Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/03/2018

Tại sao Đảng cộng sản Trung Quốc phong "Đế" cho Tập Cận Bình ?

Mai V. Pham

Chủ nhật ngày 10/3/2018, quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, với sự đồng thuận gần như tuyệt đối : 2.958 phiếu tán thành, 2 phiếu phản đối và 3 phiếu trắng. Như vậy, với sự sửa đổi hiến pháp đáng kể này, đảng cộng sản chính thức phong ngôi "Hoàng đế" cho Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc mãn đời.

B2C8G7

Tập thay Mao cai trị Trung Quốc mãn đời - Tranh biếm họa (AP/Alamy)

Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực

Đối với nhiều người, việc quốc hội Trung Quốc thống nhất bãi bỏ hạn kỳ Chủ tịch nước là kết quả được mong đợi, không ngạc nhiên sau hơn 5 năm thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình. Liên tiếp thanh trừng và loại bỏ các đảng viên cao cấp hoặc phe nhóm chống đối, Tập chứng tỏ được thủ đoạn và tham vọng quyền lực không giới hạn của mình. Kể từ năm 2013, sau một năm lên nắm quyền, ngoài thâu tóm chức vụ lãnh đạo của các ủy ban kinh tế hùng mạnh, Tập cũng tự phong cho mình đứng đầu các ủy ban về an ninh quốc gia và ngoại giao. Cụ thể, sau khi sáp nhập cảnh sát vũ trang vào quân đội, Tập Cận Bình, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương, nắm quyền lãnh đạo trực tiếp lực lượng này.

Bên cạnh đó, Tập còn tích cực đẩy mạnh bộ máy kiểm duyệt nhà nước, bịt mồm tiếng nói bất đồng chính kiến và xóa sạch thông tin ảnh hưởng tới hình ảnh của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Đáng sợ hơn, Tập còn phát động chủ nghĩa "sùng bái cá nhân", tự đánh bóng hình ảnh mình và sẵn sàng đàn áp bất cứ ai dám chỉ trích hoặc nhạo báng mình. Trong vài năm gần đây, nhiều sinh viên và nghệ sĩ đã bị bắt giữ vì mặc áo gọi Tập là "Xitler" ; vì đặt tên cho Tập là "steam bun Xi" (Tập bánh bao) ; và vì treo băng rôn : "Trung Quốc không cần Tập Cận Bình". Nhiều nhà báo còn bị kỷ luật, đình chỉ và thậm chí bị đuổi việc do viết sai tên Tập. Tờ South China Morning Post tường thuật một cư dân ở Yugan nói : "Người dân sẽ không được nhận tiền trợ cấp cho người nghèo nếu không thay thế ảnh tượng Kitô giáo bằng ảnh ông Tập".

xi2

Nhiều sinh viên và nghệ sĩ đã bị bắt giữ vì mặc áo gọi Tập là "Xitler" (ảnh Internet)

Sự tôn thờ và sợ hãi đối với Tập Cận Bình là điều kiện gần như là bắt buộc cho các đảng viên muốn thăng tiến trong sự nghiệp. Vì vậy, hầu như không có ai dám tỏ thái độ chống đối Tập.

Giáo sư Kerry Brown, giám đốc học viện Lau China tại King's College, Luân Đôn, và tác giả của cuốn "CEO, China : The Rise of Xi Jinping" nhấn mạnh : "Đã có nhiều sự phản đối vào thời Mao hơn thời nay. Thật kỳ quái bởi những hậu quả của sự chống đối vào thời Mao là rất lớn nhưng mọi người vẫn phản đối. Và thời nay, gần như là sự thinh lặng hoàn toàn".

Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Học viện SOAS China tại Đại học London, chia sẽ : "Sẽ là một hành động tự sát chính trị, tự sát sự nghiệp và có nguy cơ phá hủy nguồn thu nhập tài chính đối với bất cứ ai thực sự dám phản đối Tập Cận Bình".

Quyền lực khổng lồ và gần như tuyệt đối của Tập Cận Bình được thể hiện rõ qua các chức vụ : Tổng bí thư đảng cộng sản, Chủ tịch Ủy ban quân sự và Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Điều này còn được khẳng định trong cương lĩnh chính trị mới của đảng cộng sản :

"Đảng cộng sản Trung Quốc sử dụng Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Học thuyết Đặng Tiểu Bình, Học thuyết về Ba đại diện, về Tầm nhìn khoa học về sự phát triển và Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc trong kỷ nguyên mới làm hướng dẫn cho hành động".

Hiến pháp đã được thay đổi để phục vụ Tập. Quân đội và công an cũng đều dưới trướng Tập. Ủy ban thường vụ Bộ chính trị, cơ quan quyền lực nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc gồm 7 người, thì Tập là "lãnh đạo nòng cốt – hạt nhân" và có tiếng nói quyền lực nhứt. Quan trọng hơn, Tập còn tạo ra và là chủ tịch đứng đầu các Nhóm lãnh đạo Trung ương (Central Leading Groups) về an ninh quốc gia, ngoại giao, quan hệ Đài Loan, an ninh mạng, quốc phòng và cải cách quân đội, tài chính... Từ cơ quan địa phương đến trung ương tối cao. Từ đảng viên cơ sở đến đảng viên cấp cao. Tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của Tập. Vì thế, bất cứ thách thức nào đối với quyền lực lãnh đạo của Tập có thể bị qui tội phản bội.

Đảng cộng sản Trung Quốc cần Tập Cận Bình để tồn tại

Câu hỏi đặt ra là :

- Tại sao Tập Cận Bình, vốn đã 64 tuổi, lại tin rằng sự tập trung quyền lực vào thời điểm này là cần thiết, bất chấp nguy cơ của các cuộc khủng hoảng nội bộ và nhóm lợi ích mà Đặng Tiểu Bình đã phản đối bằng cách phân tán quyền lực thể hiện trong Hiến pháp 1982 ?

- Tại sao Đảng cộng sản Trung Quốc lại phong "Đế" cho Tập Cận Bình ?

Lý do thứ nhất : do khả năng và quyền lực gần như tuyệt đối mà Tập Cận Bình đã mưu mẹo thâu tóm và đang nắm giữ.

-       Chống tham nhũng : Thủ đoạn hơn những người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình xem nạn tham nhũng nghiêm trọng, phân hóa nội bộ và lợi ích nhóm là những thách thức đối với sự tồn vong của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tập đã lợi dụng chiến dịch diệt tham nhũng "Đả hổ diệt ruồi" để mạnh tay thanh trừng đối thủ cấp cao và thâu tóm quyền lực.

Tập nói : "Để giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng, chúng ta cần diệt cả hổ lẫn ruồi". Chiến dịch chống tham nhũng đã phần nào giúp khôi phục niềm tin của nhân dân vào Đảng cộng sản Trung Quốc.

-       Vành đai & Con đường (Belt & Road), được Tập Cận Bình công bố năm 2013, là sáng kiến lớn đầy tham vọng cho những dự án được Trung Quốc xây dựng hoặc tài trợ trên 65 quốc gia trải dài từ Nam Thái Bình Dương, qua Châu Á đến Châu Phi và Châu Âu. Những dự án này bao gồm khoan dầu tại Siberia ; xây cảng ở Đông Nam Á ; đường sắt ở Đông Âu ; và nhà máy điện ở Trung Đông. Chiến lược này chứng tỏ được tham vọng khổng lồ cũng như đường lối đối ngoại cứng cỏi và chủ động của Tập Cận Bình.

-       Khôi phục Khổng giáo : Tập tin rằng tư tưởng chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời nên không còn sức hấp dẫn người dân nữa vàchỉ có văn hóa truyền thống của Khổng Nho mới gắn kết mọi người lại với nhau để cùng thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa". Ngày 24/9/2014, Tập tham dự hội thảo Nho học nhân kỷ niệm 2565 năm sinh Khổng Tử và đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao nhất Trung Quốc góp mặt. Sự kiện này chứng tỏ được quyết tâm khôi phục Nho giáo của Tập Cận Bình.

Roderick MacFarquhar, Giáo sư Đại học Harvard và là nhà Trung Quốc học (China Studies) nổi tiếng nhận xét : "Từ thời Mao đến nay, chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào đẩy mạnh một chương trình trọn vẹn phục hồi các giá trị cũ và sức mạnh thô bạo của Đảng cộng sản Trung Quốc như Tập Cận Bình đang làm".

Triết lý của Khổng Tử khuyến khích "kẻ sĩ" – tầng lớp quan lại, cán bộ - dốc lòng thần phục tầng lớp cai trị - vua chúa. Văn hóa Nho giáo sản sinh ra những nô lệ hèn nhát, vô cảm, mù quáng phục vụ tầng lớp cai trị dù cho nó có hung bạo đến mấy. Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, Nho giáo đã thấm quá sâu vào tâm trí người dân. Lịch sử Trung Quốc là những chế độ phong kiến chuyên chế tôn sùng Khổng giáo bởi nó mang lại sự ổn định quan trọng cho tầng lớp cai trị. Tập Cận Bình nhận ra được Khổng giáo sẽ giúp mình duy trì quyền lực cá nhân lẫn sự ổn định của chế độ toàn trị, nên đã nỗ lực khôi phục Nho giáo để giáo dục và nhắc nhở các đảng viên và nhân dân phải tuyệt đối trung thành với chế độ và "lãnh đạo hạt nhân" của đảng cộng sản.

-       Tăng cường quyền lực mềm (soft power) : Kể từ khi nắm quyền, Tập Cận Bình xem vị thế của Trung Quốc trên chính trường thế giới là một trong những mục tiêu cao nhất. Chiến lược quyền lực mềm tập trung quảng bá hình ảnh Trung Quốc và đặc biệt tạo ra những ảnh hưởng chính trị nội bộ ở những quốc gia nhận tài trợ kinh tế từ Bắc Kinh. Đã có nhiều lời cảnh báo về tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc, được che đậy dưới danh nghĩa giáo dục và văn hóa như "Viện Khổng Tử".

Theo học giả David Shambaugh, Trung Quốc chi khoảng 10 tỷ USD mỗi năm để phát triển quyền lực mềm – là chi phí cao nhất trên thế giới cho quyền lực mềm. Lý tưởng "Giấc mộng Trung Hoa" của Tập – một phần quan trọng của chiến lược quyền lực mềm, gửi thông điệp tới thế giới rằng Trung Quốc chỉ tập trung phát triển kinh tế nhằm mang lại cuộc sống khá giả cho người dân và Trung Quốc không phải là một mối đe dọa đối với hòa bình và trật tự thế giới mới.

Tóm lại, Tập Cận Bình đã chứng minh với Đảng cộng sản Trung Quốc rằng mình không phải là người "tầm thường" : thực hiện các kế sách mà không một lãnh đạo tiền nhiệm nào dám làm và có thể làm. Quyền lực mà Tập đã thâu tóm được suốt hơn 5 năm đặt Quốc hội Trung Quốc vào vị trí mà nó không thể làm khác được, ngoài ngoan ngoãn phục tùng bằng cách hợp thức hóa tham vọng cai trị mãn đời của Tập.

Lý do thứ hai : để củng cố tính chính danh của đảng cộng sản và bảo vệ sự tồn vong của chế độ độc tài toàn trị.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô là một bài học vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc. Trong một bài phát biểu nội bộ bị rò rỉ năm 2012, Tập đã hỏi các đảng viên cao cấp : "Tại sao Liên bang xô viết tan rã ? Tại sao Đảng cộng sản xô viết sụp đổ ? Một nguyên nhân quan trọng là do tư tưởng và niềm tin của họ bị dao động".

Đối với Tập, nếu đảng cộng sản sụp đổ, đất nước Trung Quốc cũng sẽ sụp đổ. Vì thế, Tập thẳng tay đàn áp và loại bỏ bất cứ rào cản nào dám đe dọa sự lãnh đạo độc nhất của đảng cộng sản.

Tập cho rằng sự thất bại và sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô là vì thiếu vắng một lãnh đạo mạnh mẽ dám đứng lên chống lại quyết định của Gorbachev. Do đó, Tập tin rằng Đảng cộng sản Trung Quốc cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ (strongman) nắm mọi quyền lực để duy trì sự tồn tại của đảng.

Tách biệt đảng và nhà nước là một trong những di sản chính trị quan trọng của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi dưới thời Tập Cận Bình khi ông ta tin rằng tất cả mọi vấn đề mà Trung Quốc đang đối mặt từ tham nhũng, bộ máy chính phủ quan liêu, đến kinh tế suy thoái, đều là do vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản bị phá hoại. Vì thế, Tập đã đẩy mạnh sự kìm kẹp chặt chẽ của đảng cộng sản lên tất cả mọi khía cạnh của Trung Quốc : "Chính phủ, quân đội, xã hội và giáo dục cũng giống như phía bắc, phía nam, phía đông và phía tây. Nhưng ở trung tâm là đảng cộng sản. Đảng cộng sản lãnh đạo tất cả".

Ngoài bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ, Quốc hội Trung Quốc còn bổ sung vào Hiến pháp định nghĩa vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản : "là đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc". Đề xuất thay đổi Hiến pháp này nhằm tăng cường tính chính danh của đảng cộng sản.

Tập tin rằng những thách thức cam go mà Trung Quốc đang phải đối mặt không chỉ đòi hỏi một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, mà còn cần một đảng cầm quyền thống nhất và vững mạnh. Nói ngắn gọn, đảng cộng sản cần Tập để củng cố tính chính danh và Tập cũng cần đảng cộng sản để củng cố triều đại Tập Cận Bình.

Lý do thứ ba : tình hình thế giới hiện tại đặt chóp bu Đảng cộng sản Trung Quốc vào tình thế phải dựa vào Tập Cận Bình để kiên cố xây dựng "chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc".

Những sự kiện quan trọng gần đây như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đặc biệt sự trỗi dậy đáng lo ngại của chủ nghĩa dân túy ở nhiều quốc gia dân chủ giàu mạnh, là động lực khiến cho Đảng cộng sản Trung Quốc tìm cách duy trì sự ổn định của chế độ dựa vào lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng như Tập Cận Bình.

Giáo sư Kerry Brown phân tích : "Donald Trump đã khiến cho mọi người nghĩ rằng : Wow, đây là một thế giới thực sự không ổn định và khó dự đoán, mà có thể sẽ dẫn tới chiến tranh thương mại, và Trung Quốc cần sự lãnh đạo ổn định và có thể dự liệu được, để có thể giải quyết vấn đề này".

Ngày 4/3/2018, tại kỳ họp Lưỡng hội, Tập Cận Bình phát biểu trước quốc hội rằng các quốc gia khác nên học theo "mô hình hệ thống chính trị mới" của Trung Quốc bởi nó ngăn ngừa "sự luân chuyển quyền lực và cạnh tranh gay gắt giữa các chính đảng" ở các nước dân chủ. Thực tế hơn, phần lớn các đảng viên tin rằng tư tưởng mạnh mẽ của Tập sẽ mang lại sự ổn định và kéo dài tuổi thọ chế độ, giúp họ và gia đình tiếp tục nhận được những đặc lợi cần thiết từ chế độ.

Lý do thứ tư : nhằm bảo vệ quyền lực, bảo vệ bản thân cũng như loại bỏ mọi âm mưu lật đổ của phe nhóm chống đối.

Vào năm 2012 và 2017, có nhiều tin đồn rằng phe Giang Trạch Dân đã âm mưu thực hiện một cuộc đảo chánh. Mặc dù những tin đồn không dựa trên bất kỳ thông tin giá trị nào, Tập vẫn có hành động quyết định để củng cố quyền lực bằng cách vô hiệu hóa đối thủ của mình. Lợi dụng chiến dịch "Đả hộ diệt ruồi", Tập đã nhắm đến các nhà lãnh đạo dưới thời Giang Trạch Dân.

Trong một bài phát biểu năm 2015, Tập đã cáo buộc năm thành viên cao cấp về kế hoạch "âm mưu chính trị để phá hoại và chia rẻ đảng", nhắm đến những hoạt động đảo chánh. Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Lưu Sĩ Dư (Liu Shiyu) đã khẳng định về một cuộc đảo chính tại kỳ họp quốc hội vào tháng 10/2017, rằng một số đảng viên đã "lên kế hoạch cướp đoạt sự lãnh đạo của đảng và cướp quyền lực nhà nước".

Theo các chuyên gia, mặc dù có những cuộc đảo chánh đáng nghi ngờ, cuộc chiến tranh phe phái của nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc chắc chắn đã ảnh hưởng đến quyết tâm tăng cường và củng cố quyền lực của Tập. Thay đổi hiến pháp để Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc suốt đời cũng là thông điệp của Tập và phe nhóm gửi đến nhóm chống đối hãy biết thân phận, chấp nhận thần phục để được ban phát lợi ích. Còn ngược lại, sẽ chỉ gặp thất bại và bị tiêu diệt mà thôi.

xi3 

Tập buộc phải tìm cách để trở thành "hoàng đế" trọn đời (ảnh internet)

Cần lưu ý rằng, trong suốt quá trình thanh trừng đối thủ để thâu tóm quyền lực, Tập đã tạo ra quá nhiều kẻ thù. Vì thế, để bảo đảm sự an toàn cho bản thân, gia đình và phe nhóm thân cận, Tập buộc phải tìm cách để trở thành "hoàng đế" trọn đời.

Thay lời kết

Nhà văn nổi tiếng người Anh, George Orwell, đã sử dùng hình ảnh "Big Brother" Đại Ca/Anh Lớn trong tác phẩm lừng danh "1984" mô tả Joseph Stalin, một trong những nhà độc tài cộng sản tàn ác nhất trong lịch sử nhân loại. Người Anh Lớn sở hữu quyền lực tuyệt đối, có đầu óc và luôn hiện diện ở khắp mọi nơi theo dõi mọi hoạt động và suy nghĩ của người dân. Tham vọng kinh hoàng của Big Brother là tạo ra một tầng lớp người cống hiến trọn vẹn tình cảm của mình cho tư tưởng, mục tiêu của đảng cộng sản và tiêu diệt những ai chối từ đặt đảng trong trái tim họ.

Quyền lực và tham vọng của Tập Cận Bình cũng không khác lắm so với Big Brother. Chắc chắn Đảng cộng sản Trung Quốc biết được mối nguy khi phụ thuộc quá nhiều vào Tập Cận Bình, nhưng có lẽ nó không có một sự lựa chọn nào tốt hơn và không thể nào làm khác được.

Năm 1980, Đặng Tiểu Bình, người được chọn để kế tục Mao Trạch Đông, kêu gọi sự tách biệt quyền lực giữa đảng cộng sản và nhà nước, nhằm chống lại sự tập trung quyền lực quá lớn vào một cá nhân vì dễ dẫn tới sự cai trị độc đoán. Nhưng Tập đảo lộn tất cả. Tập "lên voi" trở thành "Hoàng đế", đảng cộng sản "xuống chó" thành nô lệ phục tùng.

Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng sự chuyển hóa từ độc tài tập thể sang độc tài cá nhân thường tạo ra nhiều bất ổn, xung đột và chế độ dễ bị rạn nứt, sụp đổ. Về cơ bản, sinh mạng của một chế độ độc tài có thể được kéo dài nếu nó được lãnh đạo bởi một đảng phái chấp nhận hoạt động với nhau để duy trì quyền lực. Khi có xung đột hoặc khủng hoảng, chính đảng này đóng vai trò là trung tâm điểm cho các cuộc đàm phán, thỏa hiệp trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo mới và giảm được hỗn loạn cũng như nguy cơ đảo chính. Ngược lại, chế độ độc tài cá nhân không có được lợi thế đó bởi sự cạnh tranh quyền lực và chia rẽ giữa những kẻ dưới trướng kẻ độc tài là rất lớn. Hiện tại, ở Trung Quốc, cái xác khô mang tên "đảng cộng sản" đang thần phục kẻ độc tài họ Tập.

Nhìn từ bên ngoài Trung Quốc có vẻ ổn định và đang phát triển như mong đợi. Nhưng trong thực tế, triều đại Tập Cận Bình đang đau đầu với vô số vấn đề nhức nhối ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ : ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu nước, đói nghèo ở nhiều nơi, mất cân bằng giới tính, khoản nợ khổng lồ của các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước, bất ổn ở các khu tự trị, số người thất nghiệp thành thị và nạn tham nhũng. Những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn của Trung Quốc lớn hơn những gì người ta có thể nhìn thấy. Đã thế còn thêm độc tài cá nhân. Rủi ro chồng chất ! Hiểm nguy giăng đầy !

"Ở một chế độ dân chủ, sẽ có nhiều than phiền, chỉ trích, nhưng ít khủng hoảng. Ở một chế độ độc tài, sẽ có nhiều sự thinh lặng, nhưng lại rất nhiều đau khổ".

Mai. V. Pham

(16/03/2018)

Tham khảo :

http://time.com/5195211/china-xi-jinping-presidential-term-limits-npc/

http://www.businessinsider.com/xi-jinping-ended-term-limits-because-of-failed-coup-2018-3?r=UK&IR=T

http://www.xinhuanet.com/english/2018-03/05/c_137015955.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 4687 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)