Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

05/11/2024

Tổng thống Mỹ và Chiến tranh Lạnh 2.0

Nguyễn Huy Vũ

Hôm nay nước Mỹ bầu một tổng thống mới. Dù có khác biệt về chính sách đối nội, các nhà quan sát đều đồng thuận chung một quan điểm rằng cả hai tổng thống và cả hai đảng của Hoa Kỳ đều xem Trung Quốc là một thách thức về an ninh và vị thế chính trị của mình.

mytrung1

Dù có khác biệt về chính sách đối nội, cả hai đảng của Hoa Kỳ đều xem Trung Quốc là một thách thức về an ninh và vị thế chính trị của mình.

Sự sụp đổ của Liên Xô đã mở đường cho một thời kỳ hòa bình trên các tuyến đường hàng hải quốc tế. Từ trước đó, Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình đã chấp nhận vị thế của Hoa Kỳ như là một lực lượng giám sát an ninh hàng hải quốc tế trong sách lược "ẩn mình chờ thời". Cùng với sự xuất hiện của Internet và các công nghệ đóng tàu mới giúp đưa chi phí viễn thông và vận tải giảm xuống, giao thương đã nhanh chóng tăng vọt, mở đường cho một thời kỳ mới : toàn cầu hóa.

Với toàn cầu hóa, các hãng xưởng của Hoa Kỳ sẽ chuyển những phần việc tay chân giản đơn sang các nước có ưu điểm về lao động như Trung Quốc để sản xuất và Hoa Kỳ sẽ chỉ tập trung vào những lĩnh vực đòi hỏi nhiều chất xám. Như lý thuyết lợi thế so sánh tương đối của Ricardo, điều này sẽ giúp tạo ra sự phồn thịnh chung của thế giới khi hàng hóa sản xuất ra sẽ nhiều hơn và giá sẽ rẻ hơn.

Sự sụp đổ của đế chế Liên Xô đã khiến các học giả hân hoan rằng điểm tận của lịch sử rồi sẽ đến mà ở đó các nước sẽ hội tụ về một điểm chung là một hệ thống dân chủ. Không phải là họ không có lý khi thấy rằng mô hình kinh tế chính trị tập trung đã không hoạt động được ở Liên Xô. Và trong lý luận của họ, việc chấp nhận mô hình kinh tế chính trị kiểu tư bản sẽ cuối cùng hình thành nên một tầng lớp tư sản, những người muốn có một tiếng nói trong các quyết định ảnh hưởng đến quốc gia và quyền lợi của mình, và để dung hòa các quyền lợi khác nhau, chỉ có thể chế dân chủ mới đáp ứng được.

Sự lớn mạnh của Trung Quốc với một mô hình khác đã khiến các lý thuyết gia phải tìm một câu trả lời khác.

Về mặt tổng thể, Trung Quốc để cho các hoạt động kinh tế được phép tự do trao đổi hàng hóa. Điều này giúp giải quyết bài toán giá cả và đáp ứng hệ thống cung cầu, điều mà các hệ thống kinh tế tập trung trong các mô hình xã hội chủ nghĩa đã mắc phải và tạo nên khủng hoảng kinh tế.

Bên cạnh đó, Trung Quốc áp dụng một cách có chọn lọc hệ thống kinh tế kế hoạch. Giới lãnh đạo Trung Quốc chọn ra một số lĩnh vực quan trọng và lên kế hoạch tập trung đầu tư vào đó với mục đích sở đắc công nghệ, vươn lên cạnh tranh để trở thành một cường quốc trong lĩnh vực đó, và thông qua nó nắm một thị phần đáng kể trên trường quốc tế.

Trung Quốc thực hiện điều đó nhờ một phần ở hệ thống chính trị tản quyền có kiểm soát. Các tỉnh, có sức mạnh tương tự như một bang ở Hoa Kỳ, được giao nhiệm vụ chính trị bảo đảm kinh tế cho khu vực của mình và thực hiện các chiến lược được giao như phát triển những công nghệ chiến lược. Giới lãnh đạo các tỉnh sẽ cạnh tranh với nhau để thể hiện năng lực của mình. Đó sẽ là cơ hội để họ chứng minh năng lực của mình với các đồng chí bên trong đảng và với giới lãnh đạo ở trung ương. Sự thành công của các doanh nghiệp ở địa phương không chỉ mang lại vị thế chính trị cho người đứng đầu mà còn cả lợi ích kinh tế. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các tỉnh khác nhau đã thi đua nhau sản xuất năng lượng mặt trời.

Lý thuyết Ricardo chỉ đề cập đến sự thịnh vượng chung khi tối ưu hóa nguồn lực của thế giới bằng cách phân chia lao động, nhưng nó đã không đề cập đến một hệ quả khác đó là khi một nước đã tận dụng cơ hội sử dụng nguồn lực và cố gắng leo lên trên bậc thang tạo ra giá trị mới cho thế giới để rồi cuối cùng đe dọa thay đổi vai trò trong sự phân chia lao động. Trung Quốc từ chỗ chỉ là một phân xưởng làm thuê của thế giới, giờ đây đang trở thành những ông chủ của thế giới trên các lĩnh vực sản xuất hàng công nghiệp nhẹ và trở thành những tay chơi lớn trên trường thế giới trong những ngành công nghệ chiến lược từ trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử, năng lượng tái tạo, sinh học tổng hợp, cho đến viễn thông và năng lượng hạt nhân cho mục đích thương mại.

Toàn cầu hóa đã nổi lên như một cơ hội làm giàu cho giới tư bản Mỹ và tạo nên sự thịnh vượng nói chung của xã hội Hoa Kỳ, khi mà họ có dịp sử dụng nhân công giá rẻ của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mình. Tuy vậy, sự lớn mạnh của Trung Quốc và các ngành công nghiệp của họ đã khiến giới ưu tú của Hoa Kỳ buộc phải xem xét lại quan niệm toàn cầu hóa.

Việc tiếp tục toàn cầu hóa mà ở đó Trung Quốc được đối xử như từ trước sẽ dần dần giúp Trung Quốc đạt được lợi thế trong những lĩnh vực then chốt và trở thành một thế lực đối trọng với Hoa Kỳ.

Cho dù Trung Quốc không có ý đồ xuất khẩu ý thức hệ hay mô hình chính trị của mình sang các nước khác như Liên Xô, nó cũng là điều khó có thể chấp nhận được khi mà các ngành công nghiệp của Trung Quốc dần trở nên chiếm hết thị phần của những doanh nghiệp phương Tây và đưa họ vào tình thế phá sản.

Hơn nữa, sự phát triển về mặt công nghệ của Trung Quốc sẽ dẫn đến một khả năng mà ở đó các công nghệ sẽ có giá trị lưỡng dụng, vừa dùng được cho thương mại và vừa dùng được cho quốc phòng. Và sự phát triển công nghệ của Trung Quốc sẽ dẫn đến một khả năng mà ở đó năng lực quốc phòng của Trung Quốc tiến tới trở thành một đối trọng tự nhiên của Hoa Kỳ.

mytrung2

Trung Quốc từ chỗ chỉ là một phân xưởng làm thuê của thế giới, giờ đây đang trở thành tay chơi lớn trên trường thế giới trong những ngành công nghệ chiến lược từ trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử, năng lượng tái tạo, sinh học tổng hợp, cho đến viễn thông và năng lượng hạt nhân cho mục đích thương mại.

Giới lãnh đạo Hoa Kỳ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai luôn đề cao học thuyết hòa bình qua sức mạnh. Sự ưu việt về vũ khí của Hoa Kỳ bảo đảm cho hòa bình của chính đất nước họ. Nhưng mà khi một đối thủ khác, như Trung Quốc chẳng hạn, trở nên có một sự ưu việt về quốc phòng, thì chắc chắn chính giới Hoa Kỳ không thể nào yên tâm về sự hòa bình của mình.

Cho nên, giới doanh nhân và giới chính trị của Hoa Kỳ đã gặp nhau ở một điểm chung đó là cần phải cô lập Trung Quốc.

Nếu Harris lên nắm quyền, bà chắc chắn sẽ tiếp tục những di sản chính sách của tổng thống Biden, vẫn tiếp tục duy trì các mức thuế khác nhau lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và tiếp tục hạn chế Trung Quốc ở một số lãnh vực công nghệ chiến lược. Ngược lại, nếu Trump lên, khó có thể đoán ông ta sẽ làm gì tiếp theo. Ông ta đã từng áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ nhôm và thép, bất chấp những chỉ trích của những người khác, đã cho dẹp các viện Khổng Tử, ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chiến lược, và xây dựng lại Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Úc. Các chính sách Trung Quốc của Biden là một sự tiếp nối của Trump. Tuy vậy, với sự lớn mạnh của Trung Quốc, chính giới Hoa Kỳ có lẽ phải nghĩ tới những chính sách khác trong cuộc cạnh tranh này.

Nguyễn Huy Vũ

5/11/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huy Vũ
Read 178 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)