Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

20/07/2017

Donald Trump hòa giải với thế giới

Nguyễn Gia Kiểng

Bí quyết thành công đã khiến Mỹ vượt hẳn phần còn lại của thế giới là tự do và dân chủ nhưng ngày nay hầu hết các dân tộc đã có tự do và dân chủ, trong nhiều trường hợp còn có nền dân chủ lành mạnh hơn vì không vướng mắc vào những tật bệnh của chế độ tổng thống. Hoa Kỳ không còn là một ngoại lệ nữa.

Résultat de recherche d'images pour "donald trump au 14 juillet à Paris"

Cuộc thăm viếng Paris vừa qua cho thấy là Trump đang tìm cách hòa giải với thế giới.

Donald Trump đã tới Pháp theo lời mời của tổng thống Emmanuel Macron để tham dự ngày quốc khánh Pháp 14/7/2017. Trong hai ngày ở Paris, 13 và 14/7, tổng thống Trump đã không hề có một cử chỉ hay lời nói gây phản cảm nào. Điều bất thường này - lần đầu tiên trong một chuyến công du của Donald Trump - đã khiến người ta quên đi những điều bất thường khác.

Trước hết tại sao Donald Trump vẫn vui vẻ đến Paris ? Ngày hôm trước Macron đã viết một bài báo trên tờ Ouest France, một tờ báo tỉnh nhưng lại là tờ báo có số lượng độc giả cao nhất nước Pháp, giải thích lý do tại sao ông đã mời Donald Trump. Theo Macron, đó là vì đây cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày quân đội Mỹ can thiệp vào Thế Chiến I giúp Pháp chiến thắng ; đó là vì Mỹ từ ngày lập quốc luôn luôn là đồng minh khăng khít của Pháp ; hai dân tộc là anh em và cùng chia sẻ tất cả những giá trị nền tảng chung do đó không ai có thể chia rẽ. Nhưng "ai" là ai nếu không phải là Trump với chủ trương America First và những tuyên bố hung hăng chống tự do mậu dịch và toàn cầu hóa, chống Châu Âu, chống NATO, chống Thỏa Ước Paris về khí hậu ? Macron còn nhấn mạnh rằng ông đã mời tổng thống Mỹ như là người đại diện của nhân dân Mỹ, một cách để nói không mời cá nhân Donald Trump. Bất cứ một tổng thống Mỹ nào cũng sẽ cảm thấy bị xúc phạm và có phản ứng, thậm chí có thể hủy bỏ cuộc thăm viếng. Nhưng Donald Trump đã bỏ qua, coi như không biết.

Sự kiện không bình thường khác là trong ngày 13/7 bà thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có mặt tại Paris nhưng không gặp Donald Trump dù chỉ là để chào. Bà Merkel không hề giấu sự khinh thường đối với Donald Trump.

Hai sự kiện khác còn có ý nghĩa hơn dù ít được lưu ý.

Một là, trong cuộc họp báo chung ngày 13/7 cả hai tổng thống Mỹ và Pháp đều không nhắc gì tới Lưu Hiểu Ba, một người đấu tranh cho dân chủ Trung Quốc vừa qua đời cùng ngày và đang gây xúc động lớn. Ông Lưu Hiểu Ba được giải Nobel về hòa bình năm 2010 trong lúc bị đang giam cầm và cả thế giới đã liên tục kêu gọi trả tự do cho ông nhưng cả Hồ Cẩm Đào lẫn Tập Cận Bình đều bất chấp. Lưu Hiểu Ba chỉ được đưa về nhà vào lúc đã sắp chết vì bệnh ung thư. Không những không nhắc tới tội ác ghê tởm này, cả hai ông Trump và Macron còn hết lời ca tụng Tập Cận Bình. Người ta không ngạc nhiên đối với Donald Trump, ông chỉ xác nhận một bản chất đã quen thuộc đối với dư luận. Nhưng Macron thì khác, ông đã bộc lộ con người thực của mình. Phải nói thẳng là quá tệ.

Hai là, dù đến Pháp nhân kỷ niệm 100 năm một sự kiện rất quan trong lịch sử thế giới và quan hệ Mỹ - Pháp nhưng Trump đã hoàn toàn không có một tuyên bố nào nhắc lại thảm kịch Thế Chiến I và sự gắn bó lịch sử giữa hai nước cả. Lịch sử không nằm trong kiến thức của ông.

Trump và Macron có rất nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều là những người bất ngờ được bầu làm tổng thống dù chưa bao giờ giữ một chức vụ dân cử nào. Cả hai đều tự coi là và được coi là những người chống lại hệ thống chính trị sẵn có, nhưng thực ra cả hai đều là sản phẩm điển hình của hệ thống sẵn có, sản phẩm của sự xuống cấp của sinh hoạt chính trị sau nhiều năm dưới chế độ tổng thống với hậu quả tất yếu là sự suy sụp của các chính đảng và của ý thức chính trị. Cả hai đều là những báo động về sự khẩn cấp phải từ bỏ chế độ tổng thống nếu muốn nâng cao dân trí và gắn bó người dân với đất nước. Không ngạc nhiên nếu trong tất cả các lãnh tụ của các nước dân chủ Macron đã là người ít dị ứng nhất với Trump.

Lý do khiến dư luận Mỹ và Pháp, cũng như phần lớn dư luận Châu Âu và thế giới, không lưu ý tới những sự kiện không bình thường là vì cuộc viếng thăm nước Pháp của tổng thống Donald Trump đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng theo chiều hướng tốt. Donald Trump đã nhã nhặn hơn, đã tỏ ra thân thiện và hợp tác hơn hẳn so với thường lệ. Ông đã tỏ ra cởi mở hơn với Thỏa Ước Paris về khí hậu, trái hẳn với thái độ hung hăng khiếm nhã khi tuyên bố rút lui. Ông cũng đã bày tỏ sự kính trọng hơn hẳn trước đây đối Châu Âu nói riêng và nhìn nhận tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước dân chủ. Trump đã hòa giải với thế giới sau khi nhận ra là Hoa Kỳ không thể tự cô lập.

Không thể khác. Khẩu hiệu Make America great again (làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của ông chỉ phơi bày một sự thiếu hiểu biết về nước Mỹ và thế giới. Thực ra nước Mỹ chưa bao giờ vĩ đại bằng lúc này, đứng đầu thế giới không chỉ về kinh tế mà cả về khoa học và kỹ thuật, ngày càng hiểu biết thế giới hơn và được kính trọng hơn. Trump đã rất sai khi nghĩ rằng nước Mỹ đã suy thoái, có lẽ vì ông không chịu bỏ thời giờ tìm hiểu các vấn đề lịch sử, xã hội và văn hóa. Quả thực trọng lượng kinh tế tương đối của Mỹ trên thế giới đã sút giảm. Sau Thế Chiến II kinh tế Mỹ lớn hơn 50% kinh tế thế giới, hiện nay tỷ lệ chỉ còn là 23% và sẽ còn tiếp tục giảm đi vì đó là xu hướng bắt buộc. Bí quyết thành công đã khiến Mỹ vượt hẳn phần còn lại của thế giới là tự do và dân chủ, nhưng ngày nay hầu hết các dân tộc đã có tự do và dân chủ, trong nhiều trường hợp còn có nền dân chủ lành mạnh hơn vì không vướng mắc vào những tật bệnh của chế độ tổng thống. Hoa Kỳ không còn là một ngoại lệ nữa. Các dân tộc khác sẽ tiến lên và bắt kịp dần Mỹ.

Sư chênh lệch giầu nghèo giữa các dân tộc sẽ phải giảm dần đi. Đó là tương lai đáng mơ ước của thế giới. Đó là lý tưởng mà mọi người sáng suốt không chỉ phải chấp nhận mà còn phải đóng góp để đạt tới. Trong một tương lai có lẽ còn khá xa nhưng nhất định sẽ tới nếu Mỹ, với 4% dân số thế giới, vẫn có được một GDP bằng 10% tổng sản lượng của một thế giới hòa bình và phồn vinh thì đã là một điều rất may mắn và rất đáng tự hào. Nhưng ngay trong hiện tại với một GDP sấp sỉ bằng 23% kinh tế thế giới, Mỹ đã cần thế giới hơn thế giới cần Mỹ. Thực ra Mỹ đã cần thế giới ngay từ ngày lập quốc. Nếu Donald Trump suy nghĩ về lịch sử của Mỹ ông sẽ thấy rằng nước Mỹ đã do những người di dân thành lập ra và một tỷ lệ đáng kể các phát minh khoa học kỹ thuật và thành tựu kinh tế đã do những người không sinh ra trên đất Mỹ. Một nước Mỹ không cởi mở, chưa nói triệt thoái về biên giới của mình như một số người Mỹ thủ cựu chậm tiến mong muốn, sẽ không còn đáng mơ uớc cho chính người Mỹ.

Có lẽ Donald Trump đã phần nào tỉnh ngộ nhờ lời khuyên của các cố vấn và sau những thất bại thô vụng liên tục từ ngày nhậm chức làm hình ảnh của ông đã xuống rất thấp dưới mắt mọi người, kể cả đa số người Mỹ. Chủ nghĩa dân tôc hẹp hòi của ông đã bị chính đồng bào ông bác khước, nhất là thành phần tinh hoa.

Cuộc thăm viếng Paris vừa qua cho thấy là Trump đang tìm cách hòa giải với thế giới. Đó là điều đáng mừng không chỉ cho thế giới mà cho cả nước Mỹ. Và một lần nữa, dân chủ chứng tỏ có khả năng giới hạn những thiệt hại của những sai lầm và tự sửa sai.

Nguyễn Gia Kiểng

(20/07/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 1540 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)