Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

05/06/2023

Chẳng biết Nga lấy gì để thắng trong cuộc chiến này

Hoàng Quốc Dũng

Nga tuổi gì ? Một đàn, thậm chí nhiều đàn...

Ngày bé đi sơ tán ở nông thôn, tôi đã từng được nhìn thấy những đàn chim khổng lồ bay trên trời như một đám mây, chúng bất thần tăng tốc rồi đổi hướng bay làm cho hình dạng đám mây cứ thay đổi liên tục, nhùng nhằng ghê gớm. Bọn chim này không có hệ thống thông tin liên lạc với nhau mà có thể làm được những chuyện thật là thần kỳ. Chẳng thấy con nào đụng phải con nào bao giờ. Đó là những chuyện thần kỳ của thiên nhiên.

baydan1

Tôi đã từng được nhìn thấy những đàn chim khổng lồ bay trên trời như một đám mây, chúng bất thần tăng tốc rồi đổi hướng bay làm cho hình dạng đám mây 

Khoa học kỹ thuật của con người phát triển như vũ bão trong thời gian gần đây. Một trong những ngành được chú trọng là các loại máy bay không người lái (Drone hay UAV) vì nó có rất nhiều ứng dụng trong đời sống hàng ngày, trong sản xuất kinh doanh, trong nông nghiệp và đặc biệt trong quốc phòng.

Khi các đồ chơi drone được bán rộng rãi, tôi cũng mua 1 cái cho các con chơi. Sử dụng nó cực đơn giản và nhiều tác dụng. Chỉ cần bật máy điều khiển, bật drone rồi ném nó vào không gian là nó tự bay, nếu ta không điều khiển gì thì khi nó gần chạm đất nó sẽ tự bay lên một độ cao vài mét. Nhà tôi có 2 con chó. Tôi cho cái drone này bay, khi nó xuống thấp, hai con chó cứ nhẩy lên định đớp, drone lại tự bay cao lên. Cảnh tượng thật là vui. Tôi có thể điều khiển cho nó bay cao tít lên rồi chụp ảnh nhà của tôi… Đó là những đời đầu của drone.

Từ đó đến nay, drone đã phát triển khủng khiếp. Trong một bài nói về chiến tranh Nga Ukraine, tôi đã nói về việc đoàn xe 60 km của Nga (tiến về Kiev) bị đánh tan tác như thế nào chỉ bằng khoảng hơn chục chiếc drone. Một đội đặc nhiệm của Ukraine, ban đêm, dùng các xe mô tô 4 bánh tiến gần đến đoàn xe. Ở khoảng cách 1 km, họ dừng lại và cho các drone xuất kích. Các drone này cứ nhằm các xe chở chỉ huy, chở xăng, chở lương thực mà giã. Sau đó bộ binh và pháo binh tiếp ứng, cả đoàn xe tan tàn, chạy như vịt về phía sau. Một số sống sót thì đi ăn cướp để chạy về Nga.
Trong cuộc chiến này, Nga đang thua to cũng vì drone. Drone của Ukraine do phương tây cung cấp đã làm trinh sát, định vị các mục tiêu và mang lựu đạn thả vào chiến hào của quân Nga.

Nhưng những ví dụ mà tôi kể trên vẫn chỉ là những hoạt động đơn lẻ của các drone và hiện nay các kỹ thuật chống drone cũng đang phát triển mạnh, hạn chế sức mạnh của drone. Vậy tiếp tới, thì drone phải hoạt động như thế nào để vẫn phát huy tác dụng ?

Để nói về vấn đề này tôi xin đơn cử một thí dụ để các bạn thấy : Gần đây, Trung Quốc đã thành công trong việc cho cất cánh cùng một lúc 5.164 drones mang theo các đèn led thay đổi được mầu sắc. Các drones này đã bay loạn xạ như đàn chim mà tôi miêu tả ở bên trên để vẽ ra trên nền trời nhiều hình ảnh khác nhau, kiểu như bắn pháo hoa mà không có pháo. Công việc này là vô cùng phức tạp và phải dùng đến trí tuệ nhân tạo. Để làm được việc này, tất cả các drone liên tục phải liên lạc được với nhau để phối hợp hành động, không đâm vào nhau, chưa kể trong quá trình có thể có các drone bị sự cố thì việc thay thế nó như thế nào… Về mặt kỹ thuật trong tin học cho thấy ở đây cần một lượng tính toán khổng lồ, nhưng lại không thể dùng các bộ xử lý lớn, nặng, ăn nhiều năng lượng do vậy họ phải chia đều nhiệm vụ tính toán cho từng drone. Chỉ cần nói đến những nhiệm vụ phải làm đã làm cho chúng ta nhức đầu.

baydan2

Trung Quốc đã thành công trong việc cho cất cánh cùng một lúc 5.164 drones mang theo các đèn led thay đổi được mầu sắc.

Qua vụ biểu diễn này của Trung Quốc, chúng ta cũng thấy đây cũng là một kiểu tuyên chiến kỹ thuật với Mỹ.

Thực tế trên chiến trường Ukraine đã có việc sử dụng nhiều nhóm nhỏ drone để tấn công, trinh sát…

Xu hướng tương lai của drone trên chiến trường sẽ là dùng cả đàn drone (không đắt tiền) thậm chí nhiều đàn drone để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Nó sẽ làm bão hòa hệ thống phong thủ của đối phương. Các drone liên tục liên lạc với nhau, bổ trợ cho nhau, thay thế nhau, đảo sóng liên lạc liên tục để không bị đối phương gây nhiễu… Nói một cách đơn giản 1 hay 2 con ong lao vào đốt bạn thì bạn có thể chống đỡ. Cả đàn nó lao vào thì chỉ có ôm đầu mà chạy.

Cả Pháp và Mỹ đều có các chương trình phát triển điều khiển đàn drone nhưng là các chương trình bí mật nên tôi không biết rõ, chỉ biết ở Pháp thì giao cho Tổ hợp Thales, chuyên phụ trách chiến tranh bằng các drones. Ở Mỹ thì giao cho DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency), nằm trong chương trình tên là Amass (Autonomous Multi-Domain Adaptive Swarms-of-Swarms).

Trong lĩnh vực này thì chỉ có Mỹ và Trung Quốc là rất mạnh. Nga tuổi gì ?

Đánh nhau bằng drone riêng lẻ đã trở thành lạc hậu rồi, các bạn ạ. Nói vậy để thấy tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật như thế nào.

Chẳng biết Nga lấy gì ra để thắng trong cuộc chiến này. Tôi nghe nói là các phương tiện truyền thông của Nga dạo này cũng thay đổi giọng một tý, ít hiếu chiến hơn và có vẻ như đang chuẩn bị tinh thần cho một cuộc tuyên bố thất trận. Nhục như cái nhục mất nước.
Vive Ukraine.

Hoàng Quốc Dũng

(05/06/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Quốc Dũng
Read 5218 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)