"Tiên đế vừa nằm xuống, ngự thi chưa nguội lạnh, sự ganh đua quyền bính đã lộ diện…". Bài viết "chạy tang" đã phải điều chỉnh thời điểm công bố đến ba lần (lần lượt các ngày 19, 20 và 21/7). Điều này có báo trước cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm hay không tại Hội nghị Trung ương bất thường tới đây ?
Chủ tịch Tô Lâm phát biểu trong họp báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Hà Nội hôm 20/6/2024 - Minh Hoang / Pool / AFP
---------------------------
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tạ thế ngày nào, Le Monde cũng đưa ra hai thời điểm khác nhau (1). Trưa 18/7/2024, truyền thông Nhà nước Việt Nam phá lệ, lần đầu tiên, đồng loạt đăng thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe Tổng bí thư. Chủ tịch nước Tô Lâm được Bộ chính trị phân công chủ trì công việc của Ban Chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo quy định. Chiều 18/7, Đảng cộng sản Việt Nam quyết định trao tặng (không phải là truy tặng) Huân chương Sao Vàng (2). Liệu Tổng bí thư có biết về sự phân công này của Bộ Chính trị ? Giờ đây, chẳng ai có thể trả lời câu hỏi ấy !
Blogger Gió Bấc bình luận chuẩn xác khi nhận xét rằng, việc "bổ nhiệm Nhiếp chính lúc Nhà vua chưa băng hà" là ngoại lệ chưa từng có trong các triều đại cộng sản, từ Lenin, Stalin ở Nga, Mao ở Trung Quốc hay Lê Duẩn ở Việt Nam. Các "lãnh tụ anh minh yêu đảng, yêu nước vĩ đại" luôn phấn đấu hy sinh phụng sự đến hơi thở cuối cùng. Chính vì vậy, khi lãnh tụ trút hơi tàn thì đám cận thần phải sống mái giành giật vị trí quan trọng trong ban lễ tang, vị trí đứng cạnh quan tài để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, cũng đồng thời gián tiếp thể hiện vai trò kế vị. Thông thường là qua tắm máu. Trotsky đã đào tẩu vẫn bị truy sát. Beria phải dựa cột. Tứ nhân bang phải vào tù để tế cờ cho vương triều mới (3).
Công bố quyền lực "Nhiếp chính vương" kèm theo lời hiệu triệu "toàn đảng đoàn kết", vừa là lời huấn thị, vừa là sự răn đe trước khi "phát tang", hy vọng quyền lực đã và sẽ được chuyển giao êm thấm mà không phải tắm máu như các triều đại trước đây của các Đảng đàn anh. Bài báo "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân" (4) do Tô Đại tướng trên cương vị Chủ tịch nước đứng tên, được hầu hết các báo "lề Đảng" đăng toàn văn ngày 19/7, là một biệt lệ chứa nhiều hàm ý. Trước hết, thời điểm công bố lần đầu tiên bài viết ấy là hoàn toàn đi ngược lại Điều 9 của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về vấn đề "quốc tang". Theo đó, khi chưa có thông báo chính thức của Ban tổ chức Lễ tang, các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần. Sau khi thành lập Ban tổ chức Lễ tang và việc tổ chức Lễ tang được chính thức công bố, các phương tiện thông tin đại chúng mới được đưa tin buồn, đăng bài viết giới thiệu về người từ trần (5).
Sỡ dĩ Tô Đại tướng bỏ qua nghiêm luật nói trên là vì "Tiên đế vừa nằm xuống, ngự thi chưa nguội lạnh, sự tranh giành quyền bính giữa các đại thần đã lộ diện…" (Tam quốc chí). Sau những cuộc họp kéo dài trong hai ngày 18 và 19/7 của Bộ Chính trị và các Lãnh đạo chủ chốt để bàn về Lễ tang, Tô Đại tướng quyết định đăng bài viết ấy sớm để khẳng định, bản thân mình "dân Bắc lý luận", mới đúng là "Truyền nhân của chính Tổng bí thư". Nhưng ngay sau hôm 19/7, Tô Chủ tịch cũng phải kịp thời điều chỉnh thời điểm công bố bài viết. Tạp chí cộng sản lấy ngày 20/7 (6). Trạng mạng Chính phủ đăng lùi tiếp đến 21/7 cho đúng với tinh thần của Nghị định số 105 (7). Bài viết hầu như không có một "bit" thông tin gì mới và đặc sắc, chỉ sao chép lại một cách đại cương nhất có thể, về một số luận điểm của cố Tổng bí thư, lý thuyết gia Mác xít cuối cùng từng kiên định với chủ nghĩa và nay đã mang tất cả cái chủ nghĩa trống rỗng ấy xuống lòng đất (8). Nhưng việc "đại cương hóa" một học thuyết đã bị lịch sử vứt vào sọt rác, trớ trêu thay lại là "lá bùa hộ mệnh" mà Chủ tịch nước đang rất cần để làm phương tiện tiệm cận đến cái đích cuối cùng là chiếc ghế Tổng bí thư !
Thay vì lo chuẩn bị những bài viết "chạy tang", các Trợ lý của Chủ tịch nước (Tô Đại tướng thì không thể có thời gian vào lúc "tang gia bối rối" này), nên ngẫm nghĩ nhiều lần bài viết "Vài lời với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng" của ký giả Nguyễn Đức Kiên, phóng viên báo "Gia đình & Xã hội", đã từng gây rúng động cả nước. Để đánh giá di sản của một người đã từng có nhiều năm nắm giữ vận mệnh của quốc gia – dân tộc, có lẽ cần nhìn vào một số vấn đề cơ bản như, người đó có cố bám giữ quyền lực hay không, người ấy có dám dũng cảm từ bỏ quyền lực để dân tộc này, đất nước này có cơ hội phát triển theo hướng dân chủ, văn minh như phải bỏ ngay Điều 4 Hiến pháp, quy định lại Quyền tư hữu về đất đai, phải tái cứu xét vụ ám sát cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm… (9). Tiếng nói ấy đã gióng lên như một hồi chuông cảnh báo cách đây gần một "con giáp", đúng vào thời gian cầm quyền của Tổng bí thư Trọng. "Trung ngôn thì nghịch nhĩ", ông Trọng sinh thời đã bỏ lỡ minh triết ấy của tiền nhân và không thấu cảm được bản lĩnh một nhà báo tự do, đã cố tình phớt lờ năm điểm trong tuyên bố của công dân Nguyễn Đức Kiên. Nay là lúc ông Tô Lâm nên nghe theo tiếng nói thiện lành để khôi phục lại "tính chính danh" cho cái quyền lực mà ông đang nhắm tới !
Trong bài viết "chạy tang" thượng dẫn, người đứng tên nhắc đi nhắc lại nhiều lần về "mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân" của Đảng cai trị, cũng như vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, vì Nhân dân, do Nhân dân. Nếu thật lòng Tô Đại tướng đau đáu những vấn đề như thế thì thật là hồng phúc cho Việt tộc. Giờ là lúc, với tư cách là người muốn tiếp quản quyền lực trên mọi phương diện, mong Tô Đại tướng nói đi đôi với làm. Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời sau gần ba chục năm ngồi trong Bộ Chính trị, đã được bầu làm Tổng bí thư ba lần, vượt qua giới hạn hai nhiệm kỳ, theo quy định của Điều lệ Đảng. Giống như Tập Cận Bình bên Trung Quốc, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã loại trừ được các đối thủ chính trị bằng "phong trào đốt lò" dưới vỏ bọc chống tham nhũng, để thành nhân vật lãnh đạo độc tôn và tối cao. Nhưng nếu Tô Đại tướng nghiêm túc nhìn lại di sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hẳn ông phải nhận chân được, đó là một sự nghiệp còn hết sức dang dở ! (10). Việc Tô Lâm không nhấn nhá đến công cuộc đốt lò của ông Trọng trong bài viết, hẳn không phải là sự vô tình hay lãng quên cố ý ?
Trong các cao trào "đả hổ diệt ruồi" ông Trọng sao chép từ Trung Quốc về, nói cho cùng, suốt thời gian làm Bộ trưởng Công an, ông Lâm cũng chỉ là phương tiện trong tay Tổng bí thư. Và rồi chắc Tô Lâm đã giác ngộ ra một điều, tất cả những "tinh hoa" Tổng bí thư Trọng ươm trồng thật ra chỉ là những khúc củi mục không hơn không kém. Như vậy, bản thân ông cũng đã có "công lớn" trong việc đưa "bầy sâu bự" ấy vào lò. Nay là lúc sẽ bước vào kỷ nguyên làm chủ cuộc chơi, ông cần những mục tiêu xa hơn là chỉ giành lấy quyền bính cho bản thân và phe cánh. Ông Tô Lâm hẳn thuộc lòng "tam tự kinh" thuở mới vào ngành, giành chính quyền đã khó… Giờ đây, từ bài viết "chạy tang", giới tinh hoa trong nước cũng như bạn bè quốc tế kỳ vọng ông không lần theo "lối cũ ta về". Đột phá của ông phải chăng là giảm nhiệt đốt lò, giới hạn nhà tù và còng số tám, chú mục văn hóa chính trị và thế cân bằng về đối ngoại nhiều hơn ? Mong lắm thay !
Trần Hiếu Chân
Nguồn : RFA, 22/07/2024
Tham khảo :
(3) https://www.rfavietnam.com/node/8114
(4) https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nha-lanh-dao-loi-lac-tron-doi-vi-nuoc-vi-dan-20240719203749665.htm (ngày 19/7)
(6) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nha-lanh-dao-loi-lac-tron-doi-vi-nuoc-vi-dan (ngày 20/7) (ngày 20/7)
(7) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nha-lanh-dao-loi-lac-tron-doi-vi-nuoc-vi-dan-119240720082157821 (ngày 21/7)
(8) https://www.voatiengviet.com/a/ly-thuyet-gia-mac-xit-cuoi-cung/7706272.html
(9) https://baotiengdan.com/2024/07/21/vai-loi-voi-tbt-dang-cong-san-viet-nam-nguyen-phu-trong/