Trong hành trình phát triển, mọi thể chế chính trị đều có một "sứ mệnh lịch sử" gắn liền với bối cảnh thời đại, kinh tế, xã hội. Đảng cộng sản Việt Nam đã đóng vai trò trung tâm trong công cuộc giành độc lập, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, khi đất nước đang mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, vai trò của Đảng cộng sản cũng đứng trước thách thức lớn : liệu họ có thể đưa Việt Nam vượt qua ngưỡng phát triển này, hay sự cáo chung sẽ đến như một kết cục tự nhiên do giới hạn của thế chế ?
Khi đất nước đang mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, vai trò của Đảng cộng sản cũng đứng trước thách thức lớn
Bẫy thu nhập trung bình
Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng mà một quốc gia không thể vượt qua ngưỡng phát triển để đạt mức thu nhập cao hơn. Nó xảy ra khi các động lực tăng trưởng ban đầu (chi phí lao động thấp, khai thác tài nguyên) cạn kiệt, trong khi quốc gia đó lại không tạo ra được các nguồn động lực mới như đổi mới sáng tạo, công nghệ, hay cải cách thể chế.
Các nhà kinh tế chia bẫy thu nhập trung bình thành hai giai đoạn :
- Bẫy thu nhập trung bình thấp : Đây là giai đoạn mà thu nhập bình quân đầu người dao động ở mức khoảng 4.000-5.000 USD. Các nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.
- Bẫy thu nhập trung bình cao : Khi thu nhập bình quân tăng lên khoảng 8.000-12.000 USD, nền kinh tế phải chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi thể chế chính trị linh hoạt và quyền tự do, điều mà các chế độ độc tài thường thiếu.
Việt Nam hiện đang mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp. Với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 3.000-4.000 USD (4.284 USD năm 2023, theo VnEconomy), nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa giá trị thấp và đầu tư từ nước ngoài. Dù đã có những thành tựu nhất định, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Bẫy thu nhập trung bình và những ngưỡng cản của thể chế độc tài
Bẫy thu nhập trung bình không chỉ là một hiện tượng kinh tế mà còn là phép thử đối với khả năng thích ứng và cải cách của thể chế chính trị.
Khi nền kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên cạn kiệt, quốc gia cần chuyển mình sang giai đoạn phát triển dựa vào sáng tạo, công nghệ và giá trị cao. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các yếu tố không tương thích với chế độ độc tài, như :
- Tự do sáng tạo : Các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình đều cần một môi trường khuyến khích sáng tạo, tự do tư tưởng, và trao quyền cho cá nhân. Đây là những điều hiếm hoi tồn tại trong các hệ thống kiểm soát thông tin và hạn chế tư duy độc lập.
- Thể chế linh hoạt : Quá trình chuyển đổi đòi hỏi sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và khả năng thích nghi cao từ các chính sách nhà nước – những điều mà chế độ độc tài thường không đáp ứng được.
- Khả năng kiểm soát tham nhũng : Khi nền kinh tế đạt mức phức tạp cao hơn, sự lãng phí và tham nhũng trở thành gánh nặng lớn, cản trở động lực tăng trưởng.
Việt Nam, dù đã đạt được những bước tiến quan trọng, vẫn loay hoay trong việc tìm lối thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp. Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000 USD, nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu giá trị thấp, trong khi chất lượng giáo dục, sáng tạo và quản trị công chưa đủ để thúc đẩy bước nhảy vọt tiếp theo.
Sứ mệnh lịch sử đã hoàn thành
Đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn lịch sử quan trọng nhất của mình : giành độc lập, thống nhất đất nước và tạm đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Nhưng khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, những yếu tố từng làm nên thành công của Đảng cộng sản lại trở thành rào cản của họ :
- Kiểm soát cứng nhắc : Hệ thống kiểm duyệt và tư duy bảo thủ hạn chế khả năng đổi mới và tiếp cận các xu hướng toàn cầu.
- Cơ chế thiếu cạnh tranh : Khi mọi quyền lực tập trung vào một tổ chức duy nhất, sự giám sát và phản biện từ các lực lượng xã hội bị triệt tiêu, dẫn đến trì trệ và lạm dụng quyền lực.
- Tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và có nhu cầu cao hơn về chất lượng sống, tự do cá nhân và quyền tham gia chính trị.
Nếu những nhu cầu này bị bỏ qua, bất ổn xã hội là điều khó tránh khỏi.
Một quy luật lịch sử
Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng những quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình thành công đều có một điểm chung : thể chế dân chủ.
Dân chủ không chỉ mang lại sự tự do về chính trị mà còn là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sáng tạo, cải cách kinh tế, và phát triển bền vững. Không có chế độ độc tài nào có thể duy trì vai trò lãnh đạo khi quốc gia bước vào giai đoạn phát triển kinh tế cao hơn.
Sự cáo chung của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không đến từ việc "bị ghét bỏ", dù có, mà từ chính quy luật khách quan của phát triển : hệ thống này không còn phù hợp với nhu cầu và động lực của xã hội hiện đại.
Những quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình, như Hàn Quốc hay Đài Loan, đều trải qua quá trình dân chủ hóa mạnh mẽ. Chính sự cởi mở về chính trị đã thúc đẩy sáng tạo, tạo động lực phát triển và đảm bảo sự ổn định lâu dài. Ngược lại, những quốc gia không thể thay đổi, như một số nước Nam Mỹ, đã rơi vào vòng xoáy trì trệ kéo dài hàng thập kỷ.
Chính sự cởi mở về chính trị đã thúc đẩy sáng tạo, tạo động lực phát triển và đảm bảo sự ổn định lâu dài.
Những đảng viên kiên trung, những người đã góp công lớn cho Đảng cộng sản cũng không nên đau buồn vì mình đã đóng góp vào quá trình đập phá đất nước cho tới ngày hôm nay mà nên nhìn nhận sự cáo chung này như là một kết quả tự nhiên của sự hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và tiến tới một tương lai thịnh vượng, cần một thể chế mới – dân chủ đa nguyên, linh hoạt hơn, sáng tạo hơn và phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Nếu Đảng cộng sản lựa chọn tham gia vào tiến trình dân chủ hóa, họ có thể chuyển mình từ một người "lãnh đạo duy nhất" thành một tác nhân quan trọng trong lịch sử của quốc gia. Đây là nhiệm vụ lịch sử, nhiệm vụ mà Đảng cộng sản có thể tham gia để không phải kéo dài sự dằn vặt. Ngược lại, nếu tiếp tục bảo thủ, lịch sử sẽ tự viết nên hồi kết của mình, như đã từng xảy ra với nhiều chế độ độc tài khác trên thế giới.
Trần Khánh Ân
(29/11/2024)