Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

22/04/2024

Giả định vô tội

Hoàng Quốc Dũng

1. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo (người bị buộc tội) được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án kết tội đối với người đó ;

2. Nghĩa vụ chứng minh một người có tội thuộc về bên có trách nhiệm buộc tội. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền chứng minh mình vô tội nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình ;

3. Khi có những nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ xuất hiện thì những nghi ngờ này phải được hiểu và giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi và bị can, bị cáo.

votoi0

Nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận tại khoản 1, Điều 31 Hiến pháp 2013 của Việt Nam, theo đó quy định : "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật."

Suy đoán vô tội hay giả định vô tội (presumption of innocence) là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong luật của hầu như tất cả các nước, nhưng thực tế áp dụng như thế nào thì tùy vào từng nước. Ở các nước văn minh có tam quyền phân lập thì đương nhiên nguyên tắc này được áp dụng triệt để. Một người chưa bị tòa hán kết tội thì vẫn hoàn toàn vô tội, vẫn là một người công dân với tất cả nghĩa vụ và quyền hạn của mình.

Ngược lại, ở tất cả các nước độc tài thì nguyên tắc này chỉ là trên giấy. Bất cứ ai cũng có thể bị bỏ tù hoặc mất hết tất cả qua những phiên tòa bỏ túi chẳng cần bất cứ một chứng cứ chứng minh tội phạm.

Các bạn không tin à ?

Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước, là người có vị trí và quyền hạn cao nhất nước. Vậy mà người ta chỉ cần nói bằng mồm là ông ấy có tội và lập tức ông ấy bị phế truất, mất hết tất cả chức vụ. Chưa hề có một phiên tòa nào xét xử ông ấy. Và một cách chính thức, cho đến nay, nhân dân không hề biết ông ấy phạm tội gì.

Được đà tiến tới, người ta đang lại định thịt luôn cả ông Chủ tịch quốc hội, Vương Đình Huệ. Ông Huệ vừa đi vắng thì ở nhà người ta bắt các tay chân của ông. Khi đoàn của ông về nước thì người ta bắt luôn trợ lý của ông và cũng định cho ông về vườn ngay lập tức như ông Thưởng. Người ta đồn rằng, ông trợ lý này bị bắt ngay trong máy bay, trong khoang VIP. Nếu đó là sự thật thì quả là sát ván tận cùng.

Tuy nhiên lần này, ông Huệ chưa chịu đầu hàng ngay mà lập băng chống trả quyết liệt và ông ta lại viện dẫn "suy đoán vô tội". Ngược lại, ông ta lại kết tội cánh công an là ngồi lên pháp luật. Chuyện này có phải mới có ngày hôm nay đâu. Chẳng qua, ông Huệ còn mạnh thì còn nói được câu đó (mạnh cả tiền và lực). Còn yếu như ông Thưởng, thì bị phạt ngay dưới chân rồi.

Đây là tôi nói tóm tắt về câu chuyện thời sự nóng bỏng ở nước ta trong mấy ngày nay để nói cho các bạn thấy là đến mấy ông ở chức vụ cao nhất nước cũng còn có thể bị kết tội bất cứ lúc nào. Nhân dân anh hùng thì chỉ là con kiến.

Khi mà luật pháp chỉ có tính chất tượng trưng trên giấy thì rõ ràng là mọi người với nhau chỉ còn cách hành xử duy nhất qua bạo lực và với nguyên tắc cá lớn nuốt cá bé.

Thực tế những gì đang diễn ra chỉ là sự đấu đá trong giới quyền lực để tranh giành ghế tổng bí thư. Nhưng vì đất nước không có luật nên sự đấu đá chỉ dựa trên sức mạnh của các phe nhóm chứ hoàn toàn không đựa vào tính chính đáng hay sự trong sạch của các ứng cử viên.

Thực tế, chẳng có ai trong sạch cả. Các phe phái đều lập các "hồ sơ luận tội" của nhau. Bên nào mạnh thì tội của bên kia là thật, là sẽ bị lên mặt báo và sẽ bị lôi xuống. Hết chuyện.

Qua đây, càng thấy rõ việc lựa chọn những người lãnh đạo cao nhất của đất nước hoàn toàn không phải việc của dân. Rõ ràng là nhân dân chỉ được quyền hóng mà lại toàn hóng chuyện qua một số ông sống ở nước ngoài, đặt biệt là ông Buôn gió. Chuyện rất lạ là ngay cả bộ chính trị vừa họp thì tin cũng bị rò rỉ qua ông này ngay lập tức và phải cả tuần sau thì tin mới lên mặt báo lề phải. Phải chăng báo lề trái nhanh nhậy và đáng tin cậy hơn lề phải ? Rõ chán.

Rõ chán nữa là số đông nhân dân anh hùng vẫn cho rằng mọi chuyện trên đây là bình thường, là đúng đạo lý, là diệt tham nhũng…, thậm chí vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ tiếp tục hành xử như vậy. Họ không hiểu rằng cái đó đã lấy đi mất quyền cơ bản nhất của họ, quyền lựa chọn người đại diện của mình trong chính quyền. Hơn nữa, sự tùy tiện trong luật pháp như vậy đến một ngày nào đó sẽ rơi trúng ngay vào gia đình họ và họ sẽ không có phương cứu chữa.

Đến ông chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội còn bị kết tội vô cớ thì tất cả chúng ta đều là các tù nhân dự bị.

Một dân tộc không biết đến sự nguy hại đang đe dọa chính mình thì dân tộc đó không thể phát triển. Đó là kiếp của đàn cừu vì con cừu không biết có ngày phải vào lò sát sinh nên cứ vô tư ăn cho no, đến khi phải vào lò thì ngoan ngoãn cúi đầu cam chịu.

Hoàng Quốc Dũng

(22/04/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Quốc Dũng
Read 905 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)