Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

09/10/2024

Đường Cột Cờ - đường Điện Biên Phủ

Phạm Đình Trọng

Hà Nội – 70 năm Thủ đô xã hội chủ nghĩa (10/10/1954 – 10/10/2024)

Con đường dài trong thăm thẳm lịch sử hình thành từ đầu thế kỉ 19 và trong suốt hơn 150 năm vẫn được người dân kẻ chợ Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội gọi tên là đường Cột Cờ. Dịp kỉ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 1954 – 1964, chính quyền Hà Nội đã đổi tên đường Cột Cờ thành đường Điện Biên Phủ.

hanoi1

Thời khắc tên đường Cột Cờ thay bằng tên Điện Biên Phủ

Ngày ấy là lính trong thành cổ Cột Cờ Hà Nội, tôi đã được chứng kiến buổi lễ đổi tên đường diễn ra chiều thứ ba ngày 7/5/1964 ngay trên hè đường trước cổng bảo tàng Quân Đội.

Đứng trước hơn hai chục người đều là bô lão ngồi trên mấy chiếc ghế dài trên hè đường, thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng nói vễ chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, về ý nghĩa một đường phố Hà Nội được mang tên Điện Biên Phủ. Trong tiếng vỗ tay rời rạc, thị trưởng Hà Nội đi đến cây cột điện ngay sát cổng bảo tàng Quân Đội, đưa hai tay kéo tấm lụa vàng phủ bảng tên đường treo trên cột điện. Tên đường Điện Biên Phủ lộ ra. Lúc này tiếng vỗ tay mới đồng loạt rộ lên.

Lễ đổi tên, trao cho một đường phố thủ đô mang tên vàng Điện Biên Phủ vào ngày lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ là một cột mốc, một sự kiện lịch sử, văn hóa của thủ đô đất nước mà tổ chức khá âm thầm, đơn sơ, buồn tẻ và lúi xùi như một sinh hoạt thường ngày ở một tổ dân cư, như một việc làm chiếu lệ cho có. Buổi lễ diễn ra ngay hè đường, không một băng vải, không một bảng chữ nêu tên buổi lễ.

Thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng và những bô lão tham dự lễ đổi tên đường Cột Cờ thành đường Điện Biên Phủ ngày đó nay đều đã là người thiên cổ nhưng sự kiện buồn một con đường Hà Nội mang nặng dấu tích lịch sử Hà Nội bỗng phải bỏ cái tên của khí thiêng đất Hà Nội, cái tên thân thiết trong cuộc sống hàng ngày và lay động, gợi cảm trong hồn người Hà Nội để mang tên một mảnh đất của núi rừng Tây Bắc xa xôi, một cái tên vang dội của lịch sử đương đại nhưng không cùng hồn văn hóa, không cùng hồn lịch sử với mảnh đất đọng hồn lịch sử, hồn văn hóa kinh kì Hà Nội.

hanoi2

Đường Cột Cờ - Điện Biên Phủ hôm nay

Tên vàng Điện Biên Phủ của trang lịch sử chống quân Pháp xâm lược xứng đáng được đặt tên phố, tên quảng trường, tên trường học, tên công trình kiến trúc, xây dựng nhưng tên Điện Biên Phủ cần đặt ở chỗ khác, thay thế những cái tên khác chứ không thể đặt ở đường Cột Cờ, không thể thay tên Cột Cờ.

Không thể tùy tiện, làm chính trị nông cạn lấy tên ông chủ tịch nhà nước công nông Tôn Đức Thắng vốn là thợ cơ khí nhà máy sửa chữa tàu biển Ba Son bên sông Sài Gòn thay cho tên phố Hàng Bột, làm mất tên Hàng Bột của lịch sử kẻ chợ ba mươi sáu phố phường. Ở ngay đoạn đầu phố Hàng Bột có phố Hàng Cháo. Tên Hàng Bột, Hàng Cháo ghi dấu lịch sử đời sống xã hội ở mảnh đất đã có thời người dân sống bằng nghề xay bột, bán cháo. Vì phố Hàng Cháo rất ngắn nên tên Hàng Cháo vẫn còn. Hàng Bột phố dài, đường rộng, tên phố Hàng Bột mang hồn Hà Nội ba mươi sáu phố phường bị tên Tôn Đức Thắng chiếm mất rồi !

hanoi3

Phố hàng Bột xưa – con đường nhỏ với đường tàu điện Bờ hồ - Hà đông chạy giữa phố, xe kéo tay chở khách. Dân Hà thành với trang phục nam : khăn xếp – áo dài.

Không thể vì phải có tên phố Nam Bộ mà làm mất đi tên phố Hàng Lọng, Hàng Cỏ gợi nhớ, nhắc nhở về một thời Hà Nội ngựa xe dập dìu, võng lọng xênh xang.

Câu thơ của bà Huyện Thanh Quan viết về Thăng Long – Hà Nội "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo" còn đi về trong trí nhớ, trong hồn người, trong lịch sử văn học Việt Nam, trong trang sách lịch sử, văn hóa Hà Nội thì tên phố Hàng Lọng còn phải được giữ lại ở đường phố nơi đã từng bán ô, bán lọng.

Câu ca dao lưu giữ bóng dáng con người kinh kì, lưu giữ hồn vía kinh ki Thăng Long – Đông Đô một thời vàng son :

"Nhong nhong ngựa ông đã về

Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn"

Bồ Đề ở Gia Lâm. Cỏ Bồ Đề tốt tươi trên bãi bồi phù sa bờ Bắc sông Hồng theo thuyền vượt sông vào họp phường, họp chợ cỏ ở phố Hàng Cỏ. Câu ca dao về ngọn có Bồ Đề nuôi ngựa quan kinh kì còn mãi trong kho tàng văn học dân gian thì tên mảnh đất họp chợ Hàng Cỏ là minh chứng của câu ca dao cũng cần được lưu giữ như lưu giữ một mảnh hồn lịch sử Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Giữ tên Hàng Lọng, Hàng Cỏ là giữ nét đặc sắc kinh kì, chỉ kinh kì mới có.

Không phải chỉ một lần tùy tiện, vô lí, những người quản lí hành chính mảnh đất Hà Nội không có hồn lịch sử Thăng Long - Đông Đô – Hà Nội, không có hồn văn hóa Hà Nội đã tùy tiện lấy tên Nam Bộ thay cho tên Hàng Lọng, Hàng Cỏ. Rồi lại tùy tiện lấy tên Lê Duẩn thay cho tên Nam Bộ.

Mảnh đất nào cũng có lịch sử, có hồn của đất. Đất được gọi đúng tên là gọi lên hồn của đất, là nhắc đến cả lịch sử thăm thẳm của đất. Nam Bộ dù là tên gọi miền đất phương Nam ruột thịt của tổ quốc Việt Nam, dù là tên gọi thương nhớ trong lòng người dân Việt Nam cũng không thể thay thế cho tên Hàng Lọng gợi nhớ đời sống xã hội, gợi nhớ sinh hoạt một thời lịch sử của mảnh đất kinh kì Thăng Long, Hà Nội. Tên Lê Duẩn lại càng không thể thay thế cho tên Hàng Lọng. Lê Duẩn là cái tên đậm nét trong lịch sử Việt Nam thời đau thương nhất, là tên người đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền, người vạch sách lược và phát động cuộc nội chiến đẫm máu thâu tóm giải đất miền Nam vào lãnh thổ cai trị của đảng cộng sản càng là cái tên lạc lõng với đường phố đã từng in dấu xưa xe ngựa kinh kì.

Năm con đường bao quanh thành cổ Hà Nội, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế, Trần Phú, Cột Cờ thì đường Cột Cờ mang nhiều chứng tích, nhiều dấu ấn lịch sử nhất của mảnh đất nhiều thăng trầm, nhiều biến cố Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Tháp Cột Cờ đỏ sẫm màu gạch cổ được xây trong bảy năm từ 1805 đến 1812, ngay sau khi Chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế năm 1802 trở thành vua Gia Long, dời kinh đô vào Phú Xuân. Không còn là kinh đô, Gia Long đổi tên Đông Đô của nhà Lê thành Hà Nội. Kinh kì Thăng Long, kinh kì Đông Đô mang tên Hà Nội từ đó và Cột Cờ Hà Nội cũng có từ đó.

hanoi4

Tháp Cột Cờ đỏ sẫm màu gạch cổ được xây trong bảy năm từ 1805 đến 1812, ngay sau khi Chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế năm 1802 trở thành vua Gia Long, dời kinh đô vào Phú Xuân.

Giành và thống nhất được giang sơn một dải từ Hà Giang tới Phú Quốc, Kiên Giang, dời kinh đô cùng cả Quốc Tử Giám – Văn Miếu vào Phú Xuân, Gia Long vẫn cho xây thêm tòa lầu Khuê Văn Các tuyệt đẹp ở kinh đô cũ Thăng Long. Xây tháp Cột Cờ ở kinh đô mới Phú Xuân, Gia Long cũng cho xây tháp Cột Cờ ở Hà Nội ghi nhận kinh đô của quá khứ. Đường Cột Cờ ngang qua trước tháp Cột Cờ hình thành từ đó. Con đường gắn liền với một sự kiện của lịnh sử Hà Nội. Con đường trải dài trong không gian lịch sử của kinh kì Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Cuối đường Cột Cờ giáp quảng trường Ba Đình, xưa là đất tịch điền. Thời nhà Lý, thời nhà Trần, kinh kì còn ở Thăng Long, thời nhà Lê, kinh kì còn ở Đông Đô, hàng năm đến ngày lập xuân, vua Lý, vua Trần, vua Lê ra đất tịch điền theo bước chân trâu, cày ruộng, mở đầu một năm người dân cả nước cầy cấy lao động sáng tạo làm ra hạt lúa, hạt ngô, làm ra thái bình, thịnh vượng của đất nước. Thời nhà Nguyễn, kinh đô chuyển vào Phú Xuân, quan Tổng đốc Hà Nội thay vua giữ nếp xưa, tổ chức lễ tịch điền ở mảnh ruộng đã từng in dấu chân vua Lý, vua Trần, vua Lê cày ruộng.

Góc đường Cột Cờ - Hoàng Diệu xưa là Võ Miếu. Chiều ngày 25 tháng tư, năm 1882, khói kho thuốc súng trong thành Hà Nội bị kẻ làm phản đốt còn mù mịt trên tán cây ở Võ Miếu thì Tổng đốc Hoàng Diệu tìm đến treo tấm vải điều lên cành cây rổi kết thúc cuộc đời bằng tấm vải điều, tuẫn tiết cùng tòa thành Hà Nội vừa bị mất vào tay quân Pháp.

Phía trước cửa Hướng Minh của Cột Cờ xưa là bãi có, xum xuê bóng cổ thụ và hồ nước. Từ thời vua Lê, từ khi chưa có tháp Cột Cờ, chiều chiều lính quản tượng dắt voi từ chuồng ở góc Đông Nam thành cổ ra thả voi xuống hồ, cho voi được đằm mình trong nước, trở về với tự nhiên, đùa rỡn với nước, để dân kinh kì kéo đến xem voi hút nước phun lên tán cây cao bên hồ. Từ đó hồ nước có tên hồ Voi. Hồ Voi nay đã là vườn cây cổ thụ xum xuê nhưng tên Hồ Voi cùng tên đường Cột Cờ vẫn còn mãi trong dân gian, trong hồn kinh kì Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Con đường Cột Cờ gắn liền với những sự kiện lịch sử trên đất Cột Cờ. Tên đường Cột Cờ không phải chỉ đi vào lịch sử mà còn đi vào tâm trí con người, đi vào hồn dân gian, đi vào ca dao. Tôi xin kể mẩu chuyện tên đường Cột Cờ trong ca dao dân gian.

Bạn lính của tôi, sau là nhà thơ Phạm Đức, phó giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên có bà cô là Phạm Thị Tuyết vợ hoạ sĩ Lưu Văn Sìn tốt nghiệp cao đẳng Mĩ Thuật Đông Dương cùng khóa với những hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn. Có tranh được lưu giữ trong bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, tên tuổi hoạ sĩ Lưu Văn Sìn còn mãi trong lich sử mỹ thuật Việt Nam. Cô chú Phạm Thị Tuyết – Lưu Văn Sìn chỉ có đứa con duy nhất là Lưu Văn Đạt. Chiến tranh đang đi đến đỉnh điểm ác liệt. Những người phát động cuộc nội chiến Nam Bắc đã tạo được cho người dân niềm tin rằng cuộc chiến tranh thâu tóm miền Nam, mở rộng lãnh thổ cai trị cho đảng cộng sản là cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, giải phóng miền Nam thoát khỏi ách xâm lược Mỹ, là công cuộc giải phóng dân tộc hào hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cả nước rầm rập ra trận. Năm 1966 tốt nghiệp trung học phổ thông, Lưu Văn Đạt không thi đại học mà viết đơn xin nhập ngũ, trở thành lính pháo phòng không rồi vào thẳng Tây Quảng Bình đánh trả máy bay Mỹ bắn phá cung đường Trường Sơn và Đạt hi sinh cuối năm 1966. Hai vợ chồng già hiu quạnh trong căn nhà âm thầm ở ngõ 21 phố Tây Sơn gần gò Đống Đa nên Đức thường rủ tôi đến thăm cô chú Phạm Thị Tuyết – Lưu Văn Sin. Một lần trong câu chuyện Đức nhắc đến đường Cột Cờ nơi chúng tôi hàng ngày đi về, cô Tuyết liền đọc bài ca dao về con đường hình thành từ đất hoàng thành Thăng Long đi vào hồn dân gian.

Bài ca dao hay quá, tôi phải lẩm nhẩm đọc lại, ghi vào trí nhớ rồi về ghi vào quyển sổ trong đáy ba lô lính :

Húng Láng thơm đất sông Tô

Thanh lịch thơm tự đầu Ô thơm về

Ba mươi sáu phố phường nghề

Tài hoa khắp chốn tìm về đất thơm

Dập dìu xe ngựa sớm hôm

Cột Cờ thơm những mảnh hồn ngàn năm.

Tên Cột Cờ không phải chỉ để gọi tên ngọn tháp tám cạnh đưa lá cờ nước phấp phới lên cao chót vót trên trời xanh Hà Nội, tên Cột Cờ còn đương nhiên chỉ con đường thênh thang ngang qua tháp Cột Cờ. Nhà thơ Xuân Diệu làm thơ khoe ngôi nhà bên đường Cột Cờ, khoe niềm vui có nhà ở đường Cột Cờ. Thơ Xuân Diệu còn mãi với thời gian thì tên đường Cột Cờ trong thơ Xuân Diệu cũng còn mãi với thời gian.

Nhà tôi hăm bốn Cột Cờ

Ai thân thì đến, hững hờ thì đi.

Tháp Cột Cờ xây dựng đầu thế kỉ mười chín. Con đường ngang qua trước cửa Hướng Minh tháp Cột Cờ có từ đó liền được người dân gọi là đường Cột Cờ. Đến cuối thế kỉ mười chín, chiếm xong ba nước Đông Dương, Pháp xây dựng Hà Nội thành thủ đô Đông Dương, mở đường Cột Cờ thênh thang, hiện đại dẫn đến phủ Toàn quyền Đông Dương được Pháp đặt tên đường là Boulevard Puginier. Paul Francois Puginier (1835 – 1892) là giám mục cai quản giáo dân cả xứ đàng ngoài, người đã cho xây dựng Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện ở Hà Nam nơi giáo dân đông nhất xứ đàng ngoài. Tên đường Puginier nhưng trong ngôn ngữ hàng ngày, cả trong chữ viết trên sách báo, con đường vẫn được người dân gọi bằng tên Cột Cờ. Đến hôm nay thế kỉ hai mươi mốt đường Cột Cờ vẫn là đường phố đẹp, phong quang, hiện đại, lung linh nhất Hà Nội.

Nẻo đường đi qua tháp Cột Cờ mang tên Cột Cờ là lẽ đương nhiên. Có thể thay đổi dòng chảy của suối, thay đổi dòng chảy của sông. Có thể thay đổi thói quen của con người. Có thể thay đổi cả số phận. Nhưng không thể thay đổi cái đương nhiên. Không thể đánh đổi làm mất tên đường Cột Cờ của lịch sử Hà Nội, của lòng dân Hà Nội bằng bất kì tên nào khác.

Vừa trở thành người đứng đầu chính quyền thủ đô, đổi ngay tên đường Pierre Pasquier thành đường Hoàng Diệu là việc làm rất văn hóa, rất lịch sử, việc làm của niềm tự hào dân tộc có tầm chính trị rất cao, rất đẹp của thị trưởng Trần Duy Hưng, một trí thức Hà Nội. Nhưng mười năm sau, năm 1955, con đường ở cạnh Đông Nam thành cổ Hà Nội có tên Hàm Nghi bị thị trưởng Trần Duy Hưng đổi tên thành đường Trần Phú thì không còn thấy con người trí thức, con người dân tộc ở vị bác sĩ con đẻ của mảnh đất văn hiến Hà Nội mà chỉ thấy con người cán bộ của nhà nước công nông. Mười chín năm sau, năm 1964, vẫn vị thị trưởng Hà Nội có bằng bác sĩ Tây học lại đổi tên đường Cột Cờ thành đường Điện Biên Phủ ! Dù là trí thức, dù là thị trưởng thủ đô nhưng là quan chức chính quyền cộng sản, hồn dân tộc cũng không còn nữa !

Với việc đổi tên phố, tên đường, Hàng Bột thành Tôn Đức Thắng, Hàng Lọng thành Nam Bộ, rồi Lê Duẩn, Cột Cờ thành Điện Biên Phủ… là bằng chứng về tầm vóc chính trị, văn hóa nhỏ bé, thấp kém, hồn Việt Nam trống rỗng của những người quản lí hành chính, tổ chức đời sống, điều hành hoạt động xã hội Hà Nội hôm nay, không đủ tầm, không xứng đáng là những người chủ kinh kì lịch sử Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Phạm Đình Trọng

(09/10/2024)

(Trích trong bản thảo tập sách Dấu Chân Thời Gian)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Trọng
Read 175 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)