Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

22/01/2023

Chúng ta có quyền tin vào tương lai đất nước

Việt Hoàng

Từ 2500 năm trước đã xuất hiện những nhà tư tưởng chính trị và triết gia đầu tiên của loài người mà tiêu biểu nhất là các triết gia Hy Lạp nổi tiếng như Socrates, Plato, Aristotle, Epicurus… Sau đó 500 năm, vào đầu thế kỷ thứ nhất, xuất hiện một nhà ‘tư tưởng chính trị lớn’ đó là Giêsu-Kitô, người sáng lập Kitô giáo. Dù vậy phải đợi đến cuối thế kỷ 17 và xuyên suốt thế kỷ 18 thì mới xuất hiện một trào lưu tư tưởng rộng lớn khắp Châu Âu.

Thế Kỷ Ánh Sáng là tên gọi mà thế giới đặt tên cho giai đoạn nở rộ các luồng tư tưởng chính trị này. Kết quả của giai đoạn bùng nổ về tư tưởng chính trị là hai cuộc cách mạng, Cách mạng Mỹ (1776) và Cách mạng Pháp (1789). Các chế độ thần quyền bắt đầu phải rút lui vào lịch sử, nhường chỗ cho những nhà nước dân chủ đầu tiên trên thế giới.

Xung đột giữa cái cũ và cái mới là đương nhiên, hậu quả đã rất đẫm máu bởi hai cuộc thế chiến I và II. Phải đến tận năm 1948 thì loài người mới nhìn nhận đầy đủ về các quyền căn bản của con người với việc Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua bản Tuyên Ngôn Phổ Cập về Quyền Con Người. khoảng 1/3 các nước trên thế giới đã thiết lập được dân chủ nhưng chiến tranh Lạnh vẫn tiếp tục bởi cuộc đối đầu giữa các nước dân chủ non trẻ với hai cường quốc độc tài cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc.

Ngày 9/11/1989 bức tường Berlin sụp đổ và hai năm sau, ngày 26/12/1991 Liên Bang Xô Viết chính thức tan rã. Không ít các nhà tư tưởng Phương Tây hồ hởi và lạc quan khi cho rằng ‘quá trình tiến hóa tư tưởng của loài người và sự phổ quát hóa của dân chủ tự do phương Tây với tư cách là thể thức cuối cùng của lịch sử đã kết thúc’ (Francis Fukuzama, "Sự cáo chung của lịch sử? The End of History ?"). Thực tế nước Nga đã thất bại trong việc chuyển hóa đất nước về dân chủ do thiếu vắng một tầng lớp trí thức chính trị. Kết quả là sự hình thành một nhà nước độc tài – maphia do Putin đứng đầu và hiện đang lao đầu vào một cuộc chiến hủy diệt với Ukraine.

nixon

Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Mao và tổng thống Mỹ, Richard Nixon năm 1972 đã mở ra cánh cửa thế giới cho Trung Quốc.

Trung Quốc sau những đổ vỡ bởi Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt khiến hàng chục triệu người chết, Mao Trạch Đông đã lấy quyết định chung sống hòa bình và hợp tác với Mỹ và phương Tây. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Mao và tổng thống Mỹ, Richard Nixon năm 1972 đã mở ra cánh cửa thế giới cho Trung Quốc. 50 năm sau, nhờ hợp tác và giao thương với thế giới mà Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên sự phát triển của Trung Quốc đã không đi cùng với sự thay đổi về chính trị như kỳ vọng của thế giới, Trung Quốc vẫn duy trì một nhà nước độc tài cộng sản cứng rắn. Khi chính trị không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội thì khủng hoảng sẽ là tất yếu.

Năm 2022 vừa trôi qua là một năm đầy biến động cho thế giới với cuộc ‘tiểu thế chiến’ giữa Nga và Ukraine. Cuộc chiến này sẽ thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới. Chưa bao giờ các nước dân chủ lại đoàn kết như vậy và chưa bao giờ họ có một thái độ rõ ràng với các chế độ độc tài như vậy. Việc cam kết ủng hộ Ukraine đến cùng trong việc đánh bại nước Nga và quyết định rời bỏ Trung Quốc là những minh chứng cho sự kết thúc ‘tuần trăng mật’ giữa các nước dân chủ và độc tài.

Có nhiều khả năng là Nga sẽ thất bại trong năm 2023 tại chiến trường Ukraine và Trung Quốc sẽ bắt đầu rơi vào khủng hoảng trên diện rộng. Làn sóng dân chủ thứ Tư tiếp tục tăng tốc. Việt Nam sẽ không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của làn sóng này vì Việt Nam vẫn là một nước độc tài và kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu vào thế giới.

Chỉ 5 ngày trước Tết nguyên đán 2023, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bị loại bỏ hết các chức vụ đang nắm giữ. Điều này diễn ra sau khi hai ông phó thủ tướng, trong đó có ông phó thủ tướng thường trực là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị cách chức. Các cuộc thanh trừng báo hiệu một năm mới đầy bão tố trong lòng nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này không có gì lạ, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định, một tổ chức chính trị chỉ có thể duy trì và tồn tại dựa trên những đồng thuận chính trị. Khi không còn đồng thuận và lý tưởng chung thì bế tắc và khủng hoảng là tất yếu.

nixon2

Việc chủ tịch nước và hai phó thủ tướng cùng bị cách chức là một việc chưa từng xảy ra trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam. Nó báo hiệu một tương lai đầy bất trắc và sóng gió cho Đảng cộng sản.

Đây cũng là 1 trong 4 điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng dân chủ :

1. Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.

2. Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.

3. Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

4. Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn cho Việt Nam. Các nguồn đầu tư nước ngoài sẽ giảm sút và bong bóng bất động sản có thể vỡ bất cứ lúc nào. Đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc, họ không còn bất cứ giải pháp nào cho đất nước, thậm chí ngay cả cho chính họ. Phong trào dân chủ Việt Nam cũng đã dần dần đi vào thực chất, những tiếng nói ồn ào nhằm mục đích gây tiếng vang của các nhân sĩ đã dần lắng xuống, nhường nhỗ cho những ý kiến đúng đắn và có chiều sâu.

Tụt hậu lớn nhất của Việt Nam là tụt hậu về tư tưởng chính trị. Cho đến giờ nhiều trí thức vẫn không phân biệt được giữa ‘trí thức khoa bảng’ và ‘trí thức chính trị’. Một bác sĩ nha khoa là có toàn quyền phát biểu về chính trị và người nói quan trọng hơn lời nói. Nhiều trí thức khoa bảng vẫn còn mang nặng tinh thần Khổng Minh, họ cho rằng chính quyền và các tổ chức chính trị phải tìm đến họ, cầu cạnh họ, mời họ ra làm việc, giao cho họ những chức vụ và trọng trách quan trọng chứ tự họ không bao giờ chủ động tìm đến với các tổ chức, dấn thân phục vụ cho một lý tưởng lại càng không. Họ cho rằng xã hội cần đến họ chứ họ không có trách nhiệm và bổn phận gì với bất cứ ai, kể cả với tổ quốc.

Điều đáng mừng cho Việt Nam là ‘tư tưởng chính trị’ của người Việt đã được khai thông, trong đó có sự đóng góp đáng kể của anh chị em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong 40 năm qua. Chúng ta đã tiến những bước rất lớn về tư tưởng chính trị. Đúng như ông Nguyễn Gia Kiểng nhận định trong bài viết ‘Trước thềm năm mới 2023’ :

‘Phải nói là dân trí Việt Nam và văn hóa chính trị Việt Nam đã thay đổi hẳn trong vài thập niên và chúng tôi đã góp phần chính cho bước tiến quyết định này, bước tiến mà trong lịch sử thế giới các dân tộc tiến bộ nhất cũng cần hàng thế kỷ. Trong lịch sử Việt Nam đã có triều đại nào, tổ chức nào tạo được một bước nhẩy vọt văn hóa lớn và lành mạnh như thế ? Chúng tôi đã đóng góp tích cực cho thành quả vĩ đại này mà không hề phản bội và lừa dối ai, không hề gây ra bất cứ thiệt hại nào cho bất cứ ai. Chúng ta, những người dân chủ Việt Nam, đã thắng lớn về mặt tư tưởng và trong chính trị một thắng lợi về tư tưởng bao giờ cũng trở thành thắng lợi chính trị, chỉ còn vấn đề thời gian’.

Đó cũng là lý do để chúng ta có quyền và lạc quan tin vào tương lai của đất nước.

Xin chúc mừng năm mới tất cả mọi người.

Việt Hoàng

(22/01/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1044 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)