Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

28/03/2024

Độc lập xét xử của Tòa án và yêu cầu "đột phá" của Thủ tướng

Nguyễn Huy Vũ

"Độc lập xét xử" sẽ có khi đổi tên tòa án ?

RFA, 28/03/2024

Quốc hội Việt Nam đang họp phiên toàn thể xem xét dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trong đó, bao gồm cả việc đổi tên không theo đơn vị hành chính như hiện nay mà theo cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Cụ thể, Tòa án Nhân dân cấp tỉnh thành Tòa án Nhân dân phúc thẩm, Tòa án Nhân dân cấp huyện thành Tòa án Nhân dân sơ thẩm.  Giải thích cho điều ấy, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng việc đổi tên để tòa án độc lập xét xử.

toaan1

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình – Photo: phapluat.vn

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông :

"Qua đó, giúp xác nhận về điều mà công chúng đã biết từ trước cho đến nay rằng thực trạng tòa án không hề được độc lập xét xử. Tòa án độc lập xét xử là một trong những nguyên tắc tư pháp chính yếu để bảo đảm sự ban phát công lý và không có gì khác ngoài công lý. Mọi sự lệ thuộc của tòa án vào các cơ quan, bộ ngành khác đều đe dọa nguyên tắc độc lập xét xử. Hiến pháp Việt Nam cũng quy định về nguyên tắc này, thế nhưng, mặt khác lại không quy định về nguyên tắc tam quyền phân lập. Cho nên, khó có thể hình dung tòa án độc lập nếu không được phân quyền một cách rõ ràng".

Cũng theo phân tích của Luật sư Mạnh, sở dĩ không thể độc lập trong xét xử bởi còn có sự tồn tại của Ban An ninh Nội chính, mà theo ông, vốn là một định chế phi pháp vì nó không được quy định trong hiến pháp, và trong khá nhiều trường hợp, đại diện tỉnh ủy hoặc thành ủy đã tham gia vào các buổi làm việc của ban này để chỉ đạo án. Ban này tập hợp từ các cơ quan tiến hành tố tụng gồm công an, viện kiểm sát và tòa án để thống nhất tội danh trong các vụ án hình sự. Luật sư Mạnh kết luận :

"Do đó, nói độc lập xét xử là đang nói về một điều chưa từng tồn tại trong nền tư pháp Việt Nam. Do đó, ngày nào hiến pháp Việt Nam chưa quy định phân quyền và còn duy trì sự tồn tại phi pháp của Ban An ninh Nội chính thì ngày đó, tòa án vẫn không thể độc lập xét xử. Việc đổi tên tòa án không liên quan gì đến việc tòa án độc lập xét xử cả".

Một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc đổi tên tòa án là không cần thiết, bởi nó chỉ là hình thức. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, chỉ đổi tên gọi còn không thay đổi về nội dung và phương thức nên chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phân tích: "Việc đổi mới chỉ đơn thuần là đổi tên gọi; còn về tổ chức bộ máy vẫn được bố trí theo địa giới hành chính như hiện nay tại mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và tại mỗi địa bàn cấp huyện, cơ cấu trong tòa án vẫn không có sự thay đổi so với bộ máy đang được vận hành. Do đó, để tránh tình trạng bình mới rượu cũ, hạn chế phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi, thống nhất với một số cơ quan khác có liên quan, vì vậy theo tôi, sự thay đổi này là không cần thiết".

Trong khi Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, việc đổi mới tòa cấp tỉnh thành phúc thẩm, tòa cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án này không thay đổi, thì ông Nguyễn Hòa Bình lại cho rằng, đổi tên là đổi thẩm quyền và việc đổi thẩm quyền sẽ còn nhiều hơn nữa khi sửa các luật tố tụng và phân cấp của tòa án. Ông coi việc đổi tên tòa theo từng cấp là xu hướng thế giới mà nếu không sửa là lỡ một cơ hội để đổi mới triệt để hoạt động tòa án.

Một số luật sư cho rằng, để đổi mới ngành tư pháp Việt Nam thì phải thay đổi rất nhiều thứ chứ không thể bưng những quy định, điều luật hay hình thức tổ chức của thế giới vào là phù hợp, vì thể chế chính trị Việt Nam khác hẳn các nước dân chủ. Theo Luật sư Đặng Trọng Dũng, việc đổi mới cần thực hiện từng bước, và việc đổi tên tòa án là một trong những tiến trình đó. Ông nói :

"Người ta sợ rằng nếu mà theo cách cũ, tòa án tỉnh hay huyện thì bị ảnh hưởng bởi quan chức địa phương. Còn theo hình thức dọc thì nó chỉ tuân thủ theo tòa án cấp trên thôi. Thành ra cái uy quyền của ngành tòa án nó sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, đổi thành tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp sơ thẩm là đúng. Tôi đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Hòa Bình vì nó theo thông lệ quốc tế. Nhưng mà nó có nhiều cái cần thay đổi lắm.

Thứ nhất là cái độc lập của thẩm phán xét xử. Bây giờ họ nói là xét xử độc lập nhưng thật ra là không như thế. Có được độc lập xét xử đâu. Họ cũng phải lo cho cái thân của thẩm phán. Ví dụ như những mối quan hệ ở địa phương. Bây giờ theo hình thức sơ thẩm phúc thẩm thì họ tuân thủ theo ngành dọc của tòa án. Đó là điều rất tốt.

Để xét xử độc lập thì phải có lộ trình và phải có nhiều yếu tố. Tôi thấy họ chuẩn bị như thế cũng có thể có những sự thay đổi lớn. Họ muốn cho ngành tòa án độc lập từng bước một. Dĩ nhiên là mình mong tam quyền phân lập rồi. Hiện nay họ vẫn nói là tam quyền phân lập đấy. Nhưng lại chịu sự quản lý của đảng thì cũng như không. Phải độc lập trong xét xử mới được".

Cũng trong kế hoạch đổi mới ngành tư pháp, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), thường trực Ủy ban Tư pháp và Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất bổ sung quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong thời gian tuyên án, công bố quyết định. Trong trường hợp cần thiết thì tòa án có quyền ghi âm cả lời nói, cả hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp.

Điều này bị ông Nguyễn Hòa Bình phản đối. Báo Pháp luật dẫn phát biểu của ông: "Lúc xét xử, Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, tập trung suy nghĩ cho vụ án. Truyền thông cứ chĩa máy quay vào mặt người ta, người ta bị phân tán. Bản thân Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, điều tra viên họ cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông bị xấu. Khi suy nghĩ, khuôn mặt phải đăm chiêu, nhíu mày chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười được. Thế nhưng vào lúc cần đưa ra quyết định sáng suốt nhất, người ta lại bị chĩa máy quay vào, phải nở nụ cười".

Tuy vậy, ông Bình cho biết không ngăn cản nhà báo phỏng vấn, đưa tin khi đã ra ngoài hành lang, bởi "đó là việc của truyền thông". Còn trong phiên tòa, nhà báo chỉ được ghi âm, ghi hình phiên tòa khi có sự cho phép của chủ tọa.

Nguồn : RFA, 28/03/2024

************************

Yêu cầu "đột phá" của Thủ tướng vẫn giáo điều lỗi thời !

Nguyễn Huy Vũ, RFA, 27/03/2024

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 27/3/2024 nhận định với RFA :

"Là người đứng đầu chính phủ, ông Chính là người chịu trách nhiệm chính, ít nhất là về hình thức, cho sự phát triển của quốc gia. Với tư cách là người đứng ra trực tiếp thực hiện các chính sách, ông Chính phải là người nắm vững các chính sách sẽ thực hiện và các định hướng của nó".

toaan2

Phiên họp thứ hai của Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV hôm 26/3/2024. Courtesy chinhphu.vn

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 27/3/2024 nhận định với RFA :

"Là người đứng đầu chính phủ, ông Chính là người chịu trách nhiệm chính, ít nhất là về hình thức, cho sự phát triển của quốc gia. Với tư cách là người đứng ra trực tiếp thực hiện các chính sách, ông Chính phải là người nắm vững các chính sách sẽ thực hiện và các định hướng của nó".

Nhưng theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã không hiểu rõ về các chính sách kinh tế:

"Các thể hiện của ông Thủ tướng cho thấy ông không nắm vững các chính sách và không biết nên thực hiện những gì để đạt được các mục tiêu đó. Ông chỉ khoa trương những lời chung chung mà không thực chất và ai cũng biết và có thể nói được như biến đổi khí hậu, già hoá dân số, công nghiệp lần thứ 4…

Câu hỏi làm gì để giải quyết các vấn đề đó thì ông lại không nói và không biết mà đùn đẩy câu trả lời về cho Tiểu ban Kinh tế của Quốc hội để nghiên cứu tiếp. Đó không phải là cách làm của một người lãnh đạo đứng đầu chính phủ, vì nó thể hiện sự thiếu khả năng".

Tại phiên họp hôm 26/3/2024, với những điều nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu sâu các nội dung, bám sát các chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề cương chi tiết của Báo cáo kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, y tế...

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA liên quan việc này nhận định:

"Đấy là mục tiêu cao để phấn đấu, còn đạt được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, tùy thuộc tình hình ổn định kinh tế chính trị ở khu vực, tùy thuộc tình hình kinh tế thế giới có thuận lợi hay không và Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hay không? Tôi nghĩ rằng nếu cố gắng phấn đấu thì Việt Nam có thể đạt được".

toaan2

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ hai của Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV hôm 26/3/2024. Courtesy chinhphu.vn

Dưới một góc nhìn khác, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 27/3/2024 từ Sài Gòn cho RFA biết ý kiến:

"Yêu cầu của ông Phạm Minh Chính đặt trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng thứ 14 vào tháng 1/2026 (trước 2 năm). Trong đó có yêu cầu phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng thứ 13, mà đại hội 13 tổ chức vào tháng 1/2021, thì các văn kiện đại hội đã chuẩn bị từ năm 2019 – 2020… Từ đó đến nay đã 5 năm, như vậy thì các văn kiện, các chủ trương quan trọng nhất trong đảng đã lỗi thời".

Bởi vì theo ông Già, suốt 5 năm qua, tình hình ở Việt Nam biến chuyển quá nhanh, bất ngờ ngoài dự đoán của tất cả các giới. Ông Già cho rằng, các dự đoán của Đảng cộng sản Việt Nam cũng lỗi thời, bởi các yếu tố sau:

"Thứ nhất là đại dịch Covid-19 đã đẩy Việt Nam vào một tình thế vô cùng tồi tệ, chưa từng có trong lịch sử nửa thế kỷ qua và kéo theo đại dịch là yếu tố nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam vô cùng bất ngờ và rối trí cho tất cả các giới… từ ông Nguyễn Phú Trọng, qua ông Nguyễn Xuân Phúc, qua ông Võ Văn Thưởng và sắp tới đây không biết là ai. Kéo theo đó là nhiều vị Phó Thủ tướng rời chức vụ trong lặng lẽ hoặc có người chết".

Biến động dữ dội về nhân sự này theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, làm chao đảo trong thượng tầng chính trị, gây hoang mang cho người dân. Ông Già cho biết tiếp về yếu tố tiếp theo :

"Thứ ba đó chính là vấn đề chống tham nhũng 5 năm qua, càng chống càng sa lầy. Bởi vì phải công nhận 5 năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam đã lôi ra vô số nhân vật cao cấp tham nhũng… Nhưng càng chống tham nhũng thì càng sa lầy, bởi vì họ có vẻ như là quyết tâm chống tham nhũng khi Chính phủ ra nghị quyết bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm. Song song đó thì họ cũng yêu cầu phải kiểm điểm xử lý cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm".

Điều này theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già đã tạo nên nghịch lý và xung đột rất lớn. Ông lý giải:

"Bởi vì một bên là phải bảo vệ, còn một bên thì phải xử lý… điều này chứng tỏ tự thân bộ máy làm việc hoàn toàn trì trệ. Nó đã gieo trong tâm lý của những người làm việc trong nhà nước hiện nay là không dám làm, vì nếu không thì đã không cần phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm. Một người công chức nói chung mà không dám làm mà chỉ nghĩ tới tham nhũng thôi… là những con người mục nát về tinh thần, sẽ dẫn tới toàn bộ công việc trong xã hội trì trệ, bế tắc… đó là điều tất yếu".

Vì vậy với yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho rằng, nếu đặt trong mô hình độc đảng toàn trị, mà mô hình này không cần pháp luật, mà pháp luật chỉ là hình thức, thì yêu cầu này thể hiện xã hội rối ren, bế tắc, mất phương hướng… Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, yêu cầu của ông Phạm Minh Chính trong Tiểu bang Kinh tế Xã hội không có gì tốt hơn, mà nó chỉ lẩn quẩn trong những giáo điều đã lỗi thời.

Nguồn : RFA, 27/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huy Vũ, RFA tiếng Việt
Read 323 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)