bắc Kinh trước quyết tâm độc lập của một đảo quốc nhỏ bé.

22-3

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nansy Pelosi đến thăm Đài Loan trong hai ngày 2 và 3/8/2022 là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Trung Quốc..Ảnh Wikipedia

7. Trung Quốc và đại dịch Covid 19

Kể từ cuối năm 2021, thế giới đã bước qua đại dịch Covid 19 trừ Trung Quốc. Bất chấp mọi khuyến cáo của các chuyên gia và kinh nghiệm của các quốc gia về phòng chống dịch Covid 19, Trung Quốc vẫn tiến hành chính sách Zero Covid : phong tỏa và kiểm soát các ca nhiễm bệnh. Điều này đã được Tập Cận Bình tự hào như một thành tích trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân, chứng tỏ sự ưu việt của chế độ mà Đảng cộng sản Trung Quốc theo đuổi. Những ca nhiễm lẻ tẻ xuất hiện ở khắp nơi cùng với đó là những hàng rào cách ly vừa dỡ bỏ lại được dựng lên, liên tục xét nghiệm và truy vết trên quy mô rộng lớn. Hệ quả của chính sách cách ly này là sản xuất bị đình trệ, hàng loạt các nhà máy buộc dừng sản xuất khi xuất hiện ca bệnh. Công xưởng của thế giới bị tắc nghẽn gây thiếu hụt hàng hóa trên quy mô thế giới.

Cách mỗi quốc gia hành xử với đại dịch nói riêng và các vấn đề xã hội nói chung đã phơi bày mặt trái của toàn cầu hóa. Việc phân rã và chia nhỏ dây chuyền sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu giá rẻ ở bất cứ đâu trên thế giới khiến sản xuất dễ bị tổn thương khi bất ổn xảy ra tại bất kỳ một quốc gia sở hữu dây chuyền hoặc nguồn nguyên liệu đó. Một làn sóng di chuyển sản xuất về gần hơn với tiêu thụ đã diễn ra tại Trung Quốc. Các quốc gia không tôn trọng cùng một hệ giá trị cũng không còn là điểm đến của các chuỗi sản xuất. Thay vì lựa chọn Việt Nam các nhà máy này đã lựa chọn Ấn Độ, Indonesia.

8. Thủ tướng Anh – Boris Johnson từ chức

Đối mặt với suy thoái kinh tế và lạm phát thất nghiệp chưa từng có, ngày 07/07/2022 thủ tướng Anh Boris Johnson đã buộc phải từ chức. Sau sự kiện đó là một loạt những hỗn loạn xảy ra trong chính trường Anh : Thủ tướng tân nhiệm Liz Trust từ chức sau 44 ngày đảm nhiệm chức vụ. Từ một trung tâm kinh tế, tài chính của Liên Âu, Anh đã đánh mất vị trí quan trọng đó sau quyết định Brexit.

Brexit của nước Anh thực chất là từ bỏ trách nhiệm của mình với Liên Âu để cố gắng phát triển kinh tế dựa vào toàn cầu hóa một cách duy lợi nhuận. Sau sự kiện này, nước Anh và phương Tây cũng phải đánh giá lại mối tương quan giữa vai trò và vị thế của các nước phát triển và các nước kém phát triển hơn. Nghĩa là xét lại toàn cầu hóa xô bồ duy lợi nhuận.

9. Thắng lợi của Lula da Silva trước tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro

Cựu tổng thống Brasil Jair Bolsonaro là người luôn bài bác các ý kiến của các chuyên gia trong việc xử lý đại dịch Covid 19, ngăn cản việc tiêm vaccine và các biện pháp giãn cách xã hội. Cùng với Donald Trump, Bolsonaro cũng được biết đến như là một chính trị gia dân túy. Việc né tránh và đánh lạc hướng người dân khỏi những vấn đề khó khăn như Covid 19 của các tổng thống dân túy đã thể hiện sự kém cỏi và đã mang lại kết quả tồi tệ. Tỉ lệ người nhiễm và tử vong do Covid 19 tăng vọt và không thể che đậy trước truyền thông. Thất bại của Donald Trump và Bolsonaro như là một chỉ dấu cho thấy thế giới đã nhận ra sự nguy hiểm mà các chính trị gia dân túy mang lại.

10. Hội nghị khí hậu COP27 bế tắc, những cam kết khó có thể thực hiện

Năm 2022 đánh dấu một năm kinh hoàng về các hiện tượng thời tiết cực đoan : Đợt nắng nóng khủng khiếp ở Châu Âu diễn ra vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 làm hơn 1000 người chết. Nắng nóng và hạn hán kỷ lục tại Trung Quốc khiến nhiều dòng sông trơ đáy, lũ lụt khiến một phần ba nước Pakistan chìm trong nước và gần đây là trận bão tuyết kỷ lục xảy ra ở Mỹ. Theo báo cáo chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) nếu giữ đà phát thải khí nhà kính như hiện nay, đến năm 2100 nhiệt độ trái đất sẽ tăng ít nhất 2,6 độ C. So với trước thời kỳ công nghiệp nhiệt độ trái đất hiện nay đã tăng 1,2 độ C và chúng ta đã có thể cảm nhận thấy sự thay đổi ngày càng cực đoan của các thảm họa tự nhiên. Tăng 1,5 độ nhân loại sẽ rất khó xoay sở, tăng 2 độ đã là đại thảm họa.

Vào giờ chót, bản tuyên bố chung được ký kết : Duy trì mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng tối đa 1,5 độ C đến năm 2100 và quốc tế đồng ý lập quỹ đền bù thiệt hại cho các quốc gia là nạn nhân của hiện tượng trái đất bị hâm nóng. Một cam kết được 1000 nhà khoa học cảnh báo là rất khó có thể trở thành hiện thực và gặp phải trở ngại lớn là Trung Quốc – quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới luôn đi ngược lại các hứa hẹn về cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Những sự kiện quan trọng xảy ra trong năm 2022 như là khởi đầu cho sự thay đổi lớn cho thế giới mà kết quả còn đang chờ đợi phía trước. Thế giới trong những năm sau này sẽ rất khác bởi các tương quan sức mạnh giữa hai cực đã rõ ràng. Những khó khăn mà thế giới đã trải qua trong năm 2022 sẽ một hệ quả đau nhức mà mỗi quốc gia cần xét lại để tiến bộ và văn minh hơn.

Năm 2023 đang được chờ đợi để thế giới bắt đầu bình phục sau cơn bạo bệnh.

Duy Quang

(8/1/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Duy Quang
Read 892 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)