Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

20/02/2017

Một suy nghĩ khác về "Cú Lừa Thế Kỷ" của ông Nguyễn Gia Thưởng

Sơn Dương

Bài viết ký ngày "Đầu năm Đinh Dậu 2017" có tựa đề : "Tổ Quốc Ăn Năn : một lừa đảo thế kỷ" được ông Nguyễn Gia Thưởng đăng trên trang mạng đã ăn cắp được của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đưa ra 12 thí dụ tiêu biểu để khẳng định "Tổ Quốc Ăn Năn chính là bản sao của quyển Le Mal Français. Một bản sao như một cặp song sinh : anh là người Pháp, em là người Việt !".

tqan1

Nguyễn Gia Kiểng và Tổ Quốc Ăn Năn 

Lời Tòa Soạn của trang mạng này tri hô : "Đọc xong Le Mal Français của Alain Peyrefitte, độc giả sẽ thấy Tổ Quốc Ăn Năn chính là bản sao của quyển Le Mal Français. Một bản sao như một cặp song sinh : anh là người Pháp, em là người Việt !

Đây là một bằng chứng tố cáo một vi phạm đạo đức, vi phạm luân lý và lương tâm của người cầm bút. Tác giả Tổ Quốc ăn Năn đã mượn toàn bộ ý tưởng của quyển Le Mal Français của Alain Peyrefitte và đem xào nấu vào trong tiếng Việt. Ông đã đánh cắp hầu hết ý tưởng và câu văn trong cuốn sách này. Và ngay cả cách bố cục và lối hành văn cũng được tác giả nhập tâm một cách kỹ lưỡng và sao chép không hề ngần ngại, không hề ngượng ngùng. Nói tóm lại, ông đã phạm tội đạo văn !".

Đọc Lời Tòa Soạn của ban biên tập dù không ai không khỏi nghi ngờ ông Thưởng cũng là người viết Lời Tòa Soạn, người đọc cảm thấy đây là một ban biên tập bất thường. Tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn của ông Nguyễn Gia Kiểng trưng dẫn một khối tài liệu khổng lồ, được viết bằng một mạch luận mạnh mẽ chưa từng có của của một con người độc lập, triệt để đánh giá lại toàn bộ lịch sử nước nhà, văn hóa, tâm lý, các giá trị xã hội hằng tôn thờ, các phong tục, tập quán, đạo đức, triết lý, kinh tế… tức mọi mặt của đời sống dân tộc, quốc gia vốn đã góp phần làm nên một đất nước Việt Nam thất bại như ngày hôm nay nhưng được ông Thưởng trưng ra chỉ 12 bằng nhưng không có chứng để quy chụp, vu khống, xúc phạm, đánh phá uy tín tác giả Nguyễn Gia Kiểng.

Mọi bằng chứng của ông Thưởng sẽ hụt hẫng nếu bạn đọc gạt bỏ tiền đề đã được khẳng định trước của ông Thưởng rằng cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn là bản sao của cuốn Le Mal Francais của ông Alain Peyrefitte" và chỉ được dùng cuốn Le Mal Francais để tham khảo. Nếu có nhiều tác phẩm khác của vô số tác giả khác cũng nói về 85 đề tài nóng bỏng và khẩn cấp về con người và đất nước hôm nay cả bằng Việt ngữ, Pháp ngữ và Anh ngữ, Nhật ngữ… được nêu lên trong Tổ Quốc Ăn Năn thì là vấn đề khác không nên xét đến !

Bài viết xin này tập trung vào 12 bằng chứng ông Thưởng cho là "đạo văn" mà ông cho là đã vi phạm đến đạo đức, luân lý và lương tâm người cầm bút của thế kỷ này.

"Đạo văn" (plagiarism) là hiện tượng xảy ra trong các trường đại học khi sinh viên hết ý, không có ý, không đọc tài liệu, lười biếng đã sao chép (thường là copy, cut), sửa đổi đôi chút các ý tưởng, câu cú từ những nguồn tham khảo không được ghi rõ xuất xứ rồi paste (in vào) bài nghị luận hay tranh luận của mình. Tất cả các trường đại học đều có răn đe các sinh viên về nạn "đạo văn", dù "đạo văn" không chỉ xảy ra ở các trường đại học.

Trường đại học Oxford (Anh Quốc) định nghĩa đạo văn ngắn gọn : Đạo văn là lấy công trình [tác phẩm] hay ý tưởng của người khác, bất chấp có sự đồng ý hay không đồng ý của họ hay không đưa vào làm công trình riêng của mình mà không ghi nhận đầy đủ nguồn xuất xứ

[Plagiarism is presenting someone else"s work or ideas as your own, with or without their consent, by incorporating it into your work without full acknowledgement (web Oxford University/academic matters)].

Trường Oxford đưa ra một 7 thí dụ để sinh viên hiểu thế nào là đạo văn. Bạn đọc có thể vào web đã nêu trên nếu muốn tìm hiểu, nhưng vì giới hạn của bài viết này không thể trích lại được vì quá dài. Người viết chỉ xin ghi nhận điều quan trọng nhất trong trường thi là cần phải ghi nguồn xuất xứ khi sử dụng tài liệu của người khác.

Trường thi là thế, trong trường đời cũng có lắm những trường hợp đạo văn ly kỳ mà thời sự tiêu biểu nhất là trường hợp bà đương kim đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melanie Trump đã bị tố giác "đạo văn" một đoạn của bà nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, bà Michelle Obama, được phát biểu trên cùng một sân khấu chính trị, chỉ khác thời gian, là Đại hội Đảng Cộng Hòa Toàn Quốc Hoa Kỳ.

Ngày 18/7/2016, bà Melanie Trump đọc diễn văn vận động cho chồng là ông Donald Trump nhân ngày Đại Hội đảng Cộng Hòa Toàn quốc tại Cleveland, Ohio.

Trong một đoạn bà Trump nói : "My parents impressed on me the values that you work hard for what you want in life ; that your word is your bond and you do what you say and keep your promise ; that you treat people with respect".

Tạm dịch : Phụ thân của tôi đã khắc ghi trong tôi những giá trị rằng bạn phải làm việc hết sức cho những gì bạn muốn trong cuộc đời ; rằng lời nói của bạn là sự cam kết và bạn làm những gì bạn nói và giữ lời hứa ; rằng bạn phải kính trọng mọi người".

So với một đoạn trong bài phát biểu của bà Michelle Obama cũng nhân ngày Đại hội Đảng Cộng Hòa Toàn quốc năm 2008 :

"And Barack and I were raised with so many of the same values : that you work hard for what you want in life ; that your word is your bond and you do what you say you're going to do ; that you treat people with dignity and respect, even if you don't know them, and even if you don't agree with them".

Bạn đọc có thể chấm điểm bà Trump có đạo văn bà Obama hay không dựa trên định nghĩa của trường Oxford nhưng phe bà Trump và ông Trump phản đối tố giác bà Trump đã đạo văn vì bà Trump chỉ sử dụng từ ngữ thông dụng (common words) chứ không có ý đạo văn bà Obama.

Cũng cần lưu ý ở đây cả hai nhân vật trên cùng sử dụng Anh ngữ, sự đạo văn dễ nhận ra giữa các từ ngữ, câu cú, ý tưởng hai đoạn của hai bài nói chuyện. Khác biệt ngôn ngữ chắc chắn sẽ gây tranh cãi hơn vì còn phải dựa vào tính chuyên môn của người phiên dịch. Yếu tố "đệ tam nhân" làm cho sự trung thực của bài đọc, bài viết phải được xem xét lại vì có nhiều trường hợp như người ta nói "dịch là giết". Đặc biệt là khi người dịch có ý gian xảo chọn lựa, thêm thắt các từ ngữ sao cho ăn nhập với kết luận chủ ý của người dịch.

Xét đến 12 bằng chứng do ông Nguyễn Gia Thưởng đưa ra, tính trung thực của các bằng cớ đã có vấn đề lớn vì ông Nguyễn Gia Thưởng đã để lộ ra xúc cảm cá nhân vượt quá tính chuyên môn của người phiên dịch. Nhưng ta hãy tạm chấp nhận các phần "tạm dịch" của ông Nguyễn Gia Thưởng và tạm nhận trên cõi đời này chỉ có hai cuốn Le Mal FrancaisTổ Quốc Ăn Năn viết về các vấn đề Việt Nam tương tự. Sự tạm nhận rất là miễn cưỡng vì giữa "Người Pháp xấu xí" thì có ăn nhập gì đến "Tổ Quốc Ăn Năn" nhưng nếu không có sự tạm nhận miễn cưỡng này, các bằng chứng ông Thưởng đều không đáng suy nghĩ.

Thí dụ 1 :

1. Le Mal Français : page 12 – Que la France fût continuellement malchanceuse, j'en acquis très tôt la conviction. L'histoire qu'on nous enseignait m'en fournissait les tristes preuves.

- Dịch : Tôi đã sớm xác định được rằng nước Pháp thường xuyên gặp sự không may. Môn sử mà chúng ta học đã cho tôi hàng loạt bằng chứng buồn lòng.

- Tổ Quốc Ăn Năn : trang 211 - (Dừng chân nghĩ lại) - Nhân nói về cuộc Nam tiến, cũng cần nhận định rằng lịch sử nước ta có cái gì đó thực u uất. Trong suốt quá trình mở nước và dựng nước của ta hình như các biến cố trọng đại lúc nào cũng khởi đầu từ những sự không may.

Người tinh ý sẽ thấy phần dịch Việt ngữ đã bỏ mất câu "j'en acquis très tôt la conviction". Dù không phải là người thông thạo tiếng Pháp nhưng tôi nghĩ câu này nếu có lợi cho ý đồ của ông Nguyễn Gia Thưởng thì ông đã không bỏ qua câu này. Câu này có nghĩa "tôi đã nhận ra rất sớm xác tín này". Câu này ông Thưởng không tìm thấy trong đoạn văn của ông Kiểng và vì không có lợi cho khẳng định của mình nên ông Thưởng cho qua phà. Yếu tố khách quan và chuyên môn của người dịch phải được đánh giá nghiêm khắc ở đây.

Dù vậy, bạn đọc khách quan cũng nhận thấy cách lập luận hai đoạn văn này giữa hai tác giả chẳng có ăn nhập gì với nhau ngoài danh từ "sự không may". Danh từ "sự không may" tự nó không phải là một đặc ngữ, một bí ẩn ngữ cao siêu mà nhiều người khác không biết đến để khi diễn tả một ý tưởng tương tự, chỉ có thể bị tội ăn cắp của ông Peyrefitte.

Ông Nguyễn Gia Thưởng không màng đến xuất xứ của các nhận định đã được tác giả Nguyễn Gia Kiểng xác nhận trong các thí dụ trên. Thí dụ (2) là một giáo sư người Pháp, thí dụ (5) là người Hòa Lan và thí dụ (7) là Napoléon I. Ông Thưởng quá hăng hăng quy chụp ông Kiểng nên đã không quên mất nguồn xuất xứ đã được chỉ ra.

Thí dụ 2 :

2. Le Mal Français : page 14 - "la France enjuivée, revenu au temps de Dreyfus". "Les Français ne s'aiment pas", me disais-je.

- Dịch : Nước Pháp Do Thái hóa, lui về thời Dreyfus. Tôi tự nhủ : "Người Pháp không yêu thương nhau".

- Tổ Quốc Ăn Năn : trang 71 - "Ông kể lại rằng khi ông còn trẻ vừa tới Pháp du học, một giáo sư người Pháp có kinh nghiệm nhiều về Việt Nam đã nói về người Việt Nam rằng : "Ils ne s'aiment pas" (người dịch : Họ không yêu thương nhau).

Thí dụ 3 :

3. Le Mal Français : page 48 - Un peuple dégoûté de l'histoire. "Les Français se considèrent comme un peuple en décadence, sinon comme un peuple fini… Ils sont malades de ce que j'appellerais le dégoût de l'histoire". Le sursaut pouvait-il venir de ce peuple résigné ?

Dịch : Một dân tộc chán ghét lịch sử. "Người Pháp tự coi mình là một dân tộc suy thoái nếu không gọi thẳng ra là một quốc gia đã hết thời... Theo tôi, họ mắc phải căn bệnh ghê tởm lịch sử". Một dân tộc đã buông xuôi như vậy liệu có thể nào bừng tỉnh được không ?

Tổ Quốc Ăn Năn : trang 117 và 118 - Chính vì thế mà chúng ta luôn luôn thụ động để cho thực tế xô đẩy chứ không chủ động việc tổ chức tương lai của mình. Quan tâm về lịch sử, nghĩa là ý niệm quốc gia, đã tới chậm như vậy lại không được coi trọng. Sử bị bỏ rơi trong hơn hai thế kỷ… Cuối cùng chúng ta không biết rõ lịch sử của chúng ta, mà còn bị tiêm nhiễm những nhận định rất lệch lạc.

Hai đoạn văn độc lập với nhau từ ý tưởng, ngôn ngữ diễn đạt và cả câu cú. Đây là một thí dụ tiêu biểu về sự cưỡng ép thô bạo của ông Thưởng để ghép ông Kiểng vào tội đạo văn.

Thí dụ 4 :

4. Le Mal Français : page 104 - Louis XIV n'avait d'autre grand dessein que faire ployer le genou aux princes et aux nations : il dévastait les Flandres, la Hollande, le Palatinat, les pays Rhénans, le val d'Aoste ; il bombardait Gênes et Bruxelles ; il forçait les autres États à reconnaître le présénce des ambassadeurs de France ; il humiliait le pape Alexandre VII ; il rompait les traités, il ne donnait sa parole que pour la reprendre.

Dịch : Vua Louis XIV không có tham vọng nào khác hơn là bắt các ông hoàng và các quốc gia quì gốiÔng ta tàn phá xứ Flandres (n.d. : một phần của Hà Lan), Hà Lan, đất vương công Palatinat (n.d. : một phần của Đức), xứ Rhénans (n.d. : một phần của Đức), xứ Val d'Aoste (n.d. : một phần của Ý), dội pháo thành Gênes et Bruxelles, buộc các nước khác phải nhượng bộ Đại sứ Pháp, ông ta hạ nhục Giáo hoàng Alexandre VII, phá hủy các hiệp ước, hứa hẹn chỉ để rồi nuốt lời (tráo trở, lật lọng).

Tổ Quốc Ăn Năn : trang 157 và 167 - Nguyễn Huệ là một con người hung bạo đánh tất cả mọi người : đó là một sự thực… Nguyễn Huệ dùng bạo lực và sự tráo trở trong mọi trường hợp đối với bất cứ ai có khả năng trở thành một đối thủ… Nguyễn Huệ tiêu biểu cho những giá trị mà chúng ta cần đánh đổ : võ biền, độc đoán, hung bạo, lật lọng trái ngược với những giá trị ta cần phát huy. (Chú thích : Tác giả đã hoán chuyển nhân vật Louis XIV thành vua Quang Trung).

Vua Louis XIV và vua Nguyễn Huệ chắc chắn không thể là anh em song sinh để có thế hoán chuyển người này sang người khác. Một người có nguồn gốc quý tộc, lên ngôi vua khi mới 4 tuổi thì có gì giống với hoàng đế Nguyễn Huệ phải gây đao binh để lập nghiệp đế vương ? Những khó khăn chính trị, cai trị, trấn áp đối thủ… hoàn toàn là đặc thù của quốc gia sở tại sao lại có thể hoán đổi với nhau làm một được ?

Bằng chứng đạo văn hung hồn có tính thế kỷ của ông Thưởng là hai tính từ tráo trở, lật lọng mà dựa vào đó ông Thưởng khẳng định ông Nguyễn Gia Kiểng đã "hoán chuyển nhân vật Louis XIV thành vua Quang Trung" ! Khổ nỗi hai từ lật lọng, tráo trở được đóng trong ngoặc đơn, là sáng tác của ông Thưởng chứ không phải của ông Peyrefitte ! Trong những thí dụ khác, ông luôn mở ngoặc đơn để viết (n.d.) tức người dịch để tách ra khỏi tác giả, nhưng trong đoạn này ông phá lệ. Ông ngầm tạo ra cảm nhận chính tác giả Peyrefitte đã viết như thế. Có thể có bạn đọc không để ý đến tiểu tiết gian xảo này nhưng về mặt phiên dịch chuyên môn, đây là một lỗi không thể tha thứ. Xét theo trích dẫn Pháp văn của ông Thưởng, không có từ nào là lật lọng tráo trở trong nguyên tác. Ông Thưởng phải "kiếm thêm" để ghép cho ăn nhập với từ lật lọng, tráo trở được ông Nguyễn Gia Kiểng mô tả tính khí của vua Quang Trung trong tiểu luận này. Việc gán ghép thêm nỗi lòng cá nhân của ông Thưởng qua chứng minh trên cho thấy ông Thưởng thiếu hẳn lòng tự trọng và tính trung thực của một người công chính. Ông Thưởng cũng đã thiếu sự kính trọng đối với tác giả Peyrefitte.

Nếu có chăng trường hợp ông Nguyễn Gia Kiểng chỉ đọc mỗi một cuốn Le Mal Francais rồi viết được cuốn Tổ Quốc Ăn Năn với 618 trang và 82 tiểu luận (!) thì người ta chỉ có thể nói nhân vật Louis XIV đã gây cảm hứng, kích thích, thúc đẩy một tác giả viết về một tiểu luận mới. Viết một tiểu luận mới lấy cảm hứng từ một tác giả không phải là đạo văn, đạo ý mà nó là sáng tạo một tác phẩm mới. Nhưng đã có bằng chứng nào để nói ông Kiểng đã lấy cảm hứng từ cuốn Le Mal Francais, khi một nhân vật lịch sử như vua Louis XIV phải có hàng chục, trăm tác giả viết về ông vua này cứ gì chỉ ông Peyrefitte. Trước Louis XIV đã có các vô số các vua gian ác như Nero của La mã, có Trụ Vương, Tần Thủy Hoàng của Tàu, có Stalin của Nga và có Mao Trạch Đông… thì ai có thể khẳng định ông Nguyễn Gia Kiểng lấy cảm hứng từ Louis XIV ? Mới đây trên đài truyền hình SBS Úc châu đã chiếu một phim tài liệu nhiều tập về cuộc đời Vua Louis XIV. Chẳng thấy có ghi nhận công ơn trời biển của ông Peyrefitte trong bộ phim này.

Thí dụ 5 :

5. Le Mal Français : page 136 - "Dieu a créé la terre mais les Hollandais ont créé les Pays Bas". Vieux dicton hollandais.

- Dịch : "Thượng đế đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hòa Lan đã làm ra đất nước Hòa Lan" - tục ngữ cổ Hòa Lan.

- Tổ Quốc Ăn Năn : trang 31 - Người Hòa Lan thường tự hào : "Thượng đế đã tạo ra thế giới, nhưng chính chúng tôi đã làm ra đất nước này".

Thí dụ 6 :

6. Le Mal Français : page 138 - Elle possède certaines des plus puissantes sociétés mondiales : la Royal Dutch Shell, Unilever. L'empire industriel et commercial de Philips qui donne du travail à plus de 250.000 personnes en divers pays.

Dịch : Nước này (n.d : Hòa Lan) sở hữu nhiều công ty hùng mạnh trên trường quốc tế như Royal Dutch ShellUnilever. Đế chế công nghiệp và thương mại Philips tạo công ăn việc làm cho 250.000 người tại nhiều quốc gia.

Tổ Quốc Ăn Năn : trang 31 - Các công ty lớn của Hòa Lan như PhilipsRoyal DutchUnilever có chi nhánh trên khắp các lục địa và tại tất cả các quốc gia phát triển.

Thí dụ 7 :

7. Le Mal Français : page 138 - Une nation de boutiquiers - "C'est une nation de boutiquiers" disait avec dédain Napoléon.

- Dịch : Một quốc gia chủ tiệm - Napoléon đã từng nhận xét với thái độ miệt thị (n.d : về nước Anh) : "Đó là một quốc gia của mấy người chủ tiệm".

-Tổ Quốc Ăn Năn : trang 398 và 399 - Anh : một dân tộc bán tiệm. Napoléon I có lần nhận định một cách không mấy nể nang người Anh là một "dân tộc bán tiệm" (un peuple de boutiquiers).

Ba "bằng chứng" này không thể áp dụng định nghĩa đạo văn theo trường đại học Havard được. Xuất xứ của thông tin đã được tác giả ghi nhận.

Thí dụ 8 :

8. Le Mal Français : page 139 - Le miracle suisse - La Suisse n'est pas mieux dotée par la nature que les Pays-Bas. Elle est un peu plus grande, mais si montagneuse que la moitié de son territoire ne permet ni culture ni même élevage. Pas de sources d'énergie, si ce n'est hydraulique. Pas, ou presque, de minerais.

- Dịch : Phép màu Thụy Sĩ - Thiên nhiên không ưu đãi Thụy Sĩ hơn so với Hòa Lan. Rộng lớn hơn một chút, nhưng nhiều núi non mà quá nửa diện tích không thể trồng trọt hay thậm chí chăn nuôi. Không có nguồn năng lượng nào, ngoại trừ thủy điện. Hầu như không có khoáng sản.

- Tổ Quốc Ăn Năn : trang 405 - Như Thụy Sĩ, quốc gia nhỏ bé và bị quên lãng trong nhiều thế kỷ, không có bờ biển, không tài nguyên thiên nhiên, lại thêm núi non trùng điệp, vậy mà đã trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới.

Đây là kiến thức phổ thông được giảng dạy từ cấp trung học nói về Thụy Sĩ, Hòa Lan, kể cả Nhật Bản, Đại Hàn là những quốc gia không có ưu đãi thiên nhiên, ít tài nguyên, nhưng đã biến sự thua kém thiên nhiên thành sức bật để vươn lên hàng cường quốc trung bình trên thế giới. Nó không phải là kiến thức mới mẻ mà đã có trong giáo trình môn Sử Địa bậc trung học tại miền Nam trước năm 1975. Những thông tin này không phải vừa mới được ông Peyrefitte tìm thấy ngày hôm qua để ông Nguyễn Gia Kiểng phải đạo ý mới mẻ này của tác giả Le Mal Francais.

Xin lạm bàn một chút về kiến thức phổ thông. Kiến thức là gì nếu không phải là những gì tồn đọng lại trong ký ức của một người sau khi đã tiêu hóa hết thông tin ? Số lượng thông tin ít nhiều do sự tiếp thu của cá nhân và trở thành kiến thức cá nhân. Nó là tài sản học thức cá nhân. Tài sản tinh thần là một phương tiện căn bản để giúp một người có thể dựa vào đó thi thố với đời. Trên mặt cá nhân, giải quyết những khó khăn cá nhân để mưu tìm hạnh phúc và trên mặt xã hội, giải quyết những khó khăn chung của xã hội để đóng góp phần mình vào sự thăng tiến phồn vinh của xã hội. Tài sản tinh thần của một người là kết quả tích lũy kinh nghiệm sống của hàng ngàn thế hệ trước đó. Trong kiến thức của mỗi cá nhân có món nợ kinh nghiệm hàng ngàn năm của tiền nhân. Một câu viết, một câu nói của cá nhân đương đại phản ánh cả một tiến trình tiến hóa hàng ngàn năm về mặt ngôn ngữ của con người. Trong mỗi nhân dạng của con người hôm nay có hình bóng của hàng ngàn thế hệ động vật tiến hóa trước đó. Vậy chỉ có những kiến thức thông tin độc nhất, xuất chúng nhất và riêng biệt nhất mới nên thể được vinh danh ghi nhận. Những kiến thức đã được coi là phổ thông không thể có truy tìm xuất xứ và rất nhiều khi không tìm ra xuất xứ. Khi nói về sự hợp quần gây sức mạnh, một cây làm chẳng nên non, người Anh Mỹ nói "một con se sẻ không làm nên mùa hè" (a sparrow does not make a summer) nhưng người Việt Nam ta sẽ nói "một con én không làm nổi mùa xuân" . Một nhận xét thông thường được diễn tả bằng ngôn ngữ khác nhau, vậy ai đã đạo văn, đạo ý của ai trong câu nói trên ?

Kiến thức phổ thông các về Hòa Lan, Thụy Sĩ, Đại Hàn, Nhật Bản… đều có một một đặc tính là nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên nhưng đã vươn lên thành cường quốc kinh tế, không phải do một cá nhân ông Alain Peyrefitte tìm ra mà mọi người dùng đến những từ ngữ thông dụng đều là bị ông Thưởng cho là đạo văn.

Thí dụ 9 :

9. Le Mal Français : page 320 - Il n'y a sans doute pas de pays au monde où les diplômes soient mieux respectés et leur validité aussi persistante.

- Dịch : Có lẽ không có nước nào trên thế giới mà người ta lại tôn thờ bằng cấp như vậy và bằng cấp lại có giá trị bền bỉ đến thế.

- Tổ Quốc Ăn Năn : trang 52 và 53 - Hình như đối với người Việt bằng cấp là quan trọng nhất, và một con người trước hết được đánh giá qua những bằng cấp mà mình có. Bằng quí như thế nên tôi đã từng thấy những người "chơi bằng". Họ có đủ loại bằng cấp… Bằng cấp đối với người Việt vì vậy có một tầm quan trọng rất đặc biệt.

Hai đoạn này không thể song sinh được xét về mặt ngôn ngữ diễn đạt một khía cạnh tâm lý xã hội tương đồng. Khi chuyển dịch lại đoạn tiếng Việt trong thí dụ này sang tiếng Pháp người đọc sẽ thấy rõ ràng sự khác biệt về ngôn ngữ và ý tưởng. Tâm lý yêu chuộng bằng cấp là tâm lý xã hội của nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Pháp và Việt Nam. Nó là một tâm lý thông thường trong một xã hội đóng kín trong đó bằng cấp chứ không phải kiến thức được dùng làm thước đo khả năng hiển đạt vinh thăng xã hội của một người. Riêng xã hội Việt Nam thì từ ngày xưa đã câu dân gian "chẳng tham ruộng cả ao điền, tham vì cái bút cái nghiên anh đồ" mà ngày tâm lý này đã phát triển tột đỉnh đưa đến tệ nạn mua bán, gian lận bằng cấp đã tràn ngập xã hội và guồng máy nhà cầm quyền Việt Nam. Vậy tác giả Nguyễn Gia Kiểng không thể nói đến tệ trạng xã hội rộng khắp này ở Việt Nam mà không bị quy chụp ăn cắp ý tưởng của một người khác ?

Thí dụ 10 :

10. Le Mal Français : page 414 - Ignorance de la géographie et de l'histoire. Que "le Français ignore la géographie" était passé en proverbe chez les étrangers.

- Dịch : Dốt nát về địa lý và lịch sử - Bảo rằng "người Pháp dốt đặc về địa lý" đã thành câu tục ngữ cửa miệng của người nước ngoài.

- Tổ Quốc Ăn Năn : trang 118 – Quan tâm về lịch sử, nghĩa là ý niệm quốc gia, đã tới chậm như vậy lại không được coi trọng mà còn bị tiêm nhiễm những nhận định rất lệch lạc.

Về mặt "đạo văn, đạo ý", nếu dịch các đoạn của tác giả Tổ Quốc Ăn Năn ra Pháp văn sẽ thấy sự khác biệt trong lập luận, ý tưởng và văn ý của ông Nguyễn Gia Kiểng so với tác giả Le Mal Francais.

Tâm lý, văn hóa thiếu quan tâm đến lịch sử và địa lý xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới không chỉ ở Việt Nam. Sự coi thường hai lãnh vực này tác động bao nhiêu đến xã hội là nhận định riêng của những cá nhân hằng trăn trở thao thức vì các bế tắt của xã hội. Bạn có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng không thể nói đó là sự sao chép lại quan điểm của một người hay nhiều người có cùng nhân định tương tự. Phải chăng chỉ vì ông Peyrefitte nói về nhận xét riêng của ông trên xã hội Pháp, mà không một người Việt Nam nào có thể nhận xét độc lập về xã hội của mình mà không bị gán ghép là cóp nhặt của người khác ? Nghĩ rằng một dân tộc xuất hiện lâu đời đã hàng ngàn năm nhưng không có được nhiều người có thể độc lập tư tưởng, suy nghĩ và can đảm đánh giá lại tác động của những giá trị xã hội tôn vinh hay thiếu sót đã đưa xã hội đến lụn bại như ngày hôm nay như tác giả Nguyễn Gia Kiểng là mặc cảm tự ti, nô lệ tư tưởng thấp kém của những người như ông Thưởng.

Thí dụ 11 :

11. Le Mal Français : page 414 – Ignorance de la géographie et de l'histoire. Nous répugnons à admettre des progrès évidents. Nous vivons sur des stéréotypes anciens, sans nous demander s'ils ne sont pas devenus désuets. Par exemple : "Les Français ne lisent pas". On cite une vieille statistique, toujours la même, d'avant le livre de poche.

- Dịch : Ngu dốt về địa lý và lịch sử. Chúng ta không chịu thừa nhận sự tiến bộ hiển nhiên. Chúng ta sống theo những khuôn mẫu cũ mà không tự hỏi xem nó đã lỗi thời hay chưa. Ví dụ như "Người Pháp không chịu đọc" : Họ cứ nhai đi nhai lại mãi những con số thống kê cũ rích, từ cái thuở sách bỏ túi còn chưa ra đời.

- Tổ Quốc Ăn Năn : trang 107 và trang 109 - Phải nhìn nhận một sự thực đau lòng : chúng ta là một dân tộc không biết đọc, không biết viết và không biết nói. Người Việt không biết truyền thông, không biết đọc, không biết viết, v.v…

Thí dụ 12 :

12. Le Mal Français : page 461 - Le propos de ce livre n'était pas d'établir un programme ou un "manifeste" mais de réfléchir et de faire réfléchir pour contribuer peut être, en suscitant un débat d'idées à nourrir les programmes et manifestes que d"autres, ensuite viendront élaborer.

- Dịch : Mục đích của cuốn sách này không phải là để thiết lập một chương trình hay một "tuyên ngôn" mà là để ngẫm nghĩ, và khiến độc giả cùng ngẫm nghĩ, hy vọng tạo dịp trao đổi ý kiến, hầu đóng góp nuôi dưỡng những chương trình hay tuyên ngôn của những ai tiếp tục phát triển sau này.

- Tổ Quốc Ăn Năn : trang XI – Cuốn sách này là một cuốn sách để thảo luận ý kiến, mục đích chỉ là đề xướng ra mà không kết thúc các cuộc thảo luận.

Hai mục đích của hai tác giả trong hai cuốn sách này đề ra trong phần này khác nhau thì sao lại là đạo văn cho được ?

Đúc kết :

Qua 12 bằng chứng của ông Nguyễn Gia Thưởng như được phân tích, cho thấy não trạng của một người đã khẳng định trước một kết luận sẽ tìm mọi cách để bênh vực lý lẽ của mình bằng mọi phương tiện kể cả bất lương. Nó chỉ là kết quả của một nhận định sơ sài, hồ đồ thiếu hẳn sự thận trọng của một người quan sát bình thường.

Tính bất lương của ông Nguyễn Gia Thưởng được thể hiện trơ trẽn táo tợn trong phần kết luận của ông :

"Để bước sang một năm mới trong tinh thần lương thiện và lành mạnh, lật sang một trang sử mới trong việc xây dựng tổ chức, tạo nấc thang cho tiến trình dân chủ hóa đất nước, chúng tôi mời tác giả Tổ Quốc Ăn Năn hoàn trả cho ông Alain Peyrefitte những gì của ông Alain Peyrefitte".

Ông Thưởng kêu gọi sự lương thiện "hoàn trả cho ông Alain Peyrefitte những gì của ông Peyrefitte" trong tiếng cổ vũ hoan hô nhao nhao đòi "giải trình, giải trình" của những người đồng chí của ông Thưởng khiến người ta không khỏi liên tưởng đến hoạt cảnh bọn côn đồ bắt Vương ông và Vương quan trong truyện Kiều của Nguyễn Du :

Người nách thước, kẻ tay dao

Đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi

(Nguyễn Du, Kiều, câu 493-494)

Ông Nguyễn Gia Thưởng là người chủ động và chủ chốt trong nhóm ly khai đã ăn cắp cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là ethongluan.org. Ông Thưởng dựa trên web ăn cắp để đăng bài vu cáo ông Nguyễn Gia Kiểng mà không có sự lương thiện để hoàn trả lại cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên những gì của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nhưng ông Thưởng lại muối mặt nhân danh sự lương thiện để kêu gọi ông Kiểng trả lại cho ông Peyrefitte những gì… của ông Kiểng !

Victor Hugo trong tác phẩm kinh điển "Những Kẻ Khốn Cùng" kể chuyện một tên ăn cắp nhưng quyết hoàn lương, sống làm người tử tế trong quảng đời còn lại. Ông Nguyễn Gia Thưởng xem ra đang viết một câu chuyện trái ngược. Từ làm một người tử tế trong 30 năm, nay bắt đầu cuộc đời của một tên ăn cắp !

Mười hai bằng chứng khẳng định tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn của ông Nguyễn Gia Kiểng là bản sao của Le Mal Francais của Alain Peyrefitte chỉ nói thêm ngoài hành vi ăn cắp trộm đạo, ông Thưởng còn phạm tội vẽ bậy phá phách trên các tường thành công cộng (graffiti vandalism).

Sơn Dương

(Úc, 20/02/2017)

Tìm đọc :

Tổ Quốc Ăn Năn (649 trang)

Tải về PDF.

Tải về tệp apk (xem trên điện thoại android).

*******************

Phỏng vấn Nguyễn Gia Kiểng

(Vietinfo.eu, 12/12/2016)

Nguyễn Gia Kiểng là một tên tuổi không mới lạ đối với người Việt nói chung. Ông tốt nghiệp kỹ sư và học lên cao học kinh tế tại Pháp. Ông được biết đến nhiều với tư cách là một trong những người sáng lập ra tổ chức Tập hợp dân chủ đa nguyên. Cuốn Tổ Quốc Ăn Năn mà ông là tác giả, cũng mang lại nhiều ý kiến trái chiều.

Tháng 5/2015, một tác phẩm mới của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên do ông chấp bút nhan đề Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, đã được giới thiệu với bạn đọc người Việt tại Mỹ. Tháng 6/2015, sách được giới thiệu với bạn đọc Việt tại Paris.

Ngày 17/12/2016, ông Nguyễn Gia Kiểng đã đến Praha để trao đổi với cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc về nội dung của dự án chính trị dân chủ đa nguyên này.

Bài phỏng vấn này với tác giả Nguyễn Gia Kiểng chỉ nhằm mục đích tiếp cận cuốn sách mới thông qua cuốn sách đầu tiên và tác giả của chúng, để rồi sau đó cùng mở ra một cánh cửa mời cộng đồng Việt tại Séc đến đàm thoại cùng tác giả. Vì một vài lý do, bài phỏng vấn được thực hiện trong một thời gian rất gấp, và được gửi nguyên văn để các bạn đọc tự cảm nhận.

*****

Thanh Mai : Thưa anh Nguyễn Gia Kiểng, xin thú thực rằng đọc Tổ Quốc Ăn Năn đã lâu và đã không còn nhớ chi tiết, em đã chọn ra một cách tình cờ hai chương là Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi và Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung để dành cho phạm vi bài phỏng vấn này. Nếu như anh Nguyễn Gia Kiểng muốn chọn chương nào khác, xin anh hãy cho biết.

1. Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi

Thanh Mai : Mở đầu bằng câu thơ của Phạm Duy, chương Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi như "ném" người đọc về lại với dòng sông êm đềm mang tên quê hương và tuổi thơ, để rồi phải trực diện với một nhận định khá... đanh thép của tác giả rằng "Một lý do quan trọng khác khiến chúng ta kém về truyền thông là chúng ta khinh thường tiếng Việt". Tuy nhiên chỉ dưới đó một đoạn, tác giả viết : "Những người trẻ trưởng thành tại hải ngoại có khả năng truyền thông hơn hẳn cha anh vì được huấn luyện một cách khác, được khuyến khích phát biểu; nhưng cũng vì tiếng Anh, tiếng Pháp được hấp thụ từ mẫu giáo và gần như là tiếng mẹ đẻ của họ. Họ không vướng một tiếng mẹ đẻ đã bị gạt bỏ".

Đầu tiên, xin anh cho giải thích hộ "Họ không vướng một tiếng mẹ đẻ đã bị gạt bỏ" là sao ?

Nguyễn Gia Kiểng : Xin cảm ơn Thanh Mai đã đặt câu hỏi này. Phải nhìn nhận một sự thực là cộng đồng người Việt hải ngoại đã mất căn cước văn hóa một cách rất nhanh chóng. Thế hệ thứ hai hầu như không còn sử dụng tiếng Việt nữa, họ đã gạt bỏ tiếng Việt. Họ phát biểu lưu loát hơn, mạch lạc hơn nhưng bằng tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Đức, tiếng của đất nước mà họ sinh ra hoặc lớn lên. Tại sao như vậy là một đề tài thảo luận lớn nhưng một trong những lý do chính là văn hóa của chúng ta không phong phú và ngôn ngữ của chúng ta quá sơ sài, cha mẹ không có gì để tự hào và cố gắng truyền lại cho con cái. Dân tộc nào xét cho cùng cũng gắn bó với nhau vì một vài cuốn sách lớn về giá trị văn học và tư tưởng, chúng ta thiếu những cuốn sách như thế.

Thanh Mai : Thực tế là thế hệ trẻ ở hải ngoại phần đông đều không nói tiếng Việt tốt. Do ảnh hưởng của văn hóa, văn minh phương Tây, họ (hầu như) không (được phép) khinh thường bất cứ điều gì, nhất là con người. Ngoại ngữ Anh, Pháp của họ tốt như tiếng mẹ đẻ, tốt hơn hẳn thế hệ thứ nhất. Nhưng như anh nói, họ làm truyền thông rất tốt. Vậy hình như truyền thông tốt hay không tốt, không hoàn toàn phụ thuộc vào tiếng Việt, thưa anh! Và xin anh giải thích thêm.

Nguyễn Gia Kiểng : Theo tôi họ truyền thông giỏi hơn chính nhờ sử dụng ngay từ đầu đời một ngôn ngữ phong phú và chính xác hơn. Ngôn ngữ quyết định phẩm chất của thông điệp và giá trị của truyền thông. Đàng sau mỗi ngôn ngữ là một cách suy nghĩ. Tiếng Việt của chúng ta còn sơ sài quá, chúng ta thiếu nhiều chữ, thí dụ như những chữ concept, conception, conceptualisation, conceptualiser, concevoir trong tiếng Pháp chúng ta chỉ có một từ "khái niệm" hoặc "quan niệm". Mặt khác tiếng Việt cũng chưa biết ghép tính từ với danh từ để tạo ra một tiếng mới, thí dụ như chữ "vĩ nhân" mà chúng ta mượn từ chữ Hán. Vĩ nhân là một khái niệm khác do cách ghép chữ vĩ, tính từ, với chữ nhân, danh từ, trong đó tính từ được đặt trước danh từ. Trong tiếng Việt tính từ chỉ đặt sau danh từ để nói lên một đặc tính chứ không tạo ra một từ mới. Tôi không phải là một nhà ngữ học, tôi chỉ sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt ý kiến nhưng cũng thấy khó khăn của tiếng Việt so với hai ngôn ngữ khác mà tôi biết là tiếng Pháp và tiếng Anh. Ngôn ngữ cũng phần nào tiết lộ lịch sử của một dân tộc. Các ngôn ngữ tiến bộ thường đặt nền tảng trên hai động từ "có" và "là", tôi là ai và tôi có gì. Trong tiếng Việt động từ nền tảng lại là "ăn". Ăn nói, ăn ở, ăn trộm, ăn cướp, ăn tiền, ăn nằm, ăn ảnh, ăn năn, ăn thua v.v. Sự kiện chúng ta đồng hóa "thắng" và "ăn", nghĩa là kẻ thắng với kẻ được ăn, kẻ thua với kẻ không được ăn cũng chứng tỏ rằng trước khi tiếp xúc với nền văn minh Trung Hoa chúng ta còn ở một trình độ phát triển rất thấp. Mặt khác kinh nghiệm của các dân tộc đã chứng tỏ rằng một dân tộc muốn tiến lên phải sử dụng ngôn ngữ của mình chứ không thể vay mượn một ngôn ngữ khác dù hoàn chỉnh đến đâu. Hãy so sánh Hàn Quốc và Philippines. Chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là cải tiến tiếng Việt nếu muốn vươn lên.

Thanh Mai : Nếu tiếng Việt ta chưa hoàn chỉnh thì ta cần cải thiện và phong phú nó – thêm vào một số âm, chấp nhận thêm một số từ đa âm, chế ra một số tiếng mới cho những ý niệm mới – rồi tiếp tục phát huy nó. Ngôn ngữ là một cố gắng sáng tạo không ngừng" Anh viết những dòng trên đây vào thời điểm khi chưa có blog, chưa có các diễn đàn và mạng xã hội, và cùng với nó chưa có các ngôn ngữ @.

Anh có hài lòng với sự sáng tạo ngôn ngữ của lớp trẻ ngày nay ? Tại sao ? Anh có thể cho biết, sự sáng tạo trong ngôn ngữ cần bao hàm giá trị gì để anh có thể hài lòng với nó ? 

Nguyễn Gia Kiểng : Tôi chưa thể hài lòng. Ngôn ngữ FaceBook và Twitter mà tôi gặp thường ngày không tạo ra những tiếng mới mà thường chỉ là cách viết lóng, đôi khi ẩu, một từ có sẵn, thí dụ như "rùi" thay cho "rồi". Điều mà chúng ta cần là những từ mới để chỉ những khái niệm mới. Trong nhiều trường hợp chúng ta có thể lấy ngay tiếng Anh thay vì cố dịch ra tiếng Hán Việt và làm sai nghĩa và không giúp chúng ta tiếp thu một khái niệm mới một cách đúng đắn. Thí dụ như politics có nghĩa là "việc của thành phố", nghĩa là "việc nước" vì vào thời cổ Hy Lạp mỗi thành phố là một nước nhỏ. Chúng ta dịch politics thành "chính trị", một khái niệm gần như đồng nghĩa với cai trị hay quyền lực. Hậu quả là người ta không thấy chính trị ngày nay phải khác hẳn với ngày xưa. Nhiều người nói "tôi không quan tâm tới chính trị" là do cách hiểu đó. Nếu thay vì chính trị chúng ta dịch là "việc nước" thì chắc ít ai nói "tôi không quan tâm tới việc nước".

2. Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung

Thanh Mai : Hẳn là để viết chương này anh đã phải nghiên cứu nhiều sách lịch sử, mặc dù không thấy anh dẫn nguồn tư liệu như thói quen thường gặp ở các học giả được đào tạo lâu năm ở phương Tây như anh. Để hiểu thêm chương sách, xin anh cho biết, "người ta" là ai. Ai là người "trọng Hồ khinh Mạc" mà hình như anh đang phản biện ? Và các nguồn sách, tác giả nào đã được anh tin tưởng sử dụng.

Nguyễn Gia Kiểng : Như tôi đã xác nhận trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn và trong nhiều dịp khác tôi không phải là một nhà nghiên cứu. Tôi là một người hoạt động chính trị. Người hoạt động chính trị cần nói những điều đúng, hay ít nhất những điều mà mình có lý do vững chắc để tin là đúng, nhưng không cần dẫn nguồn một cách tỉ mỉ như một nhà khảo cứu. Về Hồ Quí Ly và Mạc Đăng Dung trong tất cả các bài học lịch sử mà tôi đã học ở tiểu học và trung học và trong tất cả các sách sử mà tôi đã đọc, hầu như lúc nào Hồ Quý Ly cũng được ca tụng là người tài giỏi dù đôi khi cũng bị chê là đã làm mất nước, trong khi Mạc Đăng Dung thì hầu như lúc nào cũng bị mạt sát. Tôi cũng đã thảo luận với nhiều trí thức và cũng thấy như vậy. Tôi thấy đây là một thành kiến sai. Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê là chuyện cung đình của giai cấp thống trị nhưng Mạc Đăng Dung không làm mất nước. Trái lại Hồ Quý Ly chỉ là một người bất tài tham lam và làm mất nước. Nên nhớ Hồ Quý Ly không tự coi là người Việt. Ngay khi cướp được ngôi của nhà Trần ông ta đã đổi tên nước là Đại Ngu theo tên nước cũ của ông bên Tầu. Ông ta đã làm đất nước tan hoang và sau cùng cả vua tôi phải đầu hàng bẩy tên lính của nhà Minh.

Những điều này mọi sách sử của Việt Nam đều ghi. Tôi cũng nhân dịp này giới thiệu một bộ sử mới mà tôi cho là bộ sử đầy đủ và đúng đắn nhất của Việt Nam. Đó là bộ "Nhìn lại sử Việt" của Lê Mạnh Hùng. Mọi người quan tâm đến lịch sử Việt Nam đều nên đọc bộ sử này.

Thanh Mai : Trong chương viết này chỉ viện dẫn đánh giá của Nguyễn Trãi với Hồ Quý Ly, ngoài ra không có bất cứ ý kiến nào ngoài ý kiến chủ quan của tác giả. Trong khi đó, Mạc Đăng Dung sinh sau Nguyễn Trãi, vì vậy Nguyễn Trãi không thể có bất cứ ý kiến gì về Mạc Đăng Dung

Anh nói sao nếu như có ai đó cho rằng đưa vào chương viết đánh giá của Nguyễn Trãi với Hồ Quý Ly chỉ là bao biện ? (*)

Nguyễn Gia Kiểng : Tôi không hiểu lập luận này. Nguyễn Trãi là một trí tuệ lớn của Việt Nam. Bài Bình Ngô Đại cáo của ông gần như một tuyên ngôn độc lập. Viện dẫn Nguyễn Trãi đâu có gì là sai trái, không nhắc tới quan điểm của ông là một thiếu sót.

Thanh Mai : Chương viết kết thúc bằng câu :

"Cho đến ngày nay, lập trường trọng Hồ khinh Mạc vẫn còn ngự trị, điều đó chứng tỏ trí tuệ tập thể chúng ta vẫn còn mê muội, tâm lý của chúng ta vẫn chưa được khai thông".

Cũng vẫn để hiểu thêm thông điệp của tác giả, xin anh cho biết, phải chăng không trọng Hồ, không khinh Mạc mới là đúng ? Hay là phải trọng Hồ, phải trọng Mạc ? Hay là tuân thủ nguyên tắc dân chủ mỗi chúng ta có quyền được tiếp cận thông tin, tài liệu khác nhau từ các nguồn nghiên cứu lịch sử khác nhau và có quyền bảo lưu ý kiến của mình và đồng thời tôn trọng ý kiến người khác ? Và cuối cùng thì thông điệp mà anh muốn chuyển tải ở chương này là gì ?

Nguyễn Gia Kiểng : Điều tôi muốn truyền tải chỉ giản dị là không nên đọc lịch sử để khen hay chê mà để hiểu dân tộc mình qua mỗi giai đoạn. Thí dụ như việc nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê phải được nhìn đúng với ý nghĩa của nó. Sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc nước ta đã thay đổi. Thành phần thượng lưu vùng châu thổ sông Hồng, với trung tâm là Hải Dương, quê hương của Mạc Đăng Dung, đã hội nhập vào văn hóa Trung Hoa trong khi giai cấp quí tộc vùng Thanh Hóa - Nghệ An vẫn còn giữ bản sắc Văn Lang và ý chí độc lập. Các vua Lê dù làm chủ nước Việt vẫn tự coi là các động chủ Mường. Tình trạng này gây mâu thuẫn với giới nho sĩ miền Bắc và cuối cùng đưa đến việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi. Nên lưu ý là các danh sĩ Bắc Hà như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan tuy không hưởng ứng nhưng cũng không phản đối việc thoán đoạt này. Còn việc Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần thì chỉ thuần túy vì lòng tham. Hồ Quý Ly đã làm đất nước kiệt quệ và cuối cùng mất về tay nhà Minh. Dù không lên án Hồ Quý Ly phản nghịch cũng phải luận tội làm mất nước.

*****

600 trang sách Tổ Quốc Ăn Năn là một nỗ lực kiên trì và khổng lồ.

Đoạn dưới đây trong chương kết của Tổ Quốc Ăn Năn có lẽ chính là thông điệp ngắn gọn và giá trị nhất của toàn bộ cuốn sách :

"Kinh tế không phải là tất cả. Hạnh phúc của một dân tộc không phải chỉ là lợi tức trung bình trên mỗi đầu người, càng không phải là tỷ lệ tăng trưởng 5 hay 10% mỗi năm. Còn những điều cao hơn, và cao hơn nhiều. Đó là phẩm giá, là quyền được nói và làm điều mình muốn, là quyền được sống mà không sợ bị bắt giam vô cớ, được phát triển khả năng của mình mà không cần đút lót, và được tham dự vào những quyết định quan trọng cho cộng đồng. Những điều này chỉ có một chế độ dân chủ có thể đem lại".

Có lẽ nó cũng là tiền đề để bước vào cuốn sách thứ hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, mang tên Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, hơn 280 trang, được giới thiệu trên trang mạng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (http://thongluan-rdp.org)

3. Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2

Ở đây, xin chỉ chú trọng vào chương 7 của cuốn sách - Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên. 

Thanh Mai : Thưa anh Nguyễn Gia Kiểng, cuốn sách đưa ra 4 điều kiện cần và đủ cho cuộc cách mạng dân chủ và 5 giai đoạn vận động dân chủ - hơi tương tự khuôn mẫu 3 không 4 tốt của Trung Hoa, nhưng không sao nếu như logic.

Điều kiện đầu tiên nói rằng "mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi"

Vaclav Havel cho rằng, mỗi con người trong chế độ cộng sản đều là một mắt xích giúp cho cỗ máy chuyên chế vận hành. Họ vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm. Họ có thể cho rằng tình trạng hiện hữu là tệ hại. Song để thay đổi thì không. Và không dám, như vẫn đang không dám tại Việt Nam và Cuba.

Tập hợp có kế sách gì với tình trạng này ?

Nguyễn Gia Kiểng : Điều hiển nhiên không ai có thể chối cãi là trừ một thiểu số trục lợi rất nhỏ mọi người Việt Nam hiện nay đều đồng ý rằng chế độ cộng sản là rất tệ hại và phải thay đổi, tuy vậy quần chúng vẫn phải sống và để sống họ phải miễn cưỡng hợp tác với chế độ và gián tiếp giúp nó tiếp tục tồn tại. Đó là một nghịch lý. Điều chúng ta cần ý thức là mỗi dân tộc đều là sản phẩm của lịch sử của chính mình và do đó có mức độ đoạn tuyệt và vùng dậy khác nhau. Đó là mức độ mà sự phẫn nộ biến thành ý chí đấu tranh và khiến con người lấy quyết định đứng dậy. Tại nước ta và Trung Quốc điểm đoạn tuyệt đó lâu đạt đến vì di sản văn hóa. Do truyền thống Khổng Giáo chúng ta chỉ có những người khoa bảng chuyên môn với chức năng làm công cụ cho chính quyền chứ không có những con người dám và có thể suy tư một cách độc lập về những vấn đề của đất nước và dám chấp nhận mọi thử thách để tranh đấu cho lập trường của mình, nghĩa là những trí thức chính trị. Chính sự thiếu vắng những trí thức chính trị đã khiến chúng ta không ý thức được rằng chấm dứt độc tài và thiết lập dân chủ là cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử nước ta và không nhìn thấy những điều kiện phải có hoặc phải tạo ra để thành công cuộc cách mạng này. Cũng vì sự thiếu vắng này mà chúng ta không đồng ý được với nhau về lộ trình vận động dân chủ và những việc phải làm cho mỗi giai đoạn. Cố gắng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là góp phần giúp trí thức Việt Nam nhìn rõ những điều kiện phải hội đủ và những chặng đường phải đi qua trong cuộc đấu tranh cho dân chủ. Ý chí đấu tranh sẽ đến khi người ta hiểu phải làm gì. Không có gì mạnh bằng một ý kiến đã chín muồi. Chúng tôi tin rằng tình hình đang chín muồi. Chúng ta đã bắt đầu có những trí thức chính trị và hàng ngũ của họ ngày càng đông.

Thanh Mai : Các giai đoạn trong 5 giai đoạn dưới đây đều có gì đó như tương đồng với các giai đoạn tiến tới giành chính quyền ngày xưa những năm 1945. Không ít các cơ sở quần chúng ngày đó đã bị thủ tiêu. Không ít các phương tiện được dùng không đúng mục đích.

5 giai đoạn của cuộc vận động dân chủ - xây dựng một cơ sở tư tưởng - xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt - xây dựng kiểm điểm phương tiện - xây dựng cơ sở quần chúng - tiến công giành chính quyền. Xin anh Nguyễn Gia Kiểng cho biết tại sao người dân vẫn nên tin mô hình này, cho dù lịch sử đã trải qua các kinh nghiệm cay đắng đến nhường kia ?

Nguyễn Gia Kiểng : Bốn điều kiện cần và đủ để cuộc cách mạng dân chủ thành cộng và năm giai đoạn của cuộc vận động dân chủ là thành quả của một nghiên cứu chăm chú các cuộc cách mạng lớn trên thế giới. Khi chúng tôi đi đến kết luận này nhiều anh em trong nhóm khởi đầu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã bỏ cuộc vì thấy cuộc đấu tranh quá dài và khó khăn. Nhưng đó là một kết luận khách quan mà ta phải tin và chấp nhận dù muốn hay không. Người ta không thể thành công một công trình nào cả nếu không biết trước phải làm những gì và phải làm như thế nào. Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Ha,i chúng tôi đã nhận định rằng hai giai đoạn đầu đòi hỏi nhiều thời gian và cố găng nhất, thường thường phải vài thập niện, nhưng một khi hai giai đoạn này đã hoàn tất thắng lợi có thể giành được rất nhanh chóng, trong vài năm, thậm chí vài tháng. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã kiên trì theo đuổi lột trình này và có thể nói hai giai đoạn này đã hoàn tất được một phần lớn.

Chúng ta càng có lý do để lạc quan vì một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư trong lịch sử thế giới, đang trào dâng và sẽ cuốn đi những chế độ độc tài cuối cùng. Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện cho một quá khứ bắt buộc phải qua đi trong khi dân chủ đa nguyên là một tương lai bắt buộc phải đến và sắp đến.

**************

Danh sách các câu hỏi còn dài, kính mời cộng đồng tham gia một cuộc đối thoại thực sự cởi mở. 

Buổi gặp gỡ với ông Nguyễn Gia Kiểng và giới thiệu sách Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai sẽ được nhóm Văn Lang tổ chức vào ngày 17/12/2016 tại Phòng họp Hotel Lifestyle. V Lužích 999/1, 142 00 Praha-Libuš.

Thanh Mai (vietinfo.eu)

 (*) Chú thích (Theo wiki) Hồ Quý Ly 1336 – 1407 ; Nguyễn Trãi 1380 - 1442 ; Mạc Thái Tổ 1483 - 1541.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Sơn Dương
Read 2293 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)