Giữa tháng 9/2023, Quản trị FB liên tiếp gỡ một loạt bài trên trang FB của tôi. Ngày 12/9/2023 gỡ bài Tận Cùng Bất Lương, Tận Cùng Giả Dối. Ngày 16/9/2023 gỡ bài Bạo Chúa. Ngày 17/9/2023 gỡ bài dài đăng ba kì Gần Một Thế Kỉ Lạc Bước. Ngày 18/9/2023 gỡ bài Bắn Dân Lành Đồng Tâm – Ô Nhục Quốc Gia Một, Tử Hình Dân Lành Đồng Tâm – Ô Nhục Quốc Gia Mười.
Những bài này và các bài khác trên trang FB của tôi đều được nhiều trang mạng đăng lại. Vì vậy dù bài bị gỡ ở FB của tôi nhưng vẫn còn lưu ở nhiều trang mạng lề dân. Vào Google qua phần mềm Vượt Tường Lửa, gõ tên bài, tên người viết, sẽ tìm thấy bài.
Từ 17/9/2023, Quản trị FB lại áp lệnh cấm vận với trang FB của tôi. Vào FB chỉ được đọc mà không được phát đi bất kì một tín hiệu nào, dù chỉ nháy vào like của một status cũng không được. Khi trang FB của tôi bị cấm vận thì đời sống đất nước bung ra thảm họa ở cái lõi hồn cốt của một dân tộc, một nhà nước là cả bộ máy quản lí nhà nước về văn hóa mà bộc lộ đầy đủ sự vô văn hóa. Phải lên tiếng về thảm họa văn hóa và tôi phải nhờ tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đưa lên trang FB Nguyễn Xuân Diện bài viết Thảm Họa Văn Hóa.
Nay trang FB của tôi đã được Quản trị FB bãi bỏ cấm vận. Tôi xin đón bài Thảm họa văn hóa lưu vong ở trang Nguyễn Xuân Diện về trang nhà cố hương, Homeland.
************************
Thảm họa văn hóa
Phạm Đình Trọng,
Là bộ Văn Hóa của một quốc gia, là bộ Lễ của một nhà nước mà từ người đứng đầu đến cả bộ máy cơ quan Văn Hóa quốc gia, từ hành xử đến tư duy đều phản văn hóa, đều không có một chút xíu lưng vốn văn hóa.
Bộ trưởng bộ Lễ mặt sắt lạnh lùng vênh váo nhìn trời, chân nghênh ngang bước giữa thảm đỏ giành cho khách, đẩy khách nguyên thủ quốc gia ra rìa thảm đỏ !
Ông bộ trưởng bộ Lễ thay mặt nhà nước của nền văn minh sông Hồng, thay mặt nhân dân của đất nước Văn Hiến đi đón thủ tướng nước ngoài đến thăm Việt Nam. Khách đến thăm có phẩm hàm nhà nước cao hơn chủ nhà ra sân bay đón khách. Không một lưng vốn văn hóa, ra sân bay đón nguyên thủ nước ngoài, trong khi khách ở cấp cao hơn nhưng có văn hóa giao tiếp lịch lãm, luôn tươi cười ngoái nhìn chủ nhà thì ông chủ nhà, bộ trưởng bộ Lễ mặt sắt lạnh lùng vênh váo nhìn trời, chân nghênh ngang bước giữa thảm đỏ giành cho khách, đẩy khách nguyên thủ quốc gia ra rìa thảm đỏ!
Ông bộ trưởng bộ Lễ Việt Nam gương mặt không thấy sự toả sáng của văn hóa, chỉ thấy những múi cơ bắp cuồn cuộn nổi lên, đón khách mà mặt lạnh tanh, chân nghênh ngang giữa thảm đỏ và vị thủ tướng nước ngoài bị đẩy ra khỏi thảm đỏ vẫn tươi cười xã giao, thân ái nhìn chủ nhà. Hình ảnh đó không phải chỉ lan truyền rầm rộ trên truyền thông Việt Nam mà còn tràn ngập trên truyền thông thế giới là sự xỉ nhục cả nền văn hóa Việt Nam, là nỗi xấu hổ của mọi người dân Việt Nam. Với người kinh kì Tràng An – Hà Nội :
"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An"
còn là nỗi đau!
Đêm 12 rạng ngày 13/9/2023, tòa nhà 9 tầng ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội ngùn ngụt bốc cháy, giết chết 56 người dân. Có gia đình chết cả nhà. Nỗi đau thương, mất mát bao trùm cả nước. Nỗi đau thương, tang tóc càng đè nặng trái tim người Hà Nội. Dù nhà nước chưa ban hành quốc tang thì mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi, dù ở Hà Nội hay Sài Gòn, dù trên đỉnh núi mù sương Lũng Cú Hà Giang hay ở ngoài đảo mù khơi Thổ Chu, Kiên Giang, dù ở trong nước hay ngoài nước đều coi ngày 13/9/2023 là ngày quốc tang, ngày đau thương của dân tộc Việt Nam. Không ai nỡ tìm đến niềm vui trong ngày đó. Không ai có được tâm trạng nhẹ nhõm, thanh thản trong ngày đó.
Buổi tối ngày 13/9/2023, cả nước chìm trong đau thương, tang tóc thì bộ Văn Hóa lại hân hoan mở hội, lộng lẫy cờ đèn, tưng bừng hát múa ở Nhà Hát Lớn Hà Nội. Bộ trưởng cùng những quan chức hàng đầu bộ Văn Hóa xúng xính lễ phục, hớn hở mặt mày xem múa hát trong buổi lễ trao giải thưởng báo chí "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa thể thao du lịch" ở ngay nơi 56 người dân Hà Nội vừa chết thảm trong tòa nhà bốc cháy.
Bày ra giải thưởng báo chí "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa thể thao du lịch" chỉ là tự đề cao hoạt động văn hóa thể thao du lịch. Tối ngày quốc tang, bộ Văn Hóa tập hợp báo chí cả nước về thủ đô hát bài đồng ca tán tụng công trạng, thành tích hoạt động văn hóa thể thao du lịch thời ông bộ trưởng đi đón quốc khách mà thô lỗ đẩy quốc khách ra rìa thảm đỏ.
Giải thưởng báo chí "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa thể thao du lịch" chỉ là một hình thức tự ngắm mình, tự khen mình. Chẳng làm được tích sự gì để được cộng đồng biết đến thì phải tự khen mình để cộng đồng phải biết đến, phải ghi nhận sự có mặt của mình trong đời sống cộng đồng. Dân gian gọi tên kẻ vô tích sự chẳng được ai khen phải tự khen mình bằng câu thành ngữ "Mèo khen mèo dài đuôi"
Tạo ra giải thưởng trao cho bài báo viết về hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đã tạo ra một tiền lệ, khởi xướng ra một tệ nạn loạn giải thưởng, tầm thường hóa giải thưởng quốc gia như xã hội đang loạn học vị, học hàm, tầm thường hóa học vị, học hàm.
Khi 17 bộ khác trong chính phủ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc chỉnh phủ rồi 63 tỉnh thành trên cả nước cũng bày đặt ra những giải thưởng "Vì sự nghiệp phát triển Lao động Thương binh Xã hội", "Vì sự nghiệp phát triển Ủy ban Dân tộc", "Vì sự nghiệp phát triển Cao Bằng" . . . Xã hội lại có thêm hàng trăm lễ lạt.
Đất nước quanh năm lễ lạt. Túi tiền ngân sách lại thêm teo tóp vì những khoản tiền tỉ chi lễ lạt, chi giải thưởng. Xã hội lại tràn ngập những giá trị giả bởi những giải thưởng tự ngắm mình, tự khen mình.
Kém văn hóa không phải chỉ ở hành xử của quan chức văn hóa. Kém văn hóa từ trong tư duy của những người lãnh đạo bộ Văn Hóa mà công văn số 3839/BVHTTDL-VP do thứ trưởng Tạ Quang Đông kí ngày 15/9/2023 là bằng chứng.
Loài người đã đi qua văn minh công nghiệp, bước vào văn minh tin học. Hai nền văn minh vĩ đại đã cho mỗi con người, dù chỉ là dân thường đều có tư thế công dân, có nghĩa vụ công dân, có vai trò, có trách nhiệm, có tiếng nói công dân với mọi diễn biến trong đời sống xã hội đất nước. Văn minh tin học còn cho con người tư thế loài người, nghĩa vụ loài người, có trách nhiệm lo toan mọi vụ việc, mọi vấn đề tác động đến đời sống con người, liên quan đến số phận con người.
Người dân phải lên tiếng về những hành xử phản văn hóa, phản nhân văn của lãnh đạo bộ Văn Hóa là quyền và trách nhiệm công dân của người dân. Nhưng lãnh đạo bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch vẫn tư duy như thời trung cổ coi người dân chỉ là bầy đàn nô lệ, chỉ biết chấp nhận và cam chịu, không có quyền công dân. Vẫn tư duy sùng bái quyền lực, coi lãnh đạo có quyền lực quốc gia như thần thánh, người dân chỉ được phục tùng chứ không được phán xét lãnh đạo.
Người dân lên tiếng về những hành xử phản thẩm mĩ, phản văn hóa được khái quát trong từ phản cảm của lãnh đạo bộ Văn Hóa thì công văn 3839/BVHTTDL-VP ngày 15/9/2023 của bộ Văn Hóa lại vu cho những tiếng nói trách nhiệm công dân là "bình luận phản cảm", đòi bộ Thông tin Truyền thông xử lí người dân sử dụng quyền công dân, thực hiện trách nhiệm công dân.
Phải hiểu công việc mới có thể làm được việc. Phải có lưng vốn văn hóa mới có thể làm văn hóa. Từ ông bộ trưởng bộ Văn Hóa đến cả bộ máy làm văn hóa quốc gia đều hành xử và tư duy phản văn hóa, không hiểu thế nào là văn hóa mà vẽ ra chương trình chấn hưng văn hóa rồi đòi ngân sách nghèo của nước chi 350 000 tỉ đồng sẽ là thảm họa văn hóa như thảm họa kinh tế thời thủ tướng Ba Dũng không có lưng vốn về kinh tế cũng vung tiền chi hàng trăm ngàn tỉ tiền cho những quả đấm thép kinh tế, để những tập đoàn Vinashine của Phạm Thanh Bình, tập đoàn Vinalines của Dương Chí Dũng rước về tàu Hoa Sen cũ nát, rước về ụ nổi chỉ là đống sắt vụn.
Phạm Thanh Bình nhận án mười năm tù. Dương Chí Dũng nhận án tử hình. Thủ tướng Dũng bình yên về hưu mong làm người tử tế nhưng gây thảm họa kinh tế cho đất nước mà không chịu trách nhiệm làm sao có thể là người tử tế. Từ tấm gương của ông thủ tướng Ba Dũng, ông bộ trưởng Văn Hóa mà không có lưng vốn văn hóa nên từ chức tránh gây thêm thảm họa văn hóa cho đất nước.
Phạm Đình Trọng
17/09/2023
Việt Nam tạm giữ 12 người Trung Quốc có dấu hiệu lừa đảo (VOA, 12/06/2019)
Hôm 12/6, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm giữ 20 người nước ngoài, trong đó có 12 người Trung Quốc, có dấu hiệu lừa đảo công nghệ, sở hữu giấy chứng nhận giả mạo công an.
Tang vật thu giữ trong vụ bắt giữ ngày 12/6/2019. Photo Công an cung cấp/Tuổi Trẻ.
Báo VietnamNet loan tin nhà chức trách quận 9 sáng ngày 12/6 đã phát hiện 20 người có biểu hiện tổ chức lừa đảo công nghệ cao cùng những tang vật liên quan như 26 máy tính bảng, 46 điện thoại di động, 6 máy tính xách tay, 3 thiết bị giả lập âm thanh môi trường…
“Khám xét căn nhà, lực lượng công an thu giữ 221 tờ tài liệu, 19 cuốn tập chứa nội dung kịch bản giả danh Công an Trung Quốc để lừa đảo, 2 bản sao chụp giả mạo giấy chứng nhận Công an Trung Quốc...” theo báo Tuổi Trẻ.
Báo VietnamNet cho biết trong số 20 người này có 12 người quốc tịch Trung Quốc và 8 người quốc tịch Đài Loan.
Truyền thông Việt Nam loan tin rằng các đối tượng đã thừa nhận hành vi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những người này thuê nhà, gọi điện cho hàng loạt người, nhắm vào người Trung Quốc ở nội địa hay Hoa kiều ở nhiều quốc gia, giả là cán bộ công an nhằm lừa, đe doạ nạn nhân có dính dáng đến hoạt động tội phạm, để từ đó yêu cầu họ khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng nhằm chứng minh tiền có được là trong sạch, theo VietnamNet.
Gần đây, việc người Trung Quốc vi phạm pháp luật ở Việt Nam, đặc biệt thông qua các nhóm giả dạng hay trá hình và hành động có tổ chức, ngày càng phổ biến.
Ngày 9/6/2019, Công an Thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ Công an trục xuất 35 người Trung Quốc hoạt động trái phép, tổ chức đánh bạc qua mạng trên địa bàn thành phố.
VOV cho biết nhiều người trong số này nằm trong một tổ chức tại Trung Quốc, nhận lệnh xây dựng đường dây hoạt động xuyên quốc gia để tổ chức đánh bạc qua mạng, nhằm tránh bị truy bắt tại Trung Quốc.
******************
Facebook mới cho VOA Việt Ngữ biết rằng mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã chặn ba trang cá nhân (profile) ở Việt Nam từ tháng Bảy năm ngoái, sau khi nhận được yêu cầu của chính quyền Hà Nội liên quan tới sản phẩm đồ uống MILO của Nestlé.
Một đại diện của Facebook cho biết, tập đoàn của Thụy Sĩ cáo buộc rằng chủ của ba tài khoản cá nhân bị chặn đăng tải thông tin "sai", "xúc phạm uy tín" rằng các sản phẩm MILO "chứa các chất phụ gia có hại hoặc bị cấm".
Nestlé sau đó xác nhận rằng hãng này, thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đã yêu cầu Facebook "xem xét và xóa" nội dung "không chính xác" về các sản phẩm của hãng trên một số tài khoản Facebook vì các thông tin đó "gây tác động xấu tới danh tiếng của các sản phẩm cũng như hãng Nestlé".
Một đại diện của Nestlé cho biết đã gửi "các tài liệu" kèm yêu cầu trên, nhưng từ chối cung cấp thêm cho VOA tiếng Việt nội dung chi tiết của các thông tin bị coi là "sai" của các trang cá nhân liên quan.
Facebook cho hay rằng ba trang cá nhân "bị chặn vì vi phạm các điều luật về phỉ báng của Việt Nam, chứ không phải họ vi phạm các Tiêu chuẩn Cộng đồng" của mạng xã hội này, và rằng đề nghị chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông là "cơ sở pháp lý" để thực hiện điều đó.
"Những người có trang cá nhân bị chặn đã được thông báo. Trang của họ vẫn có thể tiếp cận được đối với những người ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam", một đại diện của Facebook cho biết.
Theo một bản báo cáo của Facebook, công khai các yêu cầu giới hạn nội dung của các nước trên thế giới trong giai đoạn từ tháng Bảy tới tháng 12 năm 2018, mạng xã hội có hơn hai tỷ người sử dụng cho biết cũng đã nhận được các yêu cầu khác của Bộ Thông tin và Truyền thông, với những cáo buộc về nội dung "xúc phạm uy tín" đối với các sản phẩm của Heineken và Suntory PepsiCo Vietnam.
Facebook cho biết cũng giới hạn truy cập nội dung theo yêu cầu từ cả Bộ Công An Việt Nam, theo Điều 5 của Nghị định 72 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, có hiệu lực từ năm 2013.
Theo tìm hiểu, điều luật này có nêu ra nhiều hành vi bị cấm như "lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng" để "chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hay "đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân".
Ngoài ba trang cá nhân bị chặn, Facebook cho hay rằng, trong khoảng thời gian nêu trên, hãng cũng đã chặn 1.553 post [bài viết] theo yêu cầu từ phía Việt Nam.
Tính riêng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nơi Facebook chặn nhiều thông tin nhất, sau đó tới Thái Lan, vốn hiện nằm dưới chính quyền quân nhân và Indonesia, quốc gia có tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Trang tin về công nghệ ICT News thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 10/5 đưa tin rằng theo yêu cầu của Việt Nam, Facebook "đã gỡ bỏ" 208 tài khoản giả mạo và hơn 200 link [đường dẫn] bài viết "có nội dung chống phá đảng, nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam".
Trang web của chính phủ Việt Nam cho biết, hiện có "hơn 60 triệu tài khoản" của người Việt trên Facebook, trong khi công ty dữ liệu Statista của Đức nói rằng tới cuối năm 2019, con số Facebooker Việt Nam sẽ là 45 triệu.
Dù vấp phải nhiều phản đối, Luật An ninh Mạng có hiệu lực từ đầu năm nay, trong đó có điều khoản về việc "bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng", theo đó quy định các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên Internet "phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam". Hiện chưa rõ Facebook hay các công ty công nghệ khác đã thực hiện điều này hay chưa.
Viễn Đông
********************
Việt Nam đang trỗi dậy thành ‘mối đe dọa an ninh mạng’ (VOA, 12/06/2019)
Việt Nam hiếm khi bị liên kết với các hoạt động tội phạm mạng theo cách tương tự như các quốc gia Châu Á khác, như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Iran trong mấy năm gần đây, nhưng điều đó có thể sẽ sớm thay đổi.
Việt Nam đang trở thành một mối đe dọa về an ninh mạng và một trong những nguyên nhân đó là sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. (Screenshot of SecurityWeek)
Theo một báo cáo mới từ công ty tình báo mạng IntSights, hoạt động gián điệp mạng và tội phạm mạng ở Việt Nam đang phát triển.
Lưu lượng truy cập và hoạt động trên Internet bằng tiếng Việt trên Deep and Dark Web đang gia tăng và các cuộc tấn công vào các tổ chức đa quốc gia của nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam – đặc biệt là các công ty ô tô và các cơ quan truyền thông – cũng gia tăng.
Theo công ty có trụ sở ở New York, nhóm APT32/OceanLotus – mối đe dọa dai dẳng từng được biết trước đây – dường như hoạt động để hỗ trợ các lợi ích chiến lược của nhà nước Việt Nam. Trong khoảng một năm qua, nhóm này đã tăng cường tấn công các cơ sở truyền thông Việt Nam và Campuchia bị coi là thù nghịch với chính phủ Việt Nam. APT32/OceanLotus còn nhắm tấn công các nhà sản xuất ô tô trước khi ra mắt những xe hơi đầu tiên của Việt Nam sản xuất ở trong nước được ấn định vào tháng 9 này, theo báo cáo mới của IntSights công bố hôm 5/6.
"Đây là thời điểm tối ưu để theo dõi sát sao về Việt Nam, nền kinh tế và hoạt động mạng của họ - cả do nhà nước và nhóm bảo trợ", Charity Wright, nhà phân tích tình báo không gian mạng tại IntSights nói. Theo bà, một số yếu tố đang góp phần gia tăng các hoạt động có tính cách đe dọa. Một trong những nguyên nhân đó là sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.
Chính phủ độc đảng của Việt Nam đã cam kết sẽ đẩy mạnh đà tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5% vào năm 2020, và đã đầu tư vào việc phát triển công nghệ trong nước. Trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách giành lợi thế trước các cường quốc kinh tế khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, hoạt động gián điệp mạng nhắm vào các công ty đa quốc đã gia tăng.
Vẫn theo IntSights, các cuộc tấn công của APT32 vào các nhà sản xuất ô tô là một ví dụ. Năm ngoái, nhóm này đã phát động một chiến dịch gián điệp và phần mềm độc hại trên toàn thế giới nhắm vào các công ty ô tô lớn, như Toyota. Thời điểm xảy ra các cuộc tấn công cho thấy nhóm này được giao nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về các đối thủ và thậm chí, có thể gây gián đoạn hoạt động của các công ty ấy nhằm giúp VinFast, công ty ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam, phát triển nhanh hơn.
Theo nhận định của IntSights, sự gia tăng của hoạt động đe dọa hình như gắn liền với luật kiểm duyệt Internet gây nhiều tranh cãi, còn gọi là Luật An ninh mạng mà chính phủ Việt Nam đã thông qua năm ngoái. Luật này yêu cầu các công ty truyền thông xã hội, như Facebook và Twitter, phải đặt văn phòng tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu người dùng ở trong nước và phải cung cấp các dữ liệu đó cho chính phủ khi được yêu cầu.
Luật An ninh Mạng hạn chế những gì mọi người có thể nói và làm trên truyền thông xã hội. Chính phủ cũng đã thành lập một đơn vị tấn công mạng có tên là Lực lượng 47, bao gồm khoảng 10.000 thành viên để thực thi luật an ninh mạng. Nhiệm vụ của Lực lượng 47 là giám sát và chặn, không cho tiếp cận các nội dung mà nhà nước cho là "không thân thiện" và "không có lợi" cho họ.
Luật An ninh mạng đã đẩy ngày càng nhiều dân mạng Việt Nam xoay sang sử dụng Dark Web và nhiều người đã bắt đầu tìm kiếm thông tin về tiền điện tử và các cơ hội tội phạm trên mạng, theo báo cáo của IntSights. Người truy cập nói tiếng Việt ngày càng xoay sang sử dụng các diễn đàn ngầm, đa ngôn ngữ, được nhiều người biết tới, theo nhà phân tích của IntSights.
Cho đến nay, các mục tiêu đã được liên kết trực tiếp với lợi ích kinh tế và chính trị của Việt Nam. Nhưng hoạt động tội phạm mạng có trụ sở tại Việt Nam còn nhắm vào các ngân hàng trên thế giới và đặc biệt của Mỹ, các trang mạng truyền thông xã hội và các tổ chức khác.