Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

14/08/2017

Người Hoa tại Việt Nam - Phần Một

Nguyễn Văn Huy

Cộng đồng người Hoa rất dễ nhận diện tại bất cứ nơi đâu. Đời sống của người Hoa gắn liền với nền văn minh chữ Hán. Chữ Hán là tín vật để người Hoa nhận diện lẫn nhau và cũng để người khác nhận diện chính mình.

1hoa1

Thư pháp là một môn nghệ thuật phát xuất từ Trung Hoa và đã được các nước Nhật, Triều Tiên, Việt Nam âm thầm chấp nhận và lặng lẽ duy trì.

Phần Một : Nhìn lại cộng đồng người Hoa...

I. Định nghĩa cộng đồng

Cộng đồng dân tộc (communauté) là một tập hợp của nhiều con người cùng chia sẻ một thân phận, một tâm lý liên thuộc ý thức hay không ý thức.

1hoa2

Cộng đồng người Hoa đón mừng Tết Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch) tại Quận 5 - vietnamtourism.com (19/02/2016)

Khái niệm cộng đồng dân tộc bao gồm những người có những yếu tố giống nhau như cùng chủng tộc, địa dư xuất thân, sinh hoạt tư tưởng, văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ, lối sống, quyền lợi và phương thức giao dịch kinh tế hay chính trị, dưới sự chỉ đạo trực tiếp hay gián tiếp của một người hay một nhóm người được mặc nhiên công nhận hay được bầu ra để hướng dẫn và quản trị tập hợp đó theo những ước lệ lập qui hay do tập quán. Mỗi cộng đồng đặt ra một số qui luật tổ chức riêng để duy trì và bảo vệ sự sinh tồn của nó.

Nhiều cộng đồng xã hội khác nhau, sống trong cùng một lãnh thổ, tạo thành cấu trúc hạ tầng bất khả phân của quốc gia, trong đó yếu tố gia đình trong mỗi cộng đồng là đơn vị cơ bản. Một quốc gia có thể có nhiều loại cộng đồng khác nhau : cộng đồng chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, tư tưởng, chính trị, kinh tế, xã hội, nghề nghiệp, gia đình, dân cư, v.v... và trên lý thuyết (hiến pháp, luật pháp) mỗi cộng đồng đều có quyền lợi và bổn phận như nhau trong sinh hoạt chung của đất nước.

Trên bình diện quốc gia, những cộng đồng vừa kể là cấu trúc bất khả phân của một dân tộc. Một quốc gia không thể có nhiều dân tộc mà chỉ có một dân tộc. Không thể gọi những nhóm sắc tộc hay chủng tộc nhỏ trong một quốc gia là dân tộc thiểu số ("ít người"). Và cũng không thể định nghĩa dân tộc thiểu số là "những dân tộc nhỏ ở chung một lãnh thổ với một dân tộc lớn". Danh từ "dân tộc" được những người cộng sản lạm dụng khi nói về các cộng đồng sắc tộc.

Dân tộc (nascere) là một danh từ của phương Tây. Vào thế kỷ thứ 7, Isodore de Séville định nghĩa dân tộc (nation) là một cộng đồng sắc tộc, tức là một nhóm người có chung một nguốn gốc. Với thời gian những cộng đồng sắc tộc khác nhau sinh sống pha trộn lẫn nhau và sinh hoạt chung với nhau trên một mảnh đất nhất định, định nghĩa dân tộc mất đi tính sắc tộc và mang một nội dung mới là toàn bộ những cư dân sống trong một lãnh thổ. Về sau danh từ dân tộc có nghĩa là tổ quốc (patria), tức là những người cùng sinh trưởng trên một lãnh thổ.

Sau này, những nhóm chủng tộc hay sắc tộc lớn trong một quốc gia thường áp đặt uy quyền của mình, đôi khi bằng bạo lực, trên những nhóm sắc tộc nhỏ và yếu kém hơn. Trường hợp của các quốc gia Đông Âu và Liên Bang Xô Viết cũ là một thí dụ. Liên Xô là một liên bang của nhiều chủng tộc và sắc tộc trước kia đã có truyền thống độc lập và có sinh hoạt rất đặc thù, được kết hợp lại qua một chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội, chứ không qua mối liên hệ đất đai, huyết thống, tập quán, ngôn ngữ, tôn giáo hay văn hóa. Để duy trì sự ổn định, chính quyền trung ương lấy chuyên chính vô sản trấn áp những đòi hỏi của các dân tộc (narod) sống trên lãnh thổ của liên bang, trong khi chỉ cần một cuộc thương lượng bao dung có thể tìm được một giải pháp sống chung lâu dài cho những phe tranh chấp. Khi Liên Bang Xô Viết bị giải thể, các dân tộc từ lâu bị trấn áp nổi lên đòi quyền tự trị và thành lập những quốc gia riêng. Trong vài trường hợp các nhóm chủng tộc đó đã thanh toán lẫn nhau bằng những thủ đoạn đẫm máu.

Cấu trúc xã hội Việt Nam không giống như Liên Xô, nhưng vì đã chọn đi theo con đường của Liên Xô chính quyền cộng sản Việt Nam áp dụng một cách máy móc các lý thuyết tổ chức của xã hội của Liên Xô : tất cả các sắc tộc thiểu số sống trên lãnh thổ Việt Nam được gọi là "dân tộc" (narod) và, để phân biệt, những nhóm sắc tộc thiểu số được gọi chung là "dân tộc ít người".

Danh từ dân tộc ít người (ethnies minoritaires hay minorités ethniques) phải hiểu là những nhóm sắc tộc sống trên các vùng cao nguyên hay trong rừng núi. Trong thời kỳ có chiến tranh vì nhu cầu vận động sự hợp tác vô điều kiện của những nhóm thiểu số, cách gọi này tuy có tính mị dân nhưng cũng chưa gây một sự xáo trộn nào trong xã hội. Điều đáng lo ngại là danh xưng này vẫn còn tiếp tục được sử dụng, nhất là khi có xung đột với Trung Quốc năm 1979, cả hai bên đều kêu gọi những sắc tộc sống gần biên giới nổi lên chống lại các chế độ đương quyền.

Việc một số trí thức cộng sản trong Viện Dân Tộc Học và nguyệt san Dân Tộc Học phổ biến những bài nghiên cứu về nguồn gốc, văn hóa của các sắc tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là điều rất tốt, nhưng sử dụng danh từ "dân tộc ít người" cho các mục đích chính trị rất là tai hại. Nội dung chính trị của hai chữ dân tộc đã được những nhà chính trị học định nghĩa rất cụ thể (không phải là mục đích của quyển sách này). Đảng Cộng Sản Việt Nam đặt tên cho chính sách bảo vệ lãnh thổ là "Chính Sách Dân Tộc". Dân tộc ở đây có nghĩa là những nhóm sắc tộc thiểu số sống trên cao nguyên. Những nhóm sắc tộc sống tại đồng bằng như người Chăm, người Khmer và người Hoa không nằm trong diện của chính sách này. Chính sách dân tộc sau này cần được nghiên cứu, thảo luận sâu rộng hơn nữa để mọi cộng đồng sắc tộc có cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Chính sách được đề nghị trong quyển sách này là Chính Sách Phát Triển Cộng Đồng.

Dân tộc Việt Nam có ba họ chủng tộc khác nhau và trong mỗi họ chủng tộc có thể có nhiều sắc tộc khác nhau. Tại Việt Nam, cộng đồng người Hoa vừa là một cộng đồng chủng tộc (họ Hán Tạng) vừa là một cộng đồng sắc tộc (Hoa) từ Trung Hoa đã đến Việt Nam khai phá đất đai và an cư lạc nghiệp từ nhiều thế kỷ. Con cái của những người này mặc dầu sinh trưởng trên lãnh thổ Việt Nam nhưng một số vẫn giữ phong tục tập quán Trung Hoa vẫn được gọi là người Hoa hay gốc Hoa trong sách này.

Người Hoa tại Việt Nam là một trong nhiều thành phần sắc tộc cấu thành dân tộc Việt Nam. Cộng đồng người Hoa là một trong nhiều cộng đồng dân tộc của đại gia đình Việt Nam.

II. Vấn đề quốc tịch

Vấn đề quốc tịch chỉ đặt ra từ thế kỷ thứ 17 khi phong trào di dân từ lục địa Trung Hoa vào Việt Nam trở nên ồ ạt. Để dễ phân biệt, nhà Nguyễn đã chia người Hoa thành hai nhóm : Minh Hương và Hoa kiều. Sự phân chia này chỉ nhằm mục đích đánh thuế chứ không có mục đích phân biệt đối xử.

Minh Hương là tên gọi những người Hoa còn trung thành với nhà Minh (Trung Hoa) lánh nạn nhà Thanh, đến Việt Nam tị nạn, tuân phục triều đình Việt Nam và nhận Việt Nam là quê hương thứ hai. Họ là những người tị nạn chính trị. Mặc dù vẫn giữ phong tục, tập quán văn hóa Trung Hoa, những người này từ lâu đã được xem là người Việt Nam, đã đóng góp rất nhiều công sức trong thời Nguyễn sơ. Người Minh Hương bị cấm sinh hoạt theo phong tục của nhà Thanh, không được lui tới những khu đông người Hoa lục địa (Hoa kiều) cư ngụ vì sợ sẽ tìm cách trốn về lục địa đưa thêm người sang. Đến đời Tự Đức (1847-1883), người Minh Hương được coi là người Việt Nam toàn diện. Danh từ Minh Hương sau đó bao gồm tất cả con cái những người Hoa đến Việt Nam lập nghiệp : những người mang hai giòng máu Việt-Hoa hay những trẻ em Hoa kiều sinh ra tại Việt Nam bất kể ý muốn của cha mẹ.

Hoa kiều là những người trong thời nhà Thanh đến Việt Nam và các quốc gia trong vùng Đông Nam Á lập nghiệp từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20. Những người này trên một khía cạnh nào đó có thể gọi là những di dân kinh tế vì vẫn còn giữ những liên hệ mật thiết với quê hương cũ. Việc quản trị những nhóm Hoa kiều này gặp rất nhiều trở ngại, nhất là mỗi khi có vấn đề liên quan đến sinh hoạt chính trị, xã hội và kinh tế với chính quyền Việt Nam. Áp dụng luật pháp của quốc gia bản địa lên các Hoa kiều này thì gặp sự phản đối của Trung Hoa (nhà Thanh trước kia, bây giờ là Trung Quốc), nhưng chờ được chính quyền Trung Hoa lục địa giải quyết thì rất lâu, do đó một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á muốn những Hoa kiều này mang quốc tịch địa phương. Riêng tại Việt Nam vấn đề quốc tịch của những Hoa kiều này vẫn là đề tài được tranh cãi sôi nổi trong suốt hơn 300 năm qua.

Luật quốc tịch được ban hành ngày 28/9/1933 dưới thời Pháp thuộc. Luật này định nghĩa Minh Hương là những người có tổ tiên gốc Hoa, được sinh ra và thường trú trên lãnh thổ Việt Nam. Người Minh Hương và người Việt được hưởng qui chế bảo hộ như nhau trên các vùng lãnh thổ thuộc địa của đế quốc Pháp. Hoa kiều là những người ngoại quốc đến Việt Nam tìm việc, phải đóng thuế cư trú, phải gia hạn thẻ cư trú và không có quyền bỏ phiếu. Về sau, với sự can thiệp của triều đình Mãn Thanh và chính quyền Quốc Dân Đảng, tất cả những người Hoa hay người Minh Hương còn giữ phong tục tập quán Trung Hoa đều là công dân Trung Hoa hải ngoại. Chế độ thực dân Pháp chấp nhận định nghĩa đó. Người Pháp không mấy quan tâm đến vấn đề quốc tịch của người Hoa, họ chỉ muốn những công dân gốc Hoa hải ngoại này đóng thuế đầy đủ, không chống đối chính sách cai trị của họ là đủ.

Dụ số 10 ngày 7/12/1955 của chính phủ Ngô Đình Diệm qui định một cách giản dị quốc tịch người Hoa sinh sống tại Việt Nam : tất cả những người Minh Hương hay người có gốc Hoa, bất luận mang quốc tịch nào trước đây, được sinh ra và lớn lên tại miền Nam đều là người Việt Nam. Với định nghĩa này, trong suốt những năm đầu của tân chế độ Việt Nam Cộng Hòa vấn đề quốc tịch của người Hoa trở nên rắc rối. Dụ số 52 và 53 ban hành năm 1956 buộc tất cả người Hoa sinh sống tại Việt Nam phải gia nhập quốc tịch và cấm người ngoại quốc (chủ yếu là Hoa kiều) hoạt động kinh doanh trong 11 nghề. Chính phủ Ngô Đình Diệm sau đó phải đối phó một cách khó khăn trước một áp lực tuy hòa bình nhưng rất gay gắt của giới tài phiệt gốc Hoa. Người Hoa tại Việt Nam muốn duy trì những đặc quyền đặc lợi về quốc tịch đã có từ thời Pháp thuộc.

Quốc tịch của người Hoa sinh sống tại Việt Nam vẫn là đề tài còn tranh cãi cho tới ngày nay. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng : Chính quyền Việt Nam có vai trò gì và quyền hành đến đâu trên cộng đồng người Hoa ? Tại sao mỗi khi chính quyền Việt Nam thi hành một chính sách có liên quan đến người Hoa, cả thế giới Trung Hoa ùa đến can thiệp và làm áp lực ? Hoa kiều sống tại Việt Nam trực thuộc hành chánh của quốc gia nào : Trung Quốc hay Đài Loan ? Quản lý như thế nào cơ sở của Hoa kiều do người Hoa trong nước điều khiển ?

Sau 1949, Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng với Đài Loan trên cộng đồng người Hoa hải ngoại và đang làm hết mọi cách để lôi kéo cộng đồng người Hoa hải ngoại trở về lục địa giúp nước hay hợp tác kinh doanh, trong đó có cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Thêm vào đó nhượng địa Hồng Kông sắp bị giải thể (1997), rất nhiều người Hồng Kông đang tìm đường đến Việt Nam lập nghiệp, và gần đây doanh nhân Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Mã Lai gốc Hoa ồ ạt đến Việt Nam đầu tư, họ liên lạc và làm ăn với người Hoa trong nước, vấn đề quản trị hành chánh và tài sản của người Hoa tại Việt Nam sẽ không dễ dàng, và vấn đề hội nhập của người Hoa trong những ngày sắp tới sẽ còn là đề tài thời sự gây nhiều tranh cãi.

 III. Vấn đề hội nhập

Với những chằng chéo như vậy, sự hội nhập của cộng đồng người Hoa vào xã hội Việt Nam trở nên khó khăn và đôi khi không có giải pháp. Lúc thì được đối xử tử tế, lúc thì bị chèn ép quá đáng, cộng đồng người Hoa không biết phải nương tựa vào ai, nhiều lúc họ phải dựa vào thế lực của các thể chế Trung Hoa lục địa hay hải đảo để duy trì chỗ đứng của họ tại Việt Nam.

Năm 1788, một số người Hoa đã phụ lực với Tôn Sĩ Nghị (nhà Thanh), dưới danh nghĩa "phò Lê diệt Mạc", để duy trì một cuộc sống xứng đáng hơn tại Bắc kỳ. Năm 1946, họ hợp lực với quân của tướng Lư Hán tiếp thu những vùng đất bị quân Nhật chiếm đóng và đã tỏ ra hống hách với dân cư địa phương. Năm 1948, chính quyền Quốc Dân Đảng buộc Pháp công nhận quyền lãnh đạo trực tiếp cộng đồng người Hoa. Năm 1956, cộng đồng người Hoa miền Nam phải trông cậy vào chính quyền Đài Loan để được che chở. Năm 1979, cộng đồng này phải nhờ Trung Quốc lên tiếng bênh vực. Từ 1986, người Hoa tại Việt Nam cậy vào thành phần doanh nhân Hoa kiều để tạo dựng lại cuộc sống kinh tế.

Một cách thực tiễn, cộng đồng người Hoa tại Việt Nam chưa bao giờ trông chờ các chính quyền Việt Nam giải quyết vấn đề hiện hữu của họ một cách thỏa đáng. Tại sao ?

Nhìn lại quá khứ, cũng có nhiều lúc người Hoa đã phụ lực với các triều vương Việt Nam đánh lại quân ngoại xâm, như chống lại sự tiến công của nhà Nguyên vào thế kỷ thứ 13, đánh lại nhà Thanh (phong trào "phản Thanh phục Minh") thế kỷ thứ 18, hợp lực với nhà Nguyễn bình định đất đai miền Nam từ giữa thế kỷ thứ 17 đến cuối thế kỷ 19, chống lại thực dân Pháp sau Hiệp ước Patenôtre năm 1884. Người Hoa di cư được hưởng đầy đủ các quyền công dân như người Việt, nhiều người đã lập gia đình với người Việt, con cháu của họ sau đó tiếp tục đóng góp công sức vào việc làm giàu xứ sở Việt Nam.

Cuối thế kỷ 19, dưới thời Pháp thuộc, qui chế Hoa kiều được ban hành, vấn đề hội nhập tự nhiên bị khựng lại. Sự ưu đãi của người Pháp cộng với sự phát triển của cộng đồng Hoa kiều Đông Nam Á khiến ý thức dân tộc cực đoan trong cộng đồng người Hoa tại Việt Nam, được sự hỗ trợ trực tiếp của Trung Hoa, bùng phát. Cộng đồng người Hoa đã trở thành một thế lực kinh tế và muốn sống ngoài sự kềm tỏa của của chính quyền địa phương.

Từ sau 1954, vấn đề người Hoa trở nên gay gắt khi chính quyền miền Nam thi hành chính sách hội nhập cưỡng bách. Một số người Hoa tuy được sinh ra, lớn lên và an cư lạc nghiệp trên lãnh thổ miền Nam từ nhiều đời nhưng lại muốn được hưởng qui chế Hoa kiều, muốn nắm giữ độc quyền một số ngành nghề về kinh tế. Những người này muốn trực thuộc chính quyền Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) nhưng lại muốn độc quyền khai thác thị trường Việt Nam. Họ kết hợp với những nhóm Hoa kiều Đông Nam Á và thế giới Trung Hoa làm áp lực can thiệp mỗi khi gặp khó khăn. Vấn đề hội nhập vào xã hội Việt Nam nhiều lúc đã xảy ra như vậy và trở thành khó khăn.

Sau 1975, chính quyền cộng sản Việt Nam trục xuất tất cả người ngoại quốc ra khỏi đất nước, trong có Hoa kiều. Chế độ lý lịch, phân biệt chủng tộc bắt đầu được phổ biến trong các đơn từ kê khai : nguồn gốc dân tộc. Qua nhiều đợt kiểm tra dân số, trước và sau năm 1979, người nào tự khai có nguồn gốc "dân tộc Hoa" đương nhiên bị coi là người Hoa và bị phân biệt. Nhiều người còn bị truy lùng từ ba bốn đời để xem có liên hệ huyết thống gì với thế giới người Hoa để xếp hạng phân biệt đối xử. Chính sách dân tộc cực đoan của chế độ cộng sản trong thời kỳ này rất giản dị : tịch biên tài sản và bức bách họ ra khỏi nước. Những người Hoa hay gốc Hoa còn lại, mặc dầu bị phân biệt đối xử, vẫn phải hòa nhập vào cuộc sống nhưng với một tâm trạng khác : không còn gắn bó với đất nước Việt Nam. Họ chỉ mong được ra nước ngoài để sau đó trở về với hộ chiếu ngoại quốc tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam với sự trợ lực của những Hoa kiều hải ngoại khác.

Từ sau 1986, người Hoa được chế độ cộng sản ve vãn, nâng đỡ và tâng bốc để bòn rút tiền của, hay cùng hợp tác trong những dịch vụ kinh doanh nhằm cứu chế độ ra khỏi bế tắc. Đảng cộng sản nắm chính trị, tư bản Hoa kiều năm kinh tế, cả hai thế lực chia chác quyền lợi để cùng tồn tại. Sự hợp tác này có lợi cho chế độ cộng sản trong hiện tại nhưng để lại nhiều hậu quả tai hại cho mai sau. Hoa kiều đã mua hay thuê dài hạn một số đất đai thuận lợi cho việc mua bán tại các thành phố lớn và các trục giao thông chính. Sự mua bán, đổi chác này gây bất mãn lớn trong nội bộ đảng cộng sản và trong quần chúng. Tại một số nơi tinh thần bài Hoa tuy chưa công khai nhưng đã lộ liễu, nhất là trong giới trí thức và cán bộ trung cấp. Những hành vi của cán bộ tham nhũng và mua gian bán lận của người Hoa được đăng trên các báo cho mọi người cùng biết. Ngày nay (1993), sau hơn 17 năm dưới sự cai trị của đảng cộng sản, vấn đề hội nhập của người Hoa càng thêm khó giải quyết.

Việt hay Hoa ? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người gốc Hoa tại Việt Nam, nhất là người Minh Hương, thường đặt ra : "Tôi" là ai ?

Nhiều người có ý đồ xấu cố tình lẫn lộn hay hiểu sai vấn đề hội nhập. Đối với họ, hội nhập (intégration) có nghĩa là đồng hóa (assimiliation) rồi cho rằng tất cả các chính sách phát triển cộng đồng của Việt Nam đều thể hiện tính đồng hóa. Thêm vào đó, người bình dân khi nghe người Hoa nói được tiếng Việt liền cho rằng đã đồng hóa người Hoa. Nhiều nhà viết sử Việt Nam đề cao những gương của tiền nhân Việt Nam chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là chống trả lại sự xâm lấn của đế quốc Trung Hoa, thành chiêu bài chống người Hoa, rồi xem tất cả người Hoa là "giặc phương Bắc". Mặc cảm yếu kém luôn hiện diện trong tâm trí của các cấp lãnh đạo Việt Nam và khi có cơ hội cầm quyền, thay vì đi tìm một đồng thuận chung, họ chỉ muốn thỏa mãn mặc cảm tự ti trong ý đồ đồng hóa những cộng đồng sắc tộc ít người hơn.

Hội nhập và đồng hóa là hai vấn đề hoàn toàn trái ngược nhau. Hội nhập vào sinh hoạt của một quốc gia là tham gia một cách tự nguyện vào tiến trình chia sẻ một tương lai chung mà vẫn duy trì và phát triển những sắc thái riêng của cộng đồng mình. Đồng hóa, trái lại, có nghĩa là xóa bỏ bản thể cũ để biến dạng trở thành một thực thể mới, giống thực thể đã có hay đang có tại quốc gia bản địa. Trong chính sách đồng hóa không có vấn đề tôn trọng hay đối xử công bình với các cộng đồng sắc tộc ít người. Vấn đề của chúng ta ngày hôm nay và trong những ngày sắp tới là bình thường hóa quan hệ hội nhập của tất cả mọi cộng đồng chủng tộc và sắc tộc vào tiến trình xây dựng một tương lai chung trong những điều kiện tốt đẹp và danh dự nhất.

Vấn đề hội nhập cho đến nay vẫn còn đó. Chế độ cộng sản đã bỏ cuộc và đang làm tất cả để gây thêm hiểu lầm và chia rẽ. Tất cả đang để lại cho những chính quyền mai sau tìm câu giải đáp.

IV. Nhận diện cộng đồng người Hoa

Cộng đồng người Hoa rất dễ nhận diện trong xã hội Việt Nam. Họ có khuynh hướng sinh sống khép kín và tập trung vào một số địa phương nhất định, thường là những thành phố lớn, khu thương mại, khu công nghiệp, nơi đông dân cư, vùng đồng bằng, quanh các hầm mỏ. Nói chung họ sống gần hoặc quanh những trục giao thông hay giao thương chính : sông ngòi, bến cảng, phi trường, đường phố lớn, nghĩa là những nơi đắc địa có phong thủy tốt.

Người Hoa cũng rất dễ nhận diện tại bất cứ nơi đâu. Đời sống của người Hoa gắn liền với nền văn minh chữ Hán. Chữ Hán là tín vật để người Hoa nhận diện lẫn nhau và cũng để người khác nhận diện chính mình. Trước mỗi căn nhà thường có những bàn thờ thổ địa hay thần tài màu đỏ với chữ Hán màu vàng. Dấu hiệu, biển quảng cáo, sách báo, tên cơ sở văn hóa, kinh tế của họ đều tượng trưng cho một địa danh, một di tích, một biểu tượng, một gia tộc Trung Hoa và được viết bằng chữ Hoa (Hán tự). Sau này tên nhiều cơ sở chỉ mang tính chất tượng trưng, thường có ghép thêm nghĩa địa lý, kinh doanh hay tư cách pháp nhân như Công ty (Corporation hay Co), Trách nhiệm hữu hạn (Limited hay Ltd). Ngôn ngữ trao đổi giữa họ với nhau là tiếng Hoa (Quan Thoại, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nàm, Phúc Kiến...). Tại Việt Nam, người Quảng Đông đông nhất (41% dân số gốc Hoa) nên tiếng Quảng Đông thông dụng hơn cả. Những người Hoa thuộc ngữ phương khác đều biết tiếng Quảng Đông để thông tin và giao dịch.

Những ai có dịp làm việc chung hay sinh hoạt với người gốc Hoa đều có chung nhận định là người Hoa cần cù, nhẫn nại, lanh lợi, nhiều sáng kiến, có khiếu kinh doanh, đời sống bí ẩn và rất đoàn kết.

Sinh hoạt chủ yếu của cộng đồng này là thương nghiệp (trao đổi, mua sỉ bán lẻ nông sản thực phẩm, hàng công nghiệp nhẹ, hàng tạp hóa, khai thác quặng mỏ), công nghiệp chế biến (dệt, xay gạo, da giầy, xà bông, đồ gia dụng...) và dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, sửa chữa cơ khí, tín dụng ngắn hạn, kim hoàn...). Nơi nào đông dân cư, vị trí địa lý thuận tiện, chế độ hành chánh cởi mở là người Hoa có mặt. Nói chung họ có mặt tại hầu hết những trọng điểm kinh tế.

Ở Việt Nam, người Hoa ít tham gia vào chính trị. Từ sau 1954, người Hoa đã biểu lộ ý muốn không thích tham gia vào việc chiến chinh, và khi bị bắt buộc họ chỉ muốn phục vụ ở hậu cần. Không phải người Hoa thiếu can đảm, nhưng vì họ quan niệm cho dù có tham gia trực tiếp vào việc ủng hộ phe này hoặc phe kia, chỗ đứng của họ trong xã hội không vì thế mà quan trọng hơn. Bản chất người Hoa là hiếu hòa, muốn được yên ổn làm ăn và, khi có điều kiện, phổ biến văn hóa của họ. Đây là ưu điểm và cũng là khuyết điểm theo quan điểm của một số người.

Trong suốt dòng lịch sử sôi động của Việt Nam, những người Hoa đầu tiên đã phụ giúp các vua chúa Việt Nam vì ân, vì nghĩa. Con cháu của họ, sau nhiều biến động, đã nghĩ khác : họ là một thế lực kinh tế, các chính quyền Việt Nam phải đối xử với họ như một thành phần "dân tộc" đặc biệt mặc dầu là thiếu số. Tâm lý đó ngày càng được tăng cường, họ muốn được đối xử như ngoại kiều. Ngày nay vì không đe dọa đến chính sách cai trị, người Hoa được chế độ cộng sản ưu ái đặc biệt, họ có nhiều quyền mà người Việt Nam không có như quyền mở xí nghiệp, buôn bán và giao dịch với nước ngoài, quyền sở hữu ngoại tệ, quyền thuê mướn đất đai, nhân công v.v...

Người ta có thể có nhiều suy nghĩ trái nghịch về sinh hoạt kinh tế của người Hoa, nhưng về phong tục, tập quán và văn hóa, hai cộng đồng chủng tộc Việt và Hoa đã sinh sống hài hòa với nhau từ nhiều thế kỷ, không có vấn đề gì đặc biệt. Nhiều người Việt Nam rất hãnh diện vì đã Việt hóa có một số phong tục, tập quán và sinh hoạt văn hóa của Trung Hoa, và đã trở thành một yếu tố bất khả phân trong đời sống văn hóa thường nhật. Các tết Trung Thu, Nguyên Đán, cúng thổ địa, thờ thần tài v.v... người Việt và người Hoa tổ chức như nhau. Đặc tính của người Hoa là Ân Nghĩa phân minh. Họ sẵn sàng bao che và giúp đỡ lại những ai đã từng giúp đỡ họ vượt qua lúc khó khăn ban đầu. Chính vì sự giúp đỡ đôi khi quá hậu hĩnh này khiến một số người, nhất là những người có quyền hành bị hủ hóa, lệ thuộc và trở thành tham nhũng, hối lộ. Đây là một tệ nạn không nhiều thì ít dính liền với sinh hoạt của cộng đồng người Hoa (cũ và mới). Đối với một số người Hoa, không đút lót, không mua chuộc thì khó thành công trong công việc kinh doanh.

     

V. Những nhóm sắc tộc gốc Hoa

Người Hoa tại Việt Nam qui tụ vào năm nhóm địa phương, hay hệ ngôn ngữ chính : Triều Châu (Tiều Châu), Quảng Đông, Phúc Kiến, Hẹ (Hạ Phương-Thượng Phương, còn gọi là Hakka) và Hải Nàm.

Năm 1991 có khoảng 1,3 triệu người gốc Hoa trên toàn quốc (miền Nam khoảng 1 triệu, miền Trung gần 300.000, miền Bắc không đáng kể), đại diện cho 2% dân số. Người Hoa sống rải rác trên 34 tỉnh, thành phố lớn, đông nhất là tại miền Nam, đặc biệt là tại Sài Gòn - Chợ Lớn (hơn 500.000 người). Tại Hà Nội hiện nay còn khoảng hơn 13.000 người Hoa, Hải Phòng 33.000. Những tỉnh khác tại miền Bắc, người Hoa tuy vẫn còn nhưng rất ít (vài chục hay vài trăm gia đình trong mỗi tỉnh) như tại Nam Định, Hà Bắc, Cao Lạng, Bắc Thái, Hải Hưng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, v.v...

Trước 1978, tại miền Bắc người Hoa sống tập trung đông nhất tại Quảng Ninh (160.000 người) và trải rộng trên một địa bàn dài 120 cây số dọc biên giới Việt-Trung. Những nhóm người Hoa sống rải rác tại các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Bắc, Quảng Ninh), không phải là thành phần sắc tộc thiểu số, cũng là đối tượng được đề cập tới trong sách này.

Dân số gốc Hoa trong thực tế có thể còn nhiều hơn nữa vì có rất nhiều người không muốn khai hay giấu nguồn gốc chủng tộc của mình trong những đợt kiểm tra dân số vì sợ bị phân biệt đối xử, không muốn bị gọi là người Hoa hay gốc Hoa. Người Minh Hương ngày nay không muốn bị coi là người Hoa.

Tuy là một dân số ít oi nhưng là một dân số có tỷ trọng lớn về kinh tế. Tất cả mạng lưới thương nghiệp chính tại miền Nam trước đây đều nằm trong tay người Hoa. Gần đây, dưới chế độ cộng sản, thế lực kinh tế của cộng đồng người Hoa được phục hồi trở lại, họ là lực lượng kinh tế ngoài chính quyền có khả năng tài chánh mạnh nhất nước, có thể chi phối toàn bộ sinh hoạt của các chính quyền địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Nam.

Những bộ lạc thiểu số gốc Hoa sống trên miền Thượng du hay dọc vùng biên giới Hoa-Việt, mặc dù có nhiều quan hệ trao đổi với Trung Quốc tại vùng biên giới, không phải là đối tượng của quyển sách này : người Sán Dìu gần 66.000 người (1988) gồm các nhóm Thủ, Lâu, Mằn, Xín, Tàn Cá Lảu, Lày... ở tản mạn nhiều tỉnh miền đông bắc thượng du Bắc phần, người Ngái rất ít (gần 1.500 người) ở tản mạn miền trung du Bắc phần.

Ngoài ra còn phải kể đến những bộ tộc có quan hệ nguồn gốc và phong tục với những sắc dân thiểu số tại Trung Quốc, không phải là đối tượng của quyển sách này, như người Tày (900.000 người) ở Cao Bằng, người Thái (khoảng 770.000 người) ở Sơn La, người Mường (gần 690.000 người) ở Hà Sơn Bình, người Nùng (gần 600.000 người) ở Lạng Sơn, người Sán Chay (gần 80.000 người) ở Hà Tuyên, v.v...

     

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 1550 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)