Thế giới vừa đánh dấu tròn 2 năm ngày Nga xua quân xâm lược Ukraine. Trước đây ngày 24/2 được xem là ngày Nga tấn công Ukraine và là chuyện của Châu Âu nhưng với những hậu quả và nhận thức bản chất của cuộc chiến, ngày 24/2 hiện được xem là ngày Nga tấn công Châu Âu và là vấn đề của thế giới. Biến cố khủng bố kinh hoàng nhằm vào thường dân Israel do Hamas gây ra và chiến dịch tấn công trả đũa tàn bạo của Israel vào Gaza đã phần nào làm giảm sự chú ý của dư luận vào cuộc chiến xâm lược của Nga. Bầu không khí trở nên ảm đạm hơn khi báo chí đưa tin về cuộc phản công của Ukraine mang nhiều quan điểm thất vọng. Dẫu vậy, các hoạt động vận động không ngừng nghỉ của nhiều nước dành cho Ukraine đã là điểm sáng trong những tháng vừa qua.
Cuộc phản công của Ukraine đã không thành công như mong đợi.
Cuộc phản công mùa hè của Ukraine đã thất bại
Trái với nhận định của nhiều chuyên gia quân sự và địa chính trị cũng như mong muốn của hầu hết mọi người, cuộc phản công của Ukraine đã không thành công như mong đợi. Thành quả lớn nhất của Ukraine trong đợt phản công là chiếm được ngôi làng Robotine ở Zaporizhya nhưng hiện nay cũng đang bị quân Nga tấn công và có nguy cơ phải rút lui. Cuộc phản công lần này coi như đã thất bại và chịu thương vong lớn. Tình hình còn xấu hơn cho Ukraine khi họ đã phải rút lui ở thành phố Avdiivka sau nhiều tháng cầm cự. Đã có nhiều tiếng nói cả từ bên ngoài lẫn bên trong Ukraine tỏ ra bi quan trước tình trạng khó khăn trên chiến trường. Điều gì đang thật sự diễn ra và liệu rằng Ukraine có đang yếu đi còn Nga đang mạnh lên ?
Tình cảm và sự quan tâm của hầu hết chúng ta dành cho cuộc chiến vệ quốc chính nghĩa của người Ukraine đã luôn đưa đến niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho họ, có lẽ vì vậy mà chúng ta cảm thấy hụt hẫng khi phải chứng kiến tình hình xấu đi trên chiến trường. Nếu bình tĩnh quan sát và nhận định những nét quan trọng về tình hình ở cả hai phía, chúng ta sẽ thấy cuộc phản công của Ukraine thất bại không có gì ngạc nhiên.
Hãy nhìn lại các giai đoạn của cuộc chiến. Từ trước khi Putin ra lệnh tấn công, khi bóng ma chiến tranh đang ngày càng rõ hơn, hầu hết tất cả mọi người đều nêu ra câu hỏi Ukraine sẽ cầm cự được bao nhiêu ngày nếu Nga tấn công. Hầu hết câu trả lời là thất bại dường như chắc chắn dành cho Ukraine, ngay cả nguyên thủ các nước hàng đầu về quân sự và tình báo như tổng thống Joe Biden của Mỹ hay Emmanuel Macron của Pháp cũng tin như vậy ; bằng chứng là họ đều đã ngỏ ý muốn hỗ trợ tổng thống Zelensky di tản. Điều này là dễ hiểu vì tương quan lực lượng giữa hai bên quá chênh lệch, quân Nga tự tin đến nỗi kế hoạch ban đầu của họ là sẽ chiếm được Kiev trong vài ngày. Quân và dân Ukraine đánh bật được đợt tấn công phủ đầu chớp nhoáng của Nga là một bất ngờ lớn cho cả thế giới, chỉ có lòng dũng cảm phi thường và quyết tâm không bỏ chạy trước Nga của quân dân Ukraine mới có thể lý giải được kỳ tích đó.
Sau chuyển biến ngoạn mục của những ngày đầu cuộc chiến, các nước phương Tây bừng tỉnh và tích cực viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine nhưng trong một thời gian rất dài họ đã tỏ ra dè dặt, thậm chí còn tranh cãi về việc sẽ cung cấp những vũ khí gì để tránh bị lôi kéo đối đầu trực tiếp với quân Nga. Những vũ khí quan trọng mà phía Ukraine cần đã luôn đến chậm hơn nhu cầu thực tế của chiến trường, ngay cả cuộc phản công được mong chờ cũng đã mất nhiều thời gian để có được những vũ khí cần thiết như xe tăng tấn công hiện đại hay pháo tầm xa. Sự chậm trễ này cùng với khó khăn trong khâu hậu cần để đưa vũ khí ra chiến trường đã khiến cuộc phản công diễn ra chậm hơn nhiều tháng tháng so với dự kiến. Điều này rất bất lợi cho Ukraine vì khoảng thời gian thuận lợi cho chiến dịch phản công đã ngắn lại thay vì dài hơn để họ đa dạng được phương án tác chiến trước khi mùa đông khắc nghiệt kéo đến. Quân Nga đã hưởng lợi từ sự kiện trên khi có thêm thời gian để gia cố tuyến phòng ngự. Với ba lớp kiên cố gồm chiến hào, hệ thống răng rồng và bãi mìn dày đặc, tuyến phòng ngự mang tên Surovikin của Nga đã tỏ ra hiệu quả và trở thành một thách thức lớn, ngay cả những đội quân thiện chiến và được trang bị vũ khí tốt như Anh hay Mỹ nếu gặp cũng phải chùn bước. Trong khi đó, không có máy bay chiến đấu đã khiến Ukraine gặp bất lợi khi để Nga chiếm ưu thế hoàn toàn trên không và dễ dàng gây tổn thất lớn cho các mũi tiến công của Ukraine.
Phần nhận định và tóm lược sơ sài về bối cảnh chiến dịch phản công mà tôi đề cập ở trên không phải để bao biện hay quy trách nhiệm về thất bại này của Ukraine cho bên nào mà là để chúng ta có góc nhìn rõ hơn về tương quan lực lượng của hai bên. Ukraine đã luôn là bên yếu hơn về quân lực so với Nga kể từ đầu cuộc chiến và hiện nay cũng vậy, chúng ta kỳ vọng về Ukraine là đúng nhưng cũng cần có cái nhìn công tâm hơn về nỗ lực của quân đội Ukraine. Có cái nhìn vượt thoát hơn chúng ta cũng sẽ nhận định được thêm những yếu tố có tính quyết định khác của cuộc chiến.
"Sáng kiến đạn pháo" của Cộng hòa Czech nhằm tăng khả năng cung cấp đạn pháo từ các nước ngoài Châu Âu.
Những khó khăn mà Ukraine đang đối mặt
Điều đáng lo hiện nay của Ukraine không phải là chiến dịch phản công đã thất bại mà là những vấn đề đang xảy ra nội bộ, các khoản viện trợ vũ khí đang trở nên khó khăn từ đồng minh và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy ở nhiều nước. Việc tổng thống Zelensky quyết định thay thế vị trí tổng tư lệnh quân đội cho thấy rạn nứt ít nhiều trong nội bộ Ukraine giữa lúc gặp bất lợi trên chiến trường. Khó khăn cũng đến với Ukraine khi gói viện trợ được mong chờ của Mỹ đang bị chặn lại ở Hạ viện. Gói viện trợ của EU hơn 50 tỷ Euro dù đã được thông qua nhưng trước đó cũng phải mất nhiều thời gian do gặp trở ngại từ Hungary. Các nước Châu Âu vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu chiến trường của Ukraine vì ngành công nghiệp vũ khí đã giảm quy mô sản xuất trong 30 năm qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Trước tình thế đó, các nước đồng minh của Ukraine đã nhận ra là họ cần phải làm khác đi và cần cam kết mạnh mẽ hơn. Ngay từ những ngày đầu của năm 2024, đã có nhiều sáng kiến và hành động được đưa ra như : Hội nghị hòa bình cho Ukraine ; thành lập "liên minh pháo binh" thuộc nhóm liên lạc mở rộng Rammstein do Đức dẫn đầu ; "sáng kiến đạn pháo" của Cộng hòa Czech nhằm tăng khả năng cung cấp đạn pháo từ các nước ngoài Châu Âu. Không những vậy, trước những lo âu của Ukraine, các nước lớn còn ký thỏa thuận đảm bảo an ninh trong 10 năm dành cho Ukraine với khởi đầu là Anh, sau đó là các nước Pháp, Đức, Canada, Ý, Đan Mạch và mới đây là Hà Lan. Hội nghị G7 diễn ra đúng ngày 24/2 -tròn 2 năm diễn ra cuộc chiến- mang tính biểu tượng đã khẳng định "sẽ tiếp tục buộc Nga trả giá đắt cho cuộc chiến". Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất này đã đưa ra tuyên bố chung của hội nghị tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine. Hai nước dân chủ lớn ở Châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nhập cuộc với các khoản viện trợ quan trọng để giúp Ukraine gia tăng khả năng phòng thủ.
Các nước đồng minh dân chủ cũng đã rất sáng suốt khi dành hơn một nửa tổng giá trị các gói viện trợ cho tài chính và hỗ trợ nhân đạo để giúp Ukraine tái thiết lại đất nước ngay trong chiến tranh. Tính toán này rất quan trọng. Hàng ngày các thành phố vẫn bị tên lửa và máy bay không người lái của Nga tấn công nhưng nỗ lực xây dựng và ổn định cuộc sống cho người dân Ukraine đã củng cố tinh thần bất khuất cho toàn xã hội. Đây là một thành công lớn vì đã tạo nên một hậu phương vững chắc, giúp binh sĩ của họ yên tâm hơn trên tiền tuyến.
Nước Nga với trọng lượng kinh tế chỉ ở mức chưa tới 2% GDP của thế giới sẽ không thể cầm cự lâu dài trước khối các nước dân chủ -với trọng lượng kinh tế gấp 40 lần Nga- đứng sau hậu thuẫn Ukraine. Ảnh minh họa Các nhà thờ Chính Thống giáo trong Điện Kremli, Moskva, Nga
Nga có đang thoát hiểm và mạnh lên ?
Đã có không ít những tiếng nói bi quan khi cho rằng Nga không những đang chiến thắng về quân sự mà còn đang hồi phục về kinh tế. Họ viện dẫn rằng Nga đã chặn được đợt phản công của Ukraine, giành thêm được một chiến thắng ở thành phố Avdiivka và kinh tế Nga cũng đã khởi sắc khi đạt mức tăng trưởng 3,6% trong năm 2023. Thông tin của các nhà bình luận này đưa ra không sai nhưng chúng ta cần nhận định đúng nội dung của sự kiện.
Đối với chiến thắng của Nga ở Avdiivka, đây là trận thắng tiếp theo của Nga sau khi chiếm được thị trấn Bakhmut vào tháng 5/2023, nghĩa là hai trận thắng này cách nhau hơn nửa năm. Mặc dù đã chiếm được các thành phố Bakhmut, Avdiivka và trước đó là Soledar nhưng đây chỉ là những thành phố nhỏ, đáng nói hơn, Nga đã phải chịu tổn thất rất lớn về nhân mạng và cũng mất một thời gian dài mới có được. Chiếm ưu thế về quân lực từ đầu cuộc chiến nhưng cho đến nay những gì Nga đạt được về quân sự trong hơn một năm qua lại rất khiêm tốn. Putin đã không còn ảo tưởng về sức mạnh quân sự của Nga khi từ bỏ mục tiêu chiếm toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Để có cớ rút về thế phòng thủ, ông ta tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhya dù chưa kiểm soát hết. Chiến thuật của Nga hiện nay không gì hơn là thực hiện khủng bố bằng cách dội tên lửa vào các mục tiêu dân sự, bên cạnh đó họ chọn tấn công vào các thành phố nhỏ với tổn thất kinh hoàng chỉ để có những chiến thắng biểu tượng nhằm xoa dịu áp lực nội bộ.
Con số tăng trưởng GDP 3,6% năm 2023 của Nga được đưa ra từ Tổng cục Thống kê Nga (Rosstat) nhưng Rosstat là một cơ quan bị chi phối bởi chính quyền Putin và có lịch sử hoàn toàn không đáng tin. Rosstat đã nhận nhiều chỉ trích từ các nhà nghiên cứu vì không ít lần thao túng các số liệu thống kê kinh tế nhằm làm hài lòng Putin, đã có ít nhất hai người đứng đầu Rosstat bị Putin sa thải trước đó chỉ vì họ đưa ra các con số không hợp ý ông ta.
Ngay từ khi cuộc chiến vừa nổ ra, ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhận định rằng, nước Nga với trọng lượng kinh tế chỉ ở mức chưa tới 2% GDP của thế giới sẽ không thể cầm cự lâu dài trước khối các nước dân chủ -với trọng lượng kinh tế gấp 40 lần Nga- đứng sau hậu thuẫn Ukraine. Với một nền kinh tế phụ thuộc nặng vào ngoại thương, Nga đã nhanh chóng bộc lộ điểm yếu sau khi bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có. Sau một năm diễn ra cuộc chiến, nhóm nghiên cứu đại học Yale dẫn đầu bởi ông Jeffrey Sonnenfeld dẫn ra nhiều con số quan trọng : Đã có hơn 1.000 công ty đa quốc gia lớn rời khỏi Nga sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ; tổng doanh thu nội địa của hơn 1000 công ty này tương đương với 40% GDP trước chiến tranh của Nga. Việc rút lui này cũng có tác động làm tê liệt niềm tin của giới tư bản toàn cầu và các công ty còn lại ở Nga vào kinh tế nước này. Một số lĩnh vực của nền kinh tế suy giảm đến 90% trong đó có ngành ôtô.
Vào cuối năm ngoái, cũng theo nhóm nghiên cứu trên thì ngành năng lượng -trụ cột của nền kinh tế Nga- gặp khó khăn nghiêm trọng khi doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đã giảm một nửa. Giá trị các doanh nghiệp nhà nước Nga trong đó có Gazprom đã giảm 75%. Không những vậy, để phục vụ cho cỗ máy chiến tranh chính quyền Putin còn tiến hành tịch thu hoặc quốc hữu hoá các công ty tư nhân khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng triệu người đã rời bỏ đất nước mà phần đông trong số đó là những người có học vấn và tài sản, ước tính có đến 10% trong số họ là những người lao động trong ngành công nghệ mà Nga đang rất thiếu. Tư bản cũng đang tháo chạy khỏi Nga, đã có hơn 253 tỷ đô la vốn tư nhân rút lui trong khoảng thời gian kể từ đầu cuộc chiến đến tháng 6/2023.
Chính quyền Putin có thể thao túng các con số và đưa ra bức tranh trái ngược với thực tế nhưng những tổ chức theo dõi thông qua kết quả từ hoạt động mua bán của các công ty nước ngoài với Nga đã cho thấy rằng, hầu như mọi lĩnh vực của nền kinh tế nước này đã sụp đổ.
Người Ukraine có quyền tin rằng thắng lợi của cuộc chiến bảo vệ tổ quốc không còn xa và họ sẽ làm tất cả để những hy sinh của những người đã nằm xuống không trở nên vô nghĩa.
Bước vào năm thứ ba, cục diện sẽ ra sao ?
Nhiều ý kiến lo ngại về việc nước Mỹ chia rẽ sẽ khiến Ukraine bị bỏ rơi nhưng theo nhận định chủ quan của tôi, chúng ta không cần quá lo lắng. Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine vẫn là đa số trong Quốc hội bao gồm cả sự ủng hộ của không ít đảng viên Cộng hòa, gói viện trợ đã được thông qua ở Thượng Viện và chỉ bị chặn lại ở Hạ Viện bởi nhóm cực đoan ủng hộ Trump. Nhóm cực đoan này gây khó khăn cho gói viện trợ này vì lý do giản dị là họ muốn đập phá mọi thứ và gây trở ngại cho đảng Dân chủ, ai cũng hiểu điều này dù lý cớ họ đưa ra được ngụy trang dưới vỏ bọc bất đồng về vấn đề nhập cư. Tình trạng này ở Mỹ đã khiến các nước đồng minh còn lại của Ukraine gia tăng mức độ cam kết, hỗ trợ ngày càng thực chất hơn và quyết tâm hơn ở mỗi nước để đảm bảo cho Ukraine đi đến thắng lợi cuối cùng. Ở chiều ngược lại, sau khi chịu thiệt hại nặng nề về khí tài trong hơn hai năm qua, Nga hiện nay phải lệ thuộc vào nguồn vũ khí từ các nước nghèo như Triều Tiên và Iran. Bản thân hai nước này cũng không dám công khai hợp tác mà chỉ lén lút, mặc dù hậu quả là phải gánh chịu thêm các biện pháp trừng phạt. Nước Nga không những đang bị cô lập mà còn tuyệt vọng.
Bước vào năm thứ ba của cuộc chiến, những yếu tố quyết định kết quả cuộc chiến sẽ ngày càng rõ nét. Điều mà chúng ta có thể nhìn thấy là sau hai năm khốc liệt thì cả Ukraine lẫn Nga đều đang yếu đi và cùng gặp nhiều khó khăn, tổn thất về nhân mạng và khí tài của hai bên đã rất lớn. Điểm khác biệt là trong khi xã hội Ukraine đã thích nghi với thời chiến thì xã hội Nga kiệt quệ vì kinh tế đang sụp đổ. Tinh thần binh sĩ của hai bên đều mệt mỏi nhưng người lính Ukraine có ý chí và được tiếp thêm sức mạnh bởi lý tưởng bảo vệ tổ quốc, trong khi quân Nga -với thân phận của người bị cưỡng ép đi xâm lược- đã chỉ là sự chịu đựng. Một cách âm thầm nhưng hiệu quả, các hoạt động phá hoại cứ điểm hậu cần quân sự Nga của Ukraine đã đưa chiến tranh vào sâu trong đất Nga, trong đó có những nơi biểu tượng như thủ đô Moskva. Hàng trăm nghìn lính Nga đã chết một cách vô nghĩa trong hơn hai năm qua đã cho xã hội Nga thấy được bản chất phi nghĩa của cuộc chiến mà Putin không còn khả năng che đậy.
Điều làm nên kỳ tích trong những ngày đầu kháng cự của cuộc chiến là ý chí của quân và dân Ukraine sẽ tiếp tục được duy trì chừng nào còn quân xâm lược Nga. Người Ukraine có quyền tin rằng thắng lợi của cuộc chiến bảo vệ tổ quốc không còn xa và họ sẽ làm tất cả để những hy sinh của những người đã nằm xuống không trở nên vô nghĩa.
Kỷ Nguyên
(06/03/2024)