Câu chuyện về Hoa Kì
Một trong những bài hát tôi rất yêu thích là "We are the world" (Thế giới này là của chúng ta). Bài hát được viết như một tình cảm của Hoa Kì gửi đến người dân châu Phi đang đói khổ đồng thời gửi đến người nghe một thông điệp rằng chúng ta hãy hành động vì một tương lai tốt đẹp cho tất cả.
"We are the world" (Thế giới này là của chúng ta)
We are the world, we are the children
We are the ones who make a brighter day
So lets start giving
Theres a choice we're making
We're saving our own lives
its true we'll make a better day
Just you and me
Tạm dịch :
Chúng ta là thế giới, chúng ta là trẻ em
Chúng ta là người sẽ mang đến một ngày tốt đẹp hơn
Vì vậy hãy cùng cho đi
Vì chúng ta làm thế để cứu lấy chính chúng ta
Bạn và tôi
Chúng ta sẽ mang đến một ngày tốt đẹp hơn
Mỗi khi nghe ca khúc, tôi càng khâm phục tấm lòng bao dung của Hoa Kì. Họ có những công dân đã dành trọn cả tuổi trẻ để làm những công việc tình nguyện tại nước ngoài. Đó là những người lính chống lại lực lượng khủng bố tại Trung Đông, đó là những bác sĩ trẻ tình nguyện đi tới những cánh rừng rậm nhiệt đới Congo để chữa bệnh cho người dân địa phương. Bản thân nhà văn yêu thích của tôi là Hemingway cũng viết trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Giã Từ Vũ Khí giữa thế chiến thứ nhất khi ông tham gia vào đội tình nguyện cứu thương tại chiến trường Ý.
Tôi cũng từng biết một cựu chiến binh Hoa Kì trong chiến tranh Việt Nam, ông đã tình nguyện trở lại Việt Nam để dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo từ thiện. Họ hoàn toàn có thể chọn một cuộc sống yên ổn tại đất Mỹ thay vì dành thời gian đi đây đó làm từ thiện, nhưng họ đã lựa chọn cuộc sống vì sự tốt đẹp chung của nhân loại. Hoa Kì là cường quốc số 1 thế giới chưa hẳn vì họ là một nền kinh tế hàng đầu mà vì họ có những công dân đã sống đẹp như vậy.
Có hai khẩu hiệu rất nổi tiếng gắn với vị tổng thống đương kim Hoa Kì là "America First" (Nước Mỹ trên hết) và "Make America great again" (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ông Trump rất sai vì Hoa Kì thực sự đã rất vĩ đại và Hoa Kì vĩ đại vì có những con người không chỉ biết đến những khẩu hiệu vị kỉ như "America First". Hai khẩu hiệu của Trump đi ngược với tinh thần Mỹ.
Một thoáng ăn năn về tổ quốc
Việt Nam chúng ta là một dân tộc không đóng góp được gì nhiều cho thế giới. Bằng chứng là những đóng góp cho nhân loại của một đất nước gần 100 triệu dân chỉ bằng 1/4 một hòn đảo nhỏ bé như Singapore. Dù dân số Việt Nam đứng trên hàng thứ 14 thế giới, chúng ta vẫn ở vị trí một "dân tộc nhược tiểu" và không đóng góp gì cho thế giới. Đáng buồn hơn, người Việt nhìn chung chưa thực sự có nhiều ưu tư với tổ quốc mình. Tác giả cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn, ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhận xét người Việt chúng ta nhìn chung không hề yêu nước. Khi nhận xét người Việt không yêu nước có thể khiến nhiều người phản đối vì nó trái với mặc định chung.
Đầu tiên, điều làm nên một quốc gia khác với một vùng đất có người ở là một sự liên đới, một tinh thần gắn kết ở trong đó. Quốc gia là một không gian liên đới, một dự án tương lai chung. Nhưng có bao nhiêu người Việt quan tâm đến "tương lai chung" hay vận mệnh chung của đất nước ?
Cách đây không lâu, tôi có tham gia một cuộc nói chuyện với một người được coi là thành đạt trong xã hội. Anh này làm việc ở công ty xuất nhập khẩu hải sản đông lạnh tại Việt Nam. Anh ta kể cho mọi người về việc tôm xuất khẩu bị từ chối vì có hàm lượng kháng sinh vượt quá mức chỉ định. Và anh ta đã đưa lô hàng không xuất khẩu được đó vào bán trong nước với giá rẻ. Anh ta không hề hối hận vì những hành vi đầu độc nhân dân mình mà anh ta mà còn tỏ ra tiếc rẻ, cho rằng anh chịu thiệt thòi vì bị lỗ vốn nặng. Những người tham gia cuộc nói chuyện không ai có một thái độ bất bình nào, trái lại họ còn bày tỏ sự cảm thông.
Dưới các chế độ phong kiến rồi đến chế độ độc tài cộng sản, người Việt Nam đã đánh mất nhiều giá trị đạo đức, những phải trái đúng sai cơ bản. Thành ra chúng ta đã không lên án, không hề bày tỏ sự phẫn nộ trước những bất công và hành vi trái đạo đức. Bằng cớ là chủ quyền quốc gia bị rơi vào một nhóm thiểu số nhưng không nhiều người cảm thấy có trách nhiệm phải đòi lại chủ quyền đó. Chế độ cộng sản đã cai trị đất nước một cách hung bạo nhưng số lượng người đứng lên chống lại nó vô cùng ít ỏi. Cần phải nói thêm rằng dân tộc Việt Nam là một trong những đất nước cuối cùng trên thế giới chưa có tự do. Chúng ta thua kém so với các nước tiến bộ và thậm chí cả với các nước trong khu vực một cách thảm hại. Hậu quả của ngày hôm nay, mỗi người Việt nhìn chung đều có một phần trách nhiệm.
Dưới các chế độ độc tài, chúng ta mất đi nhiều giá trị đạo đức căn bản. Thậm chí lòng yêu nước, một tình cảm tối thiểu để duy trì sự tồn tại của một quốc gia cũng không có. Thật đáng buồn, người ta có thể nhìn nhận Việt Nam hôm nay là một "vùng đất" có người sinh sống nhưng ở đó không phải một quốc gia thực sự.
Đừng tuyệt vọng, dân chủ có thể cứu chúng ta !
Cộng sản đã dối trá khi đánh tráo nhiều khái niệm. Họ bắt các thế hệ học sinh, sinh viên phải học những mớ lý thuyết hỗn tạp như một phần tuyên truyền của chế độ. Tại trường học có vô vàn bài vở nặng trịch về đạo đức nhưng đạo đức của con người vẫn không ngừng thoái hóa.
Thực tế đạo đức không phải là thứ để học kiểu như vậy, nhưng nó có thể nảy sinh trong một môi trường tự do. Herbert Hoover từng nói "Tự do là cánh cửa mang ánh sáng mặt trời cho tinh thần và phẩm hạnh của con người". Một môi trường tự do giúp cho con người được sống lành mạnh và tự do khai phá bản thân. Một môi trường tự do giúp cho con người không phải dối trá, lừa lọc và từ đó mang đến những phẩm chất đạo đức. Muốn có một môi trường tự do như vậy, Việt Nam cần phải là một quốc gia dân chủ.
Mặt khác, phải thừa nhận rằng chúng ta đang đi vào thảm cảnh bế tắc về mọi mặt, chúng ta có nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn. Giải pháp duy nhất hiện giờ của chúng ta là một chế độ dân chủ.
Chế độ dân chủ là chế độ nhìn nhận những giá trị con người và đảm bảo những quyền tự do căn bản của con người. Dân chủ chưa chắc đã mang lại phép màu ngay lập tức, chưa chắc sẽ đưa Việt Nam trở thành một cường quốc trên bản đồ thế giới nhưng dân chủ sẽ khôi phục lại những giá trị đạo đức con người và từ đó mang lại một xã hội trong sạch mới, một quốc gia thực sự cho người Việt.
Đạo đức là phẩm chất cần thiết của những người đấu tranh dân chủ.
Thời gian vừa qua, tôi có đọc được status của một luật sư nằm trong phong trào dân chủ, ông cho rằng chúng ta không nên hành động theo lợi ích của "đồng bào" mà nên hành động theo "lợi ích". Lợi ích nào và lợi ích cho ai ?
Cần phải khẳng định rằng những người đấu tranh dân chủ là những người tham gia vào công việc khôi phục lại các giá trị đạo đức cho cả một dân tộc ; cho nên trước khi có bất cứ cuộc thảo luận chính trị nào xa hơn, người đấu tranh trước hết cần phải là người có phẩm chất về đạo đức. Do vậy, câu nói trên khiến ông không đủ tư cách để được gọi là một luật sư đấu tranh cho dân chủ hay nhân quyền. Tuy nhiên, tôi cũng rất hy vọng đây chỉ là một sự nhầm lẫn tai hại về từ ngữ của ông.
Suốt quá trình thành lập của mình đến nay, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có một phần đóng góp của mình cho phong trào dân chủ. Có thể có nhiều ý kiến của Tập Hợp chưa đúng, chưa đủ hoặc chưa làm hài lòng tất cả người. Nhưng trên hết, những ý kiến đó của Tập Hợp đều xuất phát từ những trăn trở với số phận chung của dân tộc, từ niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn của Việt Nam.
Các thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn nhắc nhở nhau về đạo đức và luôn đặt đạo đức làm nền tảng hàng đầu. Những năm qua, Tập Hợp vẫn kiên định với lập trường đấu tranh bất bạo động, hòa giải và hòa hợp dân tộc và dân chủ đa nguyên. Bất cứ ai chia sẻ những giá trị này của Tập Hợp, chúng ta đều là anh em !
Lời kết
Chúng ta đã bàn về những vấn đề đạo đức của người Việt và thấy rằng người Việt đang thiếu những giá trị đạo đức căn bản. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng đó là một bế tắc lớn của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền lạc quan. Lạc quan vì trước hết vấn đề của Việt Nam vẫn còn có giải pháp và thứ mà người Việt vẫn chưa thể bị cướp mất là tính người.
Chỉ cần người đấu tranh hãy tin rằng "con người không thể bị chinh phục bằng vũ khí mà chỉ có thể bị chinh phục bằng đạo đức" (Spinoza).
Việt Thép
(8/1/2018)