Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tình hình Biển Đông đang làm Bắc Kinh lo ngại. Chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thời Barack Obama tưởng đâu đã bị bỏ rơi dưới thời Donald Trump, không ngờ đang được làm sống lại.

1backinh1

Tình hình Biển Đông đang làm Bắc Kinh lo ngại.

Hiện trạng trên Biển Đông

Ban cố vấn an ninh diều hâu của Tổng thống Donald Trump đang khám phá sự chiếm hữu, cải tạo và xây dựng bất hợp pháp những căn cứ quân sự trên những bãi đá san hô ngoài khơi Biển Đông của Trung Quốc nhằm tăng cường và nới rộng sự kiểm soát của Bắc Kinh trên bầu trời và hải lộ giao thương chính ở vùng Tây Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là nếu im lặng để Trung Quốc thực hiện âm mưu chiếm hữu Biển Đông, các quốc gia cùng chia sẻ trục lộ giao thông hàng hải chính này là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, các quốc gia ASEAN, Úc, Tân Tây Lan và Ấn Độ sẽ không còn quyền tự do giao thương và đi lại nữa.

Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực đã lên tiếng tố cáo và yêu cầu Bắc Kinh ngưng các hoạt động phi pháp này. Thay vì hòa hoãn và tiếp tục trong âm thầm, Bắc Kinh đã không những lên gân khoe cơ bắp mà còn lớn tiếng đe dọa những ai xâm phạm vào lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đã liên tiếp tập trận bắn đạn thật gần như hàng tháng trong khu vực "lưỡi bò" mà họ tự vẽ ra. Những hành động này trước hết là nhằm răn đe chính quyền Đài Loan không nên có ý đồ tuyên bố độc lập, kế là cảnh báo các quốc gia trong khu vực chớ nên thách thức sức mạnh của lực lượng hải và không quân Trung Quốc.

Hăm dọa này có lẽ đã thành công đối với các quốc gia nhỏ yếu trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Campuchia nhưng không hề làm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Úc và Ấn Độ lo ngại. Không những thế, tàu chiến của các cường quốc hải quân Châu Âu, Anh và Pháp, còn được gởi tới để tuần tra chung. Trước những phản ứng này, Bắc Kinh đã vô cùng bối rối, nhất là bộ tư lệnh hai Hạm đội Đông Hải và Nam Hải.

Bắc Kinh đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng, mở rộng và củng cố những bãi đá san hô thành những căn cứ rộng lớn, đã điều động gần như trọn bộ lực lượng tàu chiến và máy bay tiên tiến nhất vào khu vực này để gây tiếng vang và làm áp lực với các thế lực hàng hải quốc tế… Nhưng kết quả đã không như mong đợi. Áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang qui mô chưa từng có trên toàn khu vực, và nếu càng để lâu lực lượng võ trang răn đe của Trung Quốc có thể lâm vào thế yếu.

Các quốc gia nhỏ bé và yếu kém hơn Trung Quốc như Singapore, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia đã trang bị những loại khí tài tối tân và hiện đại như tàu ngầm, tàu dẫn tên lửa, các loại máy bay tiêm kích đời mới… Các quốc gia hiếu hòa trước đây như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan buộc phải canh tân lại khả năng chiến đấu của các lực lượng võ trang để đối đầu với Trung Quốc. Chưa bao giờ sự hiện diện của lực lượng hải và không quân Hoa Kỳ tuần tra và tập trận ngay sát cạnh lãnh thổ và lãnh hải như hiện nay.

Thêm vào đó, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã được trang bị hai tàu chở trực thăng tự đóng, có khả năng trở thành hàng không mẫu hạm, và thành lập nhiều đơn vị tác chiến chuyên nghiệp có khả năng chiến đấu ngoài lãnh thổ. Nam Hàn cũng thế, lực lượng hải và không quân đã được trang bị thêm tàu chiến và các loại máy bay tiêm kích tiên tiến nhất, đủ khả năng tập trận chung ngang hàng với Hạm đội 7 Hoa Kỳ trong vùng biển Hoa Đông, sát cạnh thủ đô Bắc Kinh. Trong khi Đài Loan, một hòn đảo quốc gia độc lập với Trung Quốc, cũng đã canh tân và trang bị thêm những loại khí tài hiện đại đủ khả năng đẩy lùi và phản công lại bất cứ bất cứ cuộc tấn công nào đến từ lục địa.

Trước những chuẩn bị này, chỉ cần bật một que diêm là nồi thuốc súng sẽ nổ, bất cứ một tấn công nào vào tàu thuyền di chuyển trong vùng Biển Đông sẽ dẫn đến xung đột võ trang. Chính vì thế, mặc dù rất bực bội, Bắc Kinh chưa dám ra tay. Nhưng tình thế này không thể kéo dài mãi mãi. Càng để lâu, chi phí vận hành các cơ sở vận hành và phương tiện di chuyển trên biển và trên không càng tăng cao mà không bên nào mong muốn.

Vấn đề của Trung Quốc là nếu càng để lâu tình hình sẽ ung thối, sự áp đảo của Trung Quốc về số lượng máy bay và tàu chiến sẽ mất hiệu lực răn đe, chủ quyền tuyên bố đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông không được tôn trọng, lượng tiền khổng lồ bỏ ra không thu đạt kết quả mong muốn.

Cũng nên biết số lượng dầu mazout tiêu thụ mỗi ngày cho tàu cá dân sự, tàu chiến và máy bay có nhiệm tuần tra Biển Đông rất là cao, trong khi Trung Quốc chưa tìm được mỏ dầu nào đáng kể để cung cấp nhiên liệu cho đội tàu và máy bay sử dụng. Chỉ riêng tàu sân bay Liêu Ninh, lượng diesel tiêu thụ mỗi ngày hơn một triệu lít (một ngàn tấn dầu), mỗi khi di chuyển phải có hai tàu chở nhiên liệu đi theo để luân phiên tiếp tế, chính vì thế khả năng phòng thủ của tàu Liêu Ninh rất yếu vì không thể ra khơi quá vài ngày hoặc một tuần ; nếu xảy ra xung đột, chỉ cần ngăn chặn hay đánh chìm những tàu tiếp tế thì coi như tàu Liêu Ninh vô hiệu, có thể bị bắt sống. Tiếp vận nguyên nhiên vật liệu cho đội tàu trên biển chính vì thế là ưu tiên hàng đầu của các bộ tư lệnh Hạm Đội Đông Hải vva Nam Hải.

Gia tốc tiến trình thuộc địa hóa Việt Nam

Trước tình thế này, Bắc Kinh đang rất bối rối. Ra tay hay không ra tay ? Ra tay bằng cách nào, vào lúc nào, và nhắm vào ai ? Hậu quả nhận lại sẽ như thế nào ?

backinh2

Đảo Lý Sơn còn gọi là Cù Lao Ré. Ảnh từ Internet

Rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra nhưng chưa có giải pháp nào thỏa đáng. Điều quan trọng mà Bắc Kinh có thể làm lúc này là chuẩn bị cho một tình huống xấu : chấp nhận xung đột võ trang.

Nhưng chấp nhận xung đột võ trang là một quyết định quan trọng, sự an nguy cũng như chỗ đứng của Trung Quốc đặt trên bàn cân mà được thì không có gì thêm, còn thua thì mất tất cả. Do đó, ngoài giải pháp ngoại giao, vận động dân vận và thông tin tuyên truyền, hai công tác mà Bắc Kinh đang tiến hành trong lúc này là :

1. Củng cố và trang bị những bãi đá nhân tạo ngoài khơi Biển Đông để dò tìm và phát hiện sự xâm nhập của đối phương, tiếp tục tuần tra và tập trận trên vùng biển với những tốn kém khó chịu đựng ;

2. Tăng cường xây dựng cơ sở hậu cần trên đất liền như nhà ở để bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần và chuyên viên kỹ thuật quốc phòng đang công tác ngoài khơi Biển Đông khi xảy ra chiến tranh, quan trọng nhất là chiếm giữ những nguồn sản xuất đầu khí ngoài khơi Biển Đông, xây dựng những kho tồn trữ nguyên nhiên vật liệu và khí tài chiến tranh (xăng dầu, vũ khí, đạn dược, thiết bị quân sự, lương thực thực phẩm, dụng cụ y tế...) để tiếp tế ngoài khơi khi có xung đột. Cũng nên biết, kẻ thù chính ngoài khơi của lực lượng quân sự là muối. Muối ăn mòn sắt thép, nhôm kẻm, ximăng, tiêu diệt cây cỏ, do đó xây dựng nhà kho trên đất liền là điều bắt buộc để bảo trì cơ sở và vũ khí. Việt Nam nằm trong công tác thứ 2.

Theo lịch trình chiến lược đã được hoạch định trong những Tuyên bố chung 2015 và Tuyên bố chung 2017, phải chờ đến năm 2021 công tác họp tác toàn diện với Việt Nam trên mọi lãnh vực mới hoàn tất. Nhưng trước tình thế cấp bách như hiện nay trên Biển Đông, Bắc Kinh muốn đốt giai đoạn dự trù trong Điểm 5, mục iii và iv của bản Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 2017  : gia tốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên những vị trí trọng điểm chiến lược ở Việt Nam.

Một cách cụ thể : Trung Quốc muốn trực tiếp đứng ra xây dựng những đại công trình xây dựng cơ sở tại một số trọng điểm chiến lược trên lãnh thổ Việt Nam mà Bắc Kinh đã chấm, chứ không muốn giao cho người Việt Nam đứng tên nhứ đã làm trong quá khứ. Những địa điểm chiến lược mà Bắc Kinh đang nhắm tới là vùng đất liền gần những căn cứ quốc phòng của Trung Quốc ở ngoài khơi Biển Đông : Quảng Nam, Quảng Ngải cho Hoàng Sa, Phan Thiết, Vưng Tàu và Nhà Bè cho Trường Sa. Riêng tại Sài Gòn, hai địa danh chiến lược mà giới đầu tư Trung Quốc đang nhắm tới là Thủ Thiêm và Biên Hòa để dành độc quyền xây dựng những cao ốc cư ngụ, và đặc biệt là xây dựng giang cảng quốc tế trên sông Đồng Nai và phi cảng quốc tế Long Thành.

Để cụ thể hóa, ngày 24/04/2018 vừa qua, một phái đoàn cao cấp đã từ Thượng Hải đến Sài Gòn yêu cầu cấp lãnh đạo địa phương nhượng quyền xây dựng công khai và trực tiếp cho những công ty xây dựng Trung Quốc, đặc biệt là tại Sài Gòn và các tỉnh duyên hải miền Trung, trong thời hạn 100 năm. Điều đáng lưu ý là những phái đoàn đến từ Trung Quốc này không liên lạc trực tiếp với Hà Nội, tức Trung ương, mà với từng địa phương.

Tại miền Trung, họ liên lạc trực tiếp với lãnh đạo Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngãi để nhượng quyền xây dựng và khai thác bán đảo Sơn Trà và đảo Lý Sơn, hai vị trí gần quần đảo Hoàng Sa nhất, đương nhiên là với mục đích khai thác những bãi biển du lịch nhưng hậu ý là xây dựng cơ sở cho lực lượng chuyên viên kỹ thuật và hậu cần khi xảy ra chiến tranh trên biển.

Sông Đồng Nai với thành phố Biên Hòa và Long Thành là hai địa điểm đầy triển vọng phát triển của nền kinh tế miền Nam : cảng sông lớn, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực trẻ và chuyên nghiệp. Nhưng Long Thành mới chính là địa điểm chiến lược mà các chuyên gia Trung Quốc đang nhắm tới. Một công ty xây dựng lớn của Trung Quốc đang vận động quyền được sử dụng và chuyển nhượng những cơ sở hạ tầng lớn ở Việt Nam do họ xây dựng (chẳng hạn như quyền xây dựng và khai thác độc quyền phi cảng quốc tế Long Thành, giang cảng Phú Đông trên sông Đồng Nai, hải cảng nước sâu Vũng Tàu…) trong thời hạn 100 năm thay vì 50 năm như luật định. Cũng nên lưu ý, chính quyền cộng sản Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng phi cảng quốc tế Long Thành từ rất lâu, nhưng "không hiểu vì sao" đã cất vào tủ và chỉ lo tập trung mở rộng phi cảng Tân Sơn Nhất về phía nam.

Sài Gòn cũng thế, địa điểm chiến lược đầy triển vọng phát triển trong những năm tới mà giới đầu tư Trung Quốc đang nhắm tới là Thủ Thiêm, Quận 2. Đây là một vùng còn hoang dã nên rất dễ xây dựng vì không phải bỏ ra những món tiền lớn để đền bù chuyển nhượng.

Sâu chuổi lại những diễn biến xảy ra gần đây trên chính trường Việt Nam, và qua những mô tả vừa kể như trên, chúng ta thấy Đảng cộng sản Việt Nam đang thi hành đúng bài bản và lịch trình mà phía Trung Quốc đã hoạch định :

mặt này làm áp lực với Việt Nam để chia quyền khai thác các mỏ dầu ngoài khơi Biển Đông. Bằng chứng cụ thể là chính quyền cộng sản Việt Nam đã rút lui và ngừng dự án dò tìm dầu khí trong khu vực Cá rồng đỏ và Cá voi xanh ;

- mặt kia đưa người trực tiếp từ mẫu quốc vào Việt Nam để xây dựng những công tình muốn thực hiện, vừa nhanh vừa đảm bảo bí mật quốc phòng. Đầu tiên là tố giác và loại trừ những sứ quân bất động sản địa phương để giành lại quyền quyết định điều phối : ở Đà Nẵng qua vụ Phan Văn Anh Vũ và đồng nhóm, tiếp theo là tố giác tham nhũng bất động sản trên đảo Lý Sơn, rồi đây trong những ngày sắp tới sẽ xảy ra những vụ việc liên quan đến quyền chuyển nhượng và khai thác bất động sản trên Cù lao Chàm ở Hội An, Hòn Yến ở Nha Trang, đảo Long Hải ở Phan Thiết, đảo Côn Sơn ở Vũng Tàu sẽ nổ ra, mà điểm cuối cùng là Sài Gòn. Tất cả đều nằm trong tiến trình chiếm hữu những vị trí chiến lược ngoài khơi bờ biển Việt Nam để những công ty Trung Quốc vào xây dựng cơ sở vừa dân sự vừa quốc phòng.

Một cách cụ thể, hiện nay đang nổ ra cuộc điều tra các cấp lãnh đạo địa phương lạm quyền cung cấp giấy phép khai thác Quận 2 Thủ Thiêm, một dự án lớn nhằm biến Thủ Thiêm thành một trung tâm kinh tế tài chánh tầm cỡ khu vực và quốc tế. Vụ việc này đang nổ lớn vì đối tác chính là giới đầu tư Trung Quốc muốn thương lượng quyền khai thác.

Cũng nên chú ý, tham nhũng ở Việt Nam xảy ra gần như hàng ngày, ở khắp nơi và liên quan đến mọi cấp đảng, chính quyền, quân đội và công an. Chỉ cần chịu khó quan sát, tham nhũng bất động sản đã lộ mặt ngay trong nội thành và chung quanh Hà Nội, dọc bờ biển Quảng Ninh, Hải Phòng, và ngay trong Vịnh Hạ Long, rồi Thanh Hóa, Sơn Tây, trên vùng Trung Du, ở các tỉnh dọc vùng biên giới Trung Quốc, Lào và Campuchia, trên Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, tất cả đã được báo chí trong nước phanh phui nhưng đều chìm tắt trong im lặng.

Ngược lại tại sao tham nhũng bất động sản chỉ công khai nổ bùng ở vùng duyên hải miền Trung và vùng Sài Gòn-Đồng Nai ? Rất dễ trả lời, tất cả đều nằm trong ý đồ của Bắc Kinh : muốn đốt giai đoạn để nắm quyền kiểm soát trực tiếp. Việt Nam đang biến thành thuộc địa của Trung Quốc.

Về phía dư luận Việt Nam, có thể những tố giác và tố cáo tham nhũng gần đây tại Việt Nam mang hơi hướm của "trâu cột ghét trâu ăn" chứ không phải là muốn thực sự bài trừ tham nhũng. Điều này cũng đúng vì bất cứ cán bộ đảng viên nào có chức vụ đều tham nhũng, từ cấp Trung ương đảng đến các cấp địa phương, từ công an đến quân đội. Phe Nguyễn Tấn Dũng đã ăn quá nhiều và không chừa gì cho người đi sau thì bây giờ người đi sau lên cầm quyền chỉ muốn đòi những người đã ăn quá lố trả lại để chia lẫn nhau.

Vấn đề là không ai thấy âm mưu thâm độc của Bắc Kinh là đang thuộc địa hóa Việt Nam. Những gì đang diễn ra hiện nay giống như thời những người Minh Hương đầu tiên đến khai thác vùng Sài Gòn-Gia Định thế kỷ 18. Khi lực lượng di dân nhà Minh này thành công, họ liền liên lạc với mẫu quốc để đưa gia đình và thân quyến đến định cư và khai thác. Điểm khác biệt là những người Minh Hương này là những người tị nạn chính trị, đã chọn miền Nam là quê hương thứ hai nên đã ra sức xây dựng và bảo vệ nó như chính quê hương mẹ của mình, và đã trở thành người Việt Nam trọn vẹn. Trong khi người Trung Quốc thì ngược lại, họ chỉ đến để khai thác và hủy hoại môi trường để người Việt Nam không thể ngóc đầu lên ngang hàng với họ. Những di dân Trung Quốc này là những thực dân kinh tế, không bao giờ họ muốn trở thành người Việt Nam. Thực dân phương Tây cho phép những hội đoàn tôn giáo và nhân đạo chăm sóc người cùng khổ, thực dân Trung Quốc chỉ bòn rút tiền trong xã hội Việt Nam để mang về nước hay để mở rộng địa bàn thu vét tài nguyên và tài sản cho mình và cho mẫu quốc. Chỉ nhìn những tổ chức cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt và thiên tai tại Việt Nam trong những năm qua, đã có bao nhiêu tổ chức nhân đạo của Trung Quốc tham gia ? Zero.

Nhìn lại mẫu quốc của những di dân Trung Quốc, sau hơn 30 năm cố gắng để phát triển ngang bằng các quốc gia phương Tây, lục địa Trung Quốc ngày nay còn lại gì ? Cái nôi phát sinh nền văn minh Trung Hoa là lưu vực sông Hoàng Hà, ngày nay đang biến thành sa mạc trong khi phần còn lại của lanh thổ Trung Quốc, đất đai cằn cổi, nguồn nước bị nhiễm độc, không khí ô nhiễm. Ngày nay giấc mơ của rất nhiều người Trung Quốc là được chạy ra nước ngoài định cư và xây dựng cuộc sống mới.

Nếu nhượng quyền canh tác cho người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam 100 năm, chắc chắn chỉ sau vài chục năm họ cũng sẽ bỏ đi vì sau lưng họ chỉ còn là một vùng đất ô trọc, không một sinh vật nào còn sống nổi. Người Trung Quốc không có ưu tư bảo vệ môi trường và môi sinh. Không cần nhìn xa, kiểm nghiêm lại những dự án khai thác và sản xuất do phía Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam : các nhà máy khai thác bô-xít Tây Nguyên, sinh vật, thực vật và cây cả nào còn sống sót chung quanh những hồ chứa thải ? Vụ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, chỉ sau hai năm hoạt động còn sinh vật nào sống sót dưới lòng biển miền Trung ? Rồi các nhà máy điện than, nhà máy sản xuất giấy, chỉ sau vài tháng hoạt động bao nhiêu động vật, khu sinh thái và diện tích đất đai bị hủy hoại ? Với 100 năm nhượng quyền khai thác, phía Trung Quốc sẽ xây những bồn chứa và dự trữ xăng dầu khổng lồ để tiếp tế cho đội tàu viễn dương dọc vùng duyên hải miền Trung, những bãi biển xinh đẹp, nguồn lợi tức trời cho của Việt Nam còn lại gì nếu không bị hủy hoại bởi những vết dầu loang, chất thải độc ? Tương lai của vùng duyên hải miền Trung sẽ bị xấu xí hóa không ai muốn đến, các khu dân cư và khu sinh thái sẽ bị ô nhiễm và nguồn tôm cá bị hủy tiêu... Con cháu chúng ta sẽ làm gì với những đống bê tông mục rữa và những đống sắt phế liệu sét rỉ để lại sau 100 năm ?

Phải tố giác và cảnh tĩnh người Việt Nam, trong và ngoài chính quyền, trong và ngoài đảng, nguy cơ mất nước là có thật. Trong nỗi bất hạnh này, đảng viên hay không đảng viên, mọi người Việt Nam đều cùng chia sẻ thân phận hẩm hiu chung của kiếp nô lệ.

Trước khi quá muộn, trách nhiệm cảnh tĩnh đầu tiên thuộc về giới làm báo, vì họ đã thấy, đã viết và đã thông tin. Nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về những người hiểu biết, những người được gọi là trí thức. Hãy thông tin, hãy viết, hãy tố cáo và kêu gọi dân tộc Việt Nam phản ứng. Nếu không ai làm gì thì thôi đành vậy, tương lai của dân tộc Việt Nam đã được thấy trước : nô lệ cho đảng cộng sản cầm quyền và cho những chủ nhân ông Trung Quốc.

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm những bài khảo luận về hiện tượng tham nhũng bất động sản tại Việt Nam của nhà báo Thiền Lâm, cộng tác viên nhật báo CaliToday News, phát hành tại Hoa Kỳ.

Nguyễn Văn Huy

Additional Info

  • Author Nguyễn Văn Huy
Published in Quan điểm