Những hứa hẹn chiến thắng của Thiên Chúa Yahweh đã chỉ đem lại tai họa cho người Do Thái. Lịch sử dài của họ hình như luôn luôn lặp lại cùng một kịch bản : người Do Thái cố gắng đánh chiếm các nước bên cạnh, họ thắng lợi lúc ban đầu nhưng thua trận cuối cùng rồi mất nước và bị lưu đày, đền thờ Yahweh cũng bị phá tan.
Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc, Gilad Erdan - Bộ Chiến lược
Đại sứ Do Thái Jilad Erdan đã phản ứng một cách giận dữ bằng những lời lẽ nặng nề sau khi Liên Hiệp Quốc biểu quyết, ngày 27/10/2023, nghị quyết về xung đột Israel – Hamas yêu cầu ngừng bắn ngay tức khắc mà không lên án đích danh tổ chức Hamas. Theo ông, các nước biểu quyết thuận nghị quyết này phải xấu hổ và Liên Hiệp Quốc đã làm một điều ô nhục. Ông quả quyết Israel (tên nước chính thức của người Do Thái) sẽ tiếp tục bằng mọi phương tiện tiêu diệt cho bằng được tổ chức Hamas. Đôi khi quá giận mất khôn.
Một nghị quyết dè dặt và công bằng
Thực ra đại sứ Israel không có lý do chính đáng nào để nổi giận đến thế. Nghị quyết Liên Hiệp Quốc đã lên án "mọi hành động bạo lực nhắm vào thường dân Palestine và Israel, nhất là các hành động khủng bố và tấn công bừa bãi", đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước sự leo thang của bạo lực từ sau vụ tấn công ngày 7 tháng 10". Giữa Israel và Hamas đã có chiến tranh thường trực từ nhiều năm nay. Các máy bay Israel không ngừng oanh tạc Gaza ; bất cứ lúc nào nhận dạng được một thủ lãnh Hamas, quân đội Israel lập tức bắn hạ bằng máy bay, pháo hay tên lửa dù có vì thế mà nhiều thường dân Gaza chết theo. Cụ thể là ngày 31/10 vừa qua ngay sau khi phát hiện một sĩ quan Hamas tới thăm trại tỵ nạn Jabaliya tại Gaza quân đội Israel đã pháo kích vào trại tỵ nạn này làm hơn 50 thường dân thiệt mạng. Cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 07/10/2023 nằm trong khuôn khổ cuộc chiến tranh này dù đáng bị lên án vì dã man.
Hamas cũng như mọi tổ chức Palestine cảm thấy bắt buộc phải có một hành động gây tiếng vang lớn vì nhiều nước Hồi Giáo, như Saudi Arabia, đang chuẩn bị bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel, mặc nhiên chấp nhận xóa bỏ thực thể "nhà nước Palestine" như Israel công khai chủ trương. Tổng cộng trong cuộc tấn công này bên Do Thái đã có khoảng 1.500 người thiệt mạng, đa số là thường dân, nhiều trẻ em bị chặt đầu. Đó là một trận đánh nhưng cũng là một tội ác chiến tranh theo định nghĩa quốc tế vì nhắm vào thường dân và cũng man rợ như một hành động khủng bố. Nhưng nếu như vậy thì chính Israel cũng mắc tội ác chiến tranh ghê rợn không kém. Từ ngày 07/10 Israel đã viện cớ phản công liên tục oanh tạc vào Gaza bất chấp thường dân làm gần 10.000 người chết, đa số là thường dân, trong đó có hơn 3.000 trẻ em.
Người ta cũng có thể nhận thấy là sau cuộc tấn công của Hamas chính quyền Israel hình như đã nghĩ là họ được một cơ hội để tấn công chiếm đóng luôn giải Gaza. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas và thay đổi hẳn tình trạng Trung Đông. Cũng đừng quên rằng Hamas thực ra đã chỉ mạnh lên nhờ chính quyền Israel liên tục tìm mọi lý cớ để làm nhục và làm mất uy tín của chính quyền Palestine của Mahmoud Abbas. Chính nhờ thế mà Hamas đã thắng cử và nắm được chính quyền tại dải Gaza từ năm 2006. Hamas là một đối thủ tiện lợi vì mang tiếng là khủng bố và Israel có thể tiêu diệt mà không bị phản đối.
Các hành động mà quy ước quốc tế coi là "tội ác chiến tranh" đến từ cả hai bên nhưng nhiều hơn từ Israël. Nghị quyết 27/10/2023 của Liên Hiệp Quốc đã khá dè dặt và công bằng, mục đích của nó không phải là để lên án ai mà là để chấm dứt tại họa kinh khủng mà thường dân dải Gaza đang phải chịu đựng. Đó là một mục đích khiêm tốn và đầy thiện chí. Chính vì thế mà nghị quyết đã được một đa số áp đảo các thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ với 120 nước thuận, 14 nước chống và 45 nước không biểu quyết. Israel đã phản ứng một cách hung hăng bởi vì họ coi thường Liên Hiệp Quốc –như họ đã bất chấp nghị quyết nhìn nhận hai nước Israel và Palestine, nghị quyết lên án việc Israel liên tục lấn chiếm vùng Tây Ngạn (West Bank hay Cisjordanie) để thành lập khoảng 200 khu định cư Do Thái. Họ xấc xược vì họ cậy có sự ủng hộ tận tình, gần như không điều kiện, của Mỹ.
Nghị quyết kêu gọi ngưng bắn tại Gaza vì lý do nhân đạo ngày 27/10/2023 đã được một đa số áp đảo các thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ với 120 nước thuận, 14 nước chống và 45 nước không biểu quyết. I
Ai là khủng bố và tại sao ?
Cũng cần nhìn lại các lực lượng bị coi là khủng bố. Thế giới chưa đạt tới một đồng thuận về một định nghĩa của khái niệm "khủng bố", tuy vậy thông thường từ "khủng bố" được hiểu là một hành động nhắm gây thiệt hại và kinh hoàng cho thường dân trong mục đích chính trị hoặc tôn giáo. Điều đáng lưu ý là tất cả các lực lượng khủng bố Hồi Giáo đều ra đời gần đây –Islamic Jihad năm 1981, Herzbollah 1982, Hamas 1987, Al Qaeda 1988, Houthis 1994, ISIS (Daesh) 2004- trong khi các lực lượng khủng bố đầu tiên là của người Do Thái và đã có từ lâu, rất lâu.
Ba nhóm khủng bố Do Thái Haganah, Irgun và Lehi đã được biết đến từ thập niên 1920 sau nhiều hoạt động gây chấn động nhưng đã có từ trước và vẫn tiếp tục hoạt động một thời gian sau khi nhà nước Israel được chính thức thành lập ngày 14/05/1948. Hai hành động gây chấn động nhất của các nhóm này là vụ đánh bom vào khách sạn King David năm 1946 làm chết 91 người, phần lớn là người Anh, và vụ thảm sát Deir Yassin năm 1948 một tháng trước ngày thành lập nhà nước Israel. Deir Yassin là một làng nhỏ của khoảng 400 người dân Palestine hiền lành, ở ngoài lãnh thổ được quy định cho Israel. Làng này chỉ có một tội là ở trên một đồi cao cạnh trục giao thông giữa Tel Aviv và Jerusalem và do đó có thể nhìn thấy những di chuyển của quân đội Israel. Còn rất nhiều vụ khủng bố khác trong giai đoạn lập quốc của Israel. Tôi đã có dịp thăm làng Nazareth, quê hương của Jesus Christ. Ngay kế bên còn có bia kỷ niệm khoảng 200 nạn nhân bị quân khủng bố Do Thái giết năm 1948. Anh hướng dẫn viên nói rằng còn có nhiều bia kỷ niệm ở nhiều nơi khác. Mục đích của các hành động khủng bố này là đuổi người Palestine đi để chiếm đất.
Các lực lượng khủng bố này bây giờ ra sao ? Haganah ngày nay là Tsahal, nghĩa là quân đội Israel ; Irgun hóa thân thành đảng Likud, đảng cánh hữu lớn nhất mà người đứng đầu là đương kim thủ tướng Benyamin Netanyahu.
Các khu vực được tô màu xanh lá cây là những khu vực được Liên hợp quốc xác định là lãnh thổ của một quốc gia Ả Rập tương lai, láng giềng với một quốc gia Do Thái (Jerusalem được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế).
Nếu so sánh bản đồ Israel được Liên Hiệp Quốc nhìn nhận năm 1948 và bản đồ hiện nay thì diện tích của Israel đã lớn thêm 4 hoặc 5 lần. Từ ngày thành lập Israel đã có bốn cuộc chiến tranh lớn với các nước Hồi Giáo chung quanh : 1948, 1956, 1967 và 1973. Israel luôn luôn thắng lớn và chiếm thêm đất đai. Nhưng không phải chỉ có thế. Với viện trợ tài chính rất dồi dào của cộng đồng Do Thái từ bên ngoài, người Do Thái còn mua rất nhiều đất của người Palestine trong vùng Tây Ngạn (West Bank/Cisjordanie) mà họ vẫn chiếm đóng dù theo Liên Hiệp Quốc là của nhà nước Palestine. Điều bất thường và vô lý là mỗi khu đất mua xong đều được coi là thuộc Israel và được đặt dưới luật pháp Israel. Mua đất đồng nghĩa với sáp nhập. Cho tới nay đã có khoảng 200 khu định cư như vậy. Từ năm 2014, khi Israel chấm dứt mọi đối thoại với chính quyền Palestine, đã có nhiều cuộc biểu tình của người Palestine để phản đối chính sách sáp nhập này. Tất cả đều là những cuộc biểu tình không vũ khí, dù đôi khi cũng có những thanh niên ném đá, cảnh sát Israel đã bắn chết trên 6.000 người Palestine.
Cũng nên biết là giải đất Gaza, 360 km2 và 2,4 triệu dân, thực ra là một nhà tù lộ thiên. Dù có bờ biển nhưng biển do Israel kiểm soát, người Palestine không có cả quyền đánh cá. Nước, điện và các đường giao thông ra ngoài hoàn toàn do chính quyền Israel kiểm soát.
Không ai phủ nhận là có những tổ chức khủng bố Hồi Giáo nhưng chúng đã chỉ ra đời rất lâu sau những tổ chức khủng bố Do Thái, như là vũ khí của kẻ yếu trong sự phẫn uất bất lực. Chính quyền Israel không muốn nhắc tới quá khứ khủng bố của họ và không coi những hành động tàn sát người Palestine sau này là khủng bố vì là những hành động công khai của một chính quyền.
Giải đất Gaza, 360 km2 và 2,4 triệu dân, thực ra là một nhà tù lộ thiên.
Những tù nhân của một huyền sử gây thiệt hại cho thế giới
Độc giả có thể thấy bài này có khi dùng chữ Do Thái có khi lại dùng chữ Israel. Hai danh xưng này gần như nhau nhưng không hẳn đồng nghĩa. Israel là tên nước chính thức trong khi Do Thái là tên một tôn giáo, đạo Do Thái (Judaism), và cũng là tên của dân tộc theo tôn giáo này. Nước Israel hiện nay có gần 10 triệu dân trong đó hơn 7 triệu là người Do Thái, hơn 2 triệu người Hồi Giáo và khoảng 500.000 người Công Giáo. Palestine là tên thường dùng để chỉ vùng đất bao gồm lãnh thổ Israel và hai vùng được quy định là thuộc "chính quyền Palestine" (Palestinian Authority) là Gaza và Tây Ngạn (West Bank/Cisjordanie). Danh xưng "người Palestine" (Palestinian) cũng thường được dùng để chỉ những người dân trong vùng Palestine không phải Do Thái. Sự lẫn lộn giữa hai danh xưng Israel và Do Thái càng có lý do từ ngày 19/07/2018 khi Quốc hội Israel biểu quyết một đạo luật trong Luật Căn Bản (tương đương với Hiến Pháp) quy định "Israel là nhà nước – quốc gia của người Do Thái". Israel là một nước chính thức phân biệt chủng tộc. Nó cũng là nước phá mọi kỷ lục về chênh lệch giầu nghèo. GDP bình quân trên mỗi đầu người của Israel là 55.000 USD mỗi năm, đứng thứ 13 trên thế giới, cao hơn cả Châu Âu, nhưng hơn 20% dân chúng, tuyệt đại bộ phận là người Hồi Giáo, sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực.
Lịch sử Israel vô cùng phức tạp. Nó pha trộn huyền thoại với lịch sử, tôn giáo với chính trị và luật pháp. Tuy vậy người ta sẽ không thể hiểu những gì đã, đang và sẽ xảy ra nếu không nhận diện được những nét chính đã được các nghiên cứu nghiêm chỉnh xác nhận.
Danh xưng Israel được nhắc tới lần đầu tiện trên bia đá chiến thắng của Hoàng Đế (pharaon) Ai Cập Merenptah, trong đó Merenptah khoe những chiến công của mình. Bia đá này có câu : "Israel đã bị tiêu diệt, hạt giống cũng không còn". Bia đá này được dựng lên vào khoảng năm 1.200 trước Công Nguyên, 100 năm sau ngày tổ phụ của dân Do Thái là Moise dẫn dân Do Thái rời Ai Cập vượt sa mạc Sinai tới vùng Palestine. Một câu hỏi cần được đặt ra là tại sao Merenptah lại đặc biệt nhắc tới dân tộc Israel ? Chắc chắn là vì người Israel đã chống trả mãnh liệt nhất. Điều này nói lên một đặc tính của của người Do Thái. Họ khởi đầu như là một tập hợp những bộ lạc hiếu chiến. Kinh Cựu Ước của họ gọi Thiên Chúa của họ là "Yahweh Thần Chiến Tranh" 285 lần. Nhưng sự khoe khoang của Merenptah không đúng vì dân Do Thái vẫn còn và không những thế còn mạnh lên tới độ mà vào thế kỷ 7 trước Công Nguyên dưới thời vua Josias (640 - 609 trước Công Nguyên). Do Thái muốn chinh phục cả vùng Canaan, tức Trung Đông bây giờ.
Theo Cựu Ước, dân Do Thái là dân do chính Thiên Chúa sinh ra, lưu lạc tới Ai Cập rồi sau đó được tổ phụ Moise dẫn dắt bỏ Ai Cập vượt sa mạc Sinai tiến về miền đất Canaan mà Thiên Chúa đã hứa cho, gọi là miền Đất Hứa. Israel là tên mà Thiên Chúa đặt cho vua Jacob và các thế hệ sau của người Do Thái được gọi là "con cháu Israel". Người Do Thái tự cho quyền chiếm lấy vùng này bằng chiến tranh vì Thiên Chúa đã hứa cho họ. Trong Cựu Ước, cùng với những lời hứa giúp dân Do Thái chiến thắng, có những câu được coi là của Yahweh nói với dân Do Thái như :
"Ta giao cho các con dân cư vùng đất này, các con sẽ đuổi chúng đi" (Sách Exodus 23.31) ;
Hay :
"Ta cho các các con vùng đất mà các con không khai phá ra, các con sẽ ở những thị trấn mà các con không xây dựng ra, sẽ ăn trái của những cây mà các con không trồng nên" (Sách Joshua 24.13).
Huyền sử Do Thái nói rằng Cựu Ước là tập sách được viết ra từ khi Moise dẫn dân Do Thái rời Ai Cập và 5 cuốn sách đầu, được goi là Torah hay Pentateuque, do chính tay Moise viết ra. Ngày nay tất cả các sử gia, kể cả các sử gia Do Thái, đều đồng ý rằng toàn bộ Cựu Ước đã được soạn thảo dưới thời vua Josias trong tham vọng chinh phục toàn vùng Canaan. Nó bao gồm một số huyền thoại đã có từ trước và những thêm thắt phục vụ cho tham vọng chinh phục của Josias. Đó chủ yếu là một tài liệu được soạn thảo ra cho mục đích chiến tranh và tuyên truyền để động viên người Do Thái, với đầy rẫy những hứa hẹn chiến thắng của Yahweh.
Kết quả là Josias đã liên tục gây chiến với các lân bang để rồi cuối cùng bị giết năm 609 trước Công Nguyên trong một trận đánh với quân Ai Cập. Israel rã rượi và chẳng bao lâu sau đó bị đế quốc Babylone thôn tính và người Do Thái bị lưu đày sang Babylone khoảng năm 595 trước Công Nguyên. Đó là lần lưu đày đầu tiên. Người Do Thái còn bị lưu đày nhiều lần khác sau khi cố tìm về cố hương ; hai lần lưu đày bi thảm nhất là năm 132 bởi đế quốc La Mã và năm 629 bởi đế quốc Byzance.
Israel bị đế quốc Babylone thôn tính và người Do Thái bị lưu đày sang Babylone khoảng năm 595 trước Công Nguyên. Đó là lần lưu đày đầu tiên.
Sau đó vùng đất Palestine bị quân Hồi Giáo chinh phục. Sự hiện diện của người Do Thái trên vùng Đất Hứa không đáng kể trong gần 2.000 năm. Vào năm 1917, khi quân Anh chiếm được vùng này từ tay đế quốc Ottoman, tỷ lệ người Do Thái trong vùng Palestine chỉ còn là 2%.
Trong lịch sử thế giới đã có rất nhiều trường hợp các dân tộc bị chinh phục và thống trị rồi sau đó hoặc giành lại được chủ quyền hoặc bị sáp nhập và đồng hóa nhưng chưa bao giờ có dân tộc nào bị lưu đày khỏi quê hương mình như người Do Thái. Không những thế, người Do Thái còn bị xua đuổi khỏi quê hương nhiều lần. Những hứa hẹn chiến thắng của Thiên Chúa Yahweh đã chỉ đem lại tai họa cho người Do Thái. Lịch sử dài của họ hình như luôn luôn lặp lại cùng một kịch bản : người Do Thái cố gắng đánh chiếm các nước bên cạnh, họ thắng lợi lúc ban đầu nhưng thua trận cuối cùng rồi mất nước và bị lưu đày, đền thờ Yahweh cũng bị phá tan.
Tại sao họ không rút ra những bài học ? Có lẽ là vì kinh thánh của họ cho họ niềm hãnh diện là một dân tộc tinh anh. Niềm tự hào đó kích thích cố gắng và lòng tin nên đã khiến họ quả nhiên trở thành một dân tộc tinh anh. Kinh thánh cũng cho họ một lý do chính đáng để tự hào vì dù chỉ được soạn thảo dưới thời vua Josias, đó cũng vẫn là tác phẩm vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nhân loại về lịch sử, văn học, tư tưởng và chính trị. Tuy nhiên cũng chính niềm tự hào đó đã khiến họ trở thành tù nhân của quá khứ trong một thế giới ngày càng tiến hóa nhanh chóng. Cựu Ước đã là một bước nhảy vọt kỳ diệu của một thời xa xưa nhưng đã lỗi thời, nhiều đoạn lỗi thời một cách quá đáng.
Trong vườn Gethsemane trên Núi Ô liu, Jesus nhìn xuống thành Jerusalem khóc thương và đoán trước nó sẽ bị tiêu hủy.
Người Do Thái đầu tiên đã nhìn thấy sự lỗi thời nguy hiểm của Cựu Ước là Jesus Christ. Ông tuyên bố nó đã hoàn tất vai trò -nghĩa là không nên thực hiện sát nghĩa nữa- và bị người Do Thái ruồng bỏ. Trong vườn Gethsemane trên Núi Ô-liu, trước khi bị đóng đinh, Jesus nhìn xuống thành Jerusalem khóc thương và đoán trước nó sẽ bị tiêu hủy. Đó đúng là điều đã xảy ra sau đó.
Sự kiên trì gắn bó với một tín ngưỡng đã thuộc hẳn về quá khứ không chỉ khiến người Do Thái trở thành tù nhân của một huyền sử và đi từ thảm kịch này tới tai họa khác. Nó cũng đã khiến họ gây ra những thiệt hại lớn cho thế giới từ ngày nước Israel được thành lập, năm 1948. Ra đời cùng với chiến tranh lạnh, Israel đã khiến nhiều nước, nhất là những nước Hồi Giáo, ủng hộ phe cộng sản hoặc không chịu đứng hẳn về phe dân chủ. Họ phẫn nộ vì Mỹ và Châu Âu quá bênh Do Thái. Lý do chính là vì các thế lực tài phiệt Do Thái rất mạnh và đã gần như bắt được Mỹ và Châu Âu làm con tin ; tại Mỹ họ chi phối gần như toàn bộ các cuộc bầu cử cấp liên bang. Một lý do khác là mặc cảm tội lỗi ; sau khi đã để cho chế độ Quốc Xã Đức tàn sát người Do Thái, họ nghĩ rằng các nạn nhân phải được đền bù.
Sự ủng hộ Israel gần như không điều kiện của Mỹ và Châu Âu ngay cả trong những hành động bất chính đã khiến Phương Tây và khối dân chủ mất chính nghĩa và mất đi nhiều đồng minh đáng lẽ không thể mất. Hai thí dụ cụ thể là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai nước trước đây đều là những đồng minh rất gắn bó của Mỹ và Phương Tây nói chung, bây giờ Iran trở thành một nước thù địch, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nước dân túy gần như chống Phương Tây. Các nước theo Hồi Giáo có lý do để tức giận. Tại sao Mỹ có thể cô lập và trừng phạt Iran vì chế tạo bom nguyên tử trong khi lại giúp Israel chế tạo hơn 300 trái bom nguyên tử ? Ngay lúc này, việc Israel bất chấp Liên Hiệp Quốc và dư luận thế giới tiếp tục oanh tạc và tàn sát thường dân Gaza cũng đang làm quên đi cuộc xâm lăng của Putin vào Ukraine. Đáng lẽ Mỹ và Châu Âu đã có thể dồn mọi cố gắng và được cả thế giới ủng hộ để giúp Ukraine chiến thắng nhanh chóng, khiến chế độ Putin sụp đổ, làn sóng dân chủ tràn tới Nga, đặt Trung Quốc trong thế cô lập và phải chấp nhận dân chủ hóa.
Hy vọng vẫn còn nguyên
Mặc dù một thực tế rất đáng buồn, Putin và Tập Cận Bình sẽ lầm to nếu mừng rằng họ đã thoát hiểm nhờ Israel. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng đúng. Lẽ phải và các giá trị tự do dân chủ vốn tự chúng có sức mạnh vô địch nhưng chúng đồng thời cũng đang được bối cảnh thế giới hỗ trợ. Trật tự thế giới đang thay đổi và chính người Do Thái cũng đang thay đổi theo chiều hướng đáng mong muốn.
Châu Âu và nhiều nước dân chủ khác cho đến nay vẫn phải miễn cưỡng theo Mỹ ủng hộ Israel vì cần Mỹ, trong khi Mỹ luôn luôn ủng hộ Israel không điều kiện. Nhưng bây giờ vai trò áp đảo của Mỹ không còn như trước nữa. GDP của Mỹ sau Thế Chiến II cao hơn 50% GDP thế giới bây giờ chỉ còn dưới 25%. Đồng Dollar cũng chỉ còn 60% vai trò đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế. Trọng lượng của Mỹ trong trật tự thế giới đã giảm nhiều và đang tiếp tục giảm. Mỹ không còn khả năng áp đặt những chọn lựa vô lý trong một thế giới ngày càng đa cực hóa. Lần đầu tiên đa số các nước Châu Âu và các nước dân chủ nói chung đã biểu quyết ngược với Mỹ trong nghị quyết yêu cầu ngưng bắn tại Gaza. Người Mỹ cũng đã thay đổi, các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine đã nhiều hơn hẳn các cuộc biểu tình ủng hộ Israel. Tại các nước Châu Âu gần như đã có đồng thuận lên án chính quyền Netanyahu. Các định chế bảo vệ nhân quyền mà người Do Thái đã góp phần quan trọng thành lập như Amnesty International và Human Rights Watch cũng đã lên án Israel pháo kích bừa bãi giết hại thường dân Gaza.
Và chính người Do Thái cũng đã thay đổi rất nhiều. Một thăm dò dư luận gần đây cho thấy đã có 44% người Do Thái ủng hộ việc phân biệt đạo và đời, tôn giáo và chính trị. Một thăm dò dư luận khác cho thấy 49% người Do Thái muốn ngừng bắn ngay tức khắc tại Gaza để tìm một giải pháp sống chung hòa bình giữa hai nước Israel và Palestine, trong khi chỉ có 29% ủng hộ chính sách hiếu chiến của Netanyahu. Sự cô lập của Israel qua nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ngày 27/10/2023 đang buộc người Do Thái nghĩ lại.
Chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều người Do Thái tại bức tường này tiếc rằng trong một thời gian quá lâu dân tộc mình đã chấp nhận làm tù nhân của một huyền sử để rồi tự đưa mình vào thảm họa
Đền thờ tổ của người Do Thái đã hai lần bị phá hủy. Hiện chỉ còn lại một bức tường phía Tây. Mỗi ngày hàng ngàn người Do Thái đến đây cầu nguyện, họ gọi bức tường này là Bức Tường Than Tiếc. Chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều người Do Thái tại bức tường này tiếc rằng trong một thời gian quá lâu dân tộc mình đã chấp nhận làm tù nhân của một huyền sử để rồi tự đưa mình vào thảm họa, và đã đến lúc phải tự giải phóng khỏi gông cùm của quá khứ.
Nguyễn Gia Kiểng
(07/11/2023)