Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

01/05/2023

Ngày đau buồn

Phạm Đình Trọng

1. Thời gian qua đi. Lịch sử Việt Nam sẽ có thêm nhiều sự kiện, nhiều ngày vui, nhiều ngày buồn nhưng ngày 30 tháng Tư năm 1975 mãi mãi là một ngày đau buồn lâu dài và mất mát quá lớn của người dân Việt Nam, của lịch sử cận đại Việt Nam. Là một cột mốc lớn của lịch sử, mãi mãi mai sau người dân Việt Nam, từ nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học, đến người dân lao động lam lũ còn phải soi vào cột mốc 30/4/1975 mà suy ngẫm để nhận ra những điều nhắc nhở của lịch sử. Thời gian càng qua đi, những áp đặt của tuyên truyền giả dối càng lộ rõ, càng giúp con người nhận ra sự thật lịch sử sáng rõ, minh triết.

giaiphong1

Lịch sử Việt Nam sẽ có thêm nhiều sự kiện, nhiều ngày vui, nhiều ngày buồn nhưng ngày 30 tháng Tư năm 1975 mãi mãi là một ngày đau buồn lâu dài và mất mát quá lớn của người dân Việt Nam, của lịch sử cận đại Việt Nam. Ảnh "Vá cờ" Courrtesy of Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh

Là người trong cuộc, dù ở bên thắng cuộc, có may mắn hơn cả chục triệu người đã phơi xác trong bom đạn trên khắp dải đất Việt Nam, có may mắn hơn mấy triệu người mất lí tưởng quốc gia để thờ phụng, mất danh dự, niềm tin, mất cơ đồ, sự nghiệp, phải sấp ngửa bỏ nước ra đi, dù có rủng rỉnh cả mớ huân chương lấp lánh của người lính thắng trận nhưng 30/4/1975 như một tia chớp loé sáng trong nhận thức của tôi. Tia chớp ấy đã đảo ngược hoàn toàn nhận thức mà tôi đã được nạp, đã được lèn bài bản, công phu, kĩ càng từ khi là đứa bé học trò dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, đến khi lớn lên là người lính của quân đội cách mạng chuyên chính vô sản.

Nhận thức tôi được nạp, được lèn là đường lên hạnh phúc rộng thênh thang của người dân miền Bắc trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc sống lầm than, nghèo khổ, khốn cùng, mất tự do, mất phẩm giá con người của người dân miền Nam dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn bán nước và trong ách cai trị thực dân kiểu mới của Mỹ. Vì vậy dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, người dân miền Bắc cũng quyết đánh Mỹ, diệt nguỵ, giải phóng miền Nam, cứu nhân dân miền Nam khỏi đau thương, nô lệ.

30/4/1975 đến. Những quyển sách lặng lẽ ở đường sách vỉa hè Sài Gòn cho tôi thấy đời sống văn hóa nhân loại, tầm vóc con người nhân loại của người dân miền Nam, khác với con người giai cấp, hằm hằm hận thù giai cấp và sắt máu đấu tranh giai cấp như con người tôi nhỏ bé, méo mó đến tội nghiệp. Người dân không những được đọc Alekxandr Solzenitsyn, đọc Boris Pasternak, những nhà văn Xô Viết mà còn được đọc tất cả những nhà văn Việt Nam nổi tiếng đang là những công thần ở miền Bắc, từ Nguyễn Tuân đến Chế Lan Viên, từ Nguyên Hồng đến Tế Hanh cho tôi thấy tự do tư tưởng có từ cách mạng dân chủ tư sản mấy thế kỉ trước, đến nay vẫn chưa có ở miền Bắc thì đang hiển hiện rạng rỡ ở miền Nam. Xã hội nào cũng có người nghèo nhưng số đông gia đình người dân miền Nam có cuộc sống phong lưu, đầy đủ tiện nghi hiện đại, nhất là phong thái đĩnh đạc, tự tin, hồn nhiên bộc lộ con người thật, bộc lộ cá tính, chẳng cần e dè, chẳng có gì phải né tránh, chẳng có gì co ro, rúm ró làm cho tôi kinh ngạc.

Lại nghĩ đến cuộc sống thường xuyên thèm khát từ một bữa cơm no. Nghĩ đến quyền năng ban phát mọi tiêu chuẩn sống, mọi giá trị sống cho con người làm cho con người luôn sợ sệt không dám bộc lộ mình, phải giấu mình đi, luôn lựa mình theo quyền năng, luôn nghĩ theo, nói theo khuôn mẫu có sẵn trong xã hội, không dám bộc lộ cái riêng, cái khác biệt để thành lạc hậu, chậm tiến, cản trở cách mạng. Nghĩ và bỗng nhận ra kiếp người chưa được sống của mình, một nỗi buồn mất mát, một nỗi đau thân phận làm đảo ngược lại nhận thức của tôi. Nỗi buồn mất mát, nỗi đau thân phận cứ lớn lên theo năm tháng làm cho nhận thức của tôi càng thay đổi mạnh mẽ, triệt để, quyết liệt, không khoan nhượng như để chuộc lại những năm tháng đã mất.

30/4/1975 cho tôi nhìn lại quãng đời dẫn tôi đến ngày 30/4/1975, cũng cho tôi nhìn lại một thời kì đất nước tôi vận động, chuyển mình đau đớn trong cách mạnh và chiến tranh, trong máu và nước mắt đến ngày 30/4/1975

miennam5

Ảnh minh họa tự do báo chí và tự do bầu cử ở miền Nam Việt Nam năm 1967

2. Người ta bảo ngày 30/4/1975 có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn. 30/4/1975 có vui, có buồn, đó là cái nhìn chỉ thấy bề nổi hiện thực trong thoáng chốc. Cái nhìn đó tuy có bớt vô cảm, bớt nhẫn tâm nhưng vẫn là cái nhìn bề ngoài mà không thấy cốt lõi, cái nhìn hời hợt, dễ dãi mà bỏ qua, che giấu, quên đi cội nguồn dẫn đến cái kết thúc đau buồn, mất mát 30/4/1975.

30/4/1975 chỉ là ngày kết thúc, là điểm dừng của một biến cố, một tai họa lịch sử kéo dài ba mươi năm. Tôi là thế hệ trong cuộc, là người lính vào sống ra chết trong tai họa của đất nước tôi, của cuộc đời tôi. Tôi đã góp năm tháng cuộc đời, góp mồ hôi và cả máu trong tai họa lịch sử đó. Tôi đã mang cả quãng đời dài nhất, quí nhất, đẹp nhất, giá trị nhất làm cho đất nước tôi mất đi một thời đại, làm cho nhân dân tôi phải mang nỗi đau buồn thế kỉ. Soi vào điểm dừng 30/4/1975 của tai họa lịch sử ba mươi năm là soi vào chính cuộc đời tôi, tôi càng nhận thức sâu sắc cái mất mát đau buồn đó.

Có ngày đau buồn 30/4/1975 vì có cuộc cách mạng tháng tám năm 1945 do những người cộng sản phát động cướp chính quyền của chính phủ chính danh, phù hợp tiến trình lịch sử rồi cho ra đời nhà nước ngược tiến trình lịch sử có tên là nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng thực chất là nhà nước cộng sản phong kiến.

Nhà nước phong kiến xa xưa là nhà nước của một gia tộc, cha truyền con nối. Nhà nước phong kiến hiện đại là nhà nước của một tổ chức chính trị, quyền lực vừa truyền nối theo dòng máu gia tộc, trong nội bộ gia tộc, vừa truyền nối theo dòng máu đảng, trong nội bộ đảng. Nhà nước phong kiến xa xưa hay hiện đại đều tồn tại bằng độc tài tước đoạt quyền con người, quyền làm chủ đất nước của người dân, đưa con người về bầy đàn, đưa dân tộc vào nô lệ, đưa xã hội vào độc tài. Nhà nước phong kiến xa xưa hay hiện đại đều độc quyền chân lí, độc quyền lẽ phải, độc quyền luật pháp, độc quyền sự thật, độc quyền cả lãnh thổ quốc gia. Lãnh thổ quốc gia thời phong kiến xa xưa là của vua, thời phong kiến hiện đại là của đảng chính trị độc tài đương quyền.

Ra đời ngày 2/9/1945, nhà nước cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc đầu còn che giấu nhưng càng ngày càng thể hiện đầy đủ đặc trưng, phẩm chất của một nhà nước phong kiến. Nhà nước phong kiến cộng sản đã chặt đứt tiến trình lịch sử Việt Nam, kéo Việt Nam lùi lại cả trăm năm. 30/4/1975 chỉ là hậu quả tất yếu của ba mươi năm máu và nước mắt khởi đầu từ 2/9/1945.

Tôi xin diễn giải về nhà nước Việt Nam ra đời từ 2/9/1945 đưa xã hội Việt Nam vừa chập chững bước vào văn minh công nghiệp, văn minh đô thị lại lùi trở về thời văn minh nông nghiệp từ ngàn năm trước, đưa dân tộc Việt Nam vào chiến tranh phong kiến liên miên và đẫm máu. 30/4/1975 ngày kết thúc cuộc chiến tranh giành lãnh thổ cho thế lực phong kiến mới, phong kiến cộng sản, ngày đại thắng của phong kiến cộng sản nhưng là ngày đại bại của cả dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh phong kiến là cuộc chiến tranh do lãnh chúa phong kiến phát động núp dưới những mĩ từ giả dối, lừa bịp : giải phóng, độc lập, cứu nước nhưng thực sự chỉ để lãnh chúa cộng sản, thâu tóm quyền lực, áp đặt sự thống trị độc tài cộng sản trên cả nước. Chiến tranh Việt Nam ba mươi năm, 1945 – 1975 thực sự là cuộc chiến tranh phong kiến và ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc. Giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh phong kiến tương tàn, áp đặt thể chế độc tài cộng sản trên cả nước, đảng cộng sản có cả xã tắc Việt Nam còn người dân Việt Nam thì mất trắng. Năm 1954, người dân nửa nước Bắc Việt bị lùa về thời bầy đàn. 30/4/1975, đến lượt người dân Nam Việt chung số phận với người dân Bắc Việt. Cả nước bị lùa về thời bầy đàn. Cả dân tộc Việt Nam trong ai oán nô lệ cộng sản. Cả xã hội Việt Nam trong ngột ngạt độc tài.

Trước 30/4/1975, bị hấp dẫn bởi những mĩ tử độc lập, giải phóng, cứu nước, hàng loạt trí thức miền Nam bỏ khoa học, bỏ sự nghiệp, bỏ nhung lụa, theo những người cộng sản vào rừng nằm gai nếm mật với niềm tin chống Mỹ cứu nước giành độc lập dân tộc. Sau 30/4/1975 những trí tuệ như Luật sư Trương Như Tảng, Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa mới cay đắng nhận ra độc lập, giải phóng, cứu nước chỉ là chiêu bài, chỉ là bánh vẽ ! Sự thật là những quyền con người cơ bản, người dân cũng không có thì độc lập làm gì ? Người dân đang tung tăng tự do. Tự do kiếm sống. Tự do tiếp nhận thông tin. Tự do bộc lộ chính kiến chính trị. Tự do ra báo tư nhân. Tự do ứng cử, bầu cử. Tự do rầm rộ biểu tình phế bỏ chính phủ không thuận lòng dân. Nay người dân chỉ còn là bầy cừu, không được ho he điều gì trái ý quyền lực, người dân chỉ là rô bốt cầm lá phiếu bầu cử theo ý quyền lực thì giải phóng nỗi gì ? Người Việt giết người Việt, người Việt tước đoạt quyền sống của người Việt, người Việt có quyền lực nhà nước tù đày người Việt lương thiện mà là cứu nước ư ? Nước Việt là sở hữu độc quyền của lãnh chúa cộng sản, người dân đâu còn nước mà cứu !

Vì vậy, 30/4/1975 là ngày đau buồn của cả dân tộc Việt Nam. Làm gì có triệu người vui !

miennam2

Còn đâu những cuộc vận động bầu cử tự do như ở miền Nam Việt Nam..

3. Tiến trình lịch sử loài người là : Con người đi từ bầy đàn đến cá nhân, xã hội đi từ độc tài đến dân chủ và lịch sử loài người là lịch sử giải phóng. Giải phóng cá nhân khỏi bầy đàn. Giải phóng dân tộc khỏi nô lệ. Giải phóng xã hội khỏi độc tài. Cả ba cái giải phóng này, giải phóng khỏi bầy đàn, giải phóng khỏi nô lệ, giải phóng khỏi độc tài đều nhằm giải phóng sức sáng tạo vô tận của con người khỏi mọi tù hãm, trói buộc. Sức sáng tạo vô tận của con người được giải phóng mới có những con người khổng lồ Steve Jobs, Bill Gates, Elon Musk… Tất cả phải bắt đầu từ giải phóng cá nhân và giải phóng cá nhân là trung tâm, là cội nguồn để giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội.

Nhưng lí luận của ông thủy tổ cộng sản K. Marx lại cho rằng lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp. Trang bị lí luận đấu tranh giai cấp và bơm liều đô pinh cho giai cấp vô sản : Làm cách mạng vô sản, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giành chính quyền về tay nhân dân, giai cấp vô sản chỉ mất xích xiềng nô lệ mà được cả thế giới, rồi ông Marx đẩy những người vô sản nghèo khổ, không của cải, không trí tuệ vào cuộc đấu tranh giai cấp ảo tưởng nhưng đẫm máu và triền miên. Thế kỉ 20 là thế kỉ biến động dữ dội nhất của lịch sử loài ngươi. Thế kỉ chia đôi loài người. Nửa loài người rầm rộ bước vào văn minh công nghiệp thì cũng có nửa loài người sôi sục đấu tranh giai cấp, say máu chiến tranh ý thức hệ. Máu người Việt lênh láng trong cuộc chiến tranh ba mươi năm kết thúc ngày 30/4/1975 ở nửa thế giới đẫm máu đó.

Trên thế giới, hầu hết những nơi có đảng cộng sản đều có lật đổ, cướp chính quyền, đều có chiến tranh ý thức hệ đẫm máu dân. Cướp được chính quyền, chiến thắng bằng máu dân, nhà nước phong kiến cộng sản ra đời lại đưa dân về bầy đàn. Lịch sử Việt Nam ba mươi năm qua là một minh chứng xác đáng. 2/9/1945, nhà nước phong kiến cộng sản ra đời. 1954, người dân nửa nước Việt Nam phía Bắc về bầy đàn. 30/4/1975 người dân cả nước về bầy đàn.

Con người còn là bầy đàn công cụ trong tay lãnh chúa phong kiến thì xã hội mãi mãi trong nền sản xuất nông nghiệp theo thói quen, theo kinh nghiệm. Ngàn năm sau vẫn như ngàn năm trước. Cách mạng tư sản dân quyền 1789 thực chất là cuộc cách mạng giải phóng cá nhân khỏi bầy đàn. Cái Tôi được nhìn nhận, trí tuệ tài năng con người được khai thác mới tạo ra dồn dập những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, đưa loài người vào xã hội công nghiệp. Văn minh công nghiệp với luật pháp dân chủ nhân quyền lại đưa xã hội đi từ độc tài đến dân chủ. Đó là tiến trình lịch sử tất yếu của xã hội loài người.

Cách mạng tư sản dân quyền rầm rộ ở Tây Âu thế kỉ 18 đã đưa nước Pháp từ nền sản xuất nông nghiệp trì trệ bước vào nền sản xuất công nghiệp phát triển. Công nghiệp hóa cho nước Pháp sức mạnh chinh phục thế giới, xâm chiếm thuộc địa, tìm nguyên liệu, tìm thị trường cho nền sản xuất công nghiệp. Thế kỉ 18, 19, Pháp xâm lược Việt Nam và nhiều nước chậm phát triển ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh để làm công nghiệp hóa nước Pháp, khác với suốt mấy ngàn năm trước, hết lần này đến lần khác, Đại Hán xâm lược Việt Nam chỉ nhằm bành trướng mở rộng lãnh thổ Đại Hán.

Biến lãnh thổ Đại Việt thành lãnh thổ Đại Hán thì phải xóa sổ văn hóa Việt, xóa sổ giống nòi Việt bằng cách tuyệt diệt nền văn hóa làm nên linh hồn người Việt, tuyệt diệt tầng lớp trí thức tinh hoa người Việt, nơi kết tinh nền văn hóa Việt và đồng hóa khối dân thường còn lại bằng cách thay dòng máu Đại Việt bằng dòng máu Đại Hán trong con người Việt. Các triều đại nhà Hán xâm lược Việt Nam từ Hán, Tống, Nguyên, Minh đều triệt để đồng hóa, xóa sổ dân tộc Việt Nam. Hàng ngàn năm Bắc thuộc, Đại Hán không đồng hóa được cộng đồng người Việt bé nhỏ bởi hồn văn hóa của nền văn minh sông Hồng bền bỉ trong lời ăn tiếng nói, trong phong tục tập quán, trong văn hóa làng xã người Việt. Như trống đồng Đông Sơn bền bỉ trong lòng đất phù sa sông Hồng.

Pháp xâm lược Việt Nam, đàn áp dã man tinh thần dân tộc Việt Nam, bóc lột tàn bạo tài nguyên Việt Nam nhưng nước Pháp của cách mạng tư sản dân quyền, của văn minh công nghiệp vẫn chăm chút giữ gìn, bảo tồn nền văn minh sông Hồng tạo nên hồn vía dân tộc Việt. Xây khá nhiều bảo tàng trên khắp đất nước Việt Nam từ rất sớm bảo tồn văn hóa Việt. Xây dựng nhiều trường học hiện đại từ tiểu học tới đại học và thực hiện nền giáo dục khai sáng, nhân văn, đào tạo lớp người Việt tài năng, phát hiện và nuôi dưỡng những tinh hoa người Việt.

Xâm lược Việt Nam, đưa những nhà cai trị của triết học Ánh sáng đến Việt Nam, Pháp cũng đưa lí tưởng cách mạng tư sản Pháp : Tự do – Bình đẳng – Bác ái đến Việt Nam và đưa luật pháp dân chủ tư sản, nhìn nhận sự có mặt của cá nhân vào Việt Nam, tạo ra sự xuất hiện đội ngũ trí thức khai sáng người Việt.

Khai thác thuộc địa, Pháp cũng tạo nên nền móng cơ sở vật chất đầu tiên của văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, tạo ra những trung tâm công nghiệp và đô thị thương mại sầm uất, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh công nghiệp, làm xuất hiện tầng lớp tư sản dân tộc Việt Nam khá đông đảo, đầy tài năng làm giầu và sắt son lòng yêu nước.

Đội ngũ tư sản non trẻ và nồng nàn lòng yêu nước cùng đội ngũ trí thức tài năng trẻ trung và đông đảo mang hồn Việt Nam : Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Lâm Triều Phát, Trương Văn Bền, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Phạm Chấn Hưng, Ngô Tử Hạ, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phạm Quỳnh, Hoàng Xuân Hãn . . . đang đua tranh cùng tư sản Pháp đưa Việt Nam vào văn minh công nghiệp, hòa nhập với thời đại công nghiệp hóa trên thế giới.

Thế kỉ 20, đội ngũ tư sản non trẻ và trí thức tài năng là lớp người tiêu biểu, lớp người tiên tiến tạo ra động lực mạnh mẽ chấn hưng đất nước Việt Nam. Đội ngũ tư sản non trẻ và trí thức tài năng đang gắng gỏi mở ra thời kì mới cho đất nước Việt Nam, chấn hưng đất nước bằng công nghiệp hóa, đưa xã hội Việt Nam ngàn đời dậm chân trong văn minh nông nghiệp chập chững bước vào văn minh công nghiệp cùng tiến trình lịch sử nhân loại.

Văn minh công nghiệp không chỉ là động lực của kinh tế. Văn minh công nghiệp còn là động lực của lịch sử. Sức mạnh thời văn minh nông nghiệp chỉ là sức người. Do đó đấu tranh giành độc lập dân tộc thời phong kiến Trung Cổ chỉ có con đường máu, con đường bạo lực, khởi nghĩa vũ trang. Sức mạnh của văn minh công nghiệp là sức mạnh khoa học kĩ thuật, là trí tuệ sáng tạo, là dân trí và luật pháp dân chủ tư sản mà lí tưởng cao nhất của luật pháp dân chủ tư sản là : Mọi cá nhân đều có quyền bình đẳng và mọi dân tộc đều có quyền tự quyết.

Khi loài người đã bước vào văn minh công nghiệp, đấu tranh giành độc lập dân tộc không còn là con đường bạo lực đẫm máu nữa mà là con đường luật pháp, con đường khai dân trí để người dân sử dụng luật pháp dân chủ tư sản giành quyền dân tộc tự quyết, giành độc lập. Mahatma Gandhi (1869 – 1948) đã đưa Ấn Độ đi con đường không bạo lực, con đường đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường và Ấn Độ đã giành được độc lập không đổ máu từ 1947.

miennam1

Những liên danh tranh cử Tổng thống ở miền Nam Việt Nam năm 1967 – Tuần báo Life

Khai dân trí, đưa người dân vào cuộc đấu tranh không bạo lực, giành độc lập bằng luật pháp dân chủ tư sản cũng đưa người dân vào tư thế làm chủ đất nước. Người dân tự do lập đảng chính trị, tự do tham gia đảng chính trị đấu tranh giành độc lập, người dân tự do cầm lá phiếu bầu chọn đảng chính trị lãnh đạo đất nước. Không bạo lực, giành độc lập không bằng máu dân mà bằng luật pháp dân chủ tư sản, bằng sức mạnh công lí và sức mạnh thời đại, từ 1947, Ấn Độ giành được độc lập thực sự và có nhà nước dân chủ thực sự.

Từ đầu thế kỉ 20, Phan Châu Trinh cũng đã nhận ra con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc không bạo lực mà cách mạng dân chủ tư sản mở ra là con đường của Việt Nam. Khai dân trí, tập hợp sức mạnh nhân dân và sức mạnh luật pháp dân chủ tư sản đấu tranh giành độc lập là con đường duy nhất đúng khi loài người đang từ bỏ văn minh nông nghiệp bước vào văn minh công nghiệp. Phan Châu Trinh mất. Chính phủ Trần Trọng Kim tập hợp những trí thức và tư sản dân tộc mang tinh thần cách mạng dân chủ tư sản cũng mang tinh thần Phan Châu Trinh có sức ảnh hưởng và có vai trò dẫn dắt xã hội lúc đó thực sự là chính phủ cần thiết của Việt Nam, đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử

Dù bị những người cộng sản gán cho tội thân Nhật, do Nhật dựng lên nhưng chính phủ Trần Trọng Kim còn tồn tại khi Nhật đầu hàng thì lực lượng đồng minh vào Việt Nam giải giáp quân Nhật sẽ giải tán chính phủ Trần Trọng Kim và lập chính phủ mới vẫn mang tinh thần cách mạng dân chủ tư sản, vẫn tập hợp những trí thức và tư sản dân tộc đưa Việt Nam hòa nhập với thế giới đang công nghiệp hóa trong bình yên của luật pháp dân chủ tư sản. Việt Nam vẫn trong tiến trình đi tới cùng loài người văn minh.

Nhưng những người cộng sản đã cướp chính quyền của chính phủ phù hợp tiến trình lịch sử nhân loại, chính phủ hội tụ trí thức và tư sản dân tộc, dựng lên chính phủ công nông mang ý chí sắt máu đấu tranh giai cấp, ngược tiến trình lịch sử của loài người.

Chính phủ của trí thức và tư sản dân tộc đương nhiên phải đưa Việt Nam đi cùng nửa loài người đang rầm rộ làm cách mạng công nghiệp. Cướp chính quyền của chính phủ trí thức và tư sản dân tộc, đương nhiên chính phủ công nông đấu tranh giai cấp phải đưa Việt Nam đi với nửa loài người đang sôi sục đấu tranh giai cấp, đang say máu chiến tranh ý thức hệ. Và Việt Nam đã bị chính phủ cộng sản Hồ Chí Minh đẩy vào vòng xoáy máu lửa cách mạng vô sản thế giới từ năm 1945 đến tận 30/4/1975.

Kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu người Việt cộng sản bắn giết, thanh toán người Việt không cộng sản suốt ba mươi năm bằng chiến thắng của những người cộng sản, những người sắt máu phát động cuộc chiến tranh tương tàn chỉ để giành lãnh thổ Việt Nam cho đảng cộng sản Việt Nam, cho giai cấp vô sản thế giới, chỉ để áp đặt lên cả nước Việt Nam thể chế độc tài cộng sản còn đau thương, bạo liệt hơn cả độc tài Trung Cổ.

Ngày 30/4/1975 chỉ là ngày đau buồn của cả dân tộc Việt Nam. Làm gì có triệu người vui !

Phạm Đình Trọng

(01/05/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Trọng
Read 597 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)