Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

21/04/2023

Ngày hòa giải

Trần Khánh Ân

Chúng ta đang ở giữa những ngày không giải thoát được của lịch sử. Một gánh nặng với mọi người Việt Nam – vết thương ngày 30/4. Dù vài năm trở lại đây Đảng cộng sản đã giảm đi sự huênh hoang khi tổ chức ăn mừng ngày chiến thắng đồng bào mình bằng những khẩu hiệu rỗng nghĩa, nhưng ký ức đau buồn ngày 30/4 vẫn còn đó bởi vì nó chưa được giải quyết một cách thành thực. Lịch sử đã bị bóp méo, tẩy xóa, chắp vá, lịch sử là những gì có lợi cho Đảng cộng sản, khiến cho người Việt Nam mệt mỏi với lịch sử Việt Nam, rồi thờ ơ luôn đất nước Việt Nam.

hoagiai1

Vùng kinh tế mới : theo phương thức sau năm 1975 thì mỗi hộ được phát 500m2 "đất sản xuất" để tự túc trồng trọt lương thực. Trên mảnh đất đó, người dân được quyền canh tác theo ý muốn sau khi đã đóng góp 8 giờ mỗi ngày cho hợp tác xã. Chính phủ sẽ giúp đỡ trong 6 tháng đầu, sau đó mỗi gia đình phải tự túc… trốn về thành phố

Cho tới ngày hôm nay, lịch sử cận đại của chúng ta là một lịch sử bịp bợm, lịch sử sai lầm. Không những chúng ta đã không rút ra được bài học nào mà còn rút ra những bài học độc hại. Thà không có trí nhớ còn hơn là một trí nhớ bịp bợm, tô vẽ, thêu dệt. Ở Việt Nam, thế hệ sau dường như không biết gì cả về lịch sử của đất nước mình. Nhất là từ sau cách mạng tháng 8/1945 cho tới ngày 30/4/1975, Đảng cộng sản đã thi hành nhiều tội ác với chính đồng bào mình : tiêu diệt và hành hạ những người không tán thành chủ nghĩa cộng sản. Trước kia Sài Gòn là thành phố phát triển nhất vùng Đông Nam Á. Thành phố đẹp nhất, giàu có nhất, sung túc nhất, khi đó người ta gọi là Hòn ngọc Viễn Đông. Sau Thế chiến 2 Việt Nam xuống cấp vì lâm vào nội chiến. Cuộc nội chiến đã làm chết hơn 6 triệu người. Kết quả của cuộc chiến đã khiến Việt Nam thụt lùi vài thập niên phát triển. Theo lịch sử thế giới thì chưa có một dân tộc nào ở trong tình trạng nội chiến kéo dài quá 10 năm để rồi sau đó có thể trở về đời sống bình thường.

Lịch sử là trí nhớ tập thể của một dân tộc, một quốc gia. Trí nhớ là nền tảng quan trọng bậc nhất của trí khôn. Những con vật được cho là khôn nhất thì đều được lấy tiêu chí đầu tiên là trí nhớ, chẳng hạn như con Voi, dù đi tới đâu chăng nữa thì nó vẫn nhớ ngọn núi nơi được sinh ra, khi già yếu nó sẽ tìm về ngọn núi đó để chết. Hoặc như con cá Hồi, cái tên của nó đã là một giải thích. Một con người mà không có trí nhớ là một con người đần độn, người đó không làm được bất cứ việc gì vì không chịu học hỏi, do đó không thể tiếp thu bất cứ một kinh nghiệm nào từ quá khứ, đó là một người bị triệt sản về trí tuệ và không thể học được những bài học mới. Một dân tộc cũng vậy, nếu không có lịch sử thì đó là một dân tộc không có ký ức. Một dân tộc càng hiểu về lịch sử của dân tộc mình, càng biết cha anh đã có những sai phạm nào, có những khuyết điểm nào, có những ưu điểm nào để từ đó rút ra những kinh nghiệm, sửa chữa những sai lầm thì dân tộc đó là một dân tộc có trí khôn và có thể tiến lên và tiến xa.

Ngày hôm nay chúng ta đang đứng trước những thử thách đầy nguy hiểm, trước sức công phá mãnh liệt của phong trào toàn cầu hóa, nguy cơ tan vỡ quốc gia và giềng mối dân tộc là điều có thực. Chúng ta phải khẩn cấp khôi phục lại trí nhớ đúng đắn cho đất nước, trí nhớ là nền tảng căn bản của lòng yêu nước. Đó là hành trang mà người Việt Nam cần có để bước vào kỷ nguyên thứ hai.

Để khôi phục lại trí nhớ đúng đắn trước tiên cần phải hòa giải dân tộc. Đương nhiên Đảng cộng sản Việt Nam với những chính sách cầm quyền ác độc (cải cách ruộng đất, tiêu diệt các đảng phái), phân biệt đối xử (đồng bào miền Nam) không thể làm được điều này. Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay chỉ còn là một trang lịch sử u buồn cần khép lại gấp. Đảng cộng sản Việt Nam cũng không phải là một minh chứng cho sự thành thực và sòng phằng trong chính sách hòa giải, họ chỉ có trả thù, dối trá, ức hiếp và hành hạ những người bất đồng chính kiến và những người dân của chế độ miền Nam thua cuộc. Chỉ có một chính sách hòa giải trong sự thành thực thì chúng ta mới có thể cùng nhau nhận diện tình trạng thua kém của đất nước, quý trọng nhau, thương yêu nhau và đùm bọc lẫn nhau để cùng nhau dắt tay nhau ra khỏi bế tắc.

Để thực hiện được chính sách hòa giải cần một tổ chức chính trị khiêm tốn, hiền hòa và lương thiện, luôn lấy hòa giải làm triết lý điều hành quốc gia sau khi tiếp thu một di sản lịch sử đau thương và chính sách thù hận do Đảng cộng sản Việt Nam để lại. Đó phải là một tổ chức chủ trương bảo vệ chỗ đứng ngang nhau cho mỗi người và cho mọi người. Tổ chức đó phải dành ưu tiên cho chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, trong đó mỗi cộng đồng dân tộc là một thành tố không thể thiếu để xây dựng một nước Việt Nam hiền hòa, hài hòa và phát triển. Cộng đồng dân tộc ở đây không chỉ là cộng đồng người Kinh trong và ngoài nước, mà là tất cả các cộng đồng dân tộc đã và đang góp phần xây dựng và kiến tạo đất nước Việt Nam, đó là những cộng đồng sắc tộc đã có mặt từ lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam, những cộng đồng văn hóa và tôn giáo.

Một chính quyền hòa giải phải là một chính quyền trung thực và can đảm, dám đứng lên thay mặt những chính quyền trước đó xin lỗi và hàn gắn vết thương do những chính sách phân biệt đối xử gây ra cho những cộng đồng người thiểu số, cộng đồng tôn giáo, cộng đồng người Việt hải ngoại… bằng những đền bù tinh thần và vật chất cụ thể. Chỉ có một chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc thực sự, trong tình anh em tìm lại, mới có thể xây dựng một đồng thuận dân tộc lớn, để cùng nhau dẫn đưa đất nước ra khỏi tình trạng thua kém như hiện nay. Dân tộc Việt Nam không xứng đáng với thân phận tôi đòi phục vụ cho những quốc gia có tiền, qua chính sách bóc lột lao động xuất khẩu hay gia công áo quần và giầy dép.

hoagiai2

Ngày 30/4 sau này sẽ là một ngày Hòa giải – ngày của nụ cười của mẹ già Việt Nam 

Ngày 30/4 của gần nửa thế kỷ qua đã là ngày của kẻ khóc người cười thì ngày 30/4 của sau này sẽ là ngày của tĩnh lặng và suy ngẫm. Đó sẽ là ngày mà mọi người Việt Nam cùng nhau ngồi lại nhìn vết thương của quá khứ đã lành, bỏ lại sau lưng những ký ức thù hận và cùng nhau rút ra những bài học lịch sử trong tình anh em tìm lại.

Ngày 30/4 sẽ không còn là ngày Quốc hận, sẽ không còn là ngày Giải phóng, mà là ngày Hòa giải.

Trần Khánh Ân

(21/04/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Khánh Ân
Read 1380 times

1 comment

  • Comment Link Bùi Quang Lưu vendredi, 28 avril 2023 06:23 posted by Bùi Quang Lưu

    Tôi thấy tác giả là người mất trí nhớ trầm trọng vì không nhớ đến hơn nửa triệu quân Mỹ và chư hầu cùng với khối lượng bom đạn khổng lồ mà người Mỹ ném xuống cả hai miền nam bắc VN nên mới cho cuộc chiến 1954-1975 là nội chiến, ngày 30/4 là ngày “chiến thắng đồng bào mình”?!
    Với bức hình và chú thích “Vùng kinh tế mới…” hẳn tác giả cũng cho rằng chính sách kinh tế mới có mục đích đày đọa, hành hạ, ngược đãi dân miền Nam thất trận? Vậy là tác giả không biết gì về chính sách của người Mỹ nhằm hủy diệt nông thôn để du kích Việt Cộng không còn chỗ dựa. Họ thực hiện rất thành công chính sách này : hầu hết nông thôn có VC hoạt động đều được gọi là “vùng oanh kích tự do” nghĩa là cứ thoải mái ném bom, bắn pháo, ai ở đó chết ráng chịu. Bằng cách đó họ dồn dân nông thôn về các thành thị và gọi là “tị nạn cộng sản”. Gia đình tôi lúc đó cũng thuộc diện này nên tôi biết rõ. Ở các thành thị lúc đó, đặc biệt là từ 1965 là lúc người Mỹ ồ ạt đổ quân vào thì cuộc sống rất sung túc, dễ dàng do viện trợ của Mỹ và số chi tiêu khổng lồ cho đạo quân viễn chinh đó. Ngay thời đó có nhiều chuyên gia đã cảnh báo là với tình thế này thì dù có thắng được VC thì Việt Nam Cộng Hòa cũng đã bị đâm một nhát trí mạng, vì sau chiến tranh làm sao giải quyết được khối dân nông thôn đã quen với mức sống cao nhờ đô la Mỹ? Rất may cho VNCH là sau 30/4 thì chế độ này không còn tồn tại nên không phải giải quyết vấn đề này. Chính quyền Cộng sản phải gánh lấy việc đó! Lúc đó Trung quốc đã cắt viện trợ cho miền Bắc, miền Nam thì dĩ nhiên là làm gì còn nguồn đô la khổng lồ của người Mỹ. Chính quyền CS mới đề ra chính sách “kinh tế mới” nhằm mục đích chính là vận động những người trước đây từ bỏ nông thôn về thành thị vì bom đạn Mỹ trở về nông thôn để sản xuất lương thực. Chính sách này rốt cuộc thất bại thảm hại! Lý do dễ hiểu là người dân nông thôn một khi đã được hưởng cuộc sống sung túc, tiện nghi ở thành thị thì rất khó để họ chịu trở lại với cuộc sống một nắng hai sương trên đồng ruộng!
    “Trước kia Sài Gòn là thành phố phát triển nhất vùng Đông Nam Á”. Có thật thế không? Tác giả có thể tham khảo trong cuốn “Pháp du hành trình nhật ký” của nhà văn Phạm Quỳnh. Lúc đó là trong thập niên 20 ông đi Pháp bằng tàu biển có ghé Singapore. Theo lời mô tả của ông thì Singapore lúc đó phát triển gấp nhiều lần Sài Gòn. Và tham khảo thêm hồi ký “Một cơn gió bụi” của ông Trần Trọng Kim lúc ông lưu vong ở Bangkok sau năm 1945. Ông mô tả là Bangkok lớn gấp 4 lần Hà Nội, có nghĩa là hơn Sài Gòn nhiều lần.
    Người Pháp gọi Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn đông” (La perle de l'extreme orient) là họ đánh giá vị trí của Sài Gòn ở trung tâm các đô thị Đông Nam Á mà thôi chứ họ đâu có ý nói rằng Sài Gòn phát triển nhất Đông Nam Á?

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)