Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

11/12/2017

Công nhận Jerusalem là thủ đô Israel : mang đến hòa bình hay đổ máu ?

Mai V. Pham

"Chỉ khi sức mạnh của tình yêu chiến thắng sự đam mê quyền lực, thế giới sẽ biết đến hòa bình".

Jimi Hendriz

Tổng thống Donald Trump vừa ra một quyết định đảo ngược chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ : chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ di dời Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem.

jeru1

Donald Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ di dời Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem

Vì sao ủng hộ quyết định của Tổng thống Donald Trump ?

Lập luận phổ biến nhất của những người ủng hộ Trump là Jerusalem có nguồn gốc thuộc về dân tộc Israel theo sách Cựu ước (Old Testament), vì thế Trump đã làm đúng. Tuy nhiên, lập luận này là saivề mặt pháp lý và lịch sử.

-     Pháp lý : Vào ngày 13/12/1949, Liên hiệp quốc (United Nations) đi đến đồng thuận đặt Jerusalem dưới sự kiểm soát quốc tế theo nguyên tắc "corpus separatum", được hiểu như là Jerusalem thuộc cả về Israel và Palestine. Nhưng đến năm 1967, Israel bất chấp luật pháp quốc tế chiếm East Jerusalem và tuyên bố chính quyền Israel sẽ áp dụng luật pháp và thẩm quyền tại đây. Sự chiếm đóng này của Isarel là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Chưa dừng lại ở đó, tháng 7/1980, Israel thông qua đạo luật "Jerusalem Law", tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel. Để đáp lại quyết định này của Israel, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (United Nations Security Council), bao gồm Hoa Kỳ, đã thông qua Nghị quyết 478, không công nhận tuyên bố của Israel. Cho đến nay, các Đại sứ quán của các nước vẫn được đặt tại thành phố lớn thứ hai Israel là Tel Aviv. Không công nhận Jerusalem thuộc về Israel đã trở trành một chính sách gần phổ quát giữa các quốc gia phương Tây.

-     Lịch sử :Nếu chỉ dựa vào sách Cựu ước để chứng minh Jerusalem là của Israel thì hoàn toàn không thuyết phục bởi sách Cựu ước đã được chứng minh có nhiều sai sót về lịch sử và khoa học. Theo Giáo sư Lịch sử Juan Cole, Đại học Michigan, Jerusalem được thành lập từ năm 3000 TCN đến 2600 TCN, có thể bởi người Tây Xêmit (West Semetic) hoặc là người Canaanite, vốn là tổ tiên chung của người Palestine, Lebanese, Syrians, Jordanians, và người Jews (Do Thái). Người Do Thái đã không xây dựng Jerusalem cách đây 3000 năm vàJerusalem đã tồn tại khoảng 2700 năm trước khi đạo Do thái giáo xuất hiện. Đặc biệt, không có bằng chứng thờ phượng của người Do thái tại Jerusalem trong những năm 1000 TCN, ngoài các bằng chứng khảo cổ thờ phượng các vị thần Canaanite được tìm thấy trong các di tích tại Jerusalem.

Ai đã phản đối quyết định của Trump ?

Đến thời điểm này, ngoài chính phủ Israel ủng hộ Trump, thì tất cả các nước, bao gồm các đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ và Đức Giáo Hoàng Francis, đã mạnh mẽ phản đối sự công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel bởi chính phủ Hoa Kỳ.

Đại sứ Anh Matthew Rycroft cho biết : "Chúng tôi không nhất trí với quyết định của Mỹ về việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem và đơn phương công nhận nó là thủ đô của Israel trước khi có thoả thuận cuối cùng".

Đại sứ Pháp François Delattre cho rằng quyết định của Tổng thống Trump mang đến nguy cơ về xung đột chính trị, có thể chuyển thành xung đột tôn giáo không thể khắc phục được.

Nhiều thành viên của Hội đồng Bảo an đã chỉ trích quyết định của chính quyền Trump, cho rằng nó gây nguy cơ về việc sớm xét đoán kết quả tình trạng cuối cùng của Jerusalem, đe doạ toàn bộ tiến trình hoà bình. Các nước cũng bày tỏ quan ngại nó có thể khiến các nhóm cực đoan gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.

Hội đồng tôn giáo gồm của các nhà thờ tại Jerusalem cũng đã gửi một lá thư đến Tổng thống Trump vào ngày 6/12, mong mỏi Trump sẽ rút lại quyết định và trả Israel về thực thể quốc tế trước đây của nó.

jeru2

jeru3

Tại Roma, Giáo hoàng Francis chia sẽ : "Tôi muốn chân thành kêu gọi tất cả mọi người cam kết tôn trọng tình trạng hiện thời của Jerusalem, chiếu theo những giải quyết của Liên hợp quốc".

Quyết định bất chấp của chính quyền Hoa Kỳ

Hầu hết những ai ủng hộ sự công nhận của chính quyền Hoa Kỳ đều cho rằng Trump đã giữ lời hứa và đó là điều tốt. Tuy nhiên, hãy thử nhìn vấn đề ở nhiều góc cạnh để có một nhận định đúng đắn hơn.

jeru4

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tel Aviv

Đúng là vào năm 1995, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Quốc hội Hoa Kỳ có thông qua đạo luật công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di chuyển Đại sứ quán đến đó. Tuy nhiên, Tổng thống Bill Clinton đã sử dụng quyền lực Hành pháp để kí lệnh trì hoãn đạo luật này vì lo ngại về an ninh cũng như lo sợ lợi ích của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Việc kí trì hoãn này đã liên tiếp được thực hiện bởi chính quyền của Tổng thống George W. Bush và Barack Obama.

Theo nhiều nguồn tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, James Mattis và Bộ Ngoại giao, Rex Tillerson, đã phản đối quyết định của Trump. Trường Đại học Maryland vừa công bốcuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11/2017, tham khảo ý kiến di chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Jerusalem, chỉ có khoảng 16% người Mỹ gốc Do Thái ủng hộ việc di chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem và 63% người Mỹ phản đối. Vì thế, nếu chỉ vì muốn giữ lời hứa cho một nhóm công dân Mỹ gốc Do Thái, chỉ chiếm khoảng 2% dân số Mỹ, mà phớt lờ ý kiến của hơn 95% còn lại, thì quyết định của Trump có thực sự vì toàn dân Mỹ hay không ?

jeru5

K hoảng 16% người Mỹ gốc Do Thái ủng hộ việc di chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem và 63% người Mỹ phản đối.

Isarel đã ngồi xổm lên luật pháp, chiếm đóng Jerusalem vào năm 1967 ; trong khi đó, chính quyền Trump cũng đạp lên Nghị định 478 của Liên hợp quốc, để công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Nếu Isarel có đủ bằng chứng lịch sử chứng minh Jerusalem thuộc về họ, tại sao không thưa kiện ra Tòa án Quốc tế để hợp pháp, chính đáng có Jerusalem ? Rõ ràng là họ không thể chứng minh điều đó nên phải dùng sức mạnh quân sự để chiếm đóng Jerusalem. Hành động xem thường luật pháp quốc tế của Israel có khác gì với sự vô pháp của chính quyền cộng sản Trung quốc đã phớt lờ phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế về biển Đông và đơn phương công nhận biển Đông là của họ.

Bạo lực và máu đã đổ

Câu hỏi cần phải đặt ra là sự công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Hoa Kỳ vào thời điểm này có thực sự cần thiết hay không ? Sự công nhận này sẽ mang đến hòa bình hay máu lửa cho vùng đất mà sự xung đột và bạo lực luôn tiềm ẩn ?

Bạo lực triền miên giữa người Israel và người Palestine là mâu thuẫn kéo dài không chỉ về thành phố Jerusalem, nhưng còn là tinh thần và niềm tin, giữa Israel, một trong những nước có quân đội hùng mạnh nhất, với người Palestine bản xứ, vốn đã bị Israel cai trị và bị lưu vong trong nhiều thập kỷ qua.

Bởi thế, hầu hết các quốc gia đã phản đối và chỉ trích quyết định của Trump vì nỗi lo về an ninh đã có từ rất lâu tại khu vực này. Quyết định của Trump được ví như quăng xăng vào than hồng, bởi nó có tính thù nghịch đối với người Palestine và khinh thường cả thế giới Ả Rập và Hồi giáo.

Cần lưu ý rằng Hoa Kỳ và thế giới đang phải đối mặt với một số rủi ro đáng ngại, bao gồm Bắc Hàn, Syria, Venezuela, ISIS. Trump chọn thời điểm vô cùng nhạy cảm để tuyên bố có phải là quyết định khôn ngoan ?

Theo nguồn tin của các cơ quan Y Tế Palestine, tính đến sáng thứ Bảy ngày 9/12/2017, đã có 4 người Palestine chết và hơn 300 người bị thương do xung đột vũ lực với an ninh Israel trong các cuộc biểu tình tại Jerusalem. Biểu tình phản đối Hoa Kỳ cũng đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới như Malaysia, Pakistan, Jordan, Turkey, Toronto (Canada) và Chicago (Hoa Kỳ). Trong một bài phát biểu tại thành phố Gaza, thủ lãnh nhóm Hamas cho biết động thái của Hoa Kỳ là "tuyên chiến chống lại người Palestine" và kêu gọi một cuộc nổi dậy mới.

Ngày 6/12/2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳcũng đưa ra "cảnh báo trên toàn thế giới" (Worldwide Caution), cảnh báo về nguy cơ "hành động khủng bố, bạo lực chính trị và hoạt động tội phạm chống lại công dân Hoa Kỳ".

Với những căng thẳng bạo lực đang diễn ra, phải thừa nhận rằng quyết định của chính quyền Trump đã trực tiếp tạo ra mối nguy với chính người dân Mỹ và không mang đến lợi ích cho cho người dân. Công dân Mỹ không thể nào phớt lờ rủi ro mà một số phần tử cực đoan Hồi giáo có thể gây ra nhằm trả đũa Hoa Kỳ.

Thay l ời k ết

Là người đứng đầu cơ quan Hành pháp, Tổng thống Donald Trump là người quyền lực nhất để ra quyết định cuối cùng đối với việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Vì thế, Trump là người có trách nhiệm cao nhất đối với những hậu quả mà quyết định này sẽ mang đến.

jeru6

Biếm họa mối tình Donald Trump với Benyamin Netanyahou

Trong thực tế, theo nhận định của các nhà phân tích, thì các tỉ phú, nhà vận động hành lang người Do Thái và những Kito giáo cực đoan, chính là những người đứng đằng sau quyết định của Trump.

Những ai ủng hộ quyết định của Trump hãy thật thà và nghiêm túc tự hỏi bản thân : Một chính quyền ngồi xổm lên luật pháp quốc tế là đúng hay sai ? Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ mang đến lợi ích gìcho tiến trình hòa bình ở Jerusalem ?

Thế giới loài người ngày càng tiến bộ, văn minh và nhân bản hơn rất nhiều so với vài chục năm trước đây. Ngày xưa, các nước tham chiến để tranh giành thuộc địa. Ngày nay, con người văn minh hơn, nên mong muốn chung sống với nhau trong hòa bình và bao dung. Quyết định của Trump sẽ kiến tạo hòa bình hay gây ra bạo lực chết chóc ?

Một người hiểu biết sẽ cân nhắc hậu quả của hành động trước khi thực hiện. Nếu hậu quả là xấu và nặng kí hơn lợi ích, thì họ sẽ không làm. Một chính trị gia lương thiện sẽ đặt lợi ích và sự an toàn của người dân lên trên hết. Trách nhiệm lương tâm của các lãnh đạo quốc gia là không tạo ra những điều kiện có thể dẫn đến bạo lực và đổ máu. Những người tiền nhiệm của Trump, bao gồm những người ủng hộ Israel như Ronald Reagan và George W. Bush, đã rất hiểu điều này. Nhưng, Trump thì không.

Triết gia lừng lẫy Aristole nhấn mạnh : "Chiến thắng một cuộc chiến là không đủ ; thiết lập hòa bình mới quan trọng hơn nhiều".

Nhìn lại toàn bộ sự việc để thấy được rằng quyết định của Trump chỉ là sự phô trương quyền lực và không phải vì lợi ích của toàn dân Hoa Kỳ. Khi sự đam mê quyền lực lớn hơn tình yêu cho hòa bình, người ta sẽ có những quyết định nguy hại. Có lẽ như Jimi Hendriz chia sẽ, "Chỉ khi sức mạnh của tình yêu chiến thắng sự đam mê quyền lực, thế giới sẽ biết đến hòa bình".

Có khá nhiều ngườiKitô giáo Việt Nam ủng hộ quyết định của Tổng thống Donald Trump. Các bạn nghĩ gì khi đã có trên 300 người bị thương và 4 người chết do căng thẳng bạo lực từ biểu tình phản đối Hoa Kỳ và Israel ? Họ đáng chết chăng ? Nên nhớ số người Hồi giáo cực đoan chỉ là tiểu số và phần còn lại có quyền được mưu cầu hạnh phúc và hòa bình như mọi dân tộc khác trên thế giới.

Hãy nghĩ đến những căng thẳng bạo lực trong những ngày sắp tới. Chắc chắn số người bị thương và thiệt mang sẽ tăng, trong đó sẽ có những người ôn hòa phản đối. Máu của người dân sẽ đổ ra và liệu có xứng đáng với sự công nhận có tính khiêu khích và không cần thiết hay không ? Tại sao Jerusalem không thể tạm thời là vùng đất linh thiêng và hòa bình của cả người Israel và Palestine, của Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo, cho đến khi cả hai bên cùng tìm ra giải pháp ôn hòa khác ?

Đừng để sự tôn sùng Trump quá độ làm mù quáng lương tri. Há chẳng phải sách Thánh Vịnh 34:14 đã dạy rằng : "Hãy tránh xa sự ác, làm điều lành ; tìm kiếm hòa bình và theo đuổi sự ấy".

Mai V. Pham

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Đa Nguyên – Bất Bạo Động – Hòa Giải & Hòa Hợp Dân Tộc"

Tham khảo :

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/my-bi-co-lap-tai-lien-hop-quoc-trong-hop-khan-ve-jerusalem-3681925.html

https://www.nytimes.com/2017/12/06/world/europe/trump-jerusalem-pope.html

https://www.juancole.com/2010/03/top-ten-reasons-east-jerusalem-does-not.html

http://www.maannews.com/Content.aspx ?id=779597

https://travel.state.gov/content/travel/en/traveladvisories/traveladvisories/worldwide-caution.html

https://qz.com/1148673/trumps-jerusalem-move-is-backed-by-billionaires-lobbyists-and-evangelicals/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 1566 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)