Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

29/01/2024

Tổ chức và sự hình thành của ý kiến

Nguyễn Gia Kiểng

Lời tòa soạn : Theo đề nghị của một số độc giả chúng tôi đăng lại bài này viết cách đây 18 năm nhưng hoàn toàn không có thời gian tính và hơn nữa rất cần đọc. (TL)

ykien01

Tổ chức và sự hình thành của ý kiến - Ảnh minh họa 

*************************

Một điểm về văn hóa tổ chức

Tổ chức và sự hình thành của ý kiến

Nguyễn Gia Kiểng, tháng 1/2006

 

Cuộc thảo luận thật ngộ nghĩnh : một ông bộ trưởng cộng sản cố gắng thuyết phục một kẻ mới ở tù ra vì tội chống cộng là không nên tin cộng sản. Đó là năm 1979. Vị này là một trí thức thân cộng trước đây. Ông được móc nối làm nội ứng, đóng góp chuẩn bị cho cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. Sau đó ông vào bưng và được phong làm bộ trưởng trong Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Sau chiến thắng cộng sản 1975, Mặt Trận Giải Phóng và Chính Phủ Lâm Thời này bị giải thể, ông được chuyển sang điều khiển một công ty. Lý do của cuộc gặp gỡ này hoàn toàn kỹ thuật. Do một trong những chuyện ngược đời đầy rẫy trong giai đoạn này, tôi trở thành một chuyên gia của chế độ và có tiếng nói quyết định trong một đề nghị của ông. Biết gốc gác của tôi, ông bày tỏ lập trường chống cộng của ông với tất cả sự phẫn nộ của một kẻ bị mắc lừa và sự nhiệt tình của một người mới tòng giáo. Ông đả kích đảng cộng sản là dùng "những thằng đảng viên ngu dốt, đầu bùn óc đất" cầm đầu những người có kiến thức. Ngu dốt, đầu bùn, óc đất ? Không hẳn như vậy. Tôi cũng đã có dịp tiếp xúc và trao đổi với một số cấp lãnh đạo cộng sản và nhận ra rằng họ tuy nói chung chỉ có học vấn căn bản thấp nhưng cũng có nhiều ý kiến khá đặc sắc. Thấy tôi không hoàn toàn được thuyết phục, ông thở dài : "tôi biết thế nào trước sau anh cũng bị mắc lừa như tôi, cộng sản nó vô học nhưng lại có tài mê hoặc trí thức".

Cuộc nói chuyện này khiến tôi suy nghĩ về tác dụng đào tạo của sinh hoạt tổ chức, đặc biệt là về sự tạo thành của ý kiến trong tổ chức. Sự mê hoặc và sức thuyết phục của đảng cộng sản là một vấn đề khác.

ykien05

Ý kiến là một nhận xét, một cách nhìn, một cách hiểu, một sự đánh giá, hay một kết luận, nói chung là kết quả của một suy nghĩ, về một sự kiện.

Nhưng trước hết, thế nào là ý kiến và ý kiến hình thành như thế nào ?

Ý kiến là một nhận xét, một cách nhìn, một cách hiểu, một sự đánh giá, hay một kết luận, nói chung là kết quả của một suy nghĩ, về một sự kiện. Sự kiện, hoặc biến cố, có thể đơn giản như một dữ kiện đến trực tiếp từ giác quan (sense-data), như nhìn thấy một chiếc lá vàng rơi, cũng có thể là một kết hợp rất phức tạp của vô số sự kiện, như Thế Chiến 2. Sự kiện càng phức tạp bao nhiêu thì xác suất sai lầm của ý kiến càng cao bấy nhiêu.

Cần phân biệt ý kiến và ý định, hay chủ ý. Cùng là một kết luận và đều có thể thận trọng hay hấp tấp, nhưng ý kiến (idea, idée) thuộc phạm trù tri thức và do đó chỉ có thể đúng hay sai, chính xác hay mơ hồ, trong khi ý định (intention) còn có phạm trù đạo đức, nghĩa là có thể khôn ngoan hay dại dột, lương thiện hay gian trá. Vấn đề đối với nhiều người và nhiều tổ chức, trong đó không phải chỉ có đảng cộng sản, là ý định chi phối ý kiến trong khi đáng lẽ ra ý kiến phải chỉ đạo ý định.

Những khám phá của y học và trí não học đã phân loại được một số trung tâm của bộ óc theo chức năng của chúng. Dựa vào cấu tạo này người ta đã chế tạo ra các máy tính điện tử có khả năng giải quyết nhiều vấn đề đòi hỏi một cố gắng trí tuệ lớn. Các loại trung tâm đó là :

- Những trung tâm ngoại vi để kiểm soát các giác quan và cử động nhờ đó con người có thể nói, nghe, nhìn, ngửi, cảm xúc, ăn uống, tiêu hóa, đi đứng…

- Trung tâm toán và lôgíc (arithmetic and logic unit), mà ta có thể gọi là trung tâm toán-lý hay lý trí, trong đó các nguyên tắc căn bản về số học và các luật căn bản về lôgíc được tồn trữ sẵn từ lúc sinh ra như là đặc tính của loài người.

- Trí nhớ trong đó được tồn trữ tất cả những kiến thức : sự kiện, hình ảnh, cũng như âm thanh và hương vị đã được ghi nhận và chưa bị xóa.

Bộ óc vận hành như thế nào, sự hiểu biết hình thành như thế nào, tại sao ta biết những gì ta biết và có gì đảm bảo rằng những kiến thức của ta đáng tin cậy, và đáng tin cậy đến chừng mực nào, v.v. là những vấn đề mà các triết gia đã cố gắng trả lời ngay từ khi triết học xuất hiện. Từ đó môn tri thức học (epistemology), còn gọi là lý thuyết về sự hiểu biết (theory of knowledge), luôn luôn là phần cốt lõi của triết học. Một thí dụ nổi tiếng là Plato (428-347 BC) cho rằng người ta không học gì cả mà chỉ nhớ lại vì đã biết tất cả khi mới sinh ra nhưng quên đi (vì ăn cháo lú ?). Giả thuyết của Plato không nghịch lý như người ta tưởng vì quả nhiên các khám phá trong y học, tâm lý học và trí não học sau này đã xác nhận rằng các nguyên tắc về số học và lôgíc đã có tự bẩm sinh, hay ít nhất đã sẵn sàng từ bẩm sinh, chỉ cần được khởi động.

Cũng nên nhắc lại rằng khi triết học mới xuất hiện, cùng với nền văn minh cổ Hy Lạp, nó bao gồm tất cả. Hiện nay nhiều bộ môn, như toán học, vật lý, tâm lý học, trí não học, v.v. đã là những bộ môn độc lập, triết học chủ yếu chỉ còn vai trò minh định các khái niệm và từ ngữ.

Sự phân biệt các trung tâm theo chức năng này đã được công nhận, cùng với vài đặc tính.

Một là các trung tâm ngoại vi có liên hệ trực tiếp và thường trực với một số ký ức đặc biệt như sự thèm muốn, tham vọng, lo sợ, quyết tâm. Vì các trung tâm này điều khiển cơ thể và những tiếp xúc với bên ngoài nên rất dễ đưa đến tình trạng được gọi là "hành động theo cảm tính" hoặc "hành động theo bản năng".

Hai là lý trí, hay trung tâm toán và lôgíc, ngoài những nguyên tắc số học căn bản và các luật lôgíc còn có một số giá trị bẩm sinh về đạo đức và, ở một chừng mực nào đó, thẩm mỹ. Điều này có vẻ lạ, nhưng quả thực là như thế. Các triết gia và các nhà khoa học đều đồng ý các nguyên tắc lôgíc không thể giải thích cách nào khác hơn là do chính cấu tạo của bộ óc. Plato đã từng lấy một đứa bé con một người nô lệ không học hành gì cả và bằng những câu hỏi liên tục hướng dẫn nó giải một bài toán. Một người bình thường cũng lý luận đúng theo ba luật lôgíc (luật đồng nhất : A là A ; luật mâu thuẫn : A không thể vừa là A lại vừa không phải là A ; luật cấm trung dung : A và B phải hoặc là một hoặc khác nhau, không thề có chuyện tuy hai mà một), luật diễn dịch (điều gì đúng cho tất cả thì cũng đúng cho một cá thể), luật qui nạp (điều gì vẫn thường xảy ra trong một hoàn cảnh thì có nhiều triển vọng sẽ xảy ra nếu hoàn cảnh được lặp lại). Các nguyên tắc đạo đức cũng thế. Không nên giết người hay làm khổ người khác là điều mà bất cứ ai, ở bất cứ trình độ nào và thuộc nền văn hóa nào cũng hiểu và tán thành mà không cần học ; ăn cướp, nói dối, thất hứa là không chấp nhận được. Các khái niệm mỹ thuật cũng do bẩm sinh, đẹp và xấu không có định nghĩa mà cũng không phải do giác quan. Cần nhận xét, tiếp theo sự phân biệt ý kiến và ý định, rằng quyết định tội ác là một ý định (intention) chứ không phải là ý kiến (idea) và không thuộc lý trí. Lý trí chỉ sản xuất ra ý kiến. Việc thực hiện tội ác có thể vận dụng tới lý trí. Tội ác lúc đó được coi là một "sự kiện khách quan" chỉ cần được xử lý (tôi chỉ thi hành mệnh lệnh !).

Ba là trí nhớ là một bộ phận rất phức tạp và tinh vi. Không phải chỉ có những sự kiện đơn giản được lưu trữ trong trí nhớ, mà cả những lý luận phức tạp và cả những vật thể bao gồm cả sự kiện lẫn lý luận. Trí nhớ được tổ chức theo bản chất của những gì được ghi nhận, thí dụ màu sắc, âm thanh, hình ảnh, tên riêng, v.v. Thành phần quan trọng nhất trong trí nhớ là ngôn ngữ, nghĩa là các từ và ý nghĩa của chúng.

Ta gọi chung những gì được lưu trữ trong trí nhớ là vật thể (object).

ykien02

Trí nhớ là một bộ phận rất phức tạp và tinh vi.

Ý kiến là sản phẩm của sự vận dụng trung tâm toán-lý để xử lý một hoặc một số sự kiện được ghi nhận trong trí nhớ, sự ghi nhận có thể vừa mới được thực hiện trong tức khắc đối với một dữ kiện giác quan (sense-data).

Trung tâm toán-lý xử lý một sự kiện (một vật thể trong kho nhớ) bằng cách phối hợp với vô số sự kiện (hay vật thể) khác trong trí nhớ để đi đến một kết luận.

Việc xử lý này chủ yếu là để tìm sự kiên kết (coherence), hay ít nhất để giải quyết những mâu thuẫn giữa các sự kiện. Trong cố gắng xử lý này, sự kiện được xử lý có thể bị biến đổi so với cảm nhận lúc ban đầu. Các vật thể tồn trữ từ trước trong trí nhớ cũng có thể bị biến đổi cho phù hợp với một sự kiện mới nếu sự kiện mới này quá rõ ràng, minh bạch và hiển nhiên. Thí dụ sự phát giác một nhà tu hành có người tình và con riêng bí mật có thể làm thay đổi hình ảnh của ông ta và ý nghĩa những lời giảng khắc kỷ của ông trong đầu óc nhiều người.

Kết quả của việc xử lý đó là cái mà ta gọi là ý kiến.

Nhưng việc xử lý này diễn ra như thế nào ?

Nếu chúng ta phân tích cách mà chính chúng ta thường dùng để giải thích và hiểu các biến cố, thí dụ như một vụ án mạng, chúng ta sẽ hiểu dễ dàng kết luận của các khảo cứu về cách vận hành của lý luận. Theo kết luận này thì trí tuệ (đúng là trung tâm toán-lý) giải thích một sự kiện theo một kịch bản (scenario), có nguyên nhân, kết cuộc và thứ tự diễn ra của các sự việc ; kịch bản này được chọn giữa nhiều kịch bản đã được lưu trữ như những vật thể trong trí nhớ ; một kịch bản bị loại bỏ nhường chỗ cho một kịch bản khác nếu phát hiện một mâu thuẫn giữa các chi tiết trong chính kịch bản, hoặc với một sự kiện khác không thể phủ nhận.

Thí dụ : Để giải thích một vụ án mạng trong đó một phụ nữ trung niên bị giết, ổ khóa bị cưỡng, nhiều đồ vật quí giá bị mất, viên thanh tra cảnh sát có thể hình dung một tên trộm đột nhập nhân lúc bà chủ ở nhà một mình. Đó là kịch bản thứ nhất. Nhưng kịch bản này không đứng vững vì nhà có một con chó giữ nhà và không có dấu hiệu gì là con chó này đã phản ứng, như vậy hung thủ phải là người nhà. Kịch bản thứ hai nhắm vào ông chồng ; ông này là một người thực dụng, hiếu sắc, có cô nhân tình trẻ đẹp, trước đây lấy bà này chủ yếu để đào mỏ, v.v. Trong kịch bản này một số sự kiện không xuất hiện lúc ban đầu được thêm vào để kịch bản trở thành phong phú hơn.

- Ông chồng trước đây đẹp trai, học giỏi, lấy người vợ giàu vì ham của chứ không phải vì tình yêu ;

- Nay ông đã giàu có, lại hiếu sắc và có nhân tình trẻ, bà vợ trở thành trở ngại ;

- Ông không thể ly dị vì sẽ mất một phần tài sản trong khi ông là một người tham tiền ;

- Vì thế vốn là người vô lương tâm, vô đạo đức, v.v.

Ý kiến được sản xuất ra là kết luận chính ông chồng là thủ phạm. Ý kiến này là kết quả của một kịch bản, hay một khung lý luận. Cách sản xuất ý kiến này được sử dụng trong mọi suy luận : một người giỏi toán chỉ cần đọc đề tài là có thể biết những chặng đường trung gian phải chứng minh dẫn tới kết luận ; những người làm kế hoạch tiên liệu tương lai bằng cách hình dung các diễn biến và hậu quả của chúng ; Jesus Christ trên đường đi tới núi Sọ để bị hành quyết khóc thương thành Jerusalem vì nhìn thấy kịch bản của sự hủy diệt : sau Jesus chỉ còn những lãnh tụ chủ trương chống lại La Mã bằng bạo lực, họ sẽ kết hợp với nhau và nổi dậy, cuộc nổi dậy này sẽ thất bại vì lực lượng hai bên quá chênh lệch nhưng sẽ tạo lý cớ để đế quốc La Mã san bằng thành Jerusalem và lưu đày dân Do Thái.

Tóm lại, chúng ta luôn luôn lý luận theo một kịch bản đã được tồn trữ trong trí nhớ. Nhưng kịch bản này do đâu mà có ? Dĩ nhiên là do kinh nghiệm sống và trao đổi. Nhưng thử tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra nếu trước một sự kiện cần phải có một cách ứng xử mỗi người lý luận theo một kịch bản cá nhân : sẽ có vô số kịch bản, tất cả đều cứng nhắc (vì là một khung lý luận) và kịch bản này đối chọi với kịch bản kia. Người ta sẽ không thể đạt tới một kết luận chung và một hành động chung. Điều này giải thích tại sao những người chống cộng ở nước ngoài không làm được gì ngoài những cuộc mít-tinh, biểu tình trong hơn 30 năm qua.

Chính trong các tổ chức với những chức năng chuyên biệt - các tổ chức chính trị, từ thiện, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi của một ngành nghề nào đó - mà các vấn đề chuyên biệt được thảo luận và những kịch bản gần giống nhau được hình thành và tồn trữ.

ykien04

Qua trao đổi và thảo luận, các kịch bản dở bị phát hiện và loại bỏ, các kịch bản khác được hội nhập để bổ túc cho nhau và cuối cùng kết hợp thành những kịch bản được lưu giữ vì có phẩm chất nhất. 

Cần lưu ý là tổ chức không phải chỉ cho phép đạt tới đồng thuận trong những kịch bản chung. Điều cũng quan trọng không kém là tổ chức còn cho phép cải thiện phẩm chất của các kịch bản, nói cách khác là cải tiến khả năng suy nghĩ. Qua trao đổi và thảo luận, các kịch bản dở bị phát hiện và loại bỏ, các kịch bản khác được hội nhập để bổ túc cho nhau và cuối cùng kết hợp thành những kịch bản được lưu giữ vì có phẩm chất nhất. Một cá nhân cũng lý luận theo những kịch bản, nhưng đó là những kịch bản chưa được thảo luận và cải tiến ; có rất nhiều triển vọng đây là những khung lý luận sai.

Tóm lại, tổ chức là môi trường cần thiết để sản xuất ra những ý kiến và cũng là điều kiện để có những ý kiến đúng.

Nhưng kịch bản không phải là tất cả. Kịch bản cung cấp một khung lý luận. Khung lý luận đúng vẫn cần những lý luận đúng mới sản xuất ra được ý kiến đúng.

Chúng ta không chỉ phát biểu mà còn lý luận bằng ngôn ngữ. Một người Việt lý luận bằng tiếng Việt, một người Mỹ lý luận bằng tiếng Mỹ. Ngôn ngữ chứa đựng những khái niệm, mỗi từ là một khái niệm, và không chắc gì những khái niệm có ý nghĩa như nhau đối với mỗi người. Chúng ta đều đã có kinh nghiệm những cuộc hội thảo trong đó người ta tranh luận gay go với nhau chỉ vì hiểu các khái niệm tự do, dân chủ, ổn định, cách mạng, v.v. một cách khác nhau. Và dĩ nhiên nếu hiểu sai về một khái niệm, thí dụ dân chủ, thì cũng lý luận sai luôn về khái niệm đó. Ở đây vai trò của tổ chức cũng là then chốt. Chính qua sinh hoạt và thảo luận mà các thành viên đạt tới đồng thuận về ngôn ngữ, hiểu các khái niệm như nhau, do đó có thể thảo luận với nhau và nhanh chóng đi tới một kết luận, nghĩa là một ý kiến chung. Một tổ chức dân chủ và cởi mở trong đó mọi ý kiến đều được tự do phát biểu còn có vai trò cải tiến các khái niệm và chính xác hóa ngôn ngữ, bởi vì qua đối đầu và so sánh các định nghĩa sai được sửa đổi, các lý luận thiếu sót được bổ sung và cuối cùng chỉ còn được giữ lại những khái niệm và lý luận đã được thử thách và chọn lọc. Ngược lại, một tổ chức độc đoán và giáo điều, trong đó các thành viên không được phê phán mà chỉ có quyền chấp nhận và minh họa những gì được coi là chính thống, rất dễ đưa tới sự mù quáng tập thể.

ykien0

Một sự kiện dù có vẻ đơn giản đến đâu cũng chứa đựng một khối lượng chi tiết vô cùng lớn và cần được đơn giản hóa, nghĩa là loại bỏ những chi tiết trùng lặp hoặc không cần thiết để được diễn tả bằng một số nhỏ thuộc tính trước khi được lưu trữ vào trí nhớ

Như đã nói ở trên, ý kiến là sản phẩm của lý trí trong việc sử dụng những vật liệu được lưu giữ trong bộ nhớ. Như vậy cũng cần hiểu cách mà các vật liệu này được nhập vào bộ nhớ. Lấy thí dụ một nhu liệu nhận diện sinh trắc (biometric identification software). Với dụng cụ tin học này một người muốn sử dụng một dụng cụ tin học (application), thí dụ như một giám đốc hành chánh của một công ty muốn thay đổi lương bổng của các nhân viên trong hồ sơ nhân viên, không được nhận diện qua bí danh (user name) và mật hiệu (password) mà bằng con mắt hoặc dấu tay. Phương pháp này có mục đích để tránh việc một kẻ gian lấy cắp bí danh và mật hiệu để làm việc bất chính. Để nhận diện dấu tay, một khung hình chữ nhật khoảng 2cmx3cm trên đó có in dấu tay được chia ra khoảng một nửa triệu điểm, mỗi điểm là một con số. Dẫy số này quá dài để có thể dùng như một chìa khóa tìm kiếm những người được quyền thực hiện một nghiệp vụ nào đó. Do đó cần một chương trình phức tạp để phân tích nó và thay thế nó bằng một dẫy số ngắn hơn, khoảng 200 số chẳng hạn, và chính dẫy số ngắn này được dùng làm chìa khóa tìm kiếm.

Cũng thế, một sự kiện dù có vẻ đơn giản đến đâu cũng chứa đựng một khối lượng chi tiết vô cùng lớn và cần được đơn giản hóa, nghĩa là loại bỏ những chi tiết trùng lặp hoặc không cần thiết để được diễn tả bằng một số nhỏ thuộc tính trước khi được lưu trữ vào trí nhớ. Thí dụ Trần Hưng Đạo trong trí nhớ dân gian là một danh tướng, tôn thất nhà Trần, hai lần đánh bại quân Mông Cổ, một con người tài giỏi, dũng cảm, trung thực, v.v. Cách ghi nhớ này cũng là thành quả của những trao đổi trong các tập thể. Mỗi tập thể có một cách ghi nhận riêng. Thế Chiến 2 không được nhớ lại như nhau giữa một người Nhật và một người Mỹ. Trí nhớ chọn lọc những nét chính để ghi nhận một biến cố, và những nét chính đó có thể sai hay đúng. Cũng qua trao đổi về sinh hoạt trong khuôn khổ một tổ chức mà một cách ghi nhận các sự kiện được hình thành và cải tiến, những gì sai bị loại bỏ, những gì đúng được kiểm chứng và sau cùng được giữ lại. Tổ chức cũng là môi trường để thanh lọc và cải thiện trí nhớ.

Về tổ chức trí nhớ, các nhà tâm lý học nhận định rằng trí nhớ gồm một phần nổi và một phần chìm. Phần nổi là những gì mà ta ý thức được và diễn tả được. Phần chìm, hay tầng hầm trí tuệ, là những gì mà ta không ý thức được và không nói ra được nhưng vẫn chi phối cách suy nghĩ và kết luận của ta. Phần chìm này quan trọng hơn hẳn phần nổi. Một người bình thường kết luận và chọn lựa theo những động cơ không thuần lý trong phần chìm - lòng tham, sợ hãi, đam mê, ấn tượng, nói chung là cảm tính - và sau đó biện luận, ngụy biện nếu cần, để bào chữa cho lập trường của mình. Chỉ có những người rất sáng suốt mới dùng lý luận để đi tới kết luận, tuyệt đại đa số làm ngược lại, ngay cả những người có bằng cấp rất cao và có khả năng lớn trong một số địa hạt chuyên môn. Vai trò của tổ chức, với điều kiện là một tổ chức đứng đắn, chính là để qua sự đối chất giữa các lý luận làm giảm đi phần vô thức và gia tăng phần ý thức về một địa hạt nào đó. Thí dụ như một tổ chức chính trị dân chủ loại bỏ được những thành kiến về chính trị xuất phát từ giai cấp, tôn giáo, địa phương, hoàn cảnh cá nhân. Làm gia tăng phần nổi và gia tăng phẩm chất của ký ức cũng là mục đích chính của giáo dục và triết học.

Một tác dụng quan trọng khác của tổ chức là cho phép những quyết định khó khăn mà một cá nhân không dám lấy, ngay cả nếu thấy đó là quyết định hợp lý nhất. Các thử nghiệm trong các nhà thương cho thấy là trước một trường hợp nghiêm trọng đòi hỏi một giải phẫu hiểm nghèo, một bác sĩ phải quyết định một mình thường tránh né trong khi đối với một hội đồng bác sĩ quyết định giải phẫu là tự nhiên. Lý do là vì trong một nhóm mỗi người cảm thấy tự tin vì có đồng đội, cố gắng cũng như trách nhiệm được chia sẻ, hy vọng thành công cao hơn. Như thế tổ chức không những chỉ là môi trường sản xuất ra ý kiến và cải thiện các ý kiến mà cho phép có những ý kiến mạnh bạo.

Người ta có thể nhận xét là những nhóm gặp gỡ tạm bợ không thể sản xuất được những ý kiến mới mẻ và táo bạo : những buổi hội thảo muốn "thành công mỹ mãn", nghĩa là không xảy ra những đụng chạm đáng tiếc, thường phải để mỗi người tự do muốn nói gì thì nói và sau đó mọi người vui vẻ chia tay.

Mọi người đều đồng ý rằng hợp quần gây sức mạnh. Khi thực sự muốn thay đổi một thực trạng người ta nhận ra là các trở ngại rất lớn (vì thực trạng nào cũng có lý do của nó) và cảm thấy không đủ sức làm một mình, người ta tìm đến với một tổ chức và chấp nhận những hệ lụy của tổ chức như cái giá phải trả để thực hiện sự thay đổi. Điều cần ý thức là đó không phải chỉ là sức mạnh vật chất, như một bức tường có trọng lượng lớn hơn một viên gạch và cũng chắc chắn hơn nhiều viên gạch chồng lên nhau. Đó còn là sức mạnh tinh thần, khiến con người thông minh hơn, sáng suốt hơn, dũng cảm hơn và có kiến thức chính xác hơn.

512331310

Lý do cơ bản khiến đối lập dân chủ Việt Nam không lớn dậy được trong hơn ba mươi năm qua là những người dân chủ Việt Nam chưa ý thức được một cách đầy đủ tầm quan trọng, về hành động cũng như về tri thức, của tổ chức. 

Từ những nhận định trên, ta có thể rút ra vài kết luận.

Trước hết là vai trò tối cần thiết của xã hội dân sự. Xã hội dân sự được định nghĩa như là toàn bộ các kết hợp ngoài chính quyền của người dân : hội đoàn, nghiệp đoàn, câu lạc bộ, chính đảng. Nói một cách tiện lợi nhưng không chính xác lắm, đó là không gian công không chính thức. Chính qua các tổ chức của xã hội dân sự mà các ý kiến được hình thành và cải tiến, với điều kiện là tổ chức này phải được tự do chứ không phải chỉ có vai trò phụ họa cho những lập trường chính thức. Cá nhân hoặc không có ý kiến, hoặc nếu có cũng chỉ là những ý kiến chưa được thử thách dựa trên những cơ sở đáng ngờ vực và do đó ít có triển vọng là đúng. Một đất nước không có xã hội dân sự tự do hoặc trì độn và thiếu ý kiến, hoặc không thể có đồng thuận trên những ý kiến đúng đắn. Tiến bộ của một xã hội phải đi qua một xã hội dân sự tự do. Không có xã hội dân sự tự do thì không thể có tiến bộ và giàu mạnh, đó là một điều kiện bắt buộc. Quyền tự do thành lập và tham gia các tổ chức quan trọng không kém tự do ngôn luận và báo chí.

Sau đó là vai trò giáo dục và đào tạo của tổ chức. Ông cựu bộ trưởng cộng sản tự hào về bằng cấp đại học tốt nghiệp ở nước ngoài của ông và khinh bỉ những cán bộ cộng sản vô học ; ông không biết rằng qua sinh hoạt tổ chức, ít nhất là sinh hoạt ở cấp cao trong đó mức độ tự do lớn hơn cho phép thảo luận một cách cởi mở hơn, họ cũng học hỏi nhiều và tiến bộ nhiều về lý luận. Hơn nữa những người đã có thể sinh hoạt lâu dài trong một tổ chức lớn và vươn lên tới những địa vị lãnh đạo cũng không thể tồi dở về mọi mặt. Họ có thể có những ý kiến chính xác hơn những trí thức đơn độc như ông. Riêng về mặt chính trị, thì chắc chắn là họ có quan tâm, có huấn luyện và có kinh nghiệm hơn ông. Đặc điểm của đảng cộng sản trong suốt cuộc chiến 1945-1975 là họ là tổ chức chính trị chuyên nghiệp duy nhất. Trước mặt họ chỉ có những ông bộ trưởng và những tướng tá không làm chính trị, hay cùng lắm chỉ suy nghĩ về chính trị một mình sau khi đã có chức vụ. Họ có thể thiếu kiến thức chuyên môn nhưng họ là những người duy nhất có quan tâm và suy nghĩ liên tục về những vấn đề chính trị, và cũng có trao đổi ý kiến trong nội bộ tổ chức. Điều này đem lại cho họ một lập trường kiên kết (coherent). Đó là lý do tại sao họ có sức thuyết phục mà ông gọi là mê hoặc và làm ông bực bội. Dĩ nhiên là họ thiếu sót, nhưng họ không đầu bùn, óc đất như ông nói một cách khinh bỉ. Trái lại, cái khả năng mà ông tự cho là có đâu có gì là bảo đảm, nó chỉ là một đánh giá chủ quan dựa vào bằng cấp. Vả lại, cũng không thể đánh giá những người chưa sinh hoạt tổ chức vì có những khuyết tật như hèn nhát, nhỏ mọn, háo danh, ganh ghét, v.v. nhiều khi chỉ bộc lộ qua sinh hoạt tổ chức. Tôi cũng đã được giải thích rằng ông đã bị hạ tầng công tác vì tỏ ra thiếu khả năng và tôi cũng không tin hẳn. Tôi nghĩ lý do chính là vì ông không phải là đảng viên cộng sản. Điều tôi tin chắc, mà ông không ý thức được, là ông không hiểu đường lối của đảng cộng sản và do đó không thể được trao một trách nhiệm quan trọng. Tổ chức nào, đảng cộng sản cũng như mọi đảng khác, cũng đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải hiểu nhau và hiểu đường lối chung. Hơn nữa, chức bộ trưởng trong chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam của ông cũng không có nội dung nào, nó chỉ là một chức vụ giả tưởng để dụ dỗ và "mê hoặc" trí thức miền Nam và dư luận thế giới.

Trở lại với một vấn đề cụ thể và thiết thân nhất. Lý do cơ bản khiến đối lập dân chủ Việt Nam không lớn dậy được trong hơn ba mươi năm qua là những người dân chủ Việt Nam chưa ý thức được một cách đầy đủ tầm quan trọng, về hành động cũng như về tri thức, của tổ chức. Chính sự thiếu hụt về văn hóa tổ chức đó đã khiến chúng ta hài lòng với lối làm chính trị nhân sĩ, hay với những nhóm nhỏ, hay với những kết hợp lỏng lẻo. Cách tranh đấu này chẳng dẫn tới đâu mà thực ra cũng chẳng giúp ích gì cho mỗi người, thí dụ như để đánh giá đúng tài năng của chính mình.

Nguyễn Gia Kiểng

(01/2006)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2826 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)