Đảng cộng sản Việt Nam đã được xây dựng trên lý tưởng (viển vông) là tạo ra một xã hội bình đẳng, không có người bóc lột người theo phương châm “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu“. Trong nhận thức của họ thì ‘nhu cầu’ của con người chỉ rất hạn hẹp như đủ ăn, đủ mặc. Có thêm cái vô tuyến, tivi hay ô tô là niềm mơ ước của họ. Người không có xe chỉ mơ ước một ngày có được một cái xe, khi không có vô tuyến họ chỉ mơ một ngày có được một cái vô tuyến. Có được một cái trong số đó là quá toại nguyện rồi. Thực tế đã phá tan ước vọng không tưởng của họ. Ngày nay một người có vài cái xe ô tô đã là chuyện bình thường. Khi Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng lò vôi) cần xe, tài xế phải hỏi là muốn đi xe Rolls-Royce nào ? Xe đen hay xe đỏ.
Các đảng cộng sản còn sót lại trên thế giới đã thực sự không còn lý tưởng cộng sản khi đồng ý với Đặng Tiểu Bình rằng, mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, quan trọng là con mèo đó bắt được chuột. Sự nghèo đói và tụt hậu đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết. Điều đó làm cho các chế độ cộng sản vội vã tìm một cứu cánh mới. Ban tuyên giáo Trung Quốc sau hơn 10 năm nghiên cứu công phu với mục đích tìm cho họ một mô hình chính trị mới ‘mang khuôn mặt của con người’ nhưng rồi họ đã cay đắng nhận ra rằng điều đó là không thể. Dù rất muốn nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc không thể thay đổi đất nước về hướng dân chủ. Thay đổi đồng nghĩa với việc từ bỏ chế độ cộng sản. Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng vội vàng học theo bằng cách đề cao một thứ giả hình, chưa bao giờ tồn tại đó là “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Sau 6 năm cố gắng đào bới và nhào nặn lịch sử dưới sự lãnh đạo của Võ Nguyên Giáp thì năm 1997, Đảng cộng sản Việt Nam đã cho ra đời cuốn sách ’’Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam’’.
Trung Quốc đã thất bại trong việc thay đổi đất nước về dân chủ. Họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là tiếp tục duy trì chế độ độc tài cho đến khi sụp đổ. ĐCSVN cũng đi theo con đường đó.
Một trong những triết lý quan trọng nhất của Đảng cộng sản là vấn đề ‘người bóc lột người’ của các nước tư bản. Họ quyết không để giới tư bản bóc lột người dân. Với họ chủ nghĩa tư bản là kẻ thù không đội trời chung. Họ cướp lấy tư liệu sản xuất để làm chủ nhân ông của toàn thể người Việt. Có lẽ do nhận thức văn hóa hay có những người bị bịt miệng, nên đến tận ngày hôm nay không ai chịu thú nhận việc cho tư bản nước ngoài vào đầu tư chính là mở cửa cho tư bản nước ngoài vào bóc lột người dân. Điều này nghĩa là nhận thức căn bản của học thuyết Mác-Lênin về chữ bóc lột là sai. Cách đây không lâu họ đã tổ chức ầm ĩ sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ. Coi như đó là một thành tựu của Đảng vì đã đánh đuổi được thực dân Pháp. Thực tế đã cho thấy sau khi đuổi Pháp, Mỹ đi thì họ lại rước Nga và Trung Quốc vào Việt Nam. Con đường ‘xã hội chủ nghĩa’ mà họ nhắm mắt bắt cả nước đi theo tương đồng với việc ‘xuống hố cả nút’.
Đó chỉ là một ví dụ trong rất nhiều quan điểm ấu trĩ của các đảng cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đã sai từ lý thuyết đến thực tế. Sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết là điều không thể tránh được. Với những đất nước cộng sản còn sót lại như Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam, sự sụp đổ có thể đến chậm hơn nhưng xu thế dân chủ là tất yếu. Vấn đề Đảng cộng sản Việt Nam ra đi như thế nào phụ thuộc vào chính sự lựa chọn của họ. Chấp nhận quyền tự do báo chí, chấp nhận quyền tự do hội họp, chấp nhận chuyện ứng cử và bầu cử của người dân vào cơ quan công quyền, chấp nhận dân chủ trong tinh thần hòa giải hợp dân tộc, chấp nhận có những đảng phái đối lập dân chủ ôn hòa…hay tiếp tục chống lại dân chủ bằng cách siết chặt các quyền tự do, để đảng cộng sản Việt Nam vẫn một mình lãnh đạo đất nước, trong tình cảnh áp lực của xã hội ngày càng tăng, công ăn việc làm ngày càng khó…Đó là lựa chọn sống còn của Đảng cộng sản.
Theo tôi, sự mất lý tưởng của Đảng cộng sản đã bắt đầu từ ngày tướng Trần Độ và ông Trần Xuân Bách ủng hộ triết lý đa nguyên. Từ đó đến nay người ta tham gia vào Đảng là vì quyền lợi và mong ước cá nhân, mà mong ước cá nhân thì không ai giống ai. Đảng cộng sản đã thực sự tan rã từ cột mốc ủng hộ sự đa nguyên của tướng Trần Độ và ông Trần Xuân Bách. Giam tướng Trần Độ hay hạ nhục tướng Trần Độ trong tang lễ chính là điểm khởi đầu cho thấy người cộng sản đã nhìn nhau bằng con mắt mang hình viên đạn.
Từ ngày đó đến nay đã 30 năm, với cái chết mờ ám của Phạm Quý Ngọ, sau sự việc phanh phui Phạm Quý Ngọ mang một triệu đô la đến cho Trần Đại Quang liên quan đến Vạn Thịnh Phát, rồi cái chết của Nguyễn Bá Thanh với một câu nói nổi tiếng “tau có bị chi mô”, đến cái chết của Lê Hải An, một người trong đoàn du học sinh với tôi sang Nga, bị rơi từ lầu 8 trong bộ giáo dục…mà không hề có một lời giải tích nào thỏa đáng. Đảng cộng sản đã gây mối họa cho chính mình, cho nhân dân Việt Nam trong 79 năm cầm quyền ở miền Bắc và 49 năm cầm quyền ở miền Nam. Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng, chỉ có hai kịch bản cho đảng Cộng Sản, một là ra đi trong ôn hòa như đảng cộng sản Ba Lan và đảng cộng sản Tiệp Khắc hay ra đi trong bạo lực như ở Rumania, điều này ông Phạm Minh Chính là người rõ nhất. Hiện nay quyền lựa chọn đang trong tay đảng cộng sản. Chấp nhận dân chủ cùng với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc hay tiếp tục đường lối công an trị, với đàn áp và bạo lực để rồi dẫn tới loạn sứ quân ? Cho đến nay tôi chưa thấy một nhân vật nào trong đảng cộng sản đủ tầm để giải quyết một quá khứ lịch sử gì đầy ắp những bạo lực và khuất tất. Xin nhắc lại một nhận định của chúng tôi đó là: Đảng cộng sản không thể dân chủ hóa đất nước một mình.
Đảng cộng sản Việt Nam dưới thời Tô Lâm đã lựa chọn con đường toàn trị, tiếp tục chính sách đàn áp các tiếng nói bất đồng. Tuy nhiên lựa chọn đó chỉ càng làm cho chế độ tan rã nhanh hơn mà thôi.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức duy nhất đầu tiên khẳng định một đường lối đấu tranh mới với ba lập trường căn bản: Dân chủ đa nguyên, Bất bạo động, Hòa giải và hòa hợp dân tộc. Sau tháng tư 1975, giữa lúc cộng đồng người Việt đang oán hận cộng sản, sau khi bị bắt bớ bỏ tù không án, đẩy bao nhiêu người dân vượt biên ra nước ngoài bằng những con tàu bé nhỏ trên biển cả mênh mông.... Khát vọng phục thù của đồng bào bằng vũ lực như là một lựa chọn hiển nhiên. Khác biệt với tất cả tổ chức khác Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đi đến quyết định đấu tranh ôn hòa bất bạo động dựa trên lý trí và lý luận. Vì điều đó chúng tôi đã bị các tổ chức khác tấn công kể cả bằng bạo lực. Ngày nay không còn một tổ chức nào đấu tranh cho dân chủ mà không chấp nhận đường lối bất bạo động, dù chỉ là hình thức. Hai điều quan trọng mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mong muốn ngay lúc này là xóa bỏ án tử hình và đất nước không có tù chính trị. Chúng tôi khẳng định chúng tôi là những nhà ‘chính trị sa lông’, tranh đấu bằng lời nói và thuyết phục chứ không phải là những nhà ‘chính trị giao thông hào’. Chúng tôi từ chối bạo lực và không mong muốn bạo lực cho bất kỳ ai.
“Dân tộc Việt Nam đã thức tỉnh sau khi đã phải trả giá rất đắt cho hận thù và chia rẽ, cho óc độc quyền lẽ phải, cho sự cuồng tín và tôn thờ bạo lực. Chúng ta đã hiểu bằng máu và nước mắt và đã chấp nhận trong da thịt những giá trị giản dị nhưng mầu nhiệm như tự do, dân chủ, hòa bình, công lý, bao dung, cố gắng. Chúng ta đã thấm nhuần tình dân tộc nghĩa đồng bào trong sự tủi nhục chung vì thua kém. Chúng ta đã nhận ra rằng tất cả mọi người Việt Nam đều ràng buộc với nhau trong một số phận chung. Chúng ta đang có một đồng thuận dân tộc lớn nhất kể từ ngày ông cha mở nước. Đồng thuận ấy sẽ là vũ khí vô địch giúp chúng ta vượt mọi trở ngại”. (Trích tài liệu Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)
Đỗ Xuân Cang
(1/11/2024)