Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

28/03/2024

Chiến tranh thế giới thứ III

Hoàng Quốc Dũng

Nhân loại đã chìm đắm trong chiến tranh trong suốt quá trình phát triển. Để tồn tại, súc vật phải giết nhau, phải ăn thịt nhau để tồn tại. Con người cũng chỉ là một loại động vật nên cũng không thể tránh khỏi quy luật sinh tồn. Nhưng rồi tính súc vật của con người càng ngày càng ít đi vì con người càng ngày càng văn minh hơn qua thời gian tiến triển. Tiếc rằng trên thế gian có các dân tộc không chịu tiến hóa, không chịu phát triển.

chientranh1

Ảnh chụp trên không thành phố Tokyo (Nhật Bản) ngày 6/9/1945, 6 tháng sau khi máy bay Mỹ dội bom sát hại hơn 100.000 người © Getty - Bettmann

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, phần lớn biên giới các quốc gia đã định hình. Liên Hiệp Quốc được thành lập với sự tham gia của hầu hết tất cả các nước trên thế giới. Đại chiến đã nuốt đi hơn 50 triệu sinh mạng, tưởng rằng nhân loại đã quá tởn với chiến tranh. Đúng thế, tởn thật luôn. Nhưng cũng chẳng được bao lâu.

Sau 1945, thế giới vẫn chia thành hai cực, vẫn hầm hè nhau, nhưng không có đụng độ lớn. Cuối cùng thì Liên Xô đã tan rã và kéo theo sự ra đi của chiến tranh lạnh. Thế giới càng có cơ hội hòa bình hơn. Và cũng chính vì thế Tây Âu, đặc biệt là Pháp lơ là quốc phòng. Vẫn có sản xuất vũ khí để bán và dành một phần cho quốc phòng, nhưng không có một nền công nghiệp quốc phòng có thể phục vụ cho chiến tranh.

Tôi đã từng nói, trong dịp Covid : "Nhờ có Covid người ta mới thấy được sự lệ thuộc ghê gớm của Pháp vào Trung Quốc trong việc sản xuất một số trang bị y tế và thuốc thang". Tương tự như vậy, chiến tranh Nga-Ukraine cho thấy Pháp không đủ khả năng sản xuất vũ khí để đáp ứng cho một cuộc chiến cường độ cao. Pháp muốn cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine cũng không được vì còn phải khởi động lại công nghiệp sản xuất đã bị lơ là từ bấy lâu nay. Một thí dụ cụ thể là hiện tại, Pháp còn không có đủ thuốc súng và rất lệ thuộc nước ngoài về vấn đề này. Hiện tại Pháp đang trưng dụng một số doanh nghiệp tư nhân để phục vụ cho sản xuất quốc phòng.

Sau hơn 70 năm được hưởng không khí hòa bình, Châu Âu thình lình phải bước vào tình trạng chiến tranh, trong khi nền kinh tế hoàn toàn không đáp ứng được tình trạng chiến tranh cường độ cao.

Từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, không cảm thấy còn bị đe dọa trực tiếp, chính sách quốc phòng của Pháp đã thực sự thay đổi : Chuyển từ quân đội nghĩa vu (bắt buộc phải đi lính khi đến tuổi) sang quân đội chuyên nghiệp, bảo toàn lực lượng đe dọa hạt nhân ở mức vừa đủ, chuyển việc sản xuất thuốc nổ ra nước ngoài…

Ngoài ra ngân sách quốc phòng cũng bị điều chỉnh để giảm quân số, gây nhiều ảnh hưởng đến một số lĩnh vực cơ bản của chiến tranh hiện đại như drone, chiến tranh tin học, tàu chiến viễn dương tàng hình, máy bay lên thẳng, vận chuyển hàng không, phòng không và tấn công sâu vào hậu phương địch…

Chính sách quốc phòng này chỉ dùng để đối phó với những cơn khủng hoảng lẻ tẻ, không thể đáp ứng được cho một cuộc chiến tranh qui mô với cường độ cao. Cũng vì thế Pháp đã mất dần ảnh hưởng tại một số quốc gia Châu Phi để Trung Quốc và Nga nhảy vào trám chỗ. Tình báo Pháp đã hoàn toàn không biết gì về cuộc tấn công xâm lược của Nga vào Ukraine cũng như một loạt các cuộc đảo chính ở các nước Châu Phi.

Thế giới đã thay đổi quá nhiều với nhiều các cuộc xung đột lớn nhỏ tại khắp nơi, đặc biệt ở Châu Âu : Chiến tranh Nga-Ukraine mở màn cho cuộc chiến của các nước độc tài với các nước dân chủ, Chiến tranh Israel-Hamas, Tham vọng của tổng thống Erdogan muốn tái tạo Đế chế Ottoman, Putin muốn phục hồi đế chế Đại Nga, Trung Quốc muốn rữa hận Nhà Thanh bị hạ nhục và mất đất… Từ năm 1945 đến giờ, chưa bao giờ có nhiều xung đột như thế giữa các quốc gia với mức độ như hiện nay.

Với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và sự phát triển của tình hình chiến sự đến ngày hôm nay, thế giới đã thực sự thay đổi. Tôi lại nhớ lại câu nói của Churchill : "Phải nắm lấy cơ hội vào tay mình, trước khi để nó chặn vào họng mình". Có lẽ chính vì vậy, chi phí chạy đua vũ trang của các nước trên thế giới đã đột ngột tăng cao năm 2023 (2.200 tỷ USD) và sẽ còn tăng thêm rất nhiều nữa.

Trong rất nhiều năm trước đây, Mỹ đã kêu ca về việc các nước thành viên NATO không tôn trọng ngưỡng chi phí quốc phòng 2% GDP. Năm nay, 18 trong số 31 nước thành viên NATO đã thực hiện "nghĩa vụ" này và tổng chi phí sẽ đạt 380 tỷ USD. Anh quốc sẽ nâng ngân sách quốc phòng lên 50 tỷ bản Anh (khoảng 63 tỷ USD), trong đó 7,5 tỷ sẽ dành cho việc tái tạo kho đạn dược. Đức tôn trọng mức 2% GDP và ngân sách quốc phòng sẽ đạt 72 tỷ EUR. Thụy Điển đã rời bỏ sự trung lập hơn 200 năm khi gia nhập NATO và đã tái lập lại nghĩa vụ quân sự… Để so sánh, chúng ta nên biết rằng Nga đã chuyển sang kinh tế chiến tranh và dành 6% GDP dành cho quân sự.

Với tất cả những gì mới diễn ra ở Nga, người ta có lý do để lo sợ : Putin vừa tái cử với số phiếu áp đảo và trở thành một người đầy quyền lực nhất nước Nga, có thể còn hơn cả Stalin thời Liên Xô cũ. Nhân cuộc khủng bố Hồi giáo dã man sát hại hơn140 mạng người, cả guồng máy cầm quyền Nga đã hùa theo Putin đổ tội cho Ukraine, và một Putin đầy quyền lực lên lưới với những tuyên bố hung hăng đe dọa tiêu diệt phương Tây bằng chiến tranh nguyên tử. Lãnh đạo của NATO, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng không còn nhân nhượng như trước, đã đáp trả lại bằng những lời lẽ không kém phần hung hăng : Lực lượng răn đe nguyên tử của Pháp đã sẵn sàng. Nguy cơ chiến tranh thế giới thứ III rất lớn. Vấn đề là đánh nhau bằng vũ khí gì thôi (vũ khí quy ước hay hạt nhân).

Từ trước đén nay kho vũ khí nguyên tử của các siêu cường quân sự chỉ được dùng để răn đe chứ chưa một cường quốc nguyên tử nào dám sử dụng. Nay Putin đã vượt qua giới hạn tự kiềm chế, dùng nó để khoe khoan và đe dọa mọi người, hậu quả phải trả chắc chắn sẽ rất là cao.

Cũng nên biết mỗi hỏa tiễn (tên lửa) nguyên từ có thể mang theo 10 đầu đạn nguyên tử và bắn vào 10 địa điểm khác nhau. Mỗi đầu đạn nguyên tử hiện nay có sức công phá gấp nhiều lần hai quả bom nguyên tử thả ở Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản năm 1945. Chỉ cần 100 đầu đạn nguyên tử bắn xuống của thành phố và khu công nghiệp Châu Âu thì Châu Âu sẽ bị biến mất. Chỉ cần 50 đầu đạn rướt xuống những thành phố lớn và các cơ sở công nghiệp quốc phòng và năng lượng của Nga thì nước Nga cũng không còn. Việc duy trí tính hiệu năng của những hỏa tiễn (tên lửa) và đầu đạn nguyên tử rất là tốn kém và đòi hỏi phải có nhiều đội ngũ nhân sự có trình độ kỹ thuật cao ở mỗi bộ chỉ huy dàn phóng. Điều chắc chắn là số đầu đạn nguyên tử của NATO và Anh, Pháp có hiệu năng tác dụng ngay vì được bảo dưỡng và kiểm nghiệm thường xuyên (của Nga và của Trung Quốc thì không biết), hơn nữa hệ thống theo dõi của dàn phóng đầu đạn nguyên tử của Nga và Trung Quốc dưới lòng đất và dưới biển đều bị phương Tây theo dõi chặc chẽ từ trên không từ hàng chục năm qua.

FILES-US-DEFENSE-NUCLEAR

Một hỏa tiễn chứa đầu đạn nguyên tử của Mỹ trên dàn phóng ngầm ở bang Arizona của Mỹ - Ảnh minh họa

Trước khi Chiến tranh thế giới thứ III có thể xẩy ra, tôi xin cung cấp các bạn một số thông tin về lực lượng của hai bên.

NATO                                        Nga

                          Nhân sự

                      Tổng cộng

5.817.100 quân                        2.600.000 quân

                      Quân hiện diện

3.358.000 quân                        1.100.000 quân

                        Quân dự bị

1.720.700 quân                        1.500.000 quân

                      Các loại khí tài

                     Xe tăng hạng nặng

12.408 chiếc                            3.250 chiếc

                  Trọng pháo hạng nặng

11.086 dàn                              1.803 dàn

              Dàn phóng rốc két tầm xa

3.272 dàn                               941 dàn

    Tiêm kích (máy bay tấn công siêu âm)

3.398 chiếc                             734 chiếc

Máy bay tấn công mặt đất (máy bay thả bom)

1.108 chiếc                             292 chiếc

          Máy bay vận tải hạng nặng

1.506 chiếc                             476 chiếc

         Máy bay tiếp liệu trên không

615 chiếc                                15 chiếc

Trực thăng chiến đấu qui ước (hạng nặng)

1.439 chiếc                              415 chiếc

     Chiến hạm mang tên lửa dẫn đường

247 chiếc                                32 chiếc

    Chiến hạm chở trực thăng chiến đấu

13 chiếc                                  0 chiếc

            Hàng không mẫu hạm

16 chiếc                                  1 chiếc

              Tàu ngầm tấn công

143                                        50

              Đầu đạn hạt nhân

5.943 đầu đạn                         4.440 đầu đạn

Chỉ xem sơ qua các con số trên, chúng ta thấy rõ tương quan lực lượng giữa NATO và Nga quá chênh lệch. Nga uống thuốc gồng gì mà dám thách thức NATO ?

Tuy nhiên, nếu điểm qua tất cả các cuộc xung đột giữa một bên là độc tài và một bên là dân chủ trên thế giới thì thực tế cho thấy phía dân chủ có thể mạnh hơn gấp nhiều nhiều lần mà vẫn thua. Tôi nói có đúng không ?

Đánh nhau với độc tài rất khó vì những kẻ độc tài bất chấp sinh mạng và của cải của nhân dân.

Không thể mơ độc tài tự chết. Muốn diệt độc tài, tất cả đều phải cố gắng và phải mạnh hơn độc tài rất nhiều mới có thể đánh đổ được nó.

Trước khi đại chiến thứ II nổ ra, trước sự hung hăng của Hitler, một số lãnh đạo của Pháp lúc bấy giờ không muốn đối đầu với Hitler đã chủ chương "hòa bình" với Hitler. Churchill đã nói : "Các ngài có sự lựa chọn giữa nỗi nhục và chiến tranh. Các ngài đã chọn nỗi nhục và các ngài sẽ có cả chiến tranh" (ý muốn nói Pháp đã mở cửa cho Hitler tràn vào chiếm nước Pháp).

Hiện tại ở Châu Âu, đặc biệt ở Pháp, cũng không phải không có những tiếng nói "hòa bình" như trên. Nhưng lịch sử đã chứng minh rồi. Chỉ mong chúng ta không quên lịch sử. Pháp đã ăn cả nỗi nhục lẫn chiến tranh thế giới thứ hai.

Chẳng ai muốn chiến tranh cả. Nhưng nếu Putin nổi điên muốn chiến tranh thì NATO, hoặc Liên Âu, chỉ có thể đáp lại bằng chiến tranh và đặc biệt là phải đáp trả mạnh hơn Nga gấp nhiều lần, cả tinh thần lẫn vật chất.

Hoàng Quốc Dũng

(28/03/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Quốc Dũng
Read 1194 times

1 comment

  • Comment Link Vũ Nguyên vendredi, 12 avril 2024 08:16 posted by Vũ Nguyên

    gửi đội alpha đi thịt con chó putin là xong, cơ mà khó phết nhỉ nhưng nó chết là hết chuyện

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)