Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

13/01/2018

Hành trang cho người dân chủ

Việt Dân

Gần đây tờ Nikkei Asian Review có một bài viết về sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành bảo hiểm và thiết bị an ninh công nghệ tại Việt Nam. Theo đó, đang có một tầng lớp trung lưu móc hầu bao nhiều hơn cho những gói bảo hiểm và thiết bị an ninh giám sát để bảo vệ đời sống thường nhật của con cái, người thân và cho chính họ. Một công ty bảo hiểm của Nhật có mức độ tăng trưởng gấp 11 lần kể từ lúc thành lập năm 2007. Một con số quá đỗi ấn tượng nếu so sánh với nền kinh tế của Việt Nam và mức thu nhập trung bình trong xã hội. Dẫu vậy nội dung của bài viết để lại trong tôi nhiều ưu phiền.

Tiêu đề bài viết "Người Việt Nam mở hầu bao để mua chút bình yên trong tâm trí !" bật lên một hiện trạng đáng buồn đang kìm kẹp xã hội và con người Việt Nam nói chung.

hanhtrang1

Vay tín chấp theo bảo hiểm nhân thọ

Từ câu chuyện người tài xế già vừa mua một gói bảo hiểm 36 triệu đồng gồm cho cả vợ ông ấy. Đây thực sự là một khoản tiền lớn nếu so với mức lương trung bình 6-8 triệu đồng ở khu vực đô thị. Nhưng ông ấy cảm thấy an tâm hơn. Một người phụ nữ công sở, một người mẹ có con nhỏ ở nhà. Cô ấy chi trả một khoản để lắp đặt gói camera an ninh giám sát người trông trẻ ở nhà. Không phải cô ấy không tin người trông trẻ, nhưng việc thỉnh thoảng bật điện thoại lên để kiểm tra đem lại sự nhẹ nhõm khi liên hệ đến những tin tức về bạo hành trẻ em trên mặt báo.

Chúng ta gặp nhiều ví dụ thực tế như vậy và liên hệ với chính bản thân chúng ta. Với hầu hết mọi người, xã hội Việt Nam hiện tại không đáng sống. Chúng ta có một chế độ độc tài bạo ngược cai trị suốt mấy chục năm. Từ độc tài đưa đến việc quản lý nhà nước thiếu minh bạch, tham nhũng, vô pháp...càng dẫn đến sự hủy hoại về tinh thần và vật chất nhanh chóng hơn. Ai cũng lo lắng, có quá không khi một số người có điều kiện hơn đang dồn cố gắng để đi tìm mua một chút cảm giác bình yên ?

Một cuộc hội thoại giữa người mẹ với cô con gái bây giờ đã là công dân Úc. "Cô Tám vừa bán được căn nhà ở trung tâm 8 tỷ. Cuối năm này đi Canada rồi. Gần 60 tuổi giấc mơ cũng thành hiện thực" - "Người giàu họ tính rất xa và rất kĩ !". Câu kết luận của cô con gái để lại trong tôi nhiều ưu tư. Cái gì làm cho người Việt tìm mọi cách ra đi như vậy ? Với thế hệ người Việt tại hải ngoại đầu tiên, những thuyền nhân, những người tị nạn thì hai chữ Việt Nam nhiều khi gợi lại một kí ức đau thương, ám ảnh suy nghĩ của họ không ngoai. Họ đã không chỉ "bỏ của chạy lấy người", mà do sự thất vọng quá lớn họ quyết định bỏ lại luôn những mảnh kí ức ở lại.

Lần này, cuộc di chuyển "cả của và người" không ồ ạt mà lại có suy tính rất lâu và kiên định. Phải kiên định thì một người phụ nữ gần 60 tuổi mới có thể dũng cảm bỏ lại sự thân thuộc và quyến luyến với mảnh đất họ sinh sống từ lúc sinh ra, chôn nhau cắt rốn để đi đến một đất nước mới. Họ có hoà nhập được không, có thể họ không dám nghĩ đến khoảng thời gian khó khăn đó nhưng họ vẫn nhất quyết đi để tìm lại sự bình yên đã mất.

Một thân hữu có đặt ra một câu hỏi : Nếu giả sử hơn 90 triệu người dân Việt Nam được phép chọn lựa đi hay ở lại Việt Nam. Một cách nghiêm túc, bao nhiêu người sẽ chọn ở lại ? Không ai đưa ra một con số cụ thể nhưng chúng tôi đều đồng ý với nhau rằng con số chắc chắn sẽ rất cao. Không dừng lại ở câu hỏi này, tôi còn muốn suy tư thêm nếu giả sử có một con số chung nhất biểu quyết ra đi thì mất bao nhiêu thế hệ trái đất này sẽ không còn người Việt. Tôi không lạc quan lắm, nhất là khi nhiều gia đình dù bố mẹ vẫn còn gắn chặt kí ức với Việt Nam mà con cái họ đã thực sự hoà nhập hẳn vào cuộc sống phương Tây. Họ là những công dân Úc, Mỹ, Canada, Đức... và chỉ nói, viết tiếng Việt một cách hết sức khiêm tốn. Và nhiều người tuy còn ở trong nước nhưng họ cũng đã giải thể sự liên hệ với Việt Nam trong lòng họ rồi.

Thật sự buồn rầu khi nghĩ đến viễn cảnh dân tộc Việt Nam có thể sẽ chỉ là một dân tộc được nhắc lại trong sách sử sau này. Chúng ta đã sống quá lâu với một chế độ độc tài bạo ngược. Nó luôn xem tuổi trẻ và trí tuệ là những thứ phải bị kìm kẹp hoặc định hướng. Giới trẻ ở ngoài nước không cảm thấy gắn bó, cũng không cảm thấy Việt Nam là môi trường tốt với họ. Người trẻ trong nước thì bị đầu độc, nhồi nhét những kiến thức sai, chia rẽ và được ngầm khuyến khích hưởng ứng những thứ văn hoá hời hợt, vô bổ. Những người trẻ yêu nước, dám bày tỏ chính kiến trước hiện trạng của đất nước như Phan Kim Khánh, Nguyễn Văn Hoá, Hội Anh Em Dân Chủ thì bị bắt và nhận những bản án nặng nề đầy toan tính. Với nhiều người, Việt Nam không đáng sống.

Tôi có cơ hội lắng nghe tâm tình của nhiều người và quan sát họ. Không ai giấu được sự lo lắng của hiện trạng xã hội mà họ đang sống. Từ những câu chuyện trà dư tửu hậu trong quán nước, trong quán nhậu đến anh xe ôm công nghệ, cô hàng nước, những người làm công sở, thương mại, chuyên viên nhà nước...Ai ai cũng có những u uất riêng để giãi bày hòng vơi chút buồn, để chửi cho thoả lòng, than thở những mong đổi lại chút công bằng.

Tôi đã nghe rất nhiều về những "ông này tham nhũng", "ông kia bị bắt", "Chúng nó ăn tàn phá hại không chừa thứ gì", những cái đập bàn đầy giận giữ hằn lên cả ánh mắt, những câu trào phúng để mô tả sự vô lý của chế độ hiện thời và sự dốt nát của những người cầm quyền... Nếu không phải là một người tham gia trực tiếp và thường xuyên vào guồng quay này, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được lòng dân đã sôi sục lắm rồi, dân chủ đã chín muồi lắm rồi để rút ra một kết luận "Dân chủ đến nhanh thôi". Nhưng tôi không có cái may mắn đó, tôi đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, được tham gia thảo luận và tham khảo ý kiến của những trí thức thật sự nặng lòng với đất nước để tự đặt lại câu hỏi : "Nếu vậy, thì cái gì, điều gì làm cho phong trào dân chủ ở Việt Nam chưa thành công ? Điều gì làm cho người dân không thể phản kháng và vẫn ngày ngày phải khổ sở đối mặt với bạo quyền và bị chà đạp quyền tự do như vậy ?"

Chỉ có thể lý giải bởi do chúng ta vẫn chưa có một tổ chức đối lập làm tụ điểm cho khát vọng dân chủ của đông đảo quần chúng nhân dân. Làn sóng dân chủ thứ tư vẫn đang tràn đến. Đây là khát vọng của con người. Từ Venezuala, Iran, Zimbabwe...Đà tiến về dân chủ vẫn mạnh dần. Chúng ta có lý do để hy vọng cho tình hình tại Việt Nam không ?

Tình hình chính trị xã hội của Việt Nam đang theo logic của một giai đoạn cuối. Đảng cộng sản Việt Nam đang phân rã vì nó không có thực chất, nó vẫn phải bám vào một thứ tư tưởng độc hại, một chất keo dính hết hạn là chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam tư tưởng. Thật buồn cười khi đảng cộng sản luôn tự hào có hơn 4 triệu Đảng viên trung thành lý tưởng tuyệt đối nhưng họ lại phải bỏ tiền để huy động một lực lương dư luận viên 10.000 người để "chống diễn biến, chống tự chuyển hoá". Đảng cộng sản phân rã vì tồn tại dựa vào sự phân chia lợi ích, chia chác tài nguyên và vốn xã hội. Nhưng lợi ích chỉ làm họ thêm chia rẽ. Chia rẽ đến nỗi không thể lấy quyết định dẫn đến việc biến chuyển nhanh hơn sang một hình thái độc tài cá nhân mà trong đó ông Nguyễn Phú Trọng- Một người vừa kém hiểu biết, vừa không có thực tài để lấy quyết định. Những vụ thanh trừng mang danh chống tham nhũng giải đáp hai vấn đề : xoa dịu quần chúng và nỗ lực cải tổ. Nhưng cái thứ nhất thì họ không làm được vì người dân Việt Nam đã quá mất niềm tin và chán nản với chế độ hiện thời. Cái thứ hai có thể nhìn ở nhiều góc độ, những nếu là góc độ cải tổ thì bài học của những xã hội Đông Âu hãy còn đó. Hồi cáo chung cho một chế độ độc tài sắp điểm khi nó bắt đầu nỗ lực tự sửa đổi.

Tình hình của Đảng cộng sản là vậy nhưng phong trào đối lập dân chủ ở Việt Nam vẫn chưa thể mạnh được. Chúng ta phải khẩn thiết nhận diện hiện tình xã hội. Đảng cộng sản Việt Nam đã chết, nó không còn là một chính đảng đúng nghĩa nữa. Chúng ta đang đối mặt với một chế độ độc tài bạo ngược, chưa bao giờ đặt một trọng lượng nào của lợi ích dân tộc vào các quyết định của họ. Nó sẽ phải sụp đổ theo đà tiến của làn sóng dân chủ tiếp nối và theo sự tất yếu của một chế độ biết phá hơn biết làm lợi cho dân. Tiên liệu được như vậy thì chúng ta phải nhận diện được sự khẩn thiết của việc đào sâu hơn vào tư tưởng và tham gia tổ chức chính trị. Cứu cánh của những người dân chủ là cố gắng mang lại tự do cho nhân dân Việt Nam. Để làm được điều đó, chúng ta quyết tâm mang lại dân chủ cho đất nước Việt Nam. Phong trào dân chủ chưa mạnh vì chúng ta vẫn chưa thực sự quý trọng nhau, chưa cùng đồng ý và hiểu giống nhau trên cùng một vấn đề. Trước khi bàn về phương pháp đấu tranh hay đường hướng thì chúng ta cần nhìn nhận lại những giá trị đạo đức căn bản, đặt lại những câu hỏi nền tảng cho bản thân để tránh ngộ nhận về mục tiêu tranh đấu của chúng ta.

"Mình có thực sự yêu nước không và muốn gì ? Mình tranh đấu trước hết vì tương lai đất nước hay trước hết vì tương lai của chính mình ? Dân chủ có đúng là một lý tưởng không hay đồng thời cũng là một danh nghĩa và một chiêu bài để đánh bóng mình ? Sự cao cả của một đời người là gì ? Là sự hiểu biết, là sống theo lẽ phải và phục vụ lẽ phải, là cố gắng góp phần cải thiện cuộc sống của đồng loại, trước hết là đồng bào mình, hay là được xưng tụng là anh hùng dân tộc, được có vai trò và địa vị lớn ? v.v."- Nguyễn Gia Kiểng

Chỉ sau khi đã trả lời một cách thực thà với chính mình những câu hỏi đó chúng ta mới có thể trả lời một cách nghiêm chỉnh câu hỏi bắt buộc : Phải đấu tranh như thế nào để đem lại dân chủ cho đất nước ?

Những câu hỏi nền tảng này tuy rất quan trọng nhưng không khó. Chỉ cần mỗi người tự đặt ra một cách thẳng thắn cho mình và trả lời một cách lương thiện thì tất cả mọi vấn đề chiến lược và chiến thuật đấu tranh cho dân chủ sẽ đều sáng tỏ và dễ dàng vì thực ra những giải đáp đều khá hiển nhiên. Khi cùng đồng ý với nhau về một lý tưởng tranh đấu thì chúng ta sẽ nhìn nhận nhau như anh em và cảm thấy quan điểm của mỗi người về con đường dân chủ cho Việt Nam không khác biệt nhau là bao nhiêu. Ông Nguyễn Gia Kiểng- Một trí thức nặng lòng với đất nước, đã đưa ra một qui ước sinh hoạt dân chủ như sau để phân biệt rõ ràng giữa "ta" và "họ", giữa những người dân chủ và đảng cộng sản :

Một là phải phân biệt rõ ràng giữa "ta" và "họ", ít nhất để nhận ra những người dân chủ, những chí hữu và anh em. Ta là những người tin tưởng hoàn toàn vào những quyền và giá trị qui định trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập được Liên Hiệp Quốc biểu quyết ngày 10/12/1948 và hai công ước đính kèm. Bản tuyên ngôn này không chỉ quan trọng ở nội dung của nó mà cũng quan trọng không kém ở ngay sự hiện hữu của nó. Sự kiện nó được Liên Hiệp Quốc biểu quyết thông qua như một tuyên ngôn phổ cập có nghĩa là không có một dân tộc nào chưa chín muồi cho dân chủ cả ; mọi dân tộc đều có thể và phải có ngay và có trọn vẹn những quyền tự do căn bản. Những quyền này lại chính là những quyền định nghĩa một chế độ dân chủ. Ta là những người đòi thể hiện ngay bây giờ và một cách trọn vẹn những quyền tự do đó. Họ là những người cầm đầu Đảng Cộng Sản muốn duy trì chế độ toàn trị và những người ủng hộ chế độ, dù là thực tình hay miễn cưỡng. Ở giữa là khối quần chúng mà chúng ta cần thuyết phục và động viên để đứng vào hàng ngũ dân chủ. Điều đáng mừng là khối quần chúng này trong tuyệt đại đa số đã ủng hộ lập trường dân chủ. Cần nhấn mạnh rằng đã gọi là quyền thì không thể nhân nhượng, ta có quyền và phải đòi chứ không xin, họ cướp đoạt quyền của chúng ta thì phải trả chứ không thể có thái độ cho. Dĩ nhiên cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ là cuộc đấu tranh bất bạo động và như thế sẽ phải qua những thỏa hiệp giai đoạn, nhưng thỏa hiệp là công việc của các tổ chức dân chủ chứ không phải của các cá nhân. Ở mức độ cá nhân thái độ duy nhất đúng là không nhân nhượng, là đòi hỏi mọi quyền, trọn vẹn và ngay tức khắc. Giữa ta và họ phải minh bạch. Họ gọi tên đảng của họ như thế nào, đưa ai lên làm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng là chuyện của họ. Ta có quyền nghĩ người này còn tệ hơn người kia nhưng không có vấn đề ta ủng hộ ai cả. Ta đòi quyền và họ phải trả, chừng nào họ vẫn chưa trả ta còn tiếp tục đấu tranh để buộc họ phải trả. Ta không cần xin và họ không được cho.

Hai là phải tôn trọng sự thực và lẽ phải trong mọi thảo luận và trao đổi, không xuyên tạc sự thực, không bẻ cong lý luận cũng không nhân nhượng với sự tồi dở trong bất cứ trường hợp nào. Chúng ta có thể lầm lẫn vì thiếu sót nhưng không thể vô lễ với sự hiểu biết và lý luận. Phẩm giá của những người dân chủ là như thế, nếu không họ chẳng là gì cả. Sức mạnh của phong trào dân chủ là như thế. Mọi cố ý xuyên tạc sự thực, bất chấp kiến thức và bẻ cong lý luận phải bị lên án nghiêm khắc.

Qui ước sinh hoạt này sẽ giúp mỗi người dân chủ nhìn ra những gì đáng được tôn vinh và những gì phải bị phê phán. Nó sẽ giúp phong trào dân chủ thể hiện được chính nghĩa của mình để có sức mạnh. Chúng ta hãy phục tùng lẽ phải để có sức mạnh vô địch của lẽ phải.

Trong tương lai gần thôi, Việt Nam sẽ có dân chủ. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại quê hương, đất nước. Những người dân chủ, những người đang khát khao thay đổi đất nước Việt Nam cần đào sâu hơn nữa vào tư tưởng chính trị và ý thức tham gia vào tổ chức chính trị để đẩy nhanh hơn một giải pháp chung cho đất nước.

Việt Dân

(12/1/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Dân
Read 1258 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)