Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

23/11/2024

Donald Trump và Trần Khắc Đức

Trần Khánh Ân

Khi Donald Trump chiến thắng được vài ngày thì công an Thành phố Hồ Chí Minh cho công bố rộng rãi thông tin bắt giữ Trần Khắc Đức sau khi giam giữ 51 ngày, từ 20/9/2024.

ethics1

Trần Khắc Đức, biểu tượng của hy vọng và đạo đức trong chính trị

Có vài người bạn của chúng tôi cho rằng có thể do Donald Trump đắc cử nên chính quyền mới lấy quyết định không thả Đức nữa. Ý kiến tuy không phù hợp về mặt lý luận, bởi vì chuyện một thanh niên yêu nước ở Việt Nam bị bắt thì liên quan gì tới chuyện nước Mỹ, nhưng ý kiến này không phải không có lý.

Với một lịch sử cầm quyền 4 năm tệ hại, ngó lơ mọi giá trị của Donald Trump thì sự kiện này đã động viên chính quyền Việt Nam là có thể sẽ được yên ổn một thời gian nữa, ít nhất trong nhiệm kỳ của Doanld Trump.

Khi đó tôi không để ý gì lắm tới ý kiến này lắm bởi vì ưu tư trước mắt của tôi là làm sao để mọi người Việt Nam phải biết rõ hơn về một tấm gương hiếu thảo, có trí tuệ rực rỡ, hiền lành và bao dung, đương nhiên, cũng cực kỳ dũng cảm của Trần Khắc Đức. Một đứa con của miền Trung khắc nghiệt nhưng lại rất hiền hòa.

Trước đây Donald Trump đã tốn khá nhiều giấy mực của anh em chúng tôi và cũng gây cho anh em chúng tôi nhiều sự ghét bỏ, đã có hơn 3000 người rời bỏ hay theo dõi trang fanpage Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nữa, con số thực tế có lẽ còn lớn hơn nhiều. Nhưng sau đó thì sự ủng hộ dành cho trang fanpage của chúng tôi có thực chất hơn hẳn trước, bởi vì tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc và dân chủ đa nguyên đã hội nhập vào tâm hồn của mọi người.

Những tranh cãi về Donald Trump đã chấm dứt, bây giờ nếu có thù cũng chỉ là để chiêm ngưỡng ông ta sẽ phá nước Mỹ tới mức nào mà thôi.

Khi bắt đầu đặt bút viết những dòng này, tôi cũng thoáng nghĩ có thể sự ủng hộ đối với Trần Khắc Đức sẽ giảm đi vì tôi lại nhắc tới Donald Trump. Nhưng không, trái lại, tôi và Đức đều tin vào một điều : Chúng ta là người Việt Nam, yêu nước chính là yêu đồng bào mình. Chúng ta cùng có một mục tiêu chung là phải suy nghĩ tìm cho ra giải pháp dân chủ hóa đất nước. Chúng ta không thể vì những khác biệt ý kiến về một nhân vật mà lại ghét bỏ nhau.

Yêu thương lẫn nhau, hòa giải với nhau là những giá trị và cũng là căn cước chính thức của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ khi ra đời.

Donald Trump, cựu Tổng thống Mỹ vừa đắc cử, và Trần Khắc Đức, một thanh niên Việt Nam ưu tú, là hai nhân vật đại diện cho những giá trị đối lập trong cung cách con người về tầm nhìn chính trị, đạo đức và tương lai. Trong khi Trump là biểu tượng của sự hỗn loạn, ái kỷ, và thiếu vắng đạo đức, Trần Khắc Đức là hình mẫu của sự cống hiến, lòng hiếu thảo, và khát vọng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Sự tương phản rõ nét này không chỉ phản ánh thực trạng chính trị thế giới mà còn đặt ra những câu hỏi nhức nhối về giá trị văn hóa, đạo đức của người Việt trong bối cảnh hiện nay.

Donald Trump và hiện tượng tâm lý xã hội Việt Nam

Trong nhiệm kỳ của mình (2016-2020), Donald Trump nổi tiếng với những phát ngôn mâu thuẫn, hành động phi lý, và thái độ xem thường sự thật. Ông ta đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ và thế giới, đồng thời để lại di sản với hơn 15.000 lời nói dối công khai. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trong khi phần lớn người Mỹ và các quốc gia phát triển phê phán Donald Trump một cách gay gắt, thì tại Việt Nam, một bộ phận không ít người dân lại ủng hộ ông ta, thậm chí còn cuồng nhiệt hơn cả người Mỹ.

Hiện tượng này, ở một góc độ nào đó, phản ánh tâm lý của một xã hội thiếu niềm tin vào các giá trị đạo đức và trí tuệ trong sinh hoạt chính trị.

Ba đặc điểm nổi bật thường được thấy ở những người Việt cuồng Trump là :

- Họ tin rằng tài năng chính trị là bẩm sinh và không cần học hỏi, giống như Trump.

- Họ coi chính trị chỉ là công cụ để đạt được quyền lực, không gắn với đạo đức hay trách nhiệm xã hội.

- Họ xem nhẹ hoặc thậm chí phớt lờ các giá trị đạo đức cơ bản, coi chúng là thứ yếu trong bối cảnh hiện thực khắc nghiệt.

Sự cuồng nhiệt của một bộ phận người Việt đối với Trump phần nào cho thấy trình độ nhận thức và đạo đức trong tâm hồn Việt Nam không cao lắm. Một xã hội mà trong đó đạo đức không được đặt lên hàng đầu thì khó lòng xây dựng được một thể chế chính trị công bằng, minh bạch, và văn minh.

Trần Khắc Đức : biểu tượng của hy vọng và đạo đức trong chính trị

Ngược lại với hình ảnh đầy tranh cãi của Trump, Trần Khắc Đức là một hình mẫu lý tưởng về đạo đức và trách nhiệm xã hội. Là một thanh niên ưu tú, Đức đã dành cả tuổi trẻ để chăm sóc gia đình – mẹ và bà nội – đồng thời thay cha nuôi dạy em trai ăn học. Không chỉ vậy, anh còn tham gia ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với mong muốn góp phần xây dựng một Việt Nam dân chủ và phát triển, nơi mà mọi tầng lớp trong xã hội, kể cả đảng cộng sản, cùng tham gia vào quá trình dẫn đưa đất nước vào quỹ đạo tiến bộ chung của thế giới.

Sự kiện Đức bị chính quyền bắt giữ chỉ vì khát vọng cải cách đất nước là một biểu hiện đau lòng của tình trạng đàn áp chính trị tại Việt Nam. Nhưng đồng thời, nó cũng là lời nhắc nhở về sự cần thiết của những cá nhân dũng cảm và kiên định như Đức trong hành trình dẫn đưa đất nước thoát khỏi bế tắc.

ethic2

Chính trị, suy cho cùng, là nghệ thuật hiện thực hóa các giá trị đạo đức trong xã hội.

Chính trị là đạo đức ứng dụng

Sự đối lập giữa Donald Trump và Trần Khắc Đức đã làm nổi bật một chân lý quan trọng : Chính trị không thể tách rời đạo đức.

Chính trị, suy cho cùng, là nghệ thuật hiện thực hóa các giá trị đạo đức trong xã hội. Khi đạo đức bị xem nhẹ hoặc bị loại bỏ khỏi chính trị, chúng ta không chỉ đánh mất đi ý nghĩa của chính trị mà còn tạo điều kiện cho các thảm họa xã hội xảy ra.

Donald Trump là minh chứng cho một phong cách sinh hoạt chính trị thiếu vắng đạo đức. Những quyết định của ông ta, từ việc rút Mỹ ra khỏi các thỏa thuận quốc tế đến việc thúc đẩy chia rẽ xã hội, đều xuất phát từ tư duy vị kỷ và quyền lợi cá nhân hơn là lợi ích cộng đồng. Trái lại, Trần Khắc Đức là minh chứng cho một nền chính trị dựa trên đạo đức và khát vọng phục vụ. Anh đã sẵn sàng hy sinh tự do cá nhân để đấu tranh cho một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Những bài học từ hai biểu tượng và nền tảng của phát triển

Hai nhân vật này đặt ra những bài học quan trọng cho chúng ta.

1. Bài học về đạo đức trong chính trị : Một xã hội chỉ có thể phát triển bền vững nếu nền chính trị của nó dựa trên đạo đức và trách nhiệm xã hội.

2. Bài học về nhận thức : Sự cuồng nhiệt của người Việt đối với Trump phản ánh một thực tế đáng lo ngại : Nhiều người vẫn bị hấp dẫn bởi những hình mẫu "mạnh mẽ", là lãnh đạo phải ăn to nói lớn, bảnh bao… nhưng thiếu đạo đức, thay vì tôn vinh những cá nhân thực sự cống hiến vì cộng đồng như Trần Khắc Đức.

3. Bài học về tương lai Việt Nam : Để đất nước có thể tiến xa, cần nhiều hơn những con người như Trần Khắc Đức, những người dám đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.

Donald Trump và Trần Khắc Đức là hai biểu tượng đối lập về cách con người nhìn nhận chính trị và đạo đức. Một bên là biểu tượng của sự hỗn loạn, ái kỷ, và bất tín ; bên kia là biểu tượng của hy vọng, trách nhiệm, và khát vọng thay đổi tích cực. Sự kiện Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và sự kiện Trần Khắc Đức bị bắt giữ là hai mảnh ghép quan trọng để chúng ta nhìn nhận lại giá trị đạo đức trong chính trị và xã hội.

Một đất nước chỉ có thể thực sự phát triển nếu đạo đức được đặt làm nền tảng. Đó là bài học mà mỗi người Việt Nam cần ghi nhớ khi hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc.

ethic1

Thế nào là một cuộc sống lành mạnh và xứng đáng ?

Để thay cho lời kết, tôi xin được nhắc lại một ý kiến của ông Nguyễn Gia Kiểng, một ý kiến mà tôi nghĩ nếu chúng ta đồng ý được với nhau thì lịch sử mới có thể sang trang :

"Đạo đức và chính trị là cố gắng để trả lời cùng một lúc hai câu hỏi :

1. Phải sống và hành động như thế nào ?

2. Thế nào là một cuộc sống lành mạnh và xứng đáng ?"

Trần Khánh Ân

(22/11/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Khánh Ân
Read 215 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)