Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

14/08/2017

Người Hoa tại Việt Nam - Lời nói đầu

Nguyễn Văn Huy

Phi lộ

Tìm hiểu lịch sử những cộng đồng dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là một bổ túc cần thiết cho mọi dự án xây dựng Việt Nam tương lai.

Năm 1993, tác phẩm Người Hoa tại Việt Nam của Nguyễn Văn Huy đã được phát hành tại hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và Pháp. Mặc dù đã được xuất bản cách đây hơn 25 năm, tính thời sự của cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn. Đây là một tài liệu lịch sử-dân tộc học (ethno-histoire) mà những người quan tâm đến lịch sử và xã hội Việt Nam không thể không tham cứu.

 nguyenvanhuy-Paris

Nguyễn Văn Huy, Tiến sĩ dân tộc học, nguyên Giảng viên Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999)

Với đóng góp này, Nguyễn Văn Huy có tham vọng muốn xác định Việt Nam là đất nước xây dựng trên các cộng đồng. Quốc gia Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung. Vì Việt Nam tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một đất nước mới, chúng ta đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai và chủng tộc. Miền Trung mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18. Tuy vậy tổ chức của ta lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh.

Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu của mình, nếu cần bằng bạo lực. Tình trạng này nếu không được nhận định rõ rệt để kịp thời có chính sách thỏa đáng có thể dẫn tới những hậu quả rất tai hại, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới.

Các cộng đồng đều phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn trước luật pháp cũng như trong tình cảm dân tộc.

Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn ý đồ đồng nhất hóa để mưu tìm đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung.

********************

dantoc0

Việt Nam là đất nước xây dựng trên các cộng đồng

Lời nói đầu

 

Sinh hoạt của người Hoa tại Việt Nam được rất nhiều người chú ý tới nhưng cũng ít ai biết rõ chi tiết về sự hiện hữu cũng như sinh hoạt của họ trong xã hội Việt Nam. Tìm hiểu nguồn gốc và sinh hoạt của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam do đó là một việc làm cần thiết, nhưng cũng là một công việc rất phức tạp và không bao giờ đầy đủ.

cholon7

Một góc đường tại Chợ Lớn thời Pháp thuộc - Carte Postale 1905

Bài vở, tài liệu và số liệu liên quan đến cộng đồng người Hoa tại Việt Nam không thống nhất. Mỗi tài liệu đưa ra những con số khác nhau, đôi khi trái nghịch nhau, chẳng hạn như tài liệu của triều Nguyễn với thực dân Pháp, chế độ miền Nam với chế độ miền Bắc, Việt Nam Cộng Hòa với Trung Hoa Dân Quốc, của chế độ cộng sản trên toàn quốc trước hay sau biến cố năm 1979. Thêm vào đó, những tài liệu nói về người Hoa được trình bày tùy theo chủ quan của chế độ chính trị hay của người viết, do đó cần phải gạn lọc những chi tiết tình cảm, bổ túc và cập nhật hóa thường xuyên những dữ kiện khách quan và số liệu mới.

Qua những diễn biến lịch sử cận đại, từ thời Pháp thuộc, sau đó dưới thời Ngô Đình Diệm và gần đây dưới chế độ cộng sản, người Việt vẫn có một cái nhìn thiếu sót về một cộng đồng dân tộc mà trong quá khứ và hiện tại đã có nhiều gắn bó với sự phồn vinh của Việt Nam. Chính vì thế, mỗi khi nói đến cộng đồng người Hoa tại Việt Nam người ta thường liên tưởng đến một cộng đồng chủng tộc riêng biệt, có lối sống và sinh hoạt không ăn nhập gì đến quốc gia Việt Nam.

Sự thiếu hiểu biết về cộng đồng này phần lớn do sử liệu trước đây không đề cập hay đề cập tới một cách sơ sài khiến người gốc Hoa thường bị hiểu lầm và hiểu sai. Thật ra trong quá khứ, cũng đã có nhiều lúc các triều chính hay chính quyền Việt Nam có những hành vi phân biệt đối xử, nghi kỵ khiến cộng đồng này cảm thấy họ chỉ là những "khách trú" (còn gọi là "cắc chú", theo cách phát âm của người miền Nam và Sài Gòn), và có lúc đã tỏ ra không gắn bó với vận mạng của mảnh đất mà họ đang sinh sống.

Sự đóng góp của cộng đồng người Hoa vào tiến trình xây dựng đất nước, dưới nhãn quan của nhiều chính quyền, có tính chủ quan và cục bộ. Chủ quan, vì tùy theo sự ủng hộ của cộng đồng này mà các chính quyền đương hành có thái độ đối xử tương xứng. Cục bộ, vì chỉ chấp nhận sự đóng góp của cộng đồng này trong một số lãnh vực, nhất là về kinh tế và văn hóa, và tùy theo chính sách quản trị của từng địa phương mà người Hoa được trọng vọng hay bị bạc đãi.

Thật ra đây là một tập hợp của những con người có tinh thần làm việc và tương thân tương trợ cao, chịu khó vươn lên từ những điều kiện sống khó khăn để trở thành một cộng đồng có đời sống sung túc, có uy tín trong xã hội Việt Nam nói riêng và trên cộng đồng quốc tế nói chung. Công lao đóng góp của họ không được đánh giá đúng mức và đôi khi còn bị gièm pha, ganh ghét. Thay vì đi tìm sự thông cảm và sự đồng thuận dân tộc để xây dựng một tương lai chung, một số chế độ chính trị thi hành chính sách chèn ép người Hoa một cách vụng về khiến nảy sinh tâm lý muốn sống riêng lẻ, tự trị, và khi có cơ hội hay có điều kiện - đôi khi do ngoại bang hỗ trợ hay xúi giục - họ sẵn sàng làm áp lực kinh tế buộc các chính quyền Việt Nam nhượng bộ.

Người ta thường chú ý đến khía cạnh kinh tế (mặt nổi của cộng đồng người Hoa) mà ít để ý đến những đóng góp tích cực khác của họ trong các lãnh vực như chính trị, xã hội và văn hóa. Hơn nữa cũng ít ai đặt vấn đề tại sao người Kinh không thành công bằng, không bắt kịp cộng đồng người Hoa hay gốc Hoa trong một số lãnh vực, nhất là trong kinh doanh. Tất cả có lẽ một phần do chúng ta thiếu một tinh thần bao dung, một đội ngũ kinh doanh có tầm vóc, một chính sách phát triển cộng đồng hợp lý và một sự thông tin trung thực, khách quan và kịp thời trong các sinh hoạt của quốc gia nói chung và của cộng đồng người Hoa nói riêng. Đúng hơn, các cấp lãnh đạo Việt Nam thiếu một tầm nhìn rộng và xa nên chỉ phản ứng hay hành xử theo những diễn biến gần. Môn khoa học nhân văn cũng thiếu một chương trình giảng dạy về môn sắc tộc học thực nghiệm.

hoa0

Những thương gia gốc Hoa trên đường Catinat thời Pháp thuộc - Carte Postale 1909

Tuy nhiên sự thiếu tin tức về cộng đồng này, một phần cũng do chính họ tạo ra. Người Hoa duy trì một lối sống khép kín, khó có thể tìm hiểu sâu xa và cặn kẻ những sinh hoạt bình thường của họ trong lãnh vực kinh doanh và sinh hoạt hội đoàn. Họ chỉ lập gia đình với những người cùng chủng tộc, sử dụng ngôn ngữ riêng của địa phương gốc nơi cha ông của họ xuất thân, và duy trì những quan hệ tách biệt hẳn với phần còn lại của dân tộc. Rất khó có con số chính xác về những hoạt động kinh doanh của người Hoa để có thể tiên đoán những diễn biến của nền kinh tế hay hoạch định những dự án phát triển lâu dài trên qui mô toàn quốc. Cũng phải nhắc đến lối sống ích kỷ và vô trách nhiệm của một số nhỏ người Hoa, trong bối cảnh kinh tế khó khăn của Việt Nam, hoạt động kinh doanh bằng những thủ đoạn bất chính như kết bè phái lũng đoạn thị trường, duy trì độc quyền, đầu cơ tích trữ, làm giá, đút lót, mua chuộc, hối lộ nhân sự trong chính quyền, khuyến khích tham nhũng v.v. Do thiếu thông tin và qua phong cách sinh hoạt tiêu cực này nhiều người đã nhìn người Hoa một cách sai lạc.

Nghiên cứu toàn bộ sinh hoạt của cộng đồng người Hoa trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay chắc chắn sẽ còn rất nhiều thiếu xót. Hợp lý và chính xác nhất có lẽ chỉ nên nghiên cứu một phần sinh hoạt của cộng đồng này như chuyên đề về lịch sử, về văn hóa hay về kinh tế. Đây không phải là một tài liệu nghiên cứu về xã hội học (sociologie), chủng tộc học (anthropologie) hay sắc tộc học (ethnologie) mà là một đóng góp mang tính lịch sử và xã hội để khám phá và hiểu rõ thêm những đặc tính của một cộng đồng dân tộc đã, đang và sẽ còn góp phần tích cực trong xã hội Việt Nam.

Về phương pháp trình bày, người viết ghi lại theo thứ tự thời gian các biến cố lịch sử, từ quá khứ đến với hiện tại gần để độc giả dễ theo dõi. Mặc dù không thể ghi chú tất cả xuất xứ của các dữ kiện lịch sử hay số liệu như một luận án đại học (không phải là mục đích của quyển sách), người viết xin chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung các dữ kiện hay số liệu đó. Tất cả những dữ kiện hay số liệu trình bày đều đã được kiểm chứng, đối chiếu với rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau, người viết có thể xác định tính khách quan tương đối của nó.

Nội dung quyển sách này nhấn mạnh nhiều đến những khía cạnh có tính chính trị và ảnh hưởng của những thành quả kinh tế của cộng đồng người Hoa trong đời sống xã hội Việt Nam. Những sinh hoạt khác như văn hóa, xã hội hay những số liệu có tính kỹ thuật được gói ghém vào các phần phụ lục, độc giả có thể tìm đọc thêm những tài liệu ghi trong phần Thư tịch.

Mục đích của người viết là góp phần tìm lại đồng thuận dân tộc để xây dựng một tương lai chung. Đất nước phồn vinh hay nghèo khó tùy thuộc rất nhiều vào sự hưởng ứng của chính công dân nước đó. Kinh nghiệm cho thấy, các chế độ độc tài, chuyên chính, cai trị bằng bạo lực chỉ mang lại đổ vỡ và chia rẽ. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hạn hẹp chỉ trì kéo đất nước vào vòng lẩn quẩn của thù hận, nghèo nàn và lạc hậu. Tất cả các chủ nghĩa chỉ mang đến hỗn loạn và bất công : ưu đãi thành phần này, bạc đãi thành phần kia. Phải loại trừ cho bằng được tinh thần "được thì làm vua thua thì làm giặc", chủ nghĩa "công thần". Phải vượt lên trên lô-gích cực đoan để tìm lại anh em, nhận lại bạn bè, chúng ta sẽ tìm lại đồng thuận dân tộc. Với đồng thuận dân tộc, cha ông chúng ta đã viết những trang sử vẻ vang. Với tinh thần đa nguyên, người Việt Nam sẽ đồng tiến trong dị biệt và có nhiều hy vọng cùng nhau dẫn đưa đất nước ra khỏi vòng tăm tối.

Paris, ngày 01/03/1993

Nguyễn Văn Huy

1. Người Hoa tại Việt Nam - Lời nói đầu

2. Người Hoa tại Việt Nam - Phần Một

3. Người Hoa tại Việt Nam - Phần Hai

4. Người Hoa tại Việt Nam - Phụ lục

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 2396 times

1 comment

  • Comment Link LÝ THỊ DIỆU jeudi, 31 août 2017 13:05 posted by LÝ THỊ DIỆU

    CHUYÊN ĐỀ HIẾM HOI!
    TÔI THÍCH LẮM!

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)