Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chúng ta vừa bước vào năm mới, năm Canh Tý 2020. Đây là năm đầu tiên của thập kỷ mới, thập kỷ thứ 3 (theo lịch Tây) và cũng là năm đầu tiên trong 12 con giáp (theo lịch Ta). Tại miền Bắc Việt Nam thì ngay từ chiều 30 Tết đã xảy hiện tượng mưa rất to và nước dâng cao ở một số tỉnh thành, sang ngày mùng một Tết thì mưa đá. Đây là một hiện tượng thiên nhiên hiếm có và chưa từng xảy ra vào ngày Tết ở Việt Nam. Nhiều người cho rằng đây là một điềm xấu trong năm tới. Thật ra, những hiện tượng thuộc về thiên nhiên và huyền bí thì chỉ nên đọc cho vui chứ không nên tin. Nên tin vào trí tuệ và khả năng của chính con người vì con người là kết tinh tuyệt hảo nhất của tạo hóa.

20201

Mưa đá to như quả trứng rơi trong ngày mùng 1 Tết Canh Tý.

Tại Trung Quốc thì dịch cúm do virus Corona gây ra bắt đầu từ thành phố Vũ Hán đang bùng phát và lây lan ra nhiều quốc gia. Việt Nam đã có 11 tỉnh thành có người lây nhiễm virus này. Cả thế giới hồi hộp, lo lắng và theo dõi sát sao các diễn biến liên quan đến dịch cúm Vũ Hán. Tại Trung Quốc, các biện pháp mạnh nhất và khẩn trương nhất đang được chính quyền và người dân áp dụng và thực thi. Việc phong tỏa các thành phố lớn như Vũ Hán hay các huyện thị nhỏ (do người dân địa phương tự tiến hành) hy vọng sẽ khống chế được dịch bệnh. Điều lo ngại là nếu thời gian phong tỏa kéo dài thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Chưa nói đến việc các bệnh viện sẽ quá tải nếu người bị nhiễm bệnh tăng cao mà chỉ riêng việc sinh hoạt tối thiểu hàng ngày như ăn uống cũng sẽ có vấn đề khi lương thực cạn dần và nếu không được tiếp cứu kịp thời.

20202

Chưa ai có thể biết là dịch cúm Vũ Hán đi về đâu, sẽ nhanh chóng kết thúc như dịch SARS hồi năm 2003 hay nghiêm trọng hơn ?

Chưa ai có thể biết là dịch cúm Vũ Hán đi về đâu, sẽ nhanh chóng kết thúc như dịch SARS hồi năm 2003 hay nghiêm trọng hơn ? Điều mà ai cũng có thể hình dung được đó là ảnh hưởng to lớn của con virus Corona lên nền kinh tế Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc có lẽ bị "sao quả tạ" chiếu năm Canh Tý. Nếu dịch cúm Corona không được ngăn chặn sớm thì nền kinh tế của Trung Quốc sẽ lâm nguy, đặc biệt trong hoàn cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang bị suy thoái liên tục.

Theo các chuyên gia thì Việt Nam sẽ là quốc gia thứ hai sau Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm Vũ Hán. Các bệnh viện tại Việt Nam vốn đã quá tải từ trước đến nay sẽ khó lòng chịu nổi thêm nếu các ca nhiễm bệnh virus Corona tăng cao. Kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu tình hình kéo dài. Dễ thấy nhất trong những ngày sắp tới là những ngành nghề liên quan đến du lịch. Nếu nguồn khách du lịch từ Trung Quốc chấm dứt thì thiệt hại cho kinh tế Việt Nam sẽ khá đáng kể đặc biệt tại các thành phố du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc. Nhiều khách sạn sẽ không có khách, nhất là các khách sạn mini.

Ngoài những lý do về thiên tai và dịch bệnh kể trên thì tại Việt Nam, dư âm của vụ Đồng Tâm chưa thể nào chấm dứt. Hậu quả của nó sẽ còn kéo dài mãi vì đã gây chấn động nhân tâm. Tai họa này đến từ con người và do con người gây ra, cụ thể là do đảng cộng sản Việt Nam gây ra. Mặc dù việc cưỡng chế, thu hồi đất đai là chuyện không mới tại Việt Nam nhưng sự kiện Đồng Tâm có thể đạt tới ngưỡng "giọt nước tràn ly" (*). Chưa bao giờ mà dư luận Việt Nam lại đồng thuận với nhau trong việc lên án chính quyền cộng sản đến như vậy. Ngay cả những người không mấy quan tâm đến chính trị và vẫn ủng hộ chính quyền cũng phải lên tiếng phản đối trong vụ Đồng Tâm. Cuộc tấn công vào làng Hoành vào đêm khuya hôm 9/1/2020, trước Tết Canh Tý hai tuần, với một lực lượng công an đông đảo lên đến hàng ngàn người (cứ như là đi đánh giặc) để tiêu diệt một "đối tượng chống đối" là ông Lê Đình Kình, 84 tuổi và khiến 3 cảnh sát cơ động chết theo…là việc làm không thể nào hiểu và chấp nhận được dù với bất cứ lý do gì.

20203

Việc vội vàng truy tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất cho 3 cảnh sát thiệt mạng là một sai lầm của ông Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm.

Hành động ông Nguyễn Phú Trọng vội vàng ký quyết định truy tặng 3 cảnh sát thiệt mạng trong vụ bố ráp ở Đồng Tâm "Huân chương Chiến công Hạng nhất" tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa". Có lẽ Đảng cộng sản Việt Nam muốn bày tỏ sự "đoàn kết và thống nhất" trong nội bộ đảng cộng sản nhưng kết quả hoàn toàn phản tác dụng. Niềm tin còn sót lại nơi một số người đã mất hết sau sự kiện đau lòng này. Đảng cộng sản Việt Nam rõ ràng là một đội quân chiếm đóng người bản xứ. Họ đâu có quan tâm và đoái hoài đến người dân mà chỉ lo vỗ về lực lượng công an cảnh sát, là "thanh gươm và lá chắn bảo vệ đảng", để họ tiếp tục ngoan ngoãn làm "công cụ" của đảng.

Đại hội 13 với chủ trương "bỏ Tàu theo Mỹ" đang gây chia rẽ rất lớn trong nội bộ đảng. Mặc dù phe "thân Mỹ" có sự chính đáng hơn và việc "thân Mỹ" là việc không thể không làm dù muốn hay không vì kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và sắp khủng hoảng lớn. Dù vậy phe "thân Mỹ" lại không dám công khai kế hoạch đó vì sợ gặp phải chống đối trong nội bộ. Đây là hậu quả của việc tuyên truyền suốt bao năm qua rằng "theo Tàu mất nước, theo Mỹ mất đảng". Việc "mất đảng" là một việc quá "kinh khủng" mà không phải đảng viên nào cũng sẵn sàng và đã chuẩn bị tâm lý. Cuộc chuyển trục lần này đồng nghĩa với việc chia tay ý thức hệ cộng sản để đi vào quĩ đạo dân chủ. Đảng cộng sản rất lúng túng vì không biết phải giải thích với các đảng viên của mình như thế nào.

Chính vì thế mà chưa bao giờ phe "thân Mỹ" lại cần đến sự ủng hộ của người dân Việt Nam đến như vậy. Từ trước đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam luôn tự mình dàn xếp trong nội bộ với nhau về mọi chuyện chứ không quan tâm đến dư luận. Thế nhưng trong việc "xoay trục sang Mỹ và các nước dân chủ" thì họ không còn khả năng tự dàn xếp với nhau trong nội bộ nữa vì đã "mất đồng thuận". Chính vì thế mà họ phải tranh thủ và tìm kiếm hậu thuẫn của người dân. Việc tấn công vào Đồng Tâm và sau đó là vội vàng truy tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất cho 3 cảnh sát thiệt mạng là một sai lầm của ông Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm. Mọi nỗ lực "đốt lò" để lấy lòng dân đã tan biến như sương mù khi nắng lên. Người dân nhìn nhận Đảng cộng sản Việt Nam đều một giuộc với nhau, đều "hèn với giặc, ác với dân", tham nhũng và độc tài.

Theo phân tích và nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì năm 2020 sẽ là một năm tăng tốc trở lại của làn sóng dân chủ lần thứ Tư. Làn sóng này đã bắt đầu vào thập kỷ thứ hai (2010) với Mùa Xuân Ả Rập nhưng rồi bị khựng lại bởi phong trào dân túy trỗi dậy khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên phong trào dân túy sẽ sớm chấm dứt vì chúng không có gì mới và đã không giải quyết được bất cứ điều gì, chúng chỉ là bản sao mờ nhạt và đầy lỗi từ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Chủ nghĩa phóng khoáng tại Mỹ và Châu Âu cũng đã thất bại khi đề cao giá trị của đồng tiền mà quên đi sự liên đới xã hội. Tư tưởng chính trị của thế giới sẽ phải thay đổi và phải đặt trên nền tảng triết lý "kinh tế và tài chính phải đặt dưới quyền lực chính trị, phải đề cao con người, tự do cá nhân, hòa bình, liên đới xã hội và môi trường". Điều đó có nghĩa là làn sóng dân chủ thứ Tư sẽ mạnh lên để quét đi các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới. Một kỷ nguyên mới của dân chủ và tự do trọn vẹn sẽ đến với loài người trong thập kỷ thứ ba đầy hứa hẹn này.

Ba nét chính của thập kỷ mới đó là sự co cụm lại của Trung Quốc khi nền kinh tế suy thoái liên tục trong suốt thập kỷ qua. Năm 2020 chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Thứ hai là sự tăng tốc của làn sóng dân chủ thứ Tư với sự suy tàn của phong trào dân túy đã gây thất vọng sau một thời gian không giải quyết được vấn đề gì. Sự từ chức của thủ lĩnh "phong trào 5 sao" tại Ý là một ví dụ. Thứ ba là sự đánh mất vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ để nhường chỗ cho một liên minh dân chủ mới.

Tại Việt Nam thì sự phân hóa trong nội bộ đảng cộng sản sẽ đạt tới đỉnh điểm trong kỳ đại hội 13 sắp tới. Sự đấu đá sẽ không thể khoan nhượng vì kẻ thắng sẽ làm "lò" còn kẻ thua sẽ làm "củi". Kẻ thù của các đảng viên cao cấp trong đảng cộng sản không phải là các "thế lực thù địch" và phong trào dân chủ mà là chính các đồng chí của họ. Việc nhiều ủy viên Bộ chính trị, ủy viên trung ương đảng hay các tướng lĩnh cao cấp bị kỷ luật thời gian qua chứng minh cho điều đó và đồng thời chứng tỏ đảng cộng sản đã không còn lý tưởng và đồng thuận.

Tất cả những biến cố đó đang mở ra một cơ hội cho phong trào dân chủ Việt Nam. Người dân và trí thức Việt Nam thay vì loay hoay tìm cách "giúp đảng sửa chữa" thì nên tìm hiểu các Dự án chính trị của các tổ chức chính trị dân chủ đối lập để ủng hộ cho các tổ chức đó. Cùng đồng thuận với nhau trên một lộ trình dân chủ hóa đất nước chúng ta sẽ mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, một trang sử của dân chủ và tự do thật sự. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là một lộ trình tranh đấu để thiết lập dân chủ đa nguyên cho Việt Nam mà mọi người có thể tham khảo. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử nếu được người dân Việt Nam tin tưởng, ủng hộ và giao phó. Xin nhắc lại là chúng tôi không thể làm được bất cứ điều gì nếu không nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Việt Nam. Nhiệm vụ cấp bách của trí thức Việt Nam hiện nay là nghiên cứu và kiểm định các dự án chính trị đó để hướng dẫn và giúp cho người dân hiểu và nhận diện được các tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn với những giải pháp thay thế hữu hiệu và khả thi nhằm giành thắng lợi và kiến thiết lại đất nước.

Việt Hoàng

(29/01/2020)

(*) Đồng Tâm, giọt nước sắp tràn ly ?

Published in Quan điểm
vendredi, 17 janvier 2020 16:08

2020 và một vận hội mới

Tôi cho rằng năm 2020 này là một vận hội lớn của đất nước. Tôi nghĩ không phải riêng tôi mà bất kỳ một trí thức nào nếu quan sát một cách nghiêm túc và đầy đủ những biến động của đất nước suốt thời gian vừa qua, suốt từ đại hội 12 của đảng cộng sản đến giờ, thì chắc hẳn là chúng ta đều chia sẻ chung một cái nhìn như vậy.

Cơ sở nào để có thể nói như vậy ?

Trước hết phải nói đến sự rạn nứt trầm trọng trong nội bộ đảng cộng sản từ sau đại hội 12 với sự ngã ngựa của ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc chiến tranh dành quyền lực với ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi cho rằng đó chính là dấu chấm khép lại thời kỳ “ổn định và vững mạnh” của đảng cộng sản và đó là thời khắc mở ra cánh cửa đen tối với vô vàn dấu hiệu suy vong của đảng.

Ngay sau khi ông Dũng bị hạ bệ, một chiến dịch thanh trừng quy mô lớn với cái tên gọi mỹ miều là “chống tham nhũng”, dân gian gọi là “đốt lò” đã diễn ra một cách không khoan nhượng, nhắm đến cả những nhân vật sừng sỏ của chính trường Việt Nam như Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Lê Thanh Hải cùng hàng chục quan chức trung ương cấp bộ trưởng, tướng tá quân đội...với những tội danh như sai phạm trong quản lý tài sản công, tham nhũng. Nhưng phiên tòa và việc kỷ luật những cán bộ cao cấp này cho những người quan sát tình hình Việt Nam thấy rằng, sự đấu đá nội bộ đảng đã được đẩy lên một mức cực kỳ căng thẳng và mở rộng trên một quy mô lớn.

đâunoibo1

Cuộc đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam ngày càng gay gắt và không khoan nhượng.

Từ bây giờ, chắc hẳn tình trạng của đảng cộng sản không còn giống như một tổ chức thống nhất mà đã chuyển sang trạng thái đấu đầu “một mất một còn” giữa các sứ quân địa phương, ban ngành, bộ cục…Cùng với đó là việc xử lý vụng về, thô bạo một cách bất công và nghiêm trọng liên quan đến việc quản lý và thu hồi vô tội vạ đất đai của người dân, càng làm cho hình ảnh của chính quyền mất dần sự chính đáng trong mắt người dân. Máu người dân giữ đất đã đổ ở Đồng Tâm, máu binh lính cũng vậy, và cho dù là máu ai thì cũng đều là người Việt Nam.

Từ những vụ việc đó ta có thể thấy, với đảng cộng sản, tính mạng của người dân hay những người đảng viên địa vị thấp, kể cả có là phục vụ cho chế độ, đều không quan trọng. Họ ngang nhiên và xấc xược khi coi dân hay lính chỉ như những quân cờ phục vụ cho mưu đồ đấu đá hay tranh dành trong nội bộ của họ. Chế độ này hiện lên trong mắt người dân ngày càng giống như một tai họa, một lực lượng chiếm đóng người bản xứ đối với đất nước và người dân Việt Nam.

Sự đấu đá quyền lực trong nội bộ chính là kết quả của việc bất đồng giữa hai phe phái trong đảng: Phe thân phương Tây – Mỹ, đứng đầu là ông Trọng và phe thân Trung Quốc, được cầm chịch bởi ông Nguyễn Tấn Dũng và các gia nhân, đệ tử của ông ta trong và ngoài nội bộ đảng. Đây là hai phe nhóm chính trong đảng cộng sản, không tính những phe phái nhỏ hay mờ nhạt khác. Trong cuộc đấu này, rồi phe thân Tây – Mỹ sẽ thắng. Họ có đủ sự khôn ngoan để nhận ra rằng Trung Quốc ngày càng không phải là chỗ dựa vững chắc cho họ, chưa kể còn là một mối đe dọa. Đó là chưa nói đến việc trong chiến dịch chống tham nhũng này, phe ông Trọng rõ ràng đã ghi nhiều điểm trong mắt người dân hơn nhiều so với phe của ông Dũng. Nhưng chính trường luôn phức tạp. Chắc chắn phe ông Dũng sẽ không ngồi yên chịu thiệt mà sẽ đáp trả. Cuộc đáp trả giữa các bên cứ qua lại, dần dần sẽ càng làm cái xác đảng cộng sản phân hủy, sớm muộn rồi sẽ tiêu vong và càng làm cho người dân hiểu rõ bộ mặt thật của họ.

Đó là về nội bộ đảng cộng sản, còn thế giới thì sao ?

Cùng với sự lớn mạnh dần của Trung Quốc, thì đó đồng thời cũng là mối đe dọa với thế giới, mà ở đây là các nước dân chủ phương Tây, Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Họ sẽ phải tìm kiếm những đồng minh quan trọng, chiến lược trong khu vực. Và hiển nhiên, Việt Nam hội đủ các yếu tố đó, với một địa chính trị phức tạp nhưng có tầm quan trọng và đồng thời Việt Nam cũng luôn là một đối thủ của Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử.

Các nước dân chủ phương Tây, cùng với Mỹ và đồng minh sớm muộn cũng sẽ tiếp cận, và có những ưu đãi cũng như dành hết các điều kiện thuận lợi về kinh tế, tài chính…cho Việt Nam để kéo Việt Nam đi theo quỹ đạo cùng với họ. Giữa một thế cờ như vậy, bản thân Việt Nam bắt buộc phải lựa chọn. Sự chuyển trục là một điều tất yếu không thể tránh khỏi. Nó đã diễn ra, đang diễn ra và sẽ còn diễn ra mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Một điều cuối cùng, đó là đại hội 13 – kỳ hạn để giải đáp những bài toán cấp bách mang tính sống còn của đảng cộng sản đang đến gần. Một trong những vấn đề đó, nổi trội hơn cả là bài toán nhân sự của đảng cộng sản. Sau ông Trọng sẽ là ai, khi mà bộ máy đảng đã gần như loại bỏ hoàn toàn những con người thật sự tài năng và có đạo đức trong đảng? Các đảng viên cao cấp còn lại không có một ai có thể đảm nhận trọng trách thay ông Trọng, người được khoác cái lớp áo thanh cao, đạo đức cách mạng, không tham nhũng…Tuy nhiên việc bắt một người già 75 tuổi phải cầm nắm một quyền lực cùng với một trách nhiệm lớn, điều đó vô hình chung đã thể hiện sự khủng hoảng và bế tắc của đảng cộng sản. Nói không quá khi cho rằng tuổi thọ và sức khỏe của ông Trọng cũng tỷ lệ thuận với tuổi thọ của chế độ này.

Điểm qua điều kiện đối nội và đối ngoại để thấy rằng, phía đối lập và giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đang ở trong một vận hội lớn với nhiều thuận lợi. Cùng với sự mở rộng, phát triển của internet và sự cởi mở dần dần của xã hội dân sự, hay mạng xã hội…đã làm cho nhận thức của người dân càng ngày càng cao. Từ đó, một tầng lớp mới đã được sinh ra: Những trí thức chính trị với sự trưởng thành về nhận thức với một tấm lòng vì đất nước.

Nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta cần thêm nữa, hơn nữa những con người và tấm lòng như thế.

Sự cao cả và vĩ đại của một đời người còn gì hơn là dấn thân cho một lý tưởng cao đẹp và lẽ phải ? Vậy thì, nếu bạn là trí thức và có tấm lòng với đất nước thì phải tìm đến nhau, bắt tay nhau để cùng cất cao một lời nguyền như là một quyết tâm lớn để mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam:

Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.

Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.

Đó là lý tưởng của thời đại chúng ta. Đó là di sản mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ mai sau. Đó là giấc mơ Việt Nam mà các chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cùng theo đuổi và muốn chia sẻ với mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, hôm nay và ngày mai”.

(Trích dự án chính trị “Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai”)

Việt Thủy (17/1/2020)

Published in Quan điểm
vendredi, 10 janvier 2020 09:17

2020, năm của một khúc quanh rất lớn

Quyết định ra khỏi thế lệ thuộc Trung Quốc để hội nhập vào thế giới dân chủ là quyết định đúng duy nhất trong suốt quá trình hiện hữu của Đảng cộng sản. Vậy tại sao nó lại khiến Đảng cộng sản chao đảo ? Như vậy phải hiểu rằng Đảng cộng sản tự nó đã là một sai trái và do đó mâu thuẫn với tất cả những gì đúng. Cuộc chuyển hóa này là một cơ may vô cùng lớn cho đất nước, tại sao nó lại khiến Đảng cộng sản lâm nguy ? Như vậy phải hiểu rằng Đảng cộng sản đối nghịch với đất nước Việt Nam. Một chính đảng như vậy không có lý do để tồn tại, chưa nói để cầm quyền.

khucquanh1

Mỹ và các nước dân chủ, nhất là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ, cũng không thể để cho Trung Quốc làm chủ Biển Đông vì gần một nửa hàng hóa thế giới được vận chuyển qua đây.

Chúng ta vừa bước vào một năm mới đòi hỏi sáng suốt và cảnh giác ở mức độ tối cao. Nó đến vào lúc mà quyết định thay đổi đồng minh, quay lưng lại với Trung Quốc và đến hẳn với các nước dân chủ, trước hết là Mỹ, của Đảng cộng sản Việt Nam tuy chưa được công khai tuyên bố nhưng đã rõ rệt và không thể đảo ngược được nữa.

Trong một bài viết gần đây tôi đã giải thích lý do tại sao Đảng cộng sản Việt Nam phải quyết định "thoát Trung, theo Mỹ" (1). Một cách vắn tắt, lý do quan trọng nhất là Biển Đông. Trung Quốc phải chiếm Biển Đông để giải tỏa thế bị vây bọc của họ trong khi Việt Nam không thể để mất Biển Đông vì đối với Việt Nam Biển Đông là tất cả. Mặt khác, Mỹ và các nước dân chủ, nhất là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ, cũng không thể để cho Trung Quốc làm chủ Biển Đông vì gần một nửa hàng hóa thế giới được vận chuyển qua đây. Tóm lại tham vọng của Trung Quốc đối nghịch với sự sống còn của Việt Nam và quyền lợi của thế giới và đẩy Việt Nam vào thế đồng minh với Mỹ. Một lý do khác là do bản chất đế quốc của nó và nhu cầu làm chủ Biển Đông Trung Quốc cũng bắt buộc phải kiểm soát một cách tuyệt đối quân lực Việt Nam, điều mà những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không thể chấp nhận bởi vì nó tương đương với một bản án tử hình cho chính họ.

Đảng cộng sản sẽ rất hỗn loạn

Đây không phải là lần đầu tiên mà Đảng cộng sản Việt Nam thay đổi đồng minh. Đầu thập niên 1960 họ tách xa "Anh cả Liên Xô" để sáp lại với "Anh hai Trung Quốc". Sang đầu thập niên 1970 họ lại bỏ Trung Quốc để theo Liên Xô, sự trở mặt này căng thẳng đến độ dẫn đến chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979. Nhưng rồi từ năm 1985 họ lại quỳ xuống hàng phục Trung Quốc, dâng hơn 10.000 km² hải phận Biển Đông, một số đảo và đá trên quần đảo Trường Sa, chịu mất khoảng 700 km² đất ở biên giới phía Bắc, trong đó có phần lớn thác Bản Giốc.

Tuy nhiên cho đến nay những chuyển trục này chỉ là những thay đổi quan thầy trong nội bộ khối cộng sản và đều diễn ra một cách rất âm thầm cho đến khi tất cả đã xong, chỉ một nhóm chủ mưu nhỏ có thực quyền trong đảng được biết. Những thành phần bị coi là trở ngại cho "đường lối mới" bị thanh trừng mà cũng không biết tại sao. Họ bị buộc những tội chẳng liên quan gì tới lý do thực sự như "xét lại chống đảng", vi phạm kỷ luật, hoặc tham nhũng v.v., có khi chỉ vì quá tin tưởng và hăng say phục vụ đường lối chính thức của đảng mà không biết rằng nhóm chóp bu đang chuyển hướng.

Lần này khác hẳn. Sự đổi hướng không còn là một thay đổi trong "gia đình cộng sản" nữa mà là từ bỏ phe cộng sản. Hậu quả của nó là sau một thời gian cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chế độ cộng sản sẽ bị xóa bỏ và thời gian này, trái với hy vọng của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, có thể rất ngắn vì thế giới đang chuyển động rất nhanh chóng và Việt Nam đã chín muồi cho một thay đổi chế độ. Hơn nữa Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã quá phân hóa cho nên ngay khi các đảng viên biết chắc rằng đảng sắp tan, nghĩa là đã có quyết định "bỏ Tầu theo Mỹ", họ sẽ ồ ạt bỏ con tầu sắp chìm. Nó cũng không còn bí mật như những lần trước nữa, nhiều người đã biết và chẳng bao lâu nữa mọi người đều sẽ biết, vào ngay giữa lúc mà đảng đang chuẩn bị cho Đại hội 13 dự trù vào tháng 01/2021.

Như vậy họ sẽ soạn thảo cương lĩnh chính trị mới thế nào ? Giấu quyết định chuyển hướng này thì Đại hội 13 sẽ chỉ còn là một trò hề trong đó mọi người đều nói dối và biết rằng mình cũng như toàn đảng đang nói dối. Hơn nữa phe thân Trung Quốc cũng chưa chắc sẽ thụ động để bị đào thải một cách êm thấm và sống những ngày cuối đời trong ê chề, không chừng trong nhà tù vì tội tham nhũng. Họ sẽ phản ứng và sẽ có sức mạnh của người nói thực trong khi phe cầm quyền sẽ bị đặt vào thế yếu của kẻ nói dối bị lật tẩy, của những kẻ miệng nói chống tự diễn biến, tự chuyển hóa dù chính mình đang tự diễn biến, tự chuyển hóa. Họ sẽ không đảo ngược được tình thế nhưng sẽ làm cho "đảng cầm quyền trong đảng" chao đảo. Điều hợp lý nhất là công khai xác nhận sự đổi hướng, nhưng giải pháp này đòi hỏi một sự dũng cảm lớn mà ban lãnh đạo đảng không có. Họ sẽ phải trả lời những câu hỏi gai góc, như "danh xưng Đảng cộng sản Việt Nam còn đúng nữa không ?", "quốc hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn ý nghĩa gì ?", "bao nhiêu xương máu đổ ra trong cuộc chiến tranh chống Mỹ rốt cuộc chỉ là để được theo Mỹ ?" v.v. Và nhất là câu hỏi "số phận Đảng sẽ ra sao ?". Sẽ chỉ có những câu trả lời lúng túng và ngược ngạo không thỏa mãn được ai mà còn gây phẫn nộ. Đàng nào cũng sẽ có xung đột.

Tình trạng xung đột này sẽ nhân lên nhiều lần mức độ nghiêm trọng của một vấn đề tự nó vốn đã nghiêm trọng từ nhiều năm nay : nhân sự. Khi một đảng không còn lý tưởng chung, nó không thể có đoàn kết. Khi một tập thể không đặt nền tảng trên một tư tưởng lành mạnh và những giá trị đúng thì nó không thể có những con người thực sự tốt, vì vậy bộ máy sàng lọc của Đảng đã loại bỏ hết những người có nhân cách, tài năng và tầm nhìn. Chỉ còn lại những cấp lãnh đạo ganh tỵ nhau mà thành tích lớn nhất là đã không có hoặc không dám có ý kiến trước những sai lầm và tội ác của Đảng, hay đã mua bằng cách này hay cách khác được địa vị đang có. Vấn đề nhân sự tự nó vốn đã rất nghiêm trọng, nhưng lần này còn có thêm xung đột ý thức hệ, do việc từ bỏ một chủ nghĩa tuy không còn ai tin nữa nhưng vẫn còn là biện minh duy nhất cho chế độ độc tài đảng trị, sau khi đã là biện minh cho vô số sai lầm và tội ác.

khucquanh2

Khi một đảng không còn lý tưởng chung, nó không thể có đoàn kết. Khi một tập thể không đặt nền tảng trên một tư tưởng lành mạnh và những giá trị đúng thì nó không thể có những con người thực sự tốt

Thêm vào đó, việc thay thế ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ rất khó khăn và có mọi triển vọng sẽ gây đấu đá dữ dội. Trong những năm qua Đảng cộng sản đã tập trung mọi quyền lực vào một người nhưng bây giờ họ chỉ còn những con người tầm vóc trung bình như nhau và không có lý do gì để phục nhau. Năm 2020 sẽ là một năm rất bối rối cho Đảng cộng sản và Đại hội 13, trong trường hợp may mắn nhất, sẽ kết thúc với một ban lãnh đạo mới rất yếu để đương đầu với những vấn đề rất lớn.

Cơ hội của một bước nhẩy vọt

Một trong những vấn đề lớn là quản lý một cơ hội chưa từng có của đất nước. Từ hơn một năm nay, các nguồn đầu tư dồn dập đổ vào Việt Nam. Một phần đáng kể là những công ty chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang nhưng cũng có những đầu tư mới. Nhịp độ này sẽ còn gia tăng mạnh trong năm nay và những năm sắp tới. Thế giới, nhất là Mỹ, đặc biệt muốn giúp Việt Nam. Người ta có thể nhận thấy một điều lạ là chính phủ Donald Trump gây sự với cả thế giới, tăng thuế nhập khẩu trên hàng hóa không chỉ từ Trung Quốc mà từ mọi nước đồng minh Châu Âu nhưng lại không hề gây một khó khăn nào cho Việt Nam, dù Việt Nam là nước có tỷ lệ thặng dư mậu dịch lớn nhất với Mỹ. Trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2019 tăng 35%, lớn hơn trị giá xuất khẩu sang Mỹ của mọi nước Châu Âu trừ Đức. Donald Trump nói rằng Việt Nam là nước lợi dụng Mỹ nhất nhưng ông ta chỉ nói vậy chứ không làm gì (việc Mỹ đánh thuế 456% trên thép nhập khẩu từ Việt Nam không nhắm hàng Việt Nam vì đó là thép Trung Quốc chuyển sang Việt Nam theo ngả Hàn Quốc và Đài Loan). Theo các viện nghiên cứu thì trong năm 2020 mức tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước Châu Á sẽ sút giảm trừ Việt Nam, mức tăng trưởng của Việt Nam không những không giảm mà còn tăng và tăng mạnh.

Lý do khiến Việt Nam tăng trưởng mạnh là vì thế giới, nhất là Mỹ, cần giúp Việt Nam trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc. Cuộc đối đầu này không chỉ giản dị là một cuộc tranh hùng giữa Trung Quốc và Mỹ, một bên cố giành và một bên cố giữ ngôi bá chủ hoàn cầu, theo kịch bản cổ điển mà sử gia Graham Allison gọi là "bẫy Thucydides". Nó còn là phản ứng tự vệ của cả thế giới dân chủ trước một Trung Quốc đã mạnh lên, đã tăng cường sức mạnh quân sự, đã công khai tuyên bố tham vọng làm bá chủ thế giới trong khi vẫn tiếp tục phủ nhận các giá trị dân chủ và nhân quyền. Trung Quốc vì vậy trở thành một đe dọa chung cho các nước dân chủ chứ không phải chỉ riêng cho Mỹ.

Ngoài tranh giành ảnh hưởng còn có xung đột giá trị, ngoài chiến tranh kinh tế và thương mại còn có chiến tranh ý thức hệ. Vì thế cuộc đụng độ sẽ chỉ gia tăng cường độ cho đến khi sự thắng bại đã rõ ràng. Và kẻ bại chỉ có thể là Trung Quốc vì tương quan lực lượng quá chênh lệch về tất cả mọi mặt. Sẽ không có đụng độ quân sự và vì thế cuộc đối đầu sẽ kéo dài khá lâu cho đến khi Trung Quốc vì suy kiệt phải co cụm lại để chỉ còn lo giải quyết các vấn đề nội bộ. Trong thời gian đó, do vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Việt Nam sẽ được các cường quốc dân chủ tận tình giúp đỡ để mạnh lên, làm đối trọng với Trung Quốc. Sự hỗ trợ này đã bắt đầu rồi và sẽ còn gia tăng mạnh trong năm 2020 trừ trường hợp phe bảo thủ thân Trung Quốc trong Đảng cộng sản mạnh trở lại trước Đại hội 13, một điều rất khó xẩy ra. Như vậy Việt Nam đang được một cơ hội ngàn năm một thuở để bắt kịp sự chậm trễ và trở thành giầu mạnh.

Có phải lo ngại một phản ứng dữ dội từ Trung Quốc không ? Có, nhưng không nhiều vì Trung Quốc là một đế quốc chứ không phải một quốc gia và, khác với một quốc gia, một đế quốc cọ cụm lại chứ không gây hấn với bên ngoài khi gặp khó khăn nội bộ. Các khó khăn của Trung Quốc đang dần dần hiện rõ.

khucquanh3

Theo ước lượng của các viện nghiên cứu tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ là 2% hay thấp hơn.

Theo số liệu của chính Trung Quốc thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế không ngừng sút giảm trong mười năm qua, từ 8% xuống dần tới 7% rồi 6% trong năm 2019, dự trù 5,8% cho năm 2020. Nhưng đây chỉ là những con số chính thức mà chính thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng không tin. Theo ước lượng của các viện nghiên cứu tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ là 2% hay thấp hơn. Nếu lấy thời điểm kinh tế Trung Quốc thực sự suy thoái kéo theo những bất ổn nội bộ là lúc tỷ lệ ước lượng này xuống tới số không thì thời điểm đó có thể là cuối năm nay. Người ta cũng có thể nhận xét là Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường được phô trương rầm rộ mới vài năm trước ít còn được nhắc tới nữa, chi phí của nó đã giảm gần 25% trong năm qua. Như vậy chỉ cần một sự khôn ngoan vừa phải Việt Nam cũng tránh được những phản ứng dữ dội từ Trung Quốc khi quyết định quay lưng lại với họ để đến với các nước dân chủ. Sự khôn ngoan đó là làm cho Trung Quốc hiểu rằng chúng ta không còn lệ thuộc họ nhưng cũng không vì thế mà chống họ, Việt Nam chọn một mô hình xã hội khác và bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình những vẫn là bạn của họ. Mỹ và các nước dân chủ cũng không đòi hỏi gì hơn ở Việt Nam.

Tương lai chính trị của Việt Nam sẽ ra sao ?

Hy vọng của ban lãnh đạo cộng sản trong lúc này là Mỹ và các nước dân chủ vì cần họ nên sẽ phải để mặc họ tiếp tục chế độ độc tài đảng trị trong một thời gian khá dài, đủ để họ tự chuyển hóa. Đó chỉ là một hy vọng hão huyền để tự trấn an khi bị bắt buộc phải lấy một quyết định mà mình hoàn toàn không muốn, vì thừa biết nó sẽ chắc chắn đưa tới sự đào thải của chế độ. Hy vọng đó có thể phần nào đúng với một Donald Trump bất chấp các giá trị nhân quyền trong Nhà Trắng nhưng giai đoạn Trump sắp chấm dứt, khả năng tái đắc cử cuối năm nay của ông ta rất mong manh. Nhưng ngay cả nếu tái cử ông ta cũng sẽ là một tổng thống rất suy yếu để có thể quyết định tùy tiện. Các diễn biến sẽ nhanh chóng làm những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vỡ mộng và áp giải họ về với thực tế.

Năm 2020 và các năm kế tiếp sẽ chứng kiến các cuộc thảo luận về cải tiến và tăng cường dân chủ, đã bắt đầu từ hơn một năm nay, rộ lên tại mọi nước dân chủ. Cuối năm vừa qua, ngày 09/12/2019, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua đạo luật Magnisky trừng phạt các quan chức vi phạm nhân quyền tại mọi nước. Mới cách đây hai ngày, 07/01/2020, Thierry Breton, ủy viên công nghiệp, thị trường, quốc phòng và không gian của Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố muốn tham gia thị trường Châu Âu thì phải tôn trọng những quy luật của Châu Âu. Một trong những quy luật đó là Nghị quyết 1481 lên án chủ nghĩa Mác-Lênin như là một tội ác đối với nhân loại. Làn sóng dân chủ thứ tư đang mạnh trở lại. Các chính quyền dân chủ dưới áp lực của xã hội dân sự sẽ không có chọn lựa nào khác ngoài buộc Việt Nam phải dân chủ hóa trong khi chính quyền cộng sản Việt Nam không thể chống cự vì quá lệ thuộc bên ngoài, với một ngoại thương gần bằng 250% GDP, nghĩa là cao gấp năm lần mức báo động.

Tóm lại chúng ta đang đứng trước một cơ may chưa từng có và sẽ không bao giờ lặp lại để trở thành một nước dân chủ phát triển. Vấn đề là chúng ta có những chính sách và những con người cần thiết để nắm lấy cơ hội đó không.

Khiêm tốn nghĩ lại mình để vươn lên

Quyết định ra khỏi thế lệ thuộc Trung Quốc để hội nhập vào thế giới dân chủ là quyết định đúng duy nhất trong suốt quá trình hiện hữu của Đảng cộng sản. Vậy tại sao nó lại khiến Đảng cộng sản chao đảo ? Như vậy phải hiểu rằng Đảng cộng sản tự nó đã là một sai trái và do đó mâu thuẫn với tất cả những gì đúng. Cuộc chuyển hóa này là một cơ may vô cùng lớn cho đất nước, tại sao nó lại khiến Đảng cộng sản lâm nguy ? Như vậy phải hiểu rằng Đảng cộng sản đối nghịch với đất nước Việt Nam. Một chính đảng như vậy không có lý do để tồn tại, chưa nói để cầm quyền.

khucquanh4

Chúng ta cần một tập hợp dân chủ qui tụ mọi người yêu nước thuộc mọi quá khứ chính trị.

Trong nước Việt Nam dân chủ tương lai chắc chắn sẽ phải có chỗ cho những người cộng sản nhưng không thể có chỗ cho đảng cộng sản, không phải vì nó sẽ bị trừng trị hay đàn áp mà chỉ giản dị là nó sẽ tự nhanh chóng bốc hơi như các đảng cộng sản Đông Âu trước đây. Nó không phù hợp với dân chủ và lẽ phải, như con đỉa không sống được trong vôi.

Dầu vậy, nó đã cầm quyền trên cả nước trong gần một nửa thế kỷ mà không phải đương đầu với một lực lượng đối lập có tầm vóc nào dù đã thất bại trong tất cả mọi địa hạt, trên tất cả mọi phương diện và theo tất cả mọi tiêu chuẩn. Tại sao ?

Câu trả lời không khó nếu chúng ta chịu nghe. Đó là dân tộc nào cũng phải do trí thức hướng dẫn, cuộc cách mạng nào cũng phải do trí thức khởi động và lãnh đạo nhưng trí thức Việt Nam quá kém. Chúng ta chỉ có những người khoa bảng chứ không có những trí thức đúng nghĩa. Trí thức là một khái niệm chính trị trong khi tuyệt đại đa số những người Việt Nam được coi hay tự coi là trí thức không hiểu và cũng không chịu học hỏi để hiểu chính trị. Và đặc điểm của người ít hiểu biết là họ có thể tin chắc nịch vào những điều mà thực ra họ chẳng có lý do xác đáng nào để tin, và tin đến độ muốn ăn thua đủ với những người nghĩ ngược lại, như những người "cuồng Trump" hiện nay. Chúng ta bế tắc vì thế.

Điều đáng mừng là cơ may lớn hiện nay của đất nước đến vào lúc thế hệ của các trí thức nhân sĩ, thế hệ của chính kẻ viết bài này, gần như đã qua đi và một loại người mà đất nước chưa từng có đang dần dần xuất hiện : những trí thức chính trị. Họ sẽ là những anh hùng của một truyện thuyết Việt Nam mới, biến giấc mơ Việt Nam thành sự thực.

Họ cần hiểu thật rõ rằng trình độ văn minh của một dân tộc thể hiện qua văn hóa tổ chức và khả năng kết hợp, đức tính đáng tôn vinh nhất của một con người là khả năng sinh hoạt trong một tổ chức.

Họ cũng cần hiểu rằng không thể xây dựng tương lai mà bất chấp thực tại dù là một thực tại đáng buồn. Thực tại của đất nước ngày nay là, một mặt, Đảng cộng sản không còn tư cách nào để tiếp tục cầm quyền nhưng, mặt khác, nó đã cầm quyền một cách tuyệt đối trong gần hai thế hệ trên cả nước và ba thế hệ trên nửa nước phía Bắc cho nên những người cộng sản cũng là những người duy nhất có điều kiện để tiếp xúc với những vấn đề chính trị, nghĩa là có kinh nghiêm quản lý những việc chung của đất nước.

Những người dân chủ phần lớn ở ngoài cuộc và vì thế dù có tài năng và thiện chí đến đâu cũng thiếu kinh nghiệm và thiếu nhiều hiểu biết hiện trường cần thiết. Họ cần khiêm tốn hiểu rằng có rất nhiều người tốt đã chỉ gia nhập Đảng cộng sản vì hoàn cảnh xã hội và cũng nhờ gia nhập Đảng cộng sản mà họ có được kiến thức và khả năng hiện nay. Vả lại sự chuyển hướng tốt đẹp mà chúng ta đang chứng kiến, dù tự nhiên và bắt buộc tới đâu, đã chỉ có được vì đã có những người cộng sản lương thiện và sáng suốt ở mọi cấp. Ngược lại những người này cũng cần khiêm tốn nhìn nhận rằng trong khi luồn lách để tiến lên họ cũng đã tiếp tay kéo dài thảm họa của dân tộc. Quan trọng hơn trong lúc này họ phải vất bỏ cái khẩu hiệu hù dọa "còn đảng còn mình". Ở một thời điểm không còn xa nữa Đảng cộng sản sẽ bốc hơi và tan biến nhưng họ vẫn còn và không những thế vẫn còn trong vinh quang để đóng vai trò chủ động đưa đất nước vào kỷ nguyên dân chủ và phồn vinh. Như vậy, để tận dụng cơ hội lịch sử này, chúng ta cần một tập hợp dân chủ qui tụ mọi người yêu nước thuộc mọi quá khứ chính trị. Hòa giải và hòa hợp dân tộc là điều kiện bắt buộc.

Quên đi những thảm kịch trong quá khứ để nhìn nhau là anh em và cùng bắt tay nhau làm lại đất nước sẽ dễ hơn nếu chúng ta hiểu rằng đất nước đã sa vào tai họa cộng sản không phải chỉ vì tham vọng tội lỗi của một vài cá nhân. Có những người đã thực tình say mê chủ nghĩa cộng sản vì tưởng nó là một lý tưởng cao đẹp. Lý do thực sự là chúng ta đã thiếu những trí thức chính trị và do đó đã không có tư tưởng chính trị. Một dân tộc như thế không khác một con tầu đi biển không có la bàn, không đụng phải đá ngầm này cũng đâm vào băng đảo khác, tai họa là điều chắc chắn. Thảm kịch cộng sản và sự kéo của nó phải được nhìn như hậu quả của sự mê muội của dân tộc ta sau một lịch sử dài tôn thờ Khổng giáo, một sự mê muội mà chúng ta phải thoát ra bằng lòng quảng đại thay vì chìm sâu vào bằng sự hận thù. Dù sao cuồng Marx năm 1920 như Hồ Chí Minh cũng còn dễ hiểu hơn cuồng Trump năm 2020 như khá nhiều trí thức hiện nay.

Nguyễn Gia Kiểng

(10/01/2020)

(1) Một cơ hội lớn cho đất nước và dân chủ

Published in Quan điểm

Biển Đông : Làm sao giảm nguy cơ bùng nổ chiến tranh ? (RFI, 02/01/2020)

Biển Đông đang trở thành lò thuốc súng. Theo nhiều nhà quan sát, trong năm 2020, vùng biển này là một trong những điểm nóng nhất hành tinh, nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang là nhãn tiền, đặc biệt giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, giữa Bắc Kinh và một số quốc gia khu vực. Vì sao nguy cơ xung đột gia tăng, và làm thế nào để giảm nguy cơ bùng nổ chiến tranh ? Đó là câu hỏi ngày càng ám ảnh giới chuyên gia.

20201

Chiến hạm tên lửa dẫn đường USS Antietam (CG 54) của Mỹ tuần tra Biển Đông ngày 06/03/2016. Navy/Handout via REUTERS

Theo kết quả cuộc điều tra thường niên, công bố cuối tháng 12/2019, về những nguy cơ hàng đầu đối với nước Mỹ trong năm mới của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ (Council on Foreign Relations), một viện tư vấn về chính trị quốc tế có tiếng tại Mỹ, thì Biển Đông được xếp hạng khu vực thứ hai trên thế giới, mà "đụng độ vũ trang" có nguy cơ dễ dàng bùng nổ nhất, sau khu vực Trung Đông (với nguy cơ xung đột giữa Iran với Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Washington). Trong một bài viết trên trang mạng The National Interest, ngày 28/12/2019, chuyên gia về lịch sử hải quân Robert Farley thậm chí cảnh báo Biển Đông là một trong năm địa điểm trên thế giới có thể khiến Thế chiến Thứ Ba bùng phát trong năm 2020 đầy căng thẳng này.

Tại sao lại là Biển Đông ?

Bài "Trung Quốc gần hoàn tất chương trình (quân sự hóa) "nguy hiểm" tại Biển Đông", đăng tải ngày 02/01/2019, trên trang web hàng đầu nước Úc news.com.au, nhấn mạnh đến cuộc chạy đua vũ trang gia tăng tại Biển Đông, giữa một bên là Trung Quốc, bên kia là các quốc gia láng giềng đang bị Bắc Kinh đẩy vào chân tường, buộc phải tăng chi phí quốc phòng.

Khoảng 15 năm trở lại đây, chi phí quân sự tại khu vực tăng gấp đôi, chủ yếu để chuẩn bị cho "một cuộc chiến tranh quy ước với cường độ cao". Theo ghi nhận của một cựu chuyên gia tình báo Úc, tiến sĩ Mark Baily, sau gần 20 năm lấn dần từng bước một, Trung Quốc đã xây dựng, củng cố cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, và dần dần bình thường hóa việc kiểm soát trên thực tế gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Cựu chuyên gia tình báo Úc so sánh tình hình hiện nay tại Biển Đông với thập niên 1930, khi đế quốc Nhật bành trướng quân sự, trước khi dùng vũ lực đánh bật các đối thủ, để độc chiếm vùng biển chiến lược này. Đây là lần thứ hai trong lịch sử, một cường quốc có tham vọng nguy hiểm như vậy.

Ba đề xuất của học giả Trung Quốc

Trong bối cảnh nguy cơ xung đột nhãn tiền, trang mạng The Diplomat ngày đầu năm mới, đăng tải một bài phân tích đáng chú ý của học giả Trung Quốc, mang tựa đề "Ba chìa khóa để Hải Quân Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng tồn tại hòa bình". Giáo sư Hu Bo, giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Biển thuộc Viện Nghiên Cứu Đại Dương ở Bắc Kinh, thừa nhận nguy cơ "xung đột vũ trang ở quy mô nhỏ" tại Biển Đông, trong bối cảnh cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều sẵn sàng chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất.

Tác giả đề xuất ba việc cần làm để giảm nguy cơ xung đột vũ trang. Đề xuất thứ nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc cần đạt được đồng thuận về việc chia sẻ quyền lực tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo tác giả, tương quan lực lượng tại vùng biển này đang từ từ nghiêng về phía Bắc Kinh, với các đầu tư hiện đại hóa quân sự từ hàng chục năm nay, cho dù xét về sức mạnh tuyệt đối, hiện tại cũng như thời gian tới, Trung Quốc không thể nào sánh ngang nước Mỹ. Tuy nhiên, xét về lâu dài, Trung Quốc sẽ có sức mạnh quân sự áp đảo tại các vùng ven bờ, cụ thể là ở Biển Đông và biển Hoa Đông, và đây là điều mà tác giả khuyến cáo Washington nên chấp nhận như một thực tế. Như vậy, hai bên cần dàn xếp để duy trì đối thoại chiến lược về khu vực Tây Thái Bình Dương, nhằm hạn chế chạy đua vũ trang, tạo thế cân bằng lực lượng tại khu vực này. Và đây chính là khuôn khổ bảo đảm an ninh chung.

Đề xuất thứ hai mà tác giả khuyến cáo là hai đại cường cần nỗ lực triển khai thiết lập các quy tắc an ninh trên biển, nhằm duy trì ổn định tại khu vực. Tác giả nhấn mạnh Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là một nền tảng quan trọng, nhưng không đủ để thiết lập trật tự và an ninh. Theo học giả Trung Quốc, do cả Bắc Kinh và Washington đều không đủ sức mạnh để đơn phương áp đặt trật tự, các quy tắc này phụ thuộc vào sự nhất trí của cả hai bên. Về vấn đề này, có hai bước cần tiến hành. Thứ nhất là xác lập các quy tắc để tránh va chạm ngoài ý muốn giữa Hải Quân và Không Quân hai nước tại vùng biển này. Và thứ hai là xác định các quy tắc chung cho các hoạt động quân sự nhằm tránh mọi xu hướng leo thang nguy hiểm.

Khuyến cáo Mỹ "trung lập" liệu có khả thi ?

Hai đề xuất nói trên của học giả Trung Quốc gián tiếp thừa nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông. Đề xuất thứ ba, và cũng là điểm đặc biệt đáng chú ý trong bài viết của học giả Trung Quốc là việc khuyến cáo Hoa Kỳ nên có lập trường "trung lập" về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tác giả cảnh báo mọi can thiệp của Hoa Kỳ, đứng về phía một hoặc các bên tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, có thể dẫn đến "các phản ứng dữ dội" từ phía Trung Quốc. Lợi ích mà nước Mỹ thu được khi làm như vậy sẽ nhỏ hơn rất nhiều các thiệt hại, và thậm chí các can thiệp đó có thể dẫn đến đối thoại với Trung Quốc bị cắt đứt, trật tự do Mỹ tạo lập tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương "sụp đổ hoàn toàn".

Có thể nói đề xuất thứ ba này liên quan đến nguy cơ trực tiếp và chủ yếu dẫn đến bùng nổ xung đột vũ trang tại Biển Đông, khi Hoa Kỳ đứng về phía một quốc gia ven bờ không chấp nhận sự lấn lướt của Trung Quốc. Trong bảng xếp hạng các quốc gia có nguy cơ đụng độ vũ trang với Bắc Kinh của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ, Việt Nam xếp cuối theo trật tự abc. Tuy nhiên, trên thực tế, Hà Nội đang nằm ở tuyến đầu trong thế trận quốc tế đang dần dần hình thành, chống lại đà bành trướng Trung Quốc. Trong nửa cuối năm vừa qua, tuần duyên Việt Nam phải đối đầu liên tục trong bốn tháng với tuần duyên Trung Quốc, xâm nhập khu vực đặc quyền kinh tế, quấy nhiễu giàn khoan.

Nhà phân tích quân sự Derek Grossman, trung tâm tư vấn chiến lược Rand, chuyên về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, phát biểu với báo Úc, ghi nhận Hà Nội đang nỗ lực phát triển mạng lưới hợp tác quốc phòng với nhiều nước ASEAN, cùng Úc, Nhật Bản và Ấn Độ - ba quốc gia trong Bộ Tứ đi đầu trong việc duy trì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương "rộng mở và tự do", dựa trên luật pháp quốc tế. Washington cũng ủng hộ nỗ lực bảo vệ quyền chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, và chính thức bước đầu hỗ trợ Hà Nội về hải quân.

Xét trong bối cảnh như vậy, liệu khuyến cáo của học giả Trung Quốc, để Washington từ bỏ sự ủng hộ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị Bắc Kinh lấn át, có thể nào là khả thi ?

Trọng Thành

*****************

Thế giới bước sang năm mới 2020 cùng nỗi lo khủng hoảng (RFI, 01/01/2020)

Năm 2020 đã đến với toàn thế giới. Sydney rồi Hồng Kông, Bắc Kinh, Đài Bắc, Paris cho đến New York, giao thừa được chào đón với pháo hoa tưng bừng. Dường như không khí lễ hội chỉ làm mọi người quên trong giây lát thực trạng khủng hoảng.

20202

Cảnh đón năm mới 2020 trên đại lộ Champs Elysées, Paris đêm giao thừa. AFP/Martin Bureau

Theo tường thuật của AFP, tại New York, quảng trường Times Square vẫn chật cứng người như mỗi năm chờ quả cầu thủy tinh trong niềm hứng khởi pha lẫn với thực tế, thận trọng nhìn về tương lai.

Trước đó, tại Paris, cuộc đình công kéo dài gần cả tháng qua phản đối cải cách hưu trí, phương tiên giao thông công cộng hầu như không phục vụ, nhưng khoảng 300 ngàn người vẫn tập trung trên đại lộ Champs Elysées để chào đón năm mới trong tiếng nhạc, ánh sáng và pháo bông. Đây cũng là nơi diễn ra những cuộc biểu tình bạo động gần như mỗi thứ Bảy của phong trào Áo vàng, chống chính sách xã hội của chính phủ Pháp.

Tại Hồng Kông, phong trào dân chủ đón giao thừa trong tinh thần tranh đấu bất bạo động nhưng cương quyết. Đêm qua, hàng chục ngàn người cùng nhau nối vòng tay lớn, bản nhạc dạo đầu cho cuộc biểu tình lớn chống Bắc Kinh vào ngày đầu năm.

Úc : cháy rừng đẩy hàng ngàn người ra bờ biển

Nhưng khẩn trương hơn nữa là thảm nạn cháy rừng tại Úc. Thần hỏa tiếp tục đe dọa hàng loạt thành phố duyên hải miền đông nam, giết chết ít nhất 8 người trong 48 giờ qua và đẩy hàng ngàn dân cùng du khách ra bờ biển.

Tình thế nguy ngập này buộc chính phủ Úc phải huy động phương tiện quân sự, máy bay, tàu chiến di tản 4000 người bị lửa bao vây.

Từ Sydney, thông tín viên Gregory Plesse tường thuật :

Năm mới chỉ mới bắt đầu tại Úc mà tổng kết thiệt hại đã vô cùng nghiêm trọng. Sáng nay, người dân Canberra thức giấc trong đám mây bụi mịt trời. Chất lượng không khí tại thủ đô có 300 ngàn dân hôm nay bị xem là xấu nhất thế giới. Khói mù đã bay đến tận bờ biển New Zealand cách xa Úc đến 2000 cây số.

Ở ngôi làng South Cost gần đó, hơn 200 căn nhà bị thiêu hủy, một người cha và đứa con trai bị thiệt mạng. Thi thể một nạn nhân thứ ba vừa được cảnh sát tìm thấy ở bang New South Wall.

Hằng trăm ngàn người phải qua đêm ở bãi biển nhưng không phải để uống rượu đón giao thừa mà vì để trốn lửa. Đó là trường hợp của 4000 dân ở Mallacuta, thuộc bang Victoria đang bị cô lập vì cháy rừng. Họ đã được quân đội tiếp tế bằng trực thăng.

Theo thông tin đầu tiên, ở bang Victoria có 50 ngôi nhà bị cháy. Thiệt hại chắc chắc còn nặng nề hơn khi có bản tổng kết trong ngày.

Tú Anh

Published in Quốc tế