Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chính đảng và bất bạo động : vũ khí hạ bệ độc tài và chìa khóa cho dân chủ !

Nonviolence is a powerful and just weapon, which cuts without wounding and ennobles the man who wields it. It is a sword that heals.

Martin Luther King, Jr.

bbd1

Martin Luther King, Jr.

"Bất bạo động là một loại vũ khí mạnh mẽ và chính nghĩa, cắt đứt mà không để lại vết thương và làm cho người sử dụng nó trở nên cao thượng. Nó là một thanh gươm có thể chữa lành vết thương".

Vào năm 1988, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức chính trị đối lập và xã hội dân sự, hàng trăm ngàn người dân Estonia, đã liên tục áp dụng phương thức bất bạo động bằng cách ca hát trong nhiều đêm liền, phản đối ách thống trị của chủ nghĩa cộng sản. Cách mạng Ca hát (Singing Revolution) đóng vai trò quyết định dẫn tới sự sụp đổ của chế độ cộng sản Soviet, mang đến độc lập và tự do cho dân tộc Estonia.

Thế mạnh nhất của mọi chế độ độc tài toàn trị là vũ lực với lực lượng quân đội hùng hậu và vũ khí hiện đại. Do đó, chúng ta, những người yêu chuộng dân chủ, dường như rất khó để hạ gục chế độ bằng chính thế mạnh của nó. Một người không có sức khỏe và không có kỹ thuật boxing chắc chắn không dại dột đòi "so găng" với Mike Tyson vì chỉ tự chuốc lấy thất bại. Thay vào đó, phải nhắm vào nhược điểm của chế độ, là tổ chức chính trị lớn mạnh được sự ủng hộ của quần chúng, kết hợp với phương thức bất bạo động, mới là phương thức hiệu quả nhất cho cuộc cách mạng dân chủ.

Có thể hạ bệ chế độ độc tài bằng bạo lực không ?

Khá nhiều người Việt vẫn luôn bị cuốn hút bởi văn hóa bạo lực và họ cho rằng chỉ có vũ lực mới có thểkết thúc chế độ cộng sản. Có những người vì quá căm phẫn với đàn áp man rợ của chế độ, nên chọn bạo lực, thậm chí bất chấp mạng sống để đối đầu. Trong thực tế, cũng có người đạt được một số kết quả khiêm tốn với chiến lược vũ trang, nhưng dường như không thể hạ bệ được chế độ độc tài.

Chủ nghĩa cộng sản được sinh ra từ chủ trương tôn thờ bạo lực của Lênin và được duy trì bởi đàn áp đẫm máu. Hầu hếtcác lãnh tụ cộng sản như Stalin, Mao, Pol Pot, Hồ Chí Minh, Lê Duẫn… luôn là những kẻ sẵn sàng cắt cổ, đập đầu và thủ tiêu bất cứ ai dám tỏ thái độ không thích chế độ cộng sản. Vì thế, đối kháng với chế độ cộng sản bằng vũ lực là đánh vào thế mạnh nhất của nó bởi khả năng huy động lực lượng quân sự hùng hậu.

Dù cho phe chủ trương dùng vũ lực có súng, đạn và quân số cũng không thể nào so sánh về số lượng và chất lượng với nhà nước cộng sản. Dù cho có liều hoặc dũng cảm đến đâu thì mười hoặc trăm cây súng cũng không thể làm tê liệt được hàng ngàn xe tăng, triệu súng ống hiện đại, quân số áp đảo và chuyên nghiệp. Tấn công bạo lực sẽ châm ngòi cho các cuộc đàn áp đẫm máu, vô số người chết, thương tật về thể xác lẫn tinh thần, càng khiến cho số người ủng hộ dân chủ mất niềm tin.

Đấu tranh bạo lực còn gây ra nhiều thiệt hại về các cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông, điện, nước và, thậm chí, cả bệnh viện lẫn trường học… Như thế, tất cả các bên đều trở thành nạn nhân của bạo lực.

Cũng có người cho rằng phải áp dụng "chiến tranh du kích" thay cho đối kháng trực diện. Tuy nhiên, chiến lược này càng không thực tế vì phải có sự viện trợ tiền bạc khổng lồ của quốc tế để đối đầu với chế độ trong một khoảng thời gian rất dài. Nên nhớ, Việt Nam là một nhà nước có chủ quyền, được công nhận bởi Liên Hợp Quốc. Vì thế, sẽ không có quốc gia nào ủng hộ hạ bệ chính quyền cộng sản bằng bạo lực của chiến tranh du kích hoặc chính quy.

Tóm lại, suy nghĩ hạ bệ chế độ cộng sản bằng vũ lực là kém hiểu biết, dại dột và ảo tưởng.

Thế nào là phản kháng bất bạo động/phi bao lực ?

Bất bạo động là phương pháp tuyệt đối không hướng tới bạo lực và vũ trang để mang tới những thay đổi về xã hội và chính trị. Các chiến thuật của phản kháng bất bạo động bao gồm bất tuân dân sự, biểu tình phản đối, đình công, tẩy chay, và thuyết phục.

Giáo sư Gene Sharp đã trình bày chi tiết phương thức phản kháng bất bạo động trong cuốn sách nổi tiếng của ông : Từ Độc Tài Đến Dân Chủ".

-        Phương pháp phản đối và thuyết phục : chủ yếu mang tính tượng trưng, nhằm thuyết phục đối phương hoặc để tạo ra nhận thức về bất công và sự bất đồng chính kiến trong quần chúng. Ví dụ : biểu tình, diễn hành.

-        Phương pháp bất hợp tác : nhằm làm suy yếu quyền lực, nguồn lực và tính chính đáng của chính quyền. Ví dụ : đình công, tẩy chay, bất hợp tác kinh tế, bất hợp tác chính trị, bất tuân dân sự.

-        Phương pháp can thiệp bất bạo động : nhằm trực tiếp làm gián đoạn các hoạt động của nhà nước hoặc nhằm trình bày các giải pháp thay thế khác. Ví dụ như tuyệt thực, biểu tình ngồi, chiếm ngụ bất bạo động và hình thành chính quyền song song.

Cần ghi nhớ rằng bất bạo động không có nghĩa là sẽ không có bạo lực và xô xát. Chính xác hơn bất bạo động là một thái độ tích cực và ôn hòa được chọn lựa để đối kháng với bọn độc tài và can thiệp khi thấy bất công. Chứng kiến cảnh tượng một người phụ nữ bị cả đám vô lại đánh đập, người chủ trương bất bạo động sẽ không mặc kệ hoặc bỏ đi, nhưng tìm mọi cách để can thiệp và chấm dứt bất công một cách ôn hòa.

Học giả uy tín Stephanie Van Hook cho rằng phi bạo lực là một nghệ thuật mà người ta học cách sử dụng các kỹ năng bất bạo động một cách ôn hòa, để trở nên can đảm khi đối mặt với những áp lực nhất từ tiếng nói bên trong của mỗi người : bỏ đi hoặc im lặng trước bất công. Bất bạo động cũng giống như một loại năng lượng, có thể chuyển đổi những cảm xúc khiến chúng ta xa lánh nhau hoặc kết nối nhau chặt chẽ và thân thiết hơn (The Art of Nonviolence).

Tại sao phản kháng bất bạo động hiệu quả và thành công ?

-        Cách mạng bạo lực không thu hút được sự ủng hộ của quần chúng vì vũ lực thường đi đôi với bạo động và nguy hiểm vì thế khiến nhiều người từ chối tham gia vì sợ hãi. Một chính quyền càng chuyên chế, càng thích dùng bạo lực để khiêu khích và đàn áp. Một khi người chống đối chính quyền cầm súng lên, thì sự đàn áp đẫm máu bằng bạo lực của chính quyền sẽ được hợp thức hóa. Ngược lại, bất bạo động hiệu quả và thành công hơn so với đấu tranh vũ lực vì có thể thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nếu được tổ chức bởi các tổ chức chính trị và xã hội dân sự bằng phương pháp, chiến thuật và chiến lược linh hoạt.

-        Bất bạo động đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại mang đến thành công cho rất nhiều nơi trên thế giới. Nhà khoa học chính trị Chenoweth nhấn mạnh rằng chỉ cần 3,5% dân số kiên nhẫn duy trì sự phản kháng bất bạo động, thì không có một chính quyền nào có thể tồn tại. 3,5% tượng trưng cho khoảng 3,3 triệu người Việt Nam.

-        Bất bạo động sẽ hạn chế tối thiểu những tang thương và mất mát về con người và giảm nguy cơ nội chiến kéo dài. Ngược lại, những người chủ trương cách mạng bạo động thể hiện ý nguyện hợp thức hóa quyền lực bằng bạo lực, vốn khó thuyết phục được hậu thuẫn và hợp tác của quần chúng, so với lý tưởng ôn hòa.

-        Càng nhiều người dân hậu thuẫn phương pháp bất bạo động, số lượng lãnh đạo bất đồng quan điểm với nhà nước, giới kinh doanh, và chức sắc tôn giáo ủng hộ sự phản kháng càng tăng. Các vụ tẩy chay chống lại doanh nghiệp của người da trắng và giới đầu tư quốc tế rút khỏi Nam Phi đã đóng vai trò quyết định kết thúc chế độ diệt chủng apartheid.

-        Một khi phong trào bất bạo động qui tụ được đông đảo người dân tham gia và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý, ủng hộ của dư luận thế giới. Nếu chế độ độc tài đáp trả các cuộc biểu tình ôn hòa bằng đàn áp đẫm máu, các nước dân chủ sẽ lên án, tẩy chay và thậm chí cấm vận kinh tế để ủng hộ phe dân chủ.

Phải làm gì để thành công bất bạo động và có được dân chủ ?

Muốn dấn thân chính trị và tham gia cuộc cách mạng dân chủ, đầu tiên phải dứt khoát bỏ ngay ý định lật đổ chính quyền cộng sản bằng bạo lực.

Chế độ cộng sản không bao giờ sợ người chỉ có vũ lực trong đầu, nhưng sợ người có tư tưởng và lý luận. Cán bộ nhà nước ngại và có phần sợ người dân biết dùng lý lẽ và tinh thần ôn hòa để tranh luận với họ. Rất nhiều đoạn video trên Facebook chứng minh được lập luận này. Muốn thay đổi thực trạng đau thương của Việt Nam, cần kiên trì học hỏi nâng cao hiểu biết về tư tưởng chính trị. Nhiều người có ngộ nhận sai lầm cho rằng không cần học cũng có thể đấu tranh chính trị. Nấu ăn, đánh giày còn phải học lý thuyết trước, nhưng để giành thắng lợi khó khăn cho dân chủ thì không cần học ? Không có lý thuyết hướng dẫn "làm chính trị", bạn sẽ dùng cách nào để chiến đấu với độc tài tàn bạo ?

Những người cộng sản đã hiểu rất rõ tầm quan trọng của tư tưởng chính trị. Lênin nhấn mạnh trong cuốn sách dành cho các đảng viên khắp nơi rằng : "Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng ; chỉ đảng nào có được lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới làm tròn vai trò của người chiến sĩ tiên phong".

Ngay cả Nguyễn Phú Trọng cũng liên tiếp nhắc nhở câu nói của Hồ Chí Minh với các đảng viên về tầm quan trọng của lý luận : "Không có lý luận thì như người nhắm mắt mà đi".

Học tư tưởng chính trị ở đâu ? Cách học đơn giản nhất có lẽ là học từ những bài luận, đăng trên những trang web tin cậy, của các chính trị gia và học giả có trình độ và uy tín. Một cách học hiệu quả khác là đọc và suy nghẫm những cuốn sách hay về tư tưởng chính trị và xã hội bằng tiếng Việt hoặc English. Ví dụ, Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng, được giới học giả trong và ngoài nước đánh gia cao và khuyến khích những bạn yêu mến chính trị nên đọc.

Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, trình bày tư tưởng, đường lối và phương pháp để giành tự do và dân chủ. Đây chắc chắn là một cuốn sách hữu ích cho bất kỳ ai muốn dấn thân chính trị.

Một lưu ý cho nhiều người Việt Nam : Wikipedia là một trang web mở, nghĩa là ai có tài khoản cũng có thể sửa đổi nội dung có sẵn hoặc viết nội dung mới. Nhiều trường Đại học của Hoa Kỳ không cho phép sinh viên trích dẫn thông tin từ Wikipedia cho các bài luận văn vì không tin cậy và không được kiểm chứng bởi các học giả uy tín. Ngắn gọn, nếu muốn học hỏi thêm kiến thức như lịch sử, chính trị, triết học…, thì Wikipedia chắc chắn không phải là nguồn đáng tin cậy.

Thay lời kết

Bạo lực bằng lời nói như sỉ nhục và bạo lực bằng hành động như tấn công bằng bom đạn, không phải là giải pháp dài hạn và hữu ích cho các cuộc xung đột. Các nạn nhân của bạo lực luôn tìm cách để trả thù và như thế bạo lực lại tiếp diễn. Vòng xoay bạo lực vẫn sẽ tiếp tục và nguyên nhân gốc rễ của xung đột vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng và toàn diện.

Thế giới văn minh đã từ bỏ bạo lực như là một cách thức tranh đấu cho sự thay đổi chính trị và xã hội. Cái giá phải trả cho đấu tranh bạo lực là vô cùng đắt : đàn áp đẫm máu của chế độ độc tài, số người chết và thương tật cao, và nguy cơ nội chiến kéo dài. Dân tộc Việt Nam vốn đã đổ quá nhiều máu, gánh chịu quá nhiều tang thương từ các cuộc chiến và nội chiến. Vì thế, người Việt phải dứt khoát nói không với bạo lực. Hành vi dụ dỗ, lôi kéo và lợi dụng người khác đấu tranh dân chủ bằng giải pháp bạo lực thuần túy là vô đạo đức, sai trái vàphải bị lên án.

Chiến thuật, chiến lược, phương pháp, và kỷ luật là những chìa khóa mở ra thành công cho bất tuân dân sự, biểu tình, đình công... Tuy nhiên, chiếc chìa khóa vạn năng quan trọng nhất vẫn là một lực lượng chính trị đối trọng với Đảng cộng sản. Nói đơn giản hơn, phải có một tổ chức đối lập lớn mạnh dẫn dắt và lãnh đạo quần chúng phương thức bất bạo động.

bbd2

Sơ đồ đấu tranh có tổ chức  

Chúng ta, thành phần thiểu số còn quan tâm đến tương lai đất nước, hãy chủ động tìm đến nhau để tạo nên một lực lượng có tầm vóc, quyết tâm thay đổi số phận bất hạnh của dân tộc Việt Nam. Lực lượng chính trị lương thiện này đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, trong tinh thần bao dung để có được sự hậu thuẫn của dân tộc Việt Nam. Tổ chức này sẽ là kết hợp hy vọng cho quần chúng và là đối trọng của Đảng cộng sản. Và trên hết, lực lượng này lãnh đạo và dẫn dắt quần chúng bằng đàm phán và phương thức bất bạo động, để giành thắng lợi cho dân chủ và dân tộc Việt Nam.

Mai V.Pham

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Đa nguyên – Bất bạo động – Hòa giải & hòa hợp dân tộc"

Additional Info

  • Author Mai V. Phạm
Published in Quan điểm