Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

17/08/2017

Một hồ sơ về thảm họa dân tộc

Nguyễn Gia Kiểng

Một hồ sơ về thảm họa dân tộc

 

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 72 Cách Mạng Tháng 8/1945, mời độc giả đọc một vài bài tham luận có thể xem như một hồ sơ nhỏ nhưng quan trọng. Cách Mạng Tháng 8 đã có thể mở đầu cho một kỷ nguyên dân chủ và phồn vinh. Trên thực tế nó đã chỉ là khởi điểm của một thảm kịch vẫn chưa chấm dứt, khiến nước ta tụt hậu, suy nhược, ô nhiễm và phân hóa.

Tại sao ?

Để hiểu những gì đã xảy ra và rút những kết luận cần thiết cho hiện tại và tương lai tôi đã chọn để mời độc giả và thân hữu đọc lại một vài bài chung quanh khúc quanh lịch sử này.

drame1

Đường Cách Mạng tháng 8 - Ảnh minh họa 

Bài thứ nhất là Rút kinh nghiệm từ hai cuộc cách mạng vừa được đăng lại trên Thông Luận. Hai cuộc cách mạng này là Cách Mạng Pháp 1789 và Cách Mạng Tháng 8/1945 tại nước ta. Cả hai cuộc cách mạng này đều là những thảm kịch, chúng đều diễn ra dưới sự chế ngự của một phong trào lãng mạn, đều dữ tợn và đẫm máu, và sau đó đều không có hòa giải dân tộc. Vấn đề đặt ra là tại sao sau một thế kỷ rưỡi dân tộc Việt Nam đã để diễn lại một thảm kịch tương tự như thảm kịch kinh khủng của nước Pháp mà chúng ta đã tiếp xúc một cách trực tiếp và hàng ngày ?

Lý do một phần là vì chúng ta đã quá thiếu hụt tư tưởng chính trị nhưng một phần cũng vì thế giới đang sống một cơn điên, cơn điên cộng sản kéo dài trong một phần lớn của thế kỷ 20, trong đó các giá trị chính trị và đạo đức bị phủ nhận ; nội chiến, bạo lực và khủng bố không bị lên án mà còn được tôn vinh. Tại sao rất nhiều người trên thế giới, kể cả những người rất ưu việt, lại bị cuốn hút vào cơn điên này ? Bài Nghĩ về một cơn điên của thế giới cống hiến một cố gắng giải thích.

Nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin là gì và tại sao nó đã có thể mê hoặc được nhiều người đến như thế ? Ngày nay, khi những cuộc tranh luận về chủ nghĩa này đã có kết luận, chúng ta có thể đề cập đến nó như một vấn đề thuộc về lịch sử. Đáng buồn là tuy đã đi vào dĩ vãng đối với hầu hết mọi dân tộc nó vẫn còn hiện diện một cách thách đố tại nước ta, vì vậy chúng ta vẫn còn nhu cầu nhìn rõ mặt thật của nó. Đó là mục đích của bài Nhìn lại chủ nghĩa Mác-Lênin.

Ngoài bối cảnh thế giới thảm kịch mà chúng ta đã và đang sống cũng có lý do nội tại. Trong sự thiếu hụt tư tưởng và nhất là tư tưởng chính trị, hai yếu tố nghiêm trọng nhất là chúng ta vừa thiếu tinh thần dân tộc vừa thiếu văn hóa tổ chức. Chúng ta thiếu tinh thần dân tộc một cách nghiêm trọng ngay cả khi chúng ta lầm tưởng mình yêu nước và chúng ta thiếu văn hóa tổ chức ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình có thể xây dựng được một tổ chức. Chính vì thế mà khi Thế Chiến II kết thúc và một vận hội mới mở ra chúng ta đã không có một lực lượng dân tộc nào cả và đã để cho Đảng Cộng Sản, một đảng vừa nhỏ vừa chống dân tộc nhưng có tổ chức, nắm được chính quyền, đúng ra cướp được chính quyền theo như chính họ nói, và lôi kéo được rất nhiều người, kể cả nhiều trí thức ưu tú. Tình trạng bi đát này được trình bày trong bài Nhìn lại Cách Mạng Tháng 8. Bài này được viết ra vào năm 1991 khi Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu vừa sụp đổ và một vận hội mới mở ra cho đất nước với hy vọng đóng góp để thế hệ 1990 sẽ hơn thế hệ 1940. Thực tế là thế hệ 1990 có hơn thế thế hệ 1940 thực, nhưng chưa đủ và chế độ cộng sản vẫn tiếp tục trên đất nước ta.

Một bài khác đề nghị với độc giả và thân hữu là bài Cuộc chiến đấu thực sự, viết cho ngày 30/4/2005 nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày chế độ cộng sản được thiết lập trên cả nước. Bài này là một cố gắng giải thích hành trình của dân tộc ta trong tinh thần nhìn lại quá khứ để hiểu rõ hơn những gì cần làm cho tương lai. Nó vẫn còn nguyên tính thời sự.

Chúng ta bắt đầu một giai đoạn thay đổi dồn dập. Hầu như không tháng nào trôi qua mà không có một biến cố làm rung chuyển chế độ nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể hy vọng cuộc chuyển hóa về dân chủ tự nhiên sẽ đến.

Ngay cả nếu Đảng Cộng Sản có ngã gục trên chính quyền thì chúng ta vẫn cần một sức mạnh để kéo thi thể nó đi chỗ khác. Chúng ta cần một vài tổ chức dân chủ mạnh kết hợp với nhau trong một Mặt Trận Dân Chủ nhưng chúng ta sẽ không thể xây dựng được những tổ chức dân chủ đó nếu không đồng ý được với nhau trên một dự án tương lai cho đất nước. Đó là bài học lớn nhất và quan trọng nhất có thể rút ra từ kinh nghiệm của những năm vừa qua. Đó cũng là thông điệp mà những bài trên có tham vọng gửi đến những ai có tham vọng đóng góp vào một tương lai khác cho đất nước.

Trong suy nghĩ đó cũng xin mời độc giả và thân hữu đọc dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Đồng ý hay không không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là cùng nhau suy nghĩ về những vấn đề lớn của đất nước.

Nguyễn Gia Kiểng

(17/08/2017)

 

Đọc thêm :

Một hồ sơ về thảm họa dân tộc

Bài 1. Rút kinh nghiệm từ hai cuộc Cách Mạng

Bài 2. Nghĩ về một cơn điên của thế giới

Bài 3. Nhìn lại chủ nghĩa Mác-Lênin

Bài 4. Nhìn lại Cách Mạng Tháng Tám

Bài 5. Cuộc chiến đấu thực sự

Khai sáng kỷ nguyên thứ hai

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 7123 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)