Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

15/07/2024

Bàn về hạnh phúc

Hoàng Quốc Dũng

Tôi là con người của thường dân, hay viết về những gì diễn ra xung quanh mình bằng những từ ngữ đơn giản. Hôm nay, tôi sẽ cố gắng dùng những từ đơn giản để nói về một vấn đề tưởng như phức tạp mà lại thật là đơn giản.

Gần đây có vụ ông "giáo sư" Phan Văn Trường nói về hạnh phúc về tiêu chuẩn văn minh.

Chọn văn minh hay chọn hạnh phúc

Giáo sư đã trở thành người nổi tiếng rầm rầm và cũng bị ăn rất nhiều gạch đá. Nhân vụ này, tôi mạo muội bàn về hạnh phúc.

Hạnh phúc không phải là một vật chất cụ thể, nó chỉ là một trạng thái, không cân đong đếm được vì thế mấy kẻ lộng ngôn cũng có thể dựa vào đó để múa mép biện hộ cho một cái gì đó hoặc dẫn dắt dư luận.

Thực ra, theo tôi, hạnh phúc cũng chẳng phải một khái niệm gì trừu tượng đến mức khó hiểu mà người ta muốn giải thích thế nào cũng được. 

Có rất nhiều người định nghĩa hạnh phúc khác nhau. Mình tổng kết lại thì đại loại như sau :

"Hạnh phúc là một trạng thái của một đời sống viên mãn, luôn luôn có sự hài lòng, nó được thể hiện bởi những cảm xúc tích cực, những thành công trong cuộc sống và sự cân bằng trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống".

Tuy nhiên, nói như vậy vẫn còn rắc rối quá. Nếu cứ nói một cách dân dã nhất và ngắn gọn nhất thì hạnh phúc chẳng qua là sự sung sướng. Hết chuyện.

Tuy nhiên cái sự sung sướng ở đây nó phải được hiểu như một sự sung sướng bình thường được đa số chấp nhận hay cho đó là sung sướng. Nói như vậy là để loại những kẻ lý luận cùn cho rằng ăn C hay ở tù cũng có thể là là sung sướng…

Đúng là mức độ thỏa mãn của con người rất khác nhau. Có người cần phải có nhà lầu xe hơi… thì mới sướng, có người chỉ cần có một căn nhà nhỏ và một cái xe đạp. OK, cái đó đúng. Tuy nhiên, để đáp ứng được cái sướng thì cũng cần phải có một cái tối thiểu gì đó. Không có nó thì chắc chắn không thể sướng được mà thậm chí đau khổ. Muốn sướng bắt buộc phải có một lượng vật chất nhất định đã.

Bây giờ nói về cảm nhận sự sướng (hay hạnh phúc).

Sáng nay, tình cờ đọc được bài kể về một cậu bé. Bố chết, mẹ bỏ nhà lên thành phố "làm việc" và không bao giờ về. Ba anh em phải ở với bà ngoại và đi làm thêm để kiếm sống. Rồi bà cũng chết nên cậu bé phải lên thành phố tìm mẹ, sống vất vưởng, trong người chỉ có mấy nghìn đồng… Cậu bé được người chủ quán phở cho ăn và cho tiền để quay về quê.

Nếu hỏi cậu bé có hạnh phúc không thì chưa chắc nó đã biết trả lời cho đúng và có khi cũng không hiểu hạnh phúc là gì.

Một thí dụ khác nữa là có một bạn lý luận rằng một bộ phận dân Ấn Độ không có nhà cửa, sống vất vưởng cùng với chuột, với cứt đái…  họ không cảm thấy đau khổ và vậy họ có thể vẫn hạnh phúc.

Nhưng nếu hỏi đa số quần chúng trên thế gian này thì tất cả những người bình thường đều cho rằng hai thí dụ nêu trên là những trường hợp khổ (hay bất hạnh).

Vậy, sung sướng (hay hạnh phúc) còn phải là sự cảm nhận, sự đánh giá của số đông chứ không phải chỉ là sự cảm nhận của một cá nhân, một tập thể (nhiều khi) vô thức.

Đây là tôi mới nói về cái sướng liên quan đến đời sống vật chất. Người ta cũng không thể sướng được khi phải sống trong một xã hội không có tự do. Và trớ trêu thay, kể cả khi có rất rất nhiều vật chất mà không có tự do thì vẫn chỉ là thân nô lệ bất hạnh. Vật chất không có nhiều, tự do cũng không có thì không thể nói là người dân hạnh phúc hơn được. Đó chỉ là một thứ ngụy biện bằng thước đo hạnh phúc và văn minh riêng của mình. 

Hoàng Quốc Dũng

(15/07/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Quốc Dũng
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)