Lời tòa soạn : Tháng 11/2023 này Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vừa kỷ niệm 41 năm. Nhân dịp này ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã có một "tâm thư" gửi các chí hữu mà chúng tôi thấy có thể và nên chia sẻ với quý độc giả và thân hữu. (NVH)
*******************
Ngày nay còn ai phản bác lý tưởng dân chủ đa nguyên ngoài ban tuyên giáo của Đảng cộng sản ? Còn ai phủ nhận sự cần thiết của hòa giải và hòa hợp dân tộc ? Còn ai nghĩ rằng phải tranh đấu bằng bạo lực ?
Chúng ta vừa là chí hữu vừa là anh em !
Các chí hữu thân mến,
Tháng 11/2023 này, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng ta vừa tròn 41 tuổi và bước vào năm hoạt động thứ 42. Thời gian này xác nhận chúng ta là một tổ chức kỳ cựu. Quan trọng hơn, chúng ta là tổ chức chính trị Việt Nam đầu tiên thực sự lấy mục tiêu dân chủ hóa đất nước làm lý tưởng ngay từ khi thành lập, với một dự án chính trị liên tục được cập nhật để thích nghi với một bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng. Cùng một lúc tình hình thế giới đột ngột trở nên căng thẳng với cuộc chiến Israel – Hamas thêm vào cuộc chiến Ukraine. Chúng ta đang sống một thập niên sẽ quyết định tương lai thế giới trong một thời gian dài. Nhân dịp này tôi xin được có đôi lời gửi đến các chí hữu.
Tháng 9 vừa qua tôi đã sang Mỹ thăm các chí hữu bang California. Chuyến đi đã diễn ra đúng như tôi dự đoán. Ngoài các chí hữu, tôi đã gặp khá nhiều người, đa số là những thân hữu mới. Tất cả đều bày tỏ sự đồng tình với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Qua các trao đổi tôi được biết rằng hiện nay tại Cali, cũng như tại mọi nơi khác, hầu như không còn ai chống Tập Hợp, tất cả đều nhìn nhận lập trường của Tập Hợp là đúng, nhiều người cho là duy nhất, phù hợp với hiện tình đất nước. Tất cả đều sẵn sàng ủng hộ Tập Hợp.
Điều đáng tiếc là đa số đã lớn tuổi rồi, thời gian đóng góp không còn bao nhiêu. Tình trạng này tôi đã nhận thấy từ lâu qua trao đổi với nhiều người từ nhiều nơi khác. Đây là thử thách lớn nhất của các tổ chức của người Việt hải ngoại, kể cả các tổ chức văn hóa xã hội.
Thế hệ thứ hai, tuổi trẻ Việt Nam, tại nước ngoài nói chung không còn quan tâm nhiều tới đất nước nữa. Thanh niên trong nước cũng không khác. Trong những năm gần đây tôi đã tiếp xúc với nhiều sinh viên và thực tập sinh từ trong nước ra, trong đó một số là con cháu các quan chức của chế độ hiện nay. Điều kinh hoàng là không một ai muốn trở về nước. Đúng như chúng ta đã nhận định trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, sự chán nản bất lực trước một chính quyền tồi dở và hung bạo kéo dài quá lâu đã dần dần biến thành sự thất vọng với chính đất nước. Đó không chỉ là một trở ngại lớn cho cuộc vận động dân chủ mà còn là một đe dọa nghiêm trọng cho tương lai đất nước. Hòa giải người Việt Nam, nhất là tuổi trẻ Việt Nam, với đất nước Việt Nam sẽ phải là cố gắng chính của chúng ta.
Dù sao tôi nghĩ rằng chúng ta, các chí hữu và thân hữu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, vẫn có mọi lý do để lạc quan. Những khó khăn không được khiến chúng ta quên rằng chúng ta đã đạt được những thành quả rất lớn.
Chúng ta là một tổ chức có bề dày thời gian và cũng là tổ chức duy nhất cho tới nay hiểu rằng một cuộc đấu tranh chính trị chỉ có thể thành công -và thực ra cũng chỉ có ý nghĩa- nếu có một phong trào tư tưởng đi trước. Nhóm người đầu tiên của Tập Hơp vì vậy đã dành trọn hai năm đầu để chỉ thảo luận về mục đích và phương pháp đấu tranh. Họ đã nhận định rằng cuộc đấu tranh dân chủ sẽ rất dài và khó khăn vì đây là cuộc cách mạng lớn nhất từ xưa đến nay để mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử dân tộc ta. Nó đòi hỏi một đoạn tuyệt văn hóa rất lớn. Kết quả là tài liệu Cơ Sở Tư Tưởng với ba thành tố nền tảng : dân chủ đa nguyên, hòa giải và hòa hợp dân tộc, bất bạo động. Chúng ta khẳng định mục đích của cuộc đấu tranh không phải là để tiếp tục cuộc nội chiến hay lập lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta tranh đấu vì một tương lai khác cho đất nước, để thiết lập chế độ dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng những phương thức bất bạo động.
Chúng ta đã rất thận trọng và có phương pháp trong xây dựng tổ chức. Sau gần bốn năm kiện toàn tư tưởng và kết nạp thêm chí hữu –sau khi một số người đầu tiên xin rút về cương vị thân hữu vì thấy cuộc đấu tranh sẽ rất dài- chúng ta mới công khai lên tiếng tranh thủ dư luận -qua nguyệt san Thông Luận, mà số đầu tiên ra ngày 01/01/1988- và lập tức gây tiếng vang lớn.
Lúc đó tuyệt đại đa số kịch liệt chống chúng ta. Những người chống cộng coi đa nguyên là nhượng bộ, hòa giải và hòa hợp dân tộc là đồng lõa với cộng sản, bất bạo động là hèn nhát. Ngược lại Đảng cộng sản cũng kịch liệt phản bác vì nhận ra một đối thủ lợi hại ; họ cho phát hành cuốn "Chủ nghĩa đa nguyên, vì sao không chấp nhận ?" ngay năm 1990. Sau đó các đảng viên bị cấm đề cập đến từ "đa nguyên", ngay cả để phản bác.
Ngày nay còn ai phản bác lý tưởng dân chủ đa nguyên ngoài ban tuyên giáo của Đảng cộng sản ? Còn ai phủ nhận sự cần thiết của hòa giải và hòa hợp dân tộc ? Còn ai nghĩ rằng phải tranh đấu bằng bạo lực ?
Chúng ta cũng đồng thời phơi bày những tệ hại của Khổng Giáo mà nước ta đã coi là một đạo đức cao cả trong suốt dòng lịch sử, và phản bác truyền thống tôn thờ bạo lực qua nhân vật Nguyễn Huệ được cả hai phe cộng sản và chống cộng tôn sùng như một đại anh hùng. Ngày nay còn bao nhiêu người tôn thờ Khổng Tử và đề cao Nguyễn Huệ ?
Trong lịch sử thế giới chưa bao giờ có một tổ chức, một trường phái hay một chính quyền nào thay đổi được cách suy nghĩ của cả một dân tộc một cách nhanh chóng như chúng ta, cũng chưa có trường hợp một tổ chức, một trường phái hay một chính quyền nào tranh thủ được đồng thuận dân tộc trên những định hướng tương lai mới ngược hẳn với những định kiến sẵn có từ hàng ngàn năm lịch sử trong một thời gian kỷ lục như chúng ta. Có thể nói chúng ta đã toàn thắng trên mặt trận tư tưởng và lý luận. Sở dĩ nhiều người chưa nhìn thấy tầm quan trọng của những thành quả này vì họ chưa quan sát tiến trình chuyển hóa về dân chủ của các quốc gia. Trong lịch sử thế giới thiết lập dân chủ luôn luôn là một cuộc đấu tranh rất khó và rất dài, đòi hỏi vài thế hệ thậm chí vài thế kỷ, trong đó đạt tới đồng thuận về một dự án dân chủ và về phương thức đấu tranh chiếm gần hết thời giờ và cố gắng. Có thể nói nước ta đã đi xong giai đoạn cốt lõi này chỉ sau một thế hệ, và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đóng góp phần quyết định. Lịch sử sẽ ghi nhận đóng góp này.
Chúng ta, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, là đại diện chân chính của đồng thuận dân tộc này. Không ai ngờ vực tinh thần đa nguyên thành khẩn của chúng ta. Không ai ngờ vực sự thành thực và kiên trì của chúng ta trong cố gắng hòa giải dân tộc. Cũng không ai phủ nhận là chúng ta đã từ chối và lên án dứt khoát bạo lực và bạo loạn. Chúng ta đã thuyết phục, bởi vì chúng ta có một tầm nhìn lịch sử đúng giải thích hiện tình đất nước và cũng có một dự án chính trị đúng cho tương lại đất nước, nói khác đi chúng ta có một truyện thuyết tương lai cho đất nước mà mọi người Việt Nam có thể hưởng ứng. Hơn thế nữa, trong suốt hơn 40 năm hoạt động, chúng ta chưa bao giờ gian trá, phản bội hay gây thiệt hại nào cho đất nước hay cho bất cứ ai. Lịch sử thế giới đã chứng tỏ rằng một thắng lợi về tư tưởng và lý luận luôn luôn nhanh chóng dẫn tới thắng lợi chính trị. Chúng ta không chỉ đã thắng lợi về tư tưởng và lý luận, mà còn chinh phục được cả tình cảm và lòng tin của những người quan tâm tới đất nước. Chúng ta đã tranh thủ được cả sự hợp tác của những đảng viên cộng sản kỳ cựu và cao cấp. Thành công sẽ trọn vẹn và không còn xa.
Vào lúc này có thể nói đối thủ của chúng ta chỉ còn Đảng cộng sản, nhưng Đảng cộng sản cũng chỉ là một cái xác không hồn. Nó đã tự hủy hoại tương lai của chính mình khi, thay vì nhận lỗi và ăn năn vì những mê muội đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho đất nước lại xấc xược hành xử như một lực lượng chiếm đóng, khăng khăng từ chối tự diễn biến tự chuyển hóa và ngoan cố bám chặt lấy chủ nghĩa Mác Lênin, một chủ nghĩa đã bị cả thế giới nhận diện như một sai lầm và một tội ác. Nó cũng đã tự lố bịch hóa khi đề cao cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" vừa tầm thường vừa trống rỗng. Những cố gắng học tập chủ nghĩa Mác Lênin và "tư tưởng Hồ Chí Minh" chỉ có tác dụng hạ thấp hơn nữa trí tuệ của ban lãnh đạo Đảng cộng sản và tách rời họ hơn nữa với nhân dân Việt Nam, kể cả đa số các đảng viên. Nhưng giai đoạn Nguyễn Phú Trọng đang qua đi, Đảng cộng sản sẽ nhận ra rằng nó chỉ có chọn lựa giữa tham gia để làm tác nhân hay ngoan cố chống lại để làm nạn nhân của tiến trình dân chủ hóa bắt buộc phải tới và sắp tới. Chúng ta có mọi lý do để tin tưởng và gia tăng cố gắng, nhất là trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Sự lắng dịu bề ngoài của phong trào dân chủ hiện nay không phải là vì nó đã giảm khí thế. Đó trước hết là sự chấm dứt của tình trạng nhốn nháo trước đây, trong đó vì thiếu kiến thức chính trị nhiều người tưởng rằng có thể nhanh chóng thành lập được một tổ chức chính trị lớn và thành công mà không cần một truyện thuyết hoàn chỉnh ; nhiều người do di sản Khổng Giáo đã chỉ đấu tranh kiểu nhân sĩ, nghĩa là lên tiếng một mình và tìm uy tín cho cá nhân mình. Kết quả là sự chú ý của quần chúng bị lôi kéo khỏi những cố gắng nghiêm túc. Tình trạng nhốn nháo này nay đã chấm dứt. Đây là thời cơ thuận lợi để động viên mọi thiện chí và giành thắng lợi cho dân chủ. Công việc sẽ không khó nếu chúng ta nắm vững những ý kiến trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai mà một văn bản mới đang được chuẩn bị, và nếu chúng ta có đủ tự tin. Kinh nghiệm các tiếp xúc trong thời gian qua cho phép tôi quả quyết như vậy. Chúng ta có thể thuyết phục và động viên.
Khả năng thuyết phục và động viên của chúng ta càng lớn nhờ một bối cảnh thế giới rất thuận lợi dù bề ngoài có vẻ phức tạp và hỗn loạn. Cuộc chiến Ukraine sẽ kết thúc với sự sụp đổ của chính quyền độc tài Putin và làn sóng dân chủ sẽ tràn tới Nga. Xung đột Israel – Hamas dù đã gây xúc động lớn sẽ không thay đổi kết quả này. Chế độ cộng sản Trung Quốc đã thực sự lâm vào một cuộc khủng hoảng không lối thoát vì mô hình chính trị và kinh tế của nó đã tích lũy quá đủ sai lầm và mâu thuẫn. Nó không còn là một đe dọa cho thế giới dân chủ và cũng không còn là một chỗ dựa cho chế độ cộng sản Việt Nam. Thế giới cũng đang sống một cuộc đối đầu quả quyết -dù không có nguy cơ dẫn tới thế chiến- giữa khối các nước dân chủ và các chế độ độc tài còn lại, trong đó phần thắng về ý thức hệ đã thuộc hẳn về phe dân chủ vốn đã có sức mạnh kinh tế và khoa học kỹ thuật áp đảo. Điều đặc biệt đáng chú ý là các công ty đa quốc và các quỹ đầu tư lớn đã quyết định rút ngắn chuỗi cung ứng và đem sản xuất về gần với tiêu thụ, với sự gần gũi được hiểu theo nghĩa thể chế chính trị. Chọn lựa này có nghĩa là họ sẽ tập trung đầu tư trước hết vào các nước dân chủ. Thời gian ân huệ của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chấm dứt, các nước dân chủ không còn nhu cầu tranh thủ bằng mọi giá để tách Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc như trước nữa. Như sự nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ lên tầm cao nhất đã chứng tỏ, chế độ cộng sản Việt Nam không còn chọn lựa nào khác hơn là tranh thủ sự hợp tác tối đa của các nước dân chủ và, muốn như thế, sẽ phải chấp nhận những nhượng bộ quan trọng về dân chủ và nhân quyền ngay cả nếu vì thế mà chế độ lâm nguy.
Chúng ta có vị thế mạnh và cơ hội tốt để thuyết phục và động viên. Vấn đề chỉ là thuyết phục như thế nào. Tôi xin góp vài ý kiến.
Đối với những người lớn tuổi và đứng tuổi, chúng ta cần giải thích rằng mọi người đều có thể đóng góp ở bất cứ tuổi nào bởi vì cố gắng chính hiện nay của cuộc vận động dân chủ là chinh phục những tấm lòng, qua thảo luận và truyền thông. Vốn thời gian của họ tuy không còn dài nhưng hạn kỳ dân chủ đã rất gần. Họ hoàn toàn có thể tham gia cuộc vận động dân chủ và nhìn thấy thắng lợi.
Đối với tuổi trẻ trong nước, chúng ta cần phơi bày mạnh mẽ hơn nữa sự sai lầm của chủ nghĩa luồn lách, nghĩa là tìm cách giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân. Họ cần hiểu rằng với chế độ này, chủ nghĩa luồn lách sẽ chỉ cho phép một thiểu số rất nhỏ thành công một cách bất lương để sống một cuộc sống bất xứng, còn tuyệt đại đa số lại sẽ sa lầy trong thất bại. Sẽ chỉ có giải pháp chung là một đất nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, với một chính quyền lương thiện điều khiển bởi những người yêu nước có thiện chí và khả năng. Trong tình trạng đất nước hiện nay, điều tốt cho mọi người cũng là điều tốt cho mỗi người.
Đối với thế hệ thứ hai, ở nước ngoài chúng ta cần nói với họ và động viên những người thân của họ để nói với họ rằng, nước tiếp cư là cha mẹ nuôi của họ nhưng Việt Nam là cha mẹ ruột của họ. Nước tiếp cư giúp họ nhưng Việt Nam cần họ. Phục vụ nước tiếp cư là đúng nhưng phục vụ Việt Nam là đẹp. Đóng góp cho nước tiếp cư là bổn phận của trí tuệ, nhưng đóng góp cho Việt Nam là nghĩa cử của tâm hồn. Hơn nữa, một nước Việt Nam dân chủ vươn lên mạnh mẽ còn có thể cống hiến cho họ những cơ hội để thành công và tự hào vì đã giúp nước, giúp đời. Nếu chúng ta nhắc lại nhiều lần với lòng tin quả quyết, chắc chắn họ sẽ đồng ý. Đất nước Việt Nam cần luôn luôn hiện diện trong mỗi gia đình, kể cả trong những bữa cơm gia đình. Chúng ta càng phải cố gắng giữ thế hệ trẻ hải ngoại cho Việt Nam bởi vì kinh nghiệm của các dân tộc đã cho thấy nước chậm tiến nào muốn vươn lên cũng cần sự tiếp tay của một cộng đồng hải ngoại mạnh.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhìn rõ những thành quả đã đạt được để vững tin rằng chúng ta có đầy đủ tư cách và khả năng để thuyết phục và động viên mọi người Việt Nam tham gia cuộc vận động dân chủ và sát cánh với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Đó cũng là bổn phận của chúng ta, bởi vì trên thực tế hiện nay Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang là khối óc và xương sống của phong trào dân chủ Việt Nam.
Chúng ta vừa là chí hữu vừa là anh em !
Nguyễn Gia Kiểng
(26/11/2023)