Trước khi hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết, chiến trường Việt Nam đã có những ngày nóng bỏng chưa từng có mà đỉnh cao là 12 ngày đêm Mỹ (từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972) đã dùng B52 rải thảm bom ở Miền Bắc, kể cả ở Hà Nội.
Người Hà Nội và hầm trú bom - Ảnh minh họa
Tương tự như vậy, chiến tranh Nga-Ukraine cũng đang ở giai đoạn này. Qua theo dõi tình hình, các phát biểu của Zelensky, của Putin... theo thiển ý của tôi, Trump sẽ buộc hai bên phải ngồi vào bàn đàm phán.
Rất đau buồn là Ukraine có thể phải chấp nhận mất đất (tạm thời ?) và Nga cũng buộc phải chấp nhận "gặm" một miếng đất không to như mình muốn. "Gặm" được bao nhiêu thì phụ thuộc vào áp lực ở thời điểm đàm phán và đặc biệt là sự phán quyết của Trump. Chính vì vậy, hiện nay hai bên đánh nhau to, giống như Lê Đức Thọ đi Paris về thì hai bên lại choảng nhau mạnh hơn. Tôi nghĩ từ nay đến lúc Trump lên ngôi sẽ còn một trận choảng nhau mạnh như "12 ngày đêm" máu lửa ở Việt Nam hồi cuối năm 1972.
Muốn nói gì thì nói, tôi cũng phải đưa tin buồn này để chúng ta cùng biết. Ủng hộ Ukraine là lương tâm của một con người bình thường, nhưng ủng hộ không có nghĩa chối từ thực tế và lạc quan tếu.
Tôi không đi vào chi tiết các trận đánh nhau cho mất thì giờ, chỉ biết rằng nói chung Nga hiện tại vẫn đang ở thế mạnh hơn, vẫn liên tục gặm nhấm từng km2 đất của Ukraine và tháng 11 vừa qua Nga đã lấn được 725 km2 (số liệu của ISW), đạt kỷ lục về số diện tích chiếm được kể từ tháng 03/2022, với một giá rất đắt : 719.240 binh lính đã bị loại khỏi cuộc chiến (bị chết và bị thương nặng) : 105.960 năm 2022, 253.270 năm 2023 và riêng năm 2024, từ đầu năm đến tháng cuối tháng 10/2024, là 360.010 người (trung bình hơn 1000 người/ngày).
Cái khác biệt giữa Nga và Ukraine là Putin vẫn hèn nhát ra lệnh cho quân đội đánh bom hay bắn tên lửa vào nhà dân và cơ sở hạ tầng dân sự. Hàng đêm vẫn dùng hàng trăm UAV và tên lửa tấn công vào các khu dân cư trong các thành phố lớn, tấn công vào các nhà máy điện làm cho hàng triệu người Ukraine không có điện trong mùa đông giá rét này, nói chung gây rất nhiều khó khăn cho người dân Ukraine.
Những điểm mạnh của Nga
Trên trường quốc tế, chúng ta cũng phải thấy một số thuận lợi của Nga.
1. Mặc dù có sự phản kháng dữ dội của dân, chính quyền Georgia (Gruzia) ngả hẳn vào lòng Nga. Tại đây 80% dân số ủng hộ việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và nước này năm 2023 đã đươc nhận vào quy chế chính thức là thành viên gia nhập Liên Âu, nhưng chính quyền thân Nga đã tìm mọi cách để phá, thí dụ như ban hành "Luật về ảnh hưởng từ nước ngoài" (Law on foreign influence - loi sur influence étrangère). Mới đây thôi, Georgia đã hoãn việc đàm phán để gia nhập Châu Âu đến cuối năm 2028. Hiện tại, dân Georgia đang ngày đêm biểu tình chống chính quyền.
Xin nhắc lại là năm 2013, tổng thống thân Nga của Ukraine là Victor Yanukovych đã phản bội ước vọng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của dân Ukraine bằng việc từ chối ký kết Hiệp định Liên kết với Liên Hiệp Châu Âu. Chính sự từ chối này mà cuộc cách mạng Maidan đã nổ ra. Yanukovych bị phế truất và bỏ chạy sang Nga.
Liệu dân Georgia có muốn làm cách mạng "Maidan 2" ?
2. Romania là một nước Đông Âu cũ đã từ bỏ chế độ cộng sản năm 1989 sau khi sát hại vợ chồng nhà độc tài Ceausescu, là thành thành viên của NATO năm 2004 và gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 2007.
Vấn đề là những đảng cầm quyền bị dính nhiều phốt tham nhũng… nên trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một tuần trước, Călin Georgescu một ứng cử viên cực hữu hoàn toàn vô danh, thân Nga, đã về nhất. Nếu vòng hai, ông này về nhất nữa thì đây là một thảm họa của cả Liên Âu lẫn NATO. Tất nhiên là để trúng cử vòng hai, mấy hôm nay, ông Călin Georgescu có nhiều phát biểu có vẻ để làm dịu nỗi lo sợ của dân Romania. Nhưng nói chung nếu Călin Georgescu được bầu làm tổng thống Romania thì sẽ vô cùng rắc rối.
Có thể Romania sẽ là nước thứ ba phá hoại sự đoàn kết của 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu và NATO chống lại cuộc xâm lăng của Nga vào lãnh thổ Ukraine, sau Hungary và Slovakia do Viktor Orban và Robert Fico, hai người phò Putin lãnh đạo.
3. Một số nước Châu Phi chấm dứt các hiệp định hợp tác với Pháp và thay vào đó là với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (Apec), ngày 8/9/2012, tại Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga. Anatoly Maltsev / POOL / AFP
Những điểm yếu của Nga
Ngược lại, chúng ta cũng có thể thấy những điểm yếu của Nga và những tổn thất lớn lao mà họ đang gánh chịu.
1. Nga vẫn dùng chiến thuật biển người như Trung Quốc đã làm trong cuộc tiến công xuống miền Nam bán đảo Cao Ly trong những năm 1950-1953. Các chế độ độc tài không bao giờ tiếc sinh mạng của nhân dân cho những tham vọng của mình. Riêng trong tháng 11/2024, khoảng 45.700 lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương. Tổn thất về vật chất khoảng 3 tỷ đô la. Nga có kế hoạch và chắc chắn sẽ động viên thêm được 700 nghìn quân cho mặt trận Ukraine trong năm 2025.
2. Nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan HTS (Hayat Tahrir al-Sham) đã bất ngờ tấn công dữ dội và chiếm Aleppo, thành phố lớn thứ 2 của Syria. Quân đội Nga và quân chính quy của Tổng thống Syria Al Assad đã phải bỏ của chạy lấy người. Mấy hôm nay, Nga vẫn tuyên bố ủng hộ nhà độc tài Al Assad và cũng tung ra vài đợt ném bom vào Aleppo nhưng không giải quyết vấn đề gì. Chưa biết là quân đội Nga tại Syria có còn đủ khả năng để ném bom hủy diệt và lực lượng để chiếm lại Aleppo như đã từng làm năm 2016 ?
Nhắc lại là từ năm 2015, Nga kết hợp với quân đội của Al Assad, quân đội của Iran, và phiến quân Hezbollah từ Lebanon đã ném bom hủy diệt và tấn công vào những ổ kháng cự của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS-Islamic State) trong thành phố Aleppo. Dân chúng và phiến quân IS bị bao vây và bị cắt hết mọi liên lạc và viện trợ nhân đạo với bên ngoài. Quân chống chính phủ không chống cự nổi đã phải đầu hàng và rút lui, thành phố Aleppo chỉ còn lại hoang tàn và đổ nát.
Hiện nay trên chiến trường Ukraine Nga cũng đang hụt hơi thiếu người và thiếu vũ khí, trong khi đồng minh Iran đang bận tâm với sự sống còn lực lượng Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon đang bị Israel đánh cho tơi tả. Ở Syria phiến quân Hồi giáo cực đoan HTS đang có nhiều thuận lợi hơn lần trước.
3. Đồng rúp của Nga đang xuống giá thê thảm. Ngân sách quốc phòng Nga tăng. Các doanh nghiệp Nga đang trên bờ vực thẳm, đời sống nhân dân xuống cấp thậm tệ.
Nước Nga không chỉ có nguy cơ sụp đổ về quân sự mà còn có cả một nguy cơ lớn là sụp đổ về kinh tế.
Hình ảnh đen tối ngày 26/12/1991 đang lờn vờn trước mặt Putin.
Hoàng Quốc Dũng
(02/12/2024)