Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

02/10/2023

Lê Văn Mạnh âm thầm nhận cái chết oan…

Phạm Đình Trọng

…để quan tòa ngạo nghễ thắng dân, thắng cả công lý

Phải xác định ngay rằng bản án không có vật chứng, chỉ căn cứ vào lời cung đầy mâu thuẫn và bất nhất là bản án mờ ám, oan sai, bất lương và thất đức. Cả xã hội cùng gia đình tử tù oan sai đang đồng lòng, bền bỉ và khẩn thiết kêu cứu về bản án tử hình oan với tử tù Lê Văn Mạnh thì tòa án bất ngờ thi hành bản án oan sai còn đang kêu oan. Bản án oan dẫn đến cái chết oan của Lê Văn Mạnh gây bàng hoàng, nhức nhối và bất an cho cả xã hội.

lvm1

Không để lương tâm con người và nỗi đau của người dân kịp lên tiếng, bản án tử hình oan sai với Lê Văn Mạnh đã được thi hành lặng lẽ, mau lẹ.

Mỗi vụ việc xảy ra, dù lớn hay nhỏ đều để lại dấu vết và dấu vết là vật chứng khách quan, vô tư, xác đáng nhất vì không bị chi phối và phụ thuộc vào tâm lí, cảm xúc thất thường của con người. Khác với lời khai cung là tiếng nói con người trong tình thế phải ứng biến, đối phó, trong trạng thái tinh thần căng thẳng và tình cảm bị chi phối, bị nhiều yếu tố tâm lí, cảm tính áp đặt và bị tác động rất lớn của ngoại cảnh. Tác động của nghiệp vụ điều tra để mớm cung. Tác động của bạo lực nhục hình để ép cung, đánh tráo sự thật.

Trong điều tra và trong xét xử hình sự có một nguyên tắc cao nhất, một đòi hỏi bắt buộc phải có để chứng minh tội phạm là vật chứng. Chỉ vật chứng mới có đủ căn cứ xác đáng, khách quan chứng minh tội phạm. Lời cung dù có phù hợp với vụ việc cũng chỉ để minh hoạ, chỉ để củng cố thêm cho sự xác minh vụ việc.

Dù lời cung có đúng sự thật thì cũng chỉ là một nửa sự thật. Mà một nửa sự thật thì chưa hẳn là sự thật. Được thời gian thử thách, câu ngạn ngữ phương Tây có từ thời cổ đại tồn tại đến ngày nay đã trở thành một định lí : Nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng nửa sự thật không phải là sự thật. Chỉ có lời cung mà không có vật chứng thì chưa đủ căn cứ pháp lí xác đáng, khách quan xác minh sự việc. Càng không thể đáp ứng đòi hỏi của lương tâm con người khi người làm công việc điều tra và phán xử còn chút lương tâm. Với những tội phạm phải chịu mức án tử hình càng không thể chỉ căn cứ vào lời cung.

Chỉ vật chứng mới khách quan chỉ ra sự thật. Khai thác lời cung là để tìm hướng truy tìm vật chứng mang dấu vết đích thực của sự thật, mang bằng chứng đích thực của sự thật. Vật chứng mới là mục đích của điều tra sự thật và lời cung chỉ là phương tiện dẫn dắt đi đến mục đích. Từ xa xưa pháp đình đã đúc kết, khái quát thành một tiên đề như một chân lí, một lời nguyền của những người có lương tâm và danh dự nghề nghiệp làm công việc truy tìm cái ác, xét xử cái ác, bảo vệ luật pháp, bảo vệ cuộc sống bình yên là : Trọng chứng hơn trọng cung. Diễn đạt cách khác là : Chứng là vật thể có thật, cung là giá trị ảo và phi vật thể. Cái ảo có thể thay đổi. Vật thể không thể thay đổi.

Kẻ gây tội ác bao giờ cũng chu đáo và tinh vi giấu nhẹm vật chứng. Tìm vật chứng không khi nào dễ dàng và nhanh chóng. Còn lời cung thì có ngay. Với quyền lực nhà nước, với sức mạnh công cụ và sức mạnh bạo lực nhà nước có thể dễ dàng tạo ra lời cung theo ý muốn của người điều tra.

Khó tìm vật chứng, dễ dàng tạo lời cung, những người làm công việc điều tra cái ác, xét xử cái ác, bảo vệ luật pháp, bảo vệ cuộc sống bình yên ở ta thời đương đại do năng lực yếu kém, lương tâm con người thiếu vắng lại say mê chạy theo thành tích để bon chen công danh nên chỉ căn cứ vào lời cung vì bị nhục hình phải nhận tội do điều tra viên áp đặt đã liên tục, dồn dập tạo ra những bản án tử hình oan sai Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long... gây chấn động rộng lớn trong đời sống xã hội và trong lương tâm người dân.

Khi những tử tù oan Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long... được minh oan, cả xã hội kinh hoàng về một nền tư pháp man rợ, bất lương, không còn tính người đã liên tiếp tạo ra những bản án tử hình oan cho người dân vô tội. Cả xã hội bàng hoàng thức tỉnh về những bản án tử tình chỉ căn cứ vào lời cung nguỵ tạo.

Nhưng cả hệ thống tư pháp Việt Nam đương đại từ điều tra án đến xét xử án vẫn không thức tỉnh. Vẫn bình thản làm án, kết án theo lối mòn dễ dãi, mau lẹ. Vẫn lạnh lùng buộc tội chỉ bằng lời cung. Vẫn vô cảm tuyên án chỉ căn cứ vào những bản cung nguỵ tạo.

Điều tra án vẫn say mê lập thành tích phá án nhanh để thăng tiến công danh bằng nhục hình, ép cung. Chỉ bằng nhục hình ép cung lại phù phép biến những người dân vô tội thành những tội phạm giết người Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải.

Cả xã hội bất an, đồng loạt và kiên trì lên tiếng chỉ ra sự mờ ám, bất minh, sai trái của những bản án phi pháp chỉ căn cứ vào những lời cung ngụy tạo mà khép tội tử hình Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải.

Nhưng các cấp tòa vẫn cố thủ trong sự vô cảm, vẫn ngạo nghễ trong quyền uy, vẫn quyết duy trì, y án những bản án tử hình oan sai Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Quyết giết oan những mạng người dân vô tội chỉ để giữ thanh danh, quyền uy cho những quan tòa rô bốt không có trái tim người.

Để buộc Hồ Duy Hải phải nhận tội giết hai cô gái ở bưu điện Cầu Voi, Thủ Thừa, Long An đêm 13/1/2008, những người điều tra vụ án đã vứt bỏ, thiêu hủy con dao và cái thớt dính máu hai cô gái là vật chứng đich thực rồi mua dao, thớt mới ngoài chợ về làm vật chứng giả thay thế vật chứng thật. Thiêu hủy vật chứng dính máu nạn nhân đương nhiên thiêu hủy cả dấu vết kẻ gây án để buộc tội giết người cho Hồ Duy Hải chỉ bằng bản cung nhận tội do bị nhục hình ép cung.

Vậy mà đứng giữa hội đồng mười sáu quan tòa rô bốt trong phiên tòa Giám đốc thẩm, chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình lại ráo hoảnh cho rằng thay vật chứng thật dính máu nạn nhân bằng vật chứng giả mới mua ở chợ dù có sai sót cũng không làm thay đổi bản chất vụ án rồi tuyên y án tử hình Hồ Duy Hải !

lvm2

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh minh họa

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao còn lì lợm, trắng trợn, bất lương, nhận thức pháp luật kém cỏi, lương tâm con người chết dẫm, coi thường luật pháp, coi thường mạng sống người dân như vậy thì cả hệ thống tòa án dưới trướng Nguyễn Hòa Bình còn tạo ra nhiều bản án oan Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải…

Hàng loạt án tử ình oan sai là sự yếu kém thảm hại của người đứng đầu chốn pháp đình. Mở mắt nhìn vào những bản án tử hình oan sai rành rành là thú nhận với tổ chức trung ương, nơi phân chia quyền lực, phân chia phẩm hàm cho quan chức về năng lực yếu kém, không làm được việc sẽ không được tổ chức tin dùng, không thể thăng tiến trên bậc thang quyền lực. Mở mắt nhìn vào những bản án tử hình oan sai rành rành là chấp nhận thua dân, là thú nhận chức cao quyền lớn mà năng lực trống rỗng.

Không thể thua dân. Không thể để cho tổ chức trung ương thấy những bản án tử hình oan sai. Phải nhắm mắt kí lệnh đòi thi hành ngay những bản án tử hình oan sai để không còn tồn tại oan sai, xóa sạch dấu vết oan sai.

Nhưng để thi hành những bản án tử hình oan sai không thể thực hiện như tòa án Hải Phòng thi hành án với tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng. Thông báo cho gia đình làm đơn xin nhận thi hài, tro cốt người bị thi hành án tử hình sẽ kích hoạt dư luận xã hội và dư luận xã hội có thời gian kịp lên tiếng. Không thể thi hành được án khi nỗi đau người dân và lương tâm con người trở thành những đợt sóng công phẫn của cả xã hội.

Không để lương tâm con người và nỗi đau của người dân kịp lên tiếng, bản án tử hình oan sai với Lê Văn Mạnh đã được thi hành lặng lẽ, mau lẹ.

Lê Văn Mạnh phải nhận cái chết oan trong âm thầm để quan tòa ngạo nghễ thắng dân, thắng cả công lí và quan tòa chứng tỏ với quyền lực rằng quan tòa luôn đúng, để ông quan tòa giấu kín được sự thiếu năng lực và tàn ác, để ông vẫn giữ được chiếc ghế quyền lực và tiếp tục thăng tiến !

Phạm Đình Trọng

(02/10/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Trọng
Read 630 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)