Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/04/2024

Qua vụ Vương Đình Huệ : ai là người điều khiển Đảng cộng sản Việt Nam ?

Trần Hiếu Chân - Hoàng Anh

Từ vụ ông Vương Đình Huệ : còn gì để hy vọng từ một hệ thống hỏng ?

Trần Hiếu Chân, RFA, 23/0/2024

Sinh thời Hồ Chí Minh từng truyền cảm hứng : ‘Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ’. Cuộc kịch chiến trong ‘cung đình’ Hà Nội hiện nay là biểu hiện rõ rệt nhất của một hệ thống hỏng – một ‘chính phủ làm hại dân’. Tuy tất cả đều diễn ra trong ‘hộp đen’, nhưng người dân chẳng ngu ngơ đâu, họ biết tuốt đấy.

thucchat1

Ông Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng tại một cuộc họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 1/2/2021 - AP

-----------------------------

RFA ngày 17/4/2024 căn cứ vào nguồn tin từ truyền thông Việt Nam cho biết, hồ sơ các gói thầu của Tập đoàn Thuận An tại tỉnh Đắk Lắk được yêu cầu cung cấp cho cơ quan điều tra CO3 của Bộ Công an. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng và một số người liên can bị bắt vào ngày 15/4/2024. Theo Bộ Công an Việt Nam, CO3 thuộc Bộ này đang tập trung mở rộng điều tra để làm rõ những sai phạm tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật (1). 

Đài VOA trước đó ngày 16/4 cũng đưa tin với nội dung tương tự như trên. Các dòng trạng thái (stt) của VOA cùng ngày cho rằng, lãnh đạo tập đoàn bị bắt thì chỉ có thể là ai đó đang bị cưa chân ghế. Và có thể Tô Lâm đang nhắm vào một trong tứ trụ ; tỉa dần dần cho hết các chướng ngại trên con đường đi đến chức Tổng bí thư (2). Ngày 19/4, Đài RFA tổ chức cuộc Hội luận ‘nóng’ trong bối cảnh đương kim Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đang trở thành tâm điểm khi khá nhiều tin đồn tiêu cực nhắm đến ông được đưa ra một cách dồn dập. Sinh mệnh chính trị của ông Huệ rõ ràng đang là vấn đề được dư luận ở Việt Nam quan tâm (3). Nhiều bình luận xoay quanh các phóng sự của RFA và VOA không gây bất ngờ, vì các thông tin ấy thực ra đã ‘bùng nổ’ ngay từ buổi sáng đầu tiên, khi Chủ tịch Huệ bắt đầu chuyến ‘kinh lý’ Trung Quốc, từ 8 – 12/4 (4). 

Số tiền đưa và nhận hối lộ của Thuận An Group bị tố giác là ‘khủng’ hơn vụ ‘Hậu pháo’ (5) rất nhiều lần, vì các công trình của Thuận An ‘rải khắp’ Bắc – Trung – Nam. Từ một doanh nghiệp với quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn có 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới thành lập. Theo báo Tiền Phong hôm 16/4/2024 cho biết : ‘Thuận An Group nay đã tham gia tổng cộng 51 gói thầu và đã trúng 39 gói thầu, trượt tám gói, và bốn gói vẫn chưa có kết quả. Tổng giá trị của các gói trúng thầu là hơn 22,600 tỷ đồng ($893.7 triệu). Trong số này, có hơn 8,200 tỷ đồng ($324.2 triệu) thuộc về các gói chỉ định thầu. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 144,300 tỷ đồng ($5.7 tỷ)’ (6). Lớn nhanh như ‘đặt ông đu đủ thổi…’ như vậy thì kiểu gì cũng có vấn đề. Đây là vụ bắt giữ mới nhất khi chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng được cho là tiếp tục mở rộng. Cựu Chủ tịch nước (và cũng là cựu Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố, các doanh nghiệp nhà nước… không chịu đổi mới, đặc biệt là có những anh mười mấy sân sau, đừng tưởng Thủ tướng không biết (7). ‘Mười mấy sân sau’ là biệt ngữ nói lên, doanh nghiệp nào cũng có nhiều ‘trùm cuối’ chống lưng.

Cho nên chuyện chống tham nhũng trong chế độ toàn trị ở Việt Nam là bất khả, chỉ là phương tiện để các phe cánh triệt hạ lẫn nhau. Nhà thơ Thái Bá Tân cảm thán thế này : ‘Đừng mơ chống tham nhũng/ Ở chế độ độc tài/ Điều ấy đã thành luật/ Và không loại trừ ai/ Vậy muốn sống tử tế/ Thì phải làm thế nào ?/ Không làm quan cộng sản/ Đừng vờ hỏi vì sao ?’ Còn người dân xứ Đông Lào thì vừa trào lộng vừa chua xót : ‘Nghe đâu đom đóm sắp tàn/ Chọi nhau sát ván tan hoang cửa nhà/ (Đom đóm là biệt danh của ông Huệ) (8). Tất cả dù diễn ra trong ‘hộp đen, nhưng đừng nghĩ, người dân chẳng biết ất giáp gì… Không chỉ biết, họ còn hiểu rõ, mỗi phe cánh, bên này hay bên kia, đều có đầy đủ hồ sơ ‘bất hảo’ về nhau. 

Và không chỉ hiểu rõ, người dân còn nhận thức sâu sắc về sự dối trá cùng cực của hệ thống tư pháp ‘bỏ túi’. Từ ‘chuyến bay giải cứu’ đến ‘kit test việt Á’, từ những lời khai liên quan đến Phạm Quý Ngọ, đến Trần Đại Quang (là những tướng ba, bốn sao của Bộ Công an), tất cả đều là những đại án thiếu vắng các bên bị hại. Bởi một lý do đơn giản, bên bị hại chỉ là dân đen, còn những vụ áp-phe kia đều ‘có tính Đảng' (9).

Riêng đối với Đại tướng Tô Lâm, một bình luận trên báo ‘Người Việt’ viết : "Bộ Công An của ông Lâm đã trở thành một thứ kiêu binh, tác oai tác quái dữ dội, gây oán hận trùng trùng nhưng không ai dám hé răng phản đối. Quyền hành ở Việt Nam bây giờ thực sự nằm trong tay ông Tô Lâm... Nếu ông Lâm thành công trong việc loại bỏ các đối thủ, độc chiếm chiếc ghế Tổng bí thư, đất nước lại rơi vào một giai đoạn tối tăm hơn. Triển vọng một Việt Nam dân chủ, thịnh vượng và hòa đồng với thế giới văn minh xem ra còn xa xôi hơn nữa" (10).

Nhưng khác với vụ của Tập đoàn Phúc Sơn (Hậu pháo), ‘trùm cuối’ của Tập đoàn Thuận An mà Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (CO3) muốn đánh ‘bật gốc’ ngày từ đầu đã không kéo cờ trắng một cách dễ dàng như Võ Văn Thưởng. Theo tin nội bộ rò rỉ không thể tiết lộ danh tính và chưa thể kiểm chứng, sáng 19/4, Bộ chính Trị họp mà chưa bàn gì đến vụ việc ‘nóng như lửa’ của Vương Đình Huệ. Chiều 19/4, cũng từ nguồn tin vừa dẫn, Ban Kiểm tra trung ương chính thức làm việc với Chủ tịch Vương Đình Huệ về những hồ sơ do CO3 cung cấp. Tạm thời, Huệ phải hủy bớt một số hoạt động chính thức. Lúc này, coi như Huệ ‘trụ được’ bước đầu, chưa chấp nhận hàng. Nhưng từ một góc nhìn khác, Vương Đình Huệ kiểu gì cũng bại, vì sẽ khó đạt được mục đích chiếm ghế Tổng bí thư. Mọi biểu hiện khác chỉ là hình thức thua, là ‘phép thắng lợi tinh thần’. Trong hệ thống đạo tặc hiện nay, anh phải là A1. Còn từ A2 trở xuống đều như nhau hết. Tất cả chỉ là ‘kẻ sai vặt’ của A1 mà thôi.

Tóm lại, các phe phái Ba Đình đang ‘chơi nước cờ tàn’. Tổng Trọng nuôi hy vọng ngồi lại sau Đại hội 14 và sẽ được ‘băng hà’ trên ‘ngai vàng’. Đàn em của ông đánh nhau thì cũng để giành lấy cái uy quyền tối thượng ấy. Dù Huệ hay Tô Lâm thắng ‘keo’ này thì bên thua cuộc vẫn là ‘dân đen’. Toàn cảnh kinh tế – xã hội đang vào hồi bết bát mà lãnh đạo chỉ mải lo ‘đục ghế nhau’ sát ván. Cuộc tương tàn có thể còn kéo dài đến tận Đại hội 14. Trong giới KOL, có đề xuất phải tuân thủ chặt chẽ Bộ Luật hình sự khi câu lưu, đảm bảo sao cho có đại diện các bộ nghành, chứ không nên chỉ có một mình Công an đứng trên pháp luật như hiện nay. Le lói tia hy vọng, trật tự mới liệu sẽ ra đời từ đổ nát và hỗn loạn ? Nhưng đấy có thể chỉ là ảo tưởng, chừng nào mà ‘người cầm cân nảy mực’ tới đây chưa có độc lập tính cao, năng lực tự chủ vượt trội. Chưa đến lúc ấy, chính trường Ba Đình khi nào cũng là chiến trường ác liệt.

Trần Hiếu Chân

Nguồn : RFA, 23/04/2024

Tham khảo :

(1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thuan-an-group-case-three-provinces-asked-to-provide-bidding-documents-for-investigation-04172024083237.html

(2) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-bat-them-cac-lanh-dao-tap-doan-vi-dua-nhan-hoi-lo-/7572072.html

(3) RFA tiếng Việt : Sinh mệnh chính trị của ông Vương Đình Huệ trước làn sóng tin đồn

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-china-waiting-for-convergence-04142024081434.html

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-leaders-o-vinh-phuc-and-quang-ngai-arrested-for-taking-bribes-of-phuc-son-chairman-hau-phao-03282024083958.html

(6) https://tienphong.vn/tap-doan-thuan-an-co-chu-tich-vua-bi-bat-trung-nhieu-goi-thau-khung-post1629302.tpo

(7) https://tuoitre.vn/co-anh-muoi-may-san-sau-dung-tuong-thu-tuong-khong-biet-20181121133624369.htm

(8) https://www.voatiengviet.com/a/vuong-dinh-hue-dom-dom-tuoi-tho-du-doi/5842501.html

(9) https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-bay-giai-cuu-va-tham-nhung-co-tinh-dang-/7204626.html

(10) https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vuong-dinh-hue-gay-ghe/

**************************

Bị Tô vây hãm "không đường thoát", Huệ vẫn "cứng đầu" ra mặt !

Hoàng Anh, Thoibao.de, 23/04/2024

Ngày 22/4, báo chí được Tô Lâm bật đèn xanh, đồng loạt đưa tin về việc Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà bị bắt. Cũng ngày này, báo chí cũng đưa tin ông Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để cho ý kiến về "Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn".

thucchat2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong một buổi nói chuyện Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tại Hà Nội ngày 21/3/2023

Lửa đã táp đến tận chân, nhưng ông Huệ vẫn đang cố tỏ ra ung dung, như không có chuyện gì xảy ra.

Trước đó, có thông tin, tại kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Trần Cẩm Tú chủ trì, ngày 17/4, đã triệu tập ông Vương Đình Huệ đến làm việc 2 buổi, và ép Vương Đình Huệ từ chức. Dù ông Huệ vẫn tỏ thái độ chống đối, nhưng cuối cùng thì cũng phải viết đơn từ chức.

Trong cuộc họp Bộ Chính trị hôm 19/4, ông Huệ vẫn rất mạnh miệng, phê bình hành động bắt người một cách tùy tiện của ông Tô Lâm trong những ngày qua, trong đó, có vụ bắt sân sau của ông Huệ là Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, và cả đàn em thân tín của ông là Phạm Thái Hà.

Thật ra, Tô Lâm lâu nay có xem pháp luật ra gì đâu ? Đặc biệt, trong vấn đề trị dân, Tô Lâm vẫn luôn cho bắt người tùy tiện, nên người dân mới tặng cho ngành công an câu nói "bất hủ", rằng "luật là tao, tao là luật".

Tuy nhiên, việc bắt các "đồng chí" trong Đảng, trước đây, Tô Lâm vẫn tuân thủ quy trình do ông Tổng bí thư đặt ra. Đó là, đợi Ủy ban Kiểm tra Trung ương phân loại hình thức kỷ luật, sau đó mới đến lượt Tô Lâm ra tay. Thế nhưng, từ đầu năm 2024 đến nay, Tô Lâm đã không còn tuân thủ quy trình này, mà cho bắt quan chức theo kiểu "đánh úp", không cần đợi Trần Cẩm Tú cho kỷ luật cách chức và khai trừ Đảng như trước đây.

Quy trình do Tổng bí thư đặt ra đã làm chậm quá trình xử lý quan chức, tạo điều kiện cho những kẻ dính kỷ luật có thời gian để chạy chọt, thậm chí là bỏ trốn. Đây là điểm yếu của quy trình này. Nếu Tô Lâm tuân thủ thì sẽ không thể có yếu tố bất ngờ, do đó, không hạ được những đối thủ cần hạ.

Với trường hợp ông Phạm Thái Hà bị bắt, một lần nữa chứng minh, ông Tô Lâm đã không còn coi cái quy trình xử lý đảng viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra gì. Đến giờ, ông Hà vẫn chưa bị kỷ luật, bị cách chức, và bị khai trừ khỏi Đảng. Nghĩa là, ông Hà bị bắt khi còn tại chức. Rồi đây, Trần Cẩm Tú sẽ còn phải "chạy theo đuôi" Tô Lâm, để cho xử lý kỷ luật ông Phạm Thái Hà.

Cho tới khi thông tin ông Phạm Thái Hà bị bắt được công bố, ông Vương Đình Huệ vẫn tỏ ra "cứng đầu". Ông vẫn cho triển khai cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn cho báo chí loan tin. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ như con gà cố cất lên tiếng gáy cuối cùng, trước khi bị "thịt". Bởi trong tay Tô Lâm đang có quá nhiều phương án, nếu Vương Đình Huệ càng cứng đầu, đàn em càng bị hạ thêm. Điều này có thể khiến ông Huệ thất bại trong nhục nhã, ê chề, chứ không được êm thấm như Võ Văn Thưởng.

Hãy chờ xem, ông Huệ có thể cứng đầu được bao lâu ? Thời gian sẽ sớm trả lời.

Hoàng Anh

Nguồn : Thoibao.de, 23/04/2024

****************************

Công khai tin bắt Phạm Thái Hà, Tô quyết "kết liễu" sự nghiệp chính trị của họ Vương !

Hoàng Anh, Thoibao.de, 23/04/2024

Ngày 22/4, báo chí đồng loạt đưa tin "Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà bị bắt". Đây là thông tin chính thức từ báo chí nhà nước. Trước đó, tin đồn ông Phạm Thái Hà bị bắt đã xuất hiện ngay sau khi ông Vương Đình Huệ trở về, từ chuyến thăm Trung Quốc dài ngày.

thucchat3

Vương Đình Huệ : nhà lãnh đạo kiến tạo trong nhiều "tâm bão" !

Ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, được xem là tay hòm chìa khóa cho ông Vương Đình Huệ suốt 20 năm qua, từ khi ông Huệ còn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước. Thông tin nội bộ cho biết, ông Hà vừa là người kết nối giữa các lãnh đạo địa phương với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vừa là người lấy dự án trao vào tay Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An. Ngoài ra, thông tin nội bộ cũng cho biết, Phạm Thái Hà nhận hối lộ lên đến 2.000 tỷ đồng, từ các dự án cao tốc và các công trình ven biển.

Ông Hà bị bắt với cáo buộc "lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", theo Khoản 4, Điều 358, Bộ luật Hình sự. Chức vụ của ông Hà không đủ quyền lực, để các nhà thầu trao đến 2.000 tỷ đồng. Như vậy, việc ông Hà "lợi dụng chức vụ, quyền hạn", có thể được hiểu là lợi dụng chức vụ và quyền hạn của sếp ông.

Một khi đã công khai thông tin bắt Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội lên báo chí, thì xem như, Tô Lâm đã quyết "kết liễu" sự nghiệp chính trị của Vương Đình Huệ cho bằng được. Nguồn tin cho biết, lá đơn từ chức của ông Huệ vẫn còn nằm ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chưa đưa ra Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Ông Huệ đã làm mọi cách để lá đơn này không nằm trong chương trình nghị sự của Bộ Chính trị, mục đích là câu giờ, để cầu cứu Bắc Triều và ông Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng Tô Lâm cũng phải tay không vừa, để vô hiệu hóa chiêu trò câu giờ của Vương Đình Huệ, ông Lâm cho công khai thông báo thông tin bắt Phạm Thái Hà. Nếu thông tin này chưa công bố, có thể, sẽ có một thế lực nào đó nhảy vào can thiệp, buộc Tô Lâm phải thả Phạm Thái Hà. Tuy nhiên, một khi thông tin đã công khai trước công chúng, thì như "ly nước đã đổ ra đất", không thể hốt lại được.

Một nhà phân tích giấu tên đánh giá, tình trạng của ông Huệ là không thể đảo ngược, bởi Tô Lâm đã chuẩn bị rất kỹ mọi tình huống, trong đó có cả phương án B, phương án C… Nếu ông Huệ vẫn cứng đầu, Tô Lâm sẽ cho bắt tiếp những sân sau khác, khiến cho Huệ Vương phải thua cuộc một cách đau đớn, nhục nhã. Một số cái tên đã được tung ra, đó là Bùi Tố Minh – tức đại gia Minh "Nhựa", là chủ doanh nghiệp trong ngành sản xuất nhựa, có trụ sở tại Long Biên – Hà Nội.

Sân sau của Vương Đình Huệ không chỉ có Thuận An, cho nên, ông Huệ càng "cứng đầu", thì chỉ càng tạo điều kiện cho Tô Lâm thể hiện sức mạnh. Lúc đó, Tô Lâm có cơ hội để "răn đe" tất cả những ai muốn đối đầu với thế lực họ Tô.

Hiện nay, Tô Lâm đang ở thế thắng như chẻ tre. Với công cụ là các hồ sơ đen, được Tô Lâm sử dụng để đánh bật các sân sau của đối thủ, rồi lôi kẻ chủ mưu xuống ghế, đang thể hiện tính hiệu quả của nó. Đã có Võ Văn Thưởng "ngã ngựa", và sắp tới, sẽ là Vương Đình Huệ. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Tô Lâm đánh gãy 2 trụ trong Tứ trụ triều đình. Chưa có ai làm được như thế và cũng chưa có ai làm nhanh như thế, trong lịch sử Đảng, ngay cả ông Trọng ở thời "hoàng kim".

Ngày 20/4, ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, đã gửi thông báo về việc triệu tập kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tới các tới các đại biểu Quốc hội. Theo thông báo, kỳ họp này sẽ khai mạc ngày vào 20/5, dự kiến bế mạc vào ngày 28/6. Theo thông lệ, nếu có thay đổi về nhân sự, thì trước khi họp Quốc hội, Trung ương 9 phải họp để "chốt hạ" các vị trí quyền lực, kể cả vị trí đang bỏ trống và vị trí sẽ bị trống. Như vậy, ông Huệ chỉ còn thời gian 3 tuần để cố vùng vẫy, rồi mọi việc phải rõ trắng đen với Tô Lâm.

Hoàng Anh

Nguồn : Thoibao.de, 23/04/2024

********************************

Minh "nhựa" Hà Nội là ai ? Tiểu sử, sự nghiệp ông Bùi Tố Minh

Duẩn, 24h, 20/04/2024

Tiểu sử, sự nghiệp ông Bùi Tố Minh

Minh "Nhựa" Hà Nội tên thật là Bùi Tố Minh, ông được biết đến là một đại gia khá kín tiếng tại Hà Nội đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa chất nhựa (Plaschem).

thucchat4

Bùi Tố Minh là một đại gia khá kín tiếng tại Hà Nội.

Plaschem đã được thành lập từ tháng 10/1999, có trụ sở chính tại 562 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội. Tập đoàn này sở hữu một tòa nhà văn phòng cao 18 tầng tại địa chỉ trên, cùng một nhà máy sản xuất bao bì dưới thương hiệu Tú Phương tại Gia Lâm, với diện tích sản xuất lên đến hàng chục nghìn mét vuông. Vào đầu năm 2015, Plaschem đã đầu tư số vốn lên đến 15 triệu USD cho nhà máy sản xuất bao bì loại AD Star Tú Phương tại Long An.

Bùi Tố Minh cũng là người đại diện của nhiều doanh nghiệp khác. Trong số đó, có thể kể đến Công ty cổ phần Pusamcap Sapa, là chủ đầu tư của dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn Silk Path Sa Pa. Cũng như Công ty cổ phần Á Châu Cần Thơ, với trụ sở chính tại Khách sạn Á Châu Cần Thơ (Asian Hotel), đặt tại số 91 Châu Văn Liêm, Thành phố Cần Thơ.

Hơn nữa, Bùi Tố Minh cùng con gái là Bùi Tú Phương, sinh năm 1992, đồng thời đảm nhận hai vị trí quan trọng tại Công ty cổ phần Du lịch Xanh – Huế Vneco, lần lượt là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc.

thucchat5

Ông Minh phát biểu tại lễ khởi công dự án sân golf Silk Path Đông Triều

Ông Bùi Tố Minh là một nhân vật đa năng trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Vận tải Muối và cũng là chủ đầu tư của dự án liền kề Greenpark Vĩnh Hưng, tọa lạc tại quận Hoàng Mai Hà Nội. Dự án này có quy mô 12.262 m2, dự kiến sẽ xây dựng 94 căn liền kề để bán với mức giá từ 70 đến 75 triệu đồng/m2, tương đương khoảng từ 5 đến 6 tỷ đồng mỗi căn.

Ngoài ra, ông cũng là người đại diện của nhiều công ty nổi tiếng khác như Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Du lịch Nghỉ dưỡng Pusamcap Sapa, CTCP Golf Silk Path, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Xây dựng hạ tầng Duy Tiên, và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển hạ tầng Plaschem.

Trong một sự kiện đáng chú ý vào năm 2021, UBND thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cùng với Công ty cổ phần Sân Golf Silk Path đã tổ chức lễ khởi công dự án sân golf Silk Path Đông Triều với quy mô lên đến 130ha.

Dự án này là một phần trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Khách sạn Silk Path, một đơn vị nổi tiếng sở hữu và quản lý chuỗi các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại nhiều thành phố lớn trên khắp Việt Nam như Sa Pa,  Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Bùi Tố Minh là Tổng giám đốc của công ty này và ông đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của tập đoàn này.

Duẩn (tổng hợp)

Nguồn : 24h, 20/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hiếu Chân, Hoàng Anh
Read 738 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)