Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/04/2024

Tranh giành quyền bính trong nội bộ Đảng cộng sản tiếp theo

Thái Hà - Hoàng Phúc

Bị Tô dí đến đường cùng, "Trụ Vương" sẽ cầu cứu ai ?

Thái Hà, Thoibao.de, 20/04/2024

Đến nay, đã hơn 2 ngày, thông tin nội bộ cho biết, Vương Đình Huệ bị ép viết đơn từ chức. Ông Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là người đứng đầu nhóm "vạch tội" Huệ, dưới sự giám sát của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

dcsvn1

Ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chủ trì kỳ họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Lâu nay, Trần Cẩm Tú và Vương Đình Huệ vốn là "đồng môn", vì cùng thuộc phe "lò" do ông Tổng dựng lên. Ông Tổng đã ban hành những điều mà cán bộ đảng viên không nên làm, đã thành luật riêng của Đảng. Trần Cẩm Tú thực hiện theo luật Đảng, cũng là thực hiện mệnh lệnh của ông Tổng bí thư.

Nếu phe lò còn mạnh như trước đây, thì Trần Cẩm Tú có thể lờ đi những khuyết điểm của Vương Đình Huệ. Nhưng giờ đây, Tô Lâm đã không còn đứng chung phe. Thậm chí, chính Tô Lâm là người lôi ra sai phạm của Vương Đình Huệ, thì Trần Cẩm Tú cũng không dám bao che cho "đồng môn" được nữa. Uy quyền của Tô Lâm hiện nay còn cao hơn ông Tổng. Bởi Tô Lâm đã loại được Võ Văn Thưởng, và đẩy Vương Đình Huệ đến đường cùng, thì việc loại tiếp Trần Cẩm Tú cũng không phải là bài toán khó cho Tô Lâm. Cho nên, rất khó để Trần Cẩm Tú dám làm khác với yêu cầu của Tô Lâm.

Dù bằng chứng đã rõ, dù bị ép viết đơn từ chức, nhưng một nguồn tin cho biết, ông Vương Đình Huệ vẫn không cam lòng, không muốn từ bỏ quyền lực. Áp lực quá lớn nên ông đã bị tai biến nhẹ phải vào Viện 108 cấp cứu. Sau khi tỉnh dậy, ông Huệ vẫn làm mọi cách để cứu vãn tình thế. Có lẽ, ông không còn hy vọng vào Tập Cận Bình, bởi Tập ở xa và chưa chắc đã hoàn toàn ủng hộ Vương Đình Huệ. Bởi Tô Lâm cũng từng đi "sứ" sang Bắc Kinh từ 7 tháng trước đó. Cũng bởi, dù ai lên thì rồi cũng sẽ phục tùng Tập, nên Tập cứ để mặc cho nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tự đánh nhau, kẻ thắng cũng chẳng còn bao nhiêu sức lực, càng để Tập dễ bề sai khiến.

Giờ đây, chỉ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có thể cứu được Vương Đình Huệ, bởi ông Huệ chỉ mới làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chưa đưa ra Bộ Chính trị. Hiện nay, cả Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quốc hội, đều chưa có lịch họp, để bàn về việc từ chức của ông Vương Đình Huệ.

Mà Ủy ban kiểm tra Trung ương được xem là "sân nhà" của Tổng bí thư. Nếu Tổng bí thư ra lệnh, thì tất nhiên, Trần Cẩm Tú phải nghe theo. Cái khó hiện nay là có sự giám sát của Tô Lâm, khiến Tổng bí thư khó mà bao che cho đàn em được nữa. Cho nên, dù Vương Đình Huệ có cầu cứu ông Tổng, thì chưa chắc ông đã cứu được, có thể, ông cũng bất lực trong lúc này.

Luật Đảng đã có, bằng chứng rành rành trong tay Tô Lâm, ông Tổng có thể cũng đành lực bất tòng tâm, như đối với trường hợp của ông Võ Văn Thưởng. Nếu ông Tổng đã không dám cứu đệ tử, thì ông Trần Cẩm Tú lại càng không dám tự ý làm sai luật, dưới đôi mắt diều hâu giám sát của Tô Lâm. Lúc đó, xem như ông Vương Đình Huệ đã bị ông Tô Lâm đẩy vào đường cùng.

Hiện nay, ông Huệ đang tìm mọi cách để vấn đề không bị đưa ra Bộ Chính trị, nhưng xem ra, cơ hội thoát hiểm của ông Huệ gần như đã không còn. Bởi ngoài những dự án liên quan đến Tập đoàn Thuận An đang bị Tô Lâm cho điều tra ráo riết, thì còn đó Tập đoàn Thiên Minh Đức. Nếu ông Huệ tiếp tục "ngoan cố", Tô Lâm sẽ cho hốt thêm nhiều dây mơ rễ má của "Trụ Vương", cuối cùng, đẩy Huệ Vương vào lò một cách đau đớn.

Trận chiến giữa Tô Lâm và Vương Đình Huệ, càng ngày càng cho thấy, ông Huệ đang thua. Có điều, ông Huệ đang chọn cách thua nào để ít bị tổn thất nhất. Nếu còn tiếc nuối chiếc ghế quyền lực, còn tham quyền cố vị, còn làm mọi cách để chống chọi, thì không loại trừ, "Trụ Vương" sẽ trở thành "củi gộc" lớn nhất từ trước đến nay.

Thái Hà

Nguồn : Thoibao.de, 20/04/2024

************************

Ngài "đạo văn" Bùi Văn Cường, một cửa ngõ dẫn

Hoàng Phúc, VNTB, 20/04/2024

Bùi Văn Cường hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Trước khi được Vương Đình Huệ kéo về Quốc hội, ông Cường có thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, từ 2019 đến 2021.

dcsvn2

Bùi Văn Cường hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, từ 2019 đến 2021.

Ngày 16/4, nhiều tờ báo nhà nước cùng đưa tin, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03 đã có văn bản, yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cung cấp hồ sơ, tài liệu, liên quan đến gói thầu của Tập đoàn Thuận An tại tỉnh này.

Cụ thể, hồ sơ được Bộ Công an yêu cầu tỉnh Đắk Lắk cung cấp, là hồ sơ của gói thầu số 3, thi công dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột.

Hồ sơ yêu cầu cung cấp, bao gồm quá trình phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư, thiết kế thi công, dự toán xây dựng, hồ sơ mời thầu, quá trình đấu thầu, dự thầu, chấm thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, quá trình triển khai dự án và gói thầu số 3.

Ngoài ra, C03 cũng đề nghị cung cấp hồ sơ về ký kết, thực hiện hợp đồng thi công xây dựng, tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng dự án và gói thầu số 3.

Được biết, gói thầu số 3 khởi công ngày 9/12/2021, do một liên danh thi công, gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng An Nguyên – Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Sài Gòn – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – Tập đoàn Thuận An.

Ông Bùi Văn Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, từ ngày 19/7/2019 đến ngày 7/5/2021. Tuy ông đã rời ghế Bí thư tỉnh này trước ngày khởi công dự án, nhưng giai đoạn mời thầu, đấu thầu, dự thầu, chấm thầu, và kết quả lựa chọn nhà thầu, đều diễn ra dưới thời ông Bùi làm Bí thư tỉnh. Cho nên, việc Bộ Công an yêu cầu chính quyền tỉnh cung cấp hồ sơ gói thầu, có liên quan đến Thuận An tại Đắk Lắk, được xem là nhắm vào ông Bùi Văn Cường – một trợ thủ đắc lực cho ông Vương Đình Huệ tại Quốc hội.

Gói thầu số 3 này, được cho là có sự cấu kết giữa ông Phạm Thái Hà – Trợ lý của ông Vương Đình Huệ, cùng với ông Bùi Văn Cường, để kéo vào tay Nguyễn Duy Hưng. Như vậy, rất có thể, việc soi kỹ dự án của Tập đoàn Thuận An tại Đắk Lắk, chính là cách Tô Lâm tìm đường, để dẫn đến "Trụ Vương" ở Hà Nội.

Được biết, ông Bùi Văn Cường từng bị tố "đạo văn". Vào khoảng tháng 3/2020, một giáo viên thể dục trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Khuyến, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, là Hoàng Minh Tuấn, đã gửi đơn tố cáo lên Ban Tổ chức Trung ương, cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và Trung ương, cáo buộc ông Bùi Văn Cường đạo luận án Tiến sĩ.

Trước đó, tạp chí Môi trường và Xã hội đã đăng tải một bài viết của ông Phạm Đình Quý, cũng cáo buộc ông Cường "đạo luận án Tiến sĩ, gian dối học thuật để trèo cao, nhằm mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân". Sau đó, Tạp chí này đã bị Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và truyền thông phạt 50 triệu đồng, và thu hồi giấy phép 2 tháng, vì nói "không đúng sự thật".

Mỉa mai thay, Cục Báo chí mà lại có chức năng xem xét tính xác thực của một luận văn, xem có bị đạo nhái hay không, thì quả là "quyền lực" làm nên tất cả.

Để bịt miệng những người tố cáo, ông Cường đã cho Công an tỉnh Đắk Lắk bắt cả 2 người tố cáo nói trên. Đặc biệt, ông Cường còn cho Công an Đắk Lắk xuống tận Sài Gòn bắt người, mang về Buôn Ma Thuột.

Ngày 17/1/2022, Tòa án Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã mở phiên tòa sơ thẩm đối với ông Hoàng Minh Tuấn và ông Phạm Đình Quý. Cả 2 lần lượt nhận mức án 2 năm 6 tháng tù, và 9 tháng tù, vì tội "vu khống", mặc dù không có bất kỳ hội đồng khoa học nào xem xét luận văn của ông Cường, xem có phải là đạo nhái hay không. Tòa án ở Việt Nam chỉ xử án theo mệnh lệnh.

Hoàng Phúc

Nguồn : Thoibao.de, 20/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thái Hà, Hoàng Phúc
Read 641 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)