Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 16 novembre 2020 10:58

Khi tuổi trẻ Thái Lan dấn bước

Những chú ý đổ dồn vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ và cả những lo lắng về một viễn cảnh chuyển giao quyền lực đầy bất trắc, khi mà ông Donald Trump vẫn chưa chịu lên tiếng chúc mừng tổng thống tân cử Joe Biden, dường như hút hết mọi sự quan tâm từ giới truyền thông, mạng xã hội… tại Việt Nam thời gian qua.

Nhưng có một sự kiện quan trọng khác, một biến động sắp xảy ra trong khu vực mà rất có thể sẽ có tác động rất lớn sang cả Việt Nam và toàn bộ khu vực Đông Nam Á hiện tại, trong khi chúng ta chưa ý thức cái gì và tại sao một cách rõ rệt.

Đó là những cuộc biểu tình sôi nổi tại Thái Lan thời gian gần đây. Họ đả phá đích danh vào ông vua Maha Vajiralongkorn – Rama X, và vương quyền Thái Lan hiện tại. Họ đòi hỏi chính quyền đương nhiệm của Payuth Chan Ochah phải từ nhiệm để tổ chức một cuộc bầu cử thực sự tự do và dân chủ. Họ đòi hỏi những cải cách đối với vương quyền Thái, để Thái Lan thực sự là một nước quân chủ lập hiến, tách bạch vương quyền khỏi chính trị.

thai01

Những cuộc biểu tình sôi nổi tại Thái Lan thời gian gần đây đòi hỏi những cải cách đối với vương quyền Thái, để Thái Lan thực sự là một nước quân chủ lập hiến, tách bạch vương quyền khỏi chính trị.

Những cuộc biểu tình này, vượt lên trên lằn ranh phe phái, áo đỏ - áo vàng trước đó, với sự nhập cuộc đông đảo của tuổi trẻ - Những người cầm giữ tương lai phải đến của đất nước. Họ đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện cấu trúc chính trị - xã hội Thái Lan hiện tại, họ đòi hỏi một sự từ nhiệm dứt khoát của chính quyền đang điều hành đất nước của ông thủ tướng Thái Payuth Chan Ochah – Một tướng lãnh quân đội, mà sau những chiêu trò, thao túng đã làm lợi và bóp méo kết quả bầu cử năm 2019 cho ông, cũng như phe đảng thân quân đội Palang Pracharath của ông. Quan trọng hơn, họ đòi hỏi một sự tôn trọng những giá trị làm nền tảng cho một thể chế dân chủ thực sự – Những giá trị tự do, nhân quyền và một sự bao dung, liên đới đối với mọi thành phần trong xã hội.

Vài tóm lược lịch sử về Thái Lan

Với rất nhiều người Việt Nam trẻ, đặc biệt thuộc vào thế hệ của tôi, thì gần như những hiểu biết về thế giới khi còn ngồi trên ghế mái trường xã hội chủ nghĩa đều rất non nớt. Ngoài những kiến thức từ chương và nhàm chán phải học trong sách giáo khoa Sử, thì chủ yếu lăng kính quan sát thế giới đến từ những lúc "chịu trận" khi phải xem bản tin thời sự VTV 19:00 mỗi tối trong bữa ăn gia đình. Vì thế, những kí ức của tôi về một nước Thái Lan với những cuộc biểu tình lớn, tràn ngập các trung tâm tại Bangkok chia làm hai phe áo đỏ - áo vàng vẫn còn đậm nét cho đến ngày hôm nay.

thai2 (2)

Vương quốc Lanna và Xiêm La thế kỷ 16

Sự chia rẽ giữa áo đỏ - áo vàng

Chúng ta cần quay lại lịch sử một chút. Vương quốc Siam trỗi dậy kể từ năm 1350 với trung tâm quyền lực đặt ở Ayutthaya, cạnh con sông Chao Phraya. Hầu hết lịch sử cận đại của Thái Lan là những câu chuyện của vùng trung tâm này với nỗ lực thâu tóm, củng cố quyền lực đến ba vùng ngoại vi ở miền Bắc, miền Đông Bắc và miền Nam. Miền Bắc là khu vực có địa thế nhiều dãy núi, tạo ra một vách tường dày để thoát ra khỏi quyền lực từ vùng trung tâm. Vào giai đoạn thế kỉ 14, 15, Vương quốc Siam đối đầu với một đối thủ thực sự là Vương quốc Lanna ở miền Bắc, cái nền của vùng Chiang Mai hiện đại bây giờ.

Bên cạnh đó, Siam còn đối đầu với những thế lực nằm sát biên giới là Vương quốc Burma – Myanmar hiện đại, Vương quốc Khmer – Cambodia hiện đại. Tiến trình giao tranh và đối trọng quyền lực này tiếp diễn kéo dài, và chỉ thực sự bị khuất phục vào thế kỉ 17. Năm 1782, quyền lực được thiết đặt lại bởi ông vua Rama I, người lập ra vương triều Siam Chakri cho đến hiện tại. Ông Rama I di chuyển thủ đô của Siam từ Ayutthaya đến Bangkok, gần hơn vùng đồng bằng sông Chao Phraya. Ông củng cố và thống nhất quyền lực lên toàn đất Thái và kết thúc giao tranh với Burma vào năm 1793.

Người ta nói rất nhiều về chính sách ngoại giao mềm dẻo và công lao của vương quyền hiện tại đã tránh đưa đất nước Thái Lan vào ngoại thuộc, trong giai đoạn các chế độ thuộc địa ở Châu Âu áp đặt lên toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Nhưng Vương quốc Siam khi đó là vùng trái độn giữa hai cường quốc lớn. Một bên là Đế quốc Anh thiết đặt chế độ thuộc địa tại Myanmar và các quần đảo tại Malaysia. Một bên là Pháp thiết đặt chế độ thuộc địa tại khu vực Đông Dương: Việt Nam, Lào và Cambodia. May mắn cho Bangkok, là cả London và Paris đều bị chú tâm vào sự trỗi dậy của Đức tại Châu Âu vào cuối thế kỉ 19, nên tạm thời đình hoãn kế hoạch phân chia Siam. Sau đó, họ loại bỏ hẳn kế hoạch này khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, đặt dấu chấm hết cho tham vọng bành trướng hơn nữa tại phần còn lại của thế giới.

Để tóm lược về những mục tiêu địa - chính trị của vương quyền Rama Chakri tại Siam, ta có thể vạch ra những nét chính sau :

- Duy trì sự ổn vững tại Bangkok – mái nhà của 10% tổng dân số, bảo tồn sự thống trị quyền lực của vùng trung tâm này đến các vùng ngoại vi khác.

- Kìm cương và củng cố quyền lực tới ba vùng ngoại vi : khu vực miền núi phía Bắc, vùng cao nguyên Khorat phía Đông Bắc và khu vực bán đảo Malay hướng Nam.

- Ngăn chặn sự xâm nhập của Myanmar từ hướng Tây, Lào và Cambodia từ phía Đông, bằng cách giữ các thế lực này ở trạng thái mất thăng bằng, phân cực và không đủ năng lực để trở thành một mối đe dọa.

Xã hội của vương quốc Siam khi đó đặt trên cái nôi của Phật giáo Tiểu thừa. Vì lẽ đó, chính sách của họ đối với các thế lực phương Tây, nhất là việc truyền bá đạo Thiên Chúa giáo khi đó, rất thận trọng. Có thể nói, nếu có một sự so sánh tương đối thì chính sách của vương triều Rama Chakri cũng không khác nhiều so với triều nhà Nguyễn. Có chăng, họ vẫn tận dụng các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là phương Tây, để làm lợi về mặt kinh tế, nâng cao khí tài, trong khi dè dặt về mặt văn hóa để không làm suy yếu quyền lực trung tâm mà mình nắm giữ. Sự dè dặt và thận trọng này không đi đến mức độ "bế quan tỏa cảng" như những gì triều Nguyễn đã làm.

Như vậy, ngoài mặt, Siam là một vương quốc thống nhất về mặt địa lý và hành chính, đặt dưới trung tâm quyền lực của vương triều Rama Chakri. Nhưng trong bề sâu, nó có sự phân chia rất rõ rệt mà chúng ta có thể thấy thành phe áo đỏ - áo vàng như hiện tại. Một bên là thiểu số 10% những người sống quanh khu vực trung tâm quyền lực, được hưởng lợi từ chế độ vương quyền hiện tại. Phần còn lại là đa số những người Thái sống tại các khu vực xa trung tâm quyền lực và các khu vực ngoại vi phía Bắc. Họ là những người Thái gốc, cũng như vương quốc Lanna tại Chiangmai đã ra đời trước vương quốc Siam, nhưng luôn bị kìm kẹp và không được hưởng đặc lợi nào từ vương quyền trung tâm. Những vấn đề còn tồn tại từ vài thế kỉ trước vẫn còn vang dội cho đến tận ngày hôm nay !

Mãi cho đến năm 1932...

Chế độ vương quyền tại Thái Lan tưởng chừng đã thực sự chấm dứt vào năm 1932 sau một cuộc đảo chính quân sự. Ông vua Prajadhipok thoái vị, kết thúc gần 7 thế kỉ tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế. Vào năm 1939, vương quốc Siam đổi tên chính thức thành Thái Lan. Chế độ quân chủ chuyên chế tuyệt đối được thay thế bằng một chế độ quân chủ lập hiến. Nhưng Thái Lan chỉ có vỏ bọc dân chủ, còn quyền lực thực sự chỉ chuyển đổi từ vương triều Thái Lan vào trong tay tập đoàn các tướng lĩnh.

thai3

Năm 1932 sau một cuộc đảo chính quân sự. Vua Prajadhipok thoái vị, kết thúc gần 7 thế kỉ tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế.

Chỉ một thời gian sau đó, tập đoàn tướng lĩnh này đã từng bước hồi sinh lại vương quyền Thái Lan, như một công cụ chính đáng để duy trì quyền lực độc tôn của mình. Sau khi vị vua trẻ Ananda Mahidol bị mưu sát vào năm 1946, người em của ông, Bhumibol Adulyadej, được tấn phong thành nhà vua Rama IX. Ông được đưa lên thành biểu tượng đoàn kết quốc gia trong một thể chế quân chủ lập hiến, tách bạch hoàng gia và vương quyền khỏi chính trị. Người ta thống kê kể từ năm 1939, Thái Lan đã xảy ra 19 cuộc đảo chính quân sự, không bao gồm những cuộc đảo chính nhỏ hay ý định chưa thành hiện thực khác.

Vậy cái gì đã xảy ra ?

Tới đây, cần phải soi tỏ bản chất của chế độ chính trị tại Thái Lan kể từ sau năm 1932. Đó là các tập đoàn tướng lãnh đã thay nhau cầm quyền dưới một chế độ dân chủ về hình thức nhưng độc tài quân phiệt trong nội dung. Ông Nguyễn Gia Kiểng, đã cô đọng lịch sử cận đại của Thái Lan trong chương "Những thí dụ phản bác" (Tổ Quốc Ăn Năn) như sau :

"Lịch sử cận đại của Thái Lan có thể tóm tắt như thế này : khi một nhóm tướng lãnh cảm thấy đủ sức mạnh, họ đảo chính lật đổ đám tướng lãnh đang cầm quyền và nhóm tướng lãnh bị hất cẳng quay ra làm thương mại hoặc cạo đầu đi tu chờ cơ hội trở lại cầm quyền. Những cuộc đảo chánh không đổ máu kế tiếp nhau trước sự dửng dưng thụ động của quần chúng. Tình trạng này đã chỉ thật sự chấm dứt tháng 9-1992, khi tập đoàn quân phiệt phải nhượng bộ, sau khi đã đàn áp đẫm máu mà không dẹp được những cuộc xuống đường rầm rộ đòi dân chủ. Chế độ độc tài quân phiệt Thái Lan đã kéo dài suốt sáu mươi năm bởi vì nó dựa trên một liên minh rất vững chắc giữa quân phiệt, tài phiệt và nhà vua, nghĩa là một liên minh vừa có bạo lực, vừa có tiền lại vừa có tính chính đáng do lịch sử và truyền thống. Chưa kể là nó còn có một đồng minh gián tiếp là Phật giáo Tiểu thừa, một tôn giáo nhẫn nhục và thụ động".

Rất nhiều người hiểu lầm về bản chất của chế độ quân chủ lập hiến tại Thái Lan và vai trò của nhà vua. Họ thường so sánh hoàng gia Thái với hoàng gia Nhật Bản, Anh, hay các nước Châu Âu rồi đi đến kết luật là hoàng gia Thái chỉ có vai trò biểu tượng và tách bạch hẳn khỏi chính trị Thái. Đây chính xác là những gì mà tập đoàn quân phiệt – tài phiệt Thái Lan muốn quần chúng nghe và tin.

Trong xã hội Thái Lan, vai trò và tầm quan trọng của đức vua là vô song. Vị vua không những là biểu tượng của phẩm hạnh, phẩm giá và đạo đức, mà còn là một biểu tượng sống của các thần linh trong đạo Ấn giáo – Phật giáo Tiểu thừa.

Trong nhiều thập niên, dù trải qua các cuộc đảo chính quân sự khác nhau, thì các tập đoàn quân phiệt – tài phiệt đều không ngừng tuyên truyền và tô vẽ đến người dân Thái Lan cái quyền lực chính đáng tuyệt đối về vị vua của họ. Dần dần, người Thái được nuôi dưỡng bởi một truyện thuyết mà trong đó việc sùng kính đức vua, trở thành một phần không thể thiếu trong việc trả lời cho câu hỏi về căn cước : "Thế nào là người Thái Lan ?" Là người Thái có nghĩa là phải sùng kính đức vua ! Sùng kính đức vua tức là một người Thái yêu nước !

Nhưng nếu thế thì chưa đủ, quyền lực của nhà vua còn được cụ thể hóa bằng luật pháp. Có hẳn một bộ luật "Khi Quân" để liệt kê ra những điều cấm đối với hoàng gia Thái. Nó áp dụng những hình phạt rất khắc nghiệt đối với bất kì ai đặt dấu hỏi về hoàng gia Thái. Nhà vua đứng trên pháp luật và lời vua là lời của thượng đế. Vì thế, các tập đoàn độc tài quân phiệt – tài phiệt nắm giữ một kim bài tuyệt đối từ đằng sau để thao túng dân chủ.

Vào năm 1976, hòa nhịp vào những cao điểm của thế giới thời điểm đó, đã xuất hiện ngày một đông đảo hơn những tiếng nói phản đối trực tiếp đến chế độ độc tài quân phiệt và hoàng gia Thái Lan. Vào ngày 6/10/1976, quân đội dập tắt các cuộc biểu tình bằng một vụ thảm sát hàng loạt sinh viên tại trường đại học Thammasat. Những kí ức bạo lực kinh hoàng về cuộc thảm sát đối với những sinh viên không một tấc sắt này đã làm rúng động cả thành phần trí thức Thái Lan. Người ta dần đặt lại câu hỏi "Liệu sự sùng kính tuyệt đối với đức vua có phải là điều kiện tiên quyết để là một người Thái yêu nước ?".

thai4

Cuộc đàn áp và thảm sát sinh viên tại Đại học Thammasat năm 1976. Nguồn : AP News

Cao điểm vào năm 1992, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, lần này các cuộc biểu tình xuống đường có sự tham gia của chính những thế hệ trẻ - Những người mà cha mẹ họ thuộc vào giai cấp quyền thế, đặc lợi của xã hội Thái, nhưng đã chọn một lý tưởng cấp tiến khác hẳn. Sau khi chứng kiến sự áp đảo và một tương lai bắt buộc phải đến, tập đoàn quân phiệt ở Thái đã phải nhượng bộ và Thái Lan bước vào một kỉ nguyên sinh hoạt dân chủ có thực chất hơn sau đó.

Trở lại với hiện tại

Vài năm trước, một video viral trên Facebook tiết lộ cho thế giới và người dân Thái về chân dung của vị vua mới Maha Vajiralongkorn hiện tại. Đoạn phim quay lại ông Vajiralongkorn, khi đó 64 tuổi, đang dạo trong trung tâm thương mại tại Munich, Đức, nơi ông ấy dành hầu hết thời gian sinh sống, không phải với vợ mà là nhân tình của mình. Ông ấy ăn mặc và hành động rất khác xa so với hình dung của bất kì người nào về một người chuẩn bị lên kế nhiệm ngai vàng Thái Lan sắp tới.

Sau khi ông vua cha Bhumibol Adulyadej qua đời và ông Maha Vajiralongkorn chính thức được tấn phong thành vua Rama X, ông vẫn dành phần lớn thời gian sống tại nước ngoài, nhưng dần chuyển giao khối tài sản đồ sộ tích lũy từ thời vua cha sang mình. Khối tài sản hoàng gia này, được quản lí bởi Crown Property Bureau - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tài sản cho quốc vương Thái Lan - sở hữu, ước tính 43 tỷ đô-la Mỹ.

THAILAND-ROYALS-CORONATION

Bà Suthida Tidjai và tập thể tướng lãnh Thái quỳ phục trước ông Maha Vajiralongkorn, tức vua Rama X, trong buổi lễ thành hôn ngày 1/5/2019. Ảnh minh họa 

Trong con mắt của người dân Thái Lan, sự ngao ngán có thực này chuyển dần thành một sự phẫn nộ có thực. Người Thái được cho là không được phép bàn về đức vua. Nhưng chủ đề về đức vua là tất cả những gì người ta trao đổi với nhau trong những cuộc gặp hàng ngày. Tính chính đáng của nhà vua dần trở nên xói mòn và gỉ sét. Người ta càng đặt nhiều dấu hỏi về khối tài sản quá lớn của hoàng gia Thái, trong khi tuyệt đại đa số đang phải sống bần cùng vì tác động của đại dịch Covid-19.

Trong ba cột trụ : tính chính đáng của đức vua, liên minh quyền và tiền giữa các tập đoàn quân phiệt- tài phiệt, và sự gián tiếp của Phật giáo Tiểu thừa, giờ đây đã mất cả hai chân. Sau nhiều thập niên tiếp xúc và được tiếp sức bởi mô hình dân chủ tự do phóng khoáng và đeo đuổi một nền kinh tế thị trường hoang dại chỉ làm lợi cho một thiểu số, Thái Lan đã trở thành một trong những nước có mức độ chênh lệch giàu – nghèo lớn nhất thế giới. 50% bên dưới của Thái Lan chỉ nắm giữ duy nhất 1,7% tổng tài sản quốc gia, trong khi đó nhóm 10% tốp trên nắm giữ gần như toàn bộ : 85,7% của cải quốc gia. Các cuộc biểu tình tăng lên cao điểm trong thời gian gần đây vì tác động của đại dịch Covid-19 càng làm lộ ra mức chênh lệch khủng khiếp này. Hơn 20% nền kinh tế của Thái Lan phụ thuộc vào du lịch và người ta thống kê cứ 6 người trong độ tuổi lao động, thì sẽ có một người làm việc trong ngành du lịch. Đại dịch Covid-19 biến những khu du lịch sầm uất nhất tại Thái Lan thành những vùng đất vắng vẻ không người.

Nghiêm trọng hơn, chính quyền của Prayuth Chan Ochah hiện tại đã dựa vào quyền lực của nhà vua và độc quyền chính trị của mình để làm những thủ thuật nắm giữ đa số ghế trong quốc hội. 250 ghế trong thượng viện, được bầu do một ủy ban quân đội bổ nhiệm. Sau khi thấy đảng Future Forward do ông Thanathorn Juangroongruangkit, tạo ra được tiếng vang và dành được sự quan tâm từ giới trẻ khi giành được 26 ghế trong Hạ Viện vào năm 2019, chính quyền Prauth Chan Ochah đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ và sau đó giải thể đảng Future Forward vào đầu năm nay.

Tương lai phải đến và khi tuổi trẻ nhập cuộc !

Tất cả những yếu tố này đã tạo thành một lực đẩy vô cùng lớn để đưa đến những cuộc biểu tình ở Thái Lan thời gian gần đây. Được tiếp sức bởi sự bài bản và có tổ chức từ phong trào dù vàng tại Hongkong, các cuộc biểu tình với sự nhập cuộc của cả sinh viên – học sinh Thái Lan, lấy biểu tượng giơ 3 ngón tay từ bộ phim chuyển thể "The Hunger Games", đã tuần hành liên tục trong hòa bình nhiều tuần nay. Họ chiếm lĩnh các trung tâm ở Bangkok, tổ chức những cuộc biểu tình với lời kêu gọi cải tổ nhắm đích danh vào hệ thống chính trị và chế độ vương quyền tại Thái Lan hiện tại. Phong trào Bad Students được thành lập do một học sinh phổ thông vào tháng 6 vừa rồi, Laponpat, được hàng trăm ngàn người hưởng ứng – theo Nikkei Asia Review.

thai6

Tuổi trẻ Thái Lan xuống đương biểu biểu tình với biểu tượng 3 ngón tay.

Benjamaporn Nivas, 16 tuổi, trả lời hãng thông tấn Nikkei như sau : "Đây là thời điểm chúng tôi không chỉ chỉ trích hệ thống giáo dục hiện tại mà chúng tôi có thể chỉ trích mọi vấn đề sai trái".

Một chế độ hay bất kì một đảng phái nào, được coi là chết lâm sàng khi nó không thể đại diện cho một tương lai nào phải đến. Tuổi trẻ Thái Lan nhập cuộc, với sự hỗ trợ từ cả một tầng lớp trí thức và đảng đối lập song hành cùng. Khác với ý niệm về sự phân chia giữa phe áo vàng – áo đỏ, cũng như tả - hữu đương thời. Họ vượt lên trên lằn ranh đó và dứt khoát đỏi hỏi một nền dân chủ thực sự. Họ dứt khoát đòi hỏi một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, nhưng phải có sự liên đới quốc gia để nâng đỡ mọi thành phần trong xã hội. Giai cấp quyền thế của Thái Lan đã trục lợi nguồn lợi quý nhất của một quốc gia – là con người, bao nhiêu thế kỉ qua và tiến trình này dần đi đến một hồi kết. Nhưng hồi kết này sẽ được khép lại bởi một lớp trẻ, không phân biệt áo vàng hay áo đỏ, mà cùng nhau chia sẻ một dự án tương lai chung cho dân tộc.

Bài học nào cho Việt Nam ?

Trước tiên, là chính quyền cộng sản Việt Nam hiện tại. Trong nhiều bài phân tích của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trước đó, chúng tôi đã khẳng định rằng chủ nghĩa Mác Lê-nin đã chết. Đảng cộng sản Việt Nam hiểu điều này và thực tế cũng cho thấy họ đã xích lại gần quỹ đạo của các nước dân chủ, nhưng vẫn còn lúng túng nhắc lại không dưới ba lần "kiên định chủ nghĩa Mác – Lenin" trong văn kiện Đại hội 13, để làm bình phong duy trì sự thống trị độc tài của đảng. Nhưng đây là một hành động sai lầm. Ngày hôm nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ rõ ràng là họ đã thất bại trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt. Hơn nữa, họ không có một dự án chính trị nào trình bày một tương lai phải đến cho dân tộc Việt Nam. Nói như ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng : "Nói là đi lên xã hội chủ nghĩa, nhưng không biết đến hết thế kỉ này có đi lên thành công không ?". Dấu hỏi của chính ông cũng là dấu chấm hết cho tương lai của Đảng cộng sản Việt Nam vì nó không đề nghị một tương lai nào cho tuổi trẻ.

Tiếp đến là phong trào dân chủ tại Việt Nam. Tôi đã dành thời gian để theo dõi những bộ phim tài liệu về những biến động chính trị Thái Lan cũng như trực tiếp trao đổi ý kiến với một vài bạn Thái quan tâm tới tình hình đất nước họ mà tôi biết. Cảm giác chung của họ sau cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ khi chứng kiến Donald Trump thất cử, Joe Biden lên nắm quyền trước hết là một sự thở phào nhẹ nhõm rồi đi đến cảm xúc phấn khởi vì họ tin rằng điều này sẽ mở ra một bối cảnh quốc tế thuận lợi hơn cho phong trào dân chủ tại Thái Lan. Theo họ, người Thái đã quá mỏi mệt bởi việc chọn phe áo vàng hay áo đỏ. Thái Lan có rất nhiều vấn đề xã hội và chỉ có thể thực sự cất cánh nếu như có một truyện thuyết mới dành chỗ đứng cho mọi thành phần quốc gia. Giới trẻ ủng hộ sự liên đới xã hội, ủng hộ tách bạch vương quyền khỏi chính trị, ủng hộ tăng trưởng kinh tế lành mạnh và sự quan tâm đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… Trên những điểm này, tôi vừa chia sẻ cảm giác hân hoan và hy vọng đối với tương lai của họ, tôi không khỏi lo âu khi nghĩ đến tình hình Việt Nam.

Thái Lan may mắn hơn nước ta, khi họ đã không thực sự có một cuộc nội chiến lớn nào trong ba thế kỷ qua. Nhưng chỉ vài thập niên trước, Việt Nam đã chứng kiến một cuộc nội chiến 30 năm với thảm kịch hơn 6 triệu người ở hai bên đã nằm xuống, cùng những thảm kịch và di chứng còn ám ảnh đến hiện tại. Chúng ta là một dân tộc chia rẽ hơn bao giờ hết. Nhưng những di sản, mà chủ yếu chỉ là những gánh nặng, vẫn còn quàng lên cổ chúng ta và sang chấn tinh thần dân tộc ta đến tận ngày hôm nay. Sự bất lực trước một chế độ bạo ngược và vô đạo đức quá lâu, dần làm chúng ta thất vọng với chính mình và mất niềm tin vào nhân quyền, lẽ phải. Nhưng dân chủ là gì nếu không phải là một thiết chế xã hội để nhằm tôn vinh những giá trị đạo đức, lẽ phải ?

thai7

Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai – Dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trình bày một tương lai cho con người Việt Nam

Cơn ác mộng Donald Trump sẽ sớm qua đi. Sau khi cơn xúc động lắng xuống, khi trấn tĩnh lại, những người dân chủ sẽ hiểu được lẽ phải, các giá trị đạo đức là sức mạnh vô địch chống lại bất cứ chế độ độc tài nào. Khi đó, phong trào dân chủ tại Việt Nam sẽ dâng lên mạnh mẽ.

Việt Dân

(16/11/2020)

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm