Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một câu hỏi quan trọng và cấp bách đang đặt ra cho tất cả những người Việt Nam ưu tư với đất nước đó là bao giờ Việt Nam sẽ có dân chủ ? Câu hỏi này gần như không có câu trả lời. Hầu hết trí thức vẫn cho rằng, dân trí Việt Nam vẫn còn thấp vì thế phải "khai dân trí" trước đã. Họ cho rằng khi dân trí cao lên thì mới có thể tính đến chuyện dân chủ hóa đất nước.

Dân trí là gì ? Dân trí là sự hiểu biết của người dân về chính trị và những niềm tin nền tảng. Sự "hiểu biết" có thể học hỏi và tiếp thu theo thời gian nhưng những niềm tin nền tảng của người Việt Nam đang có vấn đề vì bị ảnh hưởng bởi những thành kiến do lịch sử để lại mà văn hóa Khổng giáo là nghiêm trọng nhất. Những niềm tin nền tảng này không chỉ có ở dân chúng mà còn hiện diện ngay cả với những người muốn khai dân trí cho người khác.

Những nhân sĩ có khả năng khai trí cho người dân thật sự rất ít. Đa số chỉ nói lên những điều mà ai cũng đã biết. Đừng quên một điều quan trọng rằng những ai muốn biết về tình hình đất nước thì người ta đều đã biết, còn những ai không muốn biết hoặc không quan tâm thì có nói bao nhiêu cũng vô ích. Họ không quan tâm.

vh1

Văn hóa Khổng giáo rất độc hại và là cản trở lớn cho tiến trình dân chủ hóa đất nước - Ảnh China Daily

Chúng ta đang sống trong những ngày tháng tư với nhiều cảm xúc bởi biến cố 30/4/1975. Bài học quan trọng nhất rút ra từ sự kiện này đó là đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Việt Nam Cộng Hòa dù chiếm ưu thế về mọi mặt nhưng vẫn thất bại vì đã không có một đội ngũ nhân sự chính trị lãnh đạo đất nước. 46 năm đã trôi qua từ biến cố 30/4 nhưng Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng không bình thường, đất nước vẫn chưa có dân chủ vì vậy cách đấu tranh nhân sĩ là không hợp lý. Các cá nhân dù có nổi tiếng đến mấy cũng không thể gây áp lực lên chính quyền buộc họ thay đổi.

Đấu tranh nhân sĩ tức là tranh đấu một mình, cố gắng gây tiếng vang để nhiều người biết đến. Các nhân sĩ là những người có kiến thức và hiểu biết cao hơn quần chúng. Di sản độc hại của văn hóa Khổng giáo khiến trí thức Việt Nam không phục ai, không nghe ai. Họ luôn xem họ là nhất, là số một mà mọi người phải nghe theo. Họ không lên tiếng ủng hộ cho bất cứ tổ chức nào vì cho rằng điều đó sẽ khiến họ kém đi, lu mờ đi. Họ thà tranh đấu một mình, nếu thất bại thì bỏ cuộc chứ dứt khoát không ủng hộ ai.

Lý do mà các nhân sĩ đưa ra để biện minh cho việc không tham gia hay ủng hộ các tổ chức chính trị đó là tại Việt Nam chưa có tổ chức chính trị nào xuất hiện và nếu tham gia thì sẽ bị chính quyền bắt bớ hoặc gây khó dễ...Điều này mới nghe qua thì rất đúng nhưng sự thực đó là sự ngụy biện để né tránh trách nhiệm. Ngày xưa Đảng cộng sản cũng đâu chờ thực dân Pháp cho phép thì mới hoạt động. Ông Hồ, dưới cái tên Tống Văn Sơ cũng từng bị tòa án Vinh (Nghệ An) tuyên án tử hình vắng mặt vì tội "bạo loạn, âm mưu lật đổ chính phủ" (năm 1929).

Các cá nhân có thể bí mật tham gia vào một tổ chức nhưng tổ chức thì không thể bí mật. Muốn thế người lãnh đạo và ban lãnh đạo bắt buộc phải ở nước ngoài hoặc phải tìm cách ra nước ngoài.

Một tổ chức chính trị phải đưa ra được một giải pháp cho đất nước, trình bày dự án chính trị đó cho người dân biết để tìm hiểu và nghiên cứu chứ không thể hoạt động bí mật trong bóng tối, chờ thời cơ thuận lợi rồi nhảy ra cướp chính quyền như Việt Minh hồi năm 1945. Mỗi một tổ chức chính trị đều chuyên chở một số giá trị tư tưởng nền tảng và một chương trình hành động. Nếu không có tư tưởng thì tổ chức đó không khác gì một đảng cướp và sự tranh đấu của họ chỉ là một cuộc tranh giành quyền lực. Tương lai đất nước không phải một trò chơi vì thế không thể phiêu lưu hay trông chờ vào sự may mắn. Sứ mệnh của một tổ chức chính trị là để thay đổi hiện tình của đất nước cho phù hợp với dòng chảy của nhân loại chứ không phải làm một cuộc "nổi dậy" dù cuộc nổi dậy đó có chính đáng đến đâu đi nữa.

vh2

Một giải pháp cho đất nước chỉ có thể đến từ một tổ chức chính trị. Dự án chính trị Dân chủ đa nguyên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một ví dụ.

Lịch sử tranh đấu của nhân dân ta dưới thời Pháp thuộc là những cuộc nổi dậy hào hùng, anh dũng của những con người thừa ý chí, quyết tâm và lòng yêu nước nhưng lại thiếu vắng hoàn toàn một tư tưởng chính trị, một tầm nhìn của thời đại. Họ không hề có viễn kiến về tương lai đất nước thời kỳ hậu thực dân (ngoại trừ Đảng cộng sản Việt Nam). Kết quả là bế tắc và cuối cùng đất nước rơi vào tai họa cộng sản.

Ngày hôm nay tuyệt đại đa số các "tổ chức chống cộng" và các cá nhân đang tranh đấu theo kiểu nhân sĩ dù rất dũng cảm và nhiệt huyết nhưng vẫn đi theo lối mòn của cha ông : Mong muốn loại bỏ chế độ cộng sản trước còn mô hình nhà nước nào trong tương lai sẽ tính sau. Không ít người lấy làm lạ và không hiểu tại sao phải cần đến một Dự án chính trị để làm gì. Theo họ cứ đánh sập Đảng cộng sản đi đã rồi hãy tính...Nước Nga của Putin là một ví dụ cho thấy nếu không có sự chuẩn bị cho tương lai thì sự sụp đổ chỉ mang lại một tình trạng tồi tệ hơn mà thôi. Những tổ chức không có tư tưởng chính trị, nếu thành công thì họ chỉ có thể dẫn đất nước đi vào đêm đen. Tuy nhiên, họ cũng như người chưa học võ mà đã thượng đài đòi tỉ thí, thua là chắc chắn. Chưa học kỹ đã đi thi thì chỉ có trượt.

Một giải pháp cho đất nước chỉ có thể xuất hiện và hình thành bởi các tổ chức chính trị thực thụ. Ngoài việc đưa ra một giải pháp thì tổ chức còn có chức năng hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng, cho họ một niềm tin vào chiến thắng. Bất cứ một đám đông nào cũng cần những người lãnh đạo nếu không sự phản kháng của họ chỉ là đập phá trong tuyệt vọng. Một tổ chức được hậu thuẫn của quần chúng sẽ buộc chính quyền cộng sản ngồi vào bàn đàm phán để chuyển hóa đất nước về dân chủ. Mọi sự thay đổi sẽ diễn ra trong hòa bình và trật tự. Sẽ không ai bị trừng phạt vì những gì đã làm trong quá khứ, mọi khiếu nại của người dân sẽ được một tòa án độc lập thụ xét và giải quyết dựa trên tinh thần hòa giải dân tộc. Nhà nước sẽ nghiêm cấm trả thù dưới mọi hình thức. Các cuộc chuyển hóa về dân chủ trong hòa bình với tinh thần hòa giải dân tộc tại các nước Đông Âu là một ví dụ.

Không có kinh thì không thể có đạo. Điều này không chỉ đúng với các tổ chức chính trị mà còn đúng ngay cả với các tổ chức "xã hội dân sự", là các tổ chức chỉ có một mục tiêu cụ thể nào đó như làm từ thiện hay bảo vệ môi trường. Rất nhiều tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đã không thể tồn tại và phát triển, ngoài việc bị chính quyền đàn áp thì lý do chính là giữa họ đã nảy sinh bất đồng sau một thời gian ngắn cùng làm việc với nhau, không ai chịu ai và ai cũng cho là mình đúng, cuối cùng là giải tán. Chị Nguyễn Thúy Hạnh phải làm từ thiện một mình thì quĩ 50K mới tồn tại được cho đến lúc chị bị bắt.

vh03

Việc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn tồn tại và phát triển gần 40 năm qua là một kỳ tích của người Việt Nam.

Việc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn tồn tại và phát triển gần 40 năm qua là một "kỳ tích" của người Việt Nam. Bao nhiêu tổ chức đã ra đời và biến mất để rồi chỉ còn lại hai tổ chức như hiện nay là Việt Tân và Tập Hợp.

Người Việt Nam hiểu biết rất sơ sài về chính trị, kể cả tầng lớp trí thức. Họ không chịu học hỏi mà chỉ hành động theo bản năng. Bản năng đó lại bị văn hóa Khổng giáo (đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người) chi phối. Người Việt Nam tụt hậu rất xa về chính trị so với thế giới. Chúng ta thừa trí thức khoa bảng nhưng thiếu hoàn toàn trí thức chính trị. Việc không ít nhà báo, luật sư, giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước cuồng Trump đến mê muội là một ví dụ.

Trong tương lai, một số nhân sĩ sẽ có ý định thành lập các tổ chức chính trị mới, điều đó là cần thiết và rất tốt nhưng việc đầu tiên họ phải làm là suy nghĩ và viết ra một dự án chính trị cho tổ chức mình. Không có tư tưởng chính trị thì không thể có tổ chức chính trị. Đảng cộng sản sau 75 năm cầm quyền tuyệt đối với mọi nguồn lực của đất nước mà vẫn đang đứng trước nguy cơ sụp đổ vì tư tưởng chính trị Mác- Lê nin đã hết thời mà họ vẫn không nghĩ ra được cái gì mới. Ông Nguyễn Phú Trọng phải tự lừa dối mình và người dân bằng việc hứa "đến năm 2045 Việt Nam sẽ có hệ thống lý luận hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội".

Đảng cộng sản kém cỏi và thất bại trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế... đến ngoại giao, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức là một ví dụ nhưng họ vẫn còn đó và vẫn cầm quyền vì trước mặt họ không có một đối thủ nào.

Thế giới đang thay đổi, nếu Việt Nam không có các tổ chức chính trị đối lập hùng mạnh thì đất nước sẽ rơi vào tay các nhà tài phiệt khi chế độ cộng sản cáo chung. Rất nhiều nhân sĩ sẵn sàng tung hô và phò trợ cho các nhà tài phiệt vì quyền lợi của bản thân. Khi đó đất nước sẽ chuyển hóa từ chế độ độc tài đảng trị sang một nhà nước maphia kiểu mới như nước Nga của Putin. Tương lai sẽ rất đen tối.

Trí thức Việt Nam cần chấm dứt việc bao biện và né tránh trách nhiệm bằng cách cho rằng phải khai dân trí trước. Sự lên tiếng của họ dù đúng nhưng không phải quá cần thiết nếu không muốn nói là thừa. Cái mà đất nước đang cần là một giải pháp chứ không phải những lời chỉ trích chế độ. Một giải pháp cho đất nước chỉ có thể đến từ các tổ chức chính trị chứ không đến từ các cá nhân.

Mọi vấn nạn tại Việt Nam chỉ có thể giải quyết khi đất nước có dân chủ, khai dân trí cũng vậy. Dân chủ hóa đất nước cũng là để giải phóng cho trí thức Việt Nam. Nhà nước dân chủ trong tương lai sẽ tôn trọng trí thức và đặt họ vào đúng chỗ của họ. Trí thức sẽ được trọng dụng và được tham chính, họ phải có tiếng nói trong các vấn đề hệ trọng của đất nước, nhất là trong những lĩnh vực thuộc về chuyên môn của họ.

Việt Hoàng

(21/04/2021)

Published in Quan điểm

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đánh dấu cho sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản thì cả thế giới thở phào nhẹ nhõm vì chiến tranh Lạnh đã kết thúc một cách có hậu. Một không khí phấn khởi, lạc quan bao trùm khắp thế giới. Tại Mỹ, Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) thất cử trong nhiệm kỳ hai và phải nhường chỗ cho Bill Clinton. Khẩu hiệu đưa Bill Clinton vào nhà Trắng là "Kinh tế là tất cả".

Từ đó trở đi không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới chỉ quan tâm đến việc "làm kinh tế". Chủ nghĩa thực tiễn (mà ông Nguyễn Gia Kiểng cảnh báo khi Bill Clinton đắc cử) thực sự lên ngôi. Hiểu một cách ngắn gọn thì chủ nghĩa thực tiễn luôn chọn và đặt quyền lợi kinh tế lên trên các giá trị dân chủ và đạo đức.

Chính nhờ vào chủ nghĩa thực tiễn của Mỹ và Châu Âu cộng thêm với phong trào ‘toàn cầu hóa’ từ trước đó mà bức tranh kinh tế thế giới thay đổi hẳn. Các quốc gia trở nên giàu có hơn và đặc biệt là sự trỗi dậy ngoạn mục của một quốc gia cộng sản : Trung Quốc. Cùng với Trung Quốc là sự hình thành và trỗi dậy của các thế lực mới, đó là các tập đoàn kinh tế mà tài sản của chúng còn lớn hơn nhiều quốc gia. Ý thức hệ từng chi phối thế giới trong thế kỷ 20 như chủ nghĩa cộng sản cũng bị dẹp sang một bên để làm kinh tế. Các nước toàn trị như Việt Nam, Trung Quốc (trừ mỗi Bắc Triều Tiên) sử dụng học thuyết Mác-Lê chỉ để duy trì tính chính danh cho chế độ chứ bản thân họ đều hăm hở lao vào kiếm tiềm và làm tiền. Các quan chức của Trung Quốc, Việt Nam giàu lên nhanh chóng nhờ vào sự "ưu đãi" của hệ thống chính trị lạc hậu mà chính họ đã tạo ra.

Không ai còn nhận ra Trung Quốc của 30 năm về trước.

Sự thực là trong hơn 30 năm qua kinh tế thế giới đã rất phát triển. Trung Quốc là một bức tranh kiểu mẫu và khá "hoàn hảo" để biện minh cho sự thành công của chủ nghĩa thực tiễn. Không ai còn nhận ra Trung Quốc của 30 năm về trước. Không chỉ ở Trung Quốc mà ngay tại Việt Nam thì các công trình xây dựng hoành tráng, các cao ốc hay đường xá rộng thênh thang xuất hiện khắp nơi. Các rì sọt (resort) 5-6 sao, thậm chí 7 sao mọc lên như nấm và danh sách các tỉ phú, triệu phú đô la Việt Nam ngày càng dài thêm. Các hãng hàng hiệu xa xỉ mà trước đây chỉ dành cho một bộ phận rất nhỏ giới giàu có tại Mỹ và Châu Âu nay đã có mặt khắp các thành phố lớn nhỏ tại các nước nghèo như Việt Nam.

Mọi chuyện vẫn "tốt đẹp" cho đến khi chủ nghĩa dân túy bùng nổ trên khắp thế giới mà đỉnh điểm của nó là đã đưa một người chưa từng hoạt động chính trị, không biết gì về chính trị như Donnald Trump lên làm tổng thống một cường quốc dân chủ. Đến giờ này thì có lẽ mọi người đều nhận ra lý do khiến người dân Mỹ bầu cho một người như Trump đó chính là sự giận dữ trước bất công xã hội ngày càng lớn tại Mỹ trong khi các chính trị gia truyền thống thì tránh né sự thực đó. Như đã trình bày trong bài "Nền dân chủ đang lạc lối ?", chưa bao giờ hố ngăn cách giàu nghèo tại Mỹ và thế giới lại lớn như bây giờ. 1% nhóm người giàu nhất nước nước Mỹ sở hữu hơn 30% của cải của toàn xã hội trong khi 50% nhóm người nghèo nhất chỉ chia nhau 10% số tài sản đó. Các nước dân chủ đã thế thì tại các nước độc tài như Nga, Trung Quốc, Việt Nam… thì tình trạng này chắc chắn là rất khủng khiếp. Hầu hết tài sản quốc gia nằm trong tay một thiểu số nhỏ quan chức chính quyền và các nhà tài phiệt có quan hệ mật thiết với họ. Người dân Việt Nam chỉ được biết một phần rất nhỏ trong khối băng ngầm khổng lồ này khi có một quan chức nào đó ngã ngựa và bị/được hé lộ ra khối tài sản khủng khiếp mà họ đang sở hữu. Vũ "nhôm" là một ví dụ.

Lý do dẫn đến việc chủ nghĩa dân túy, một phiên bản gượng gạo của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trỗi dậy là do các chính đảng truyền thống trên thế giới đã không lắng nghe và không dám xét lại tư tưởng chính trị vốn đã bộc lộ nhiều sai lầm và đang tụt hậu so với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, thậm chí còn bi đát hơn vì người dân và trí thức Việt Nam chưa dành cho chính trị một quan tâm cần thiết và đầy đủ. Lý do đầu tiên đó chính là vì chúng ta bị "văn hóa truyền thống" của Nho giáo chi phối rất nặng. Quan niệm sống của Khổng Tử là "thấy nước có loạn thì nên tránh" ăn sâu vào tiềm thức giới trí thức Trung Quốc và Việt Nam khiến họ luôn tránh né và không quan tâm đến chính trị. Chủ nghĩa cộng sản, một phiên bản của Nho giáo, có chút cải tiến về mặt ngôn từ còn bản chất thì giữ nguyên, nó không chỉ cấm đoán người dân tham gia vào việc nước, vào chính trị qua khẩu hiệu "mọi việc đã có đảng và nhà nước lo" mà còn trừng phạt nặng nề những người có quan điểm đối lập, bất đồng chính kiến. Những lời buộc tội và các bản án hết sức hồ đồ và ấu trĩ như "làm ra và tàng trữ các tài liệu nhằm chống phá chế độ"… Các vụ bắt giữ và kết án nặng nề những người bất đồng chính kiến gần đây như nhà báo tự do Phạm Chí Dũng là một ví dụ.

Lý do thứ hai và cũng là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất đó là Việt Nam chưa có được một "tầng lớp trí thức chính trị" đúng nghĩa, là những người có kiến thức về chính trị, hiểu rõ những vấn đề đang đặt ra cho đất nước và sẵn sàng kết hợp cùng với những người khác để nhận lãnh trách nhiệm trước dân tộc. Việc tham gia và ủng hộ các tổ chức chính trị dân chủ là tiêu chí rõ ràng nhất để nhận diện tầng lớp trí thức chính trị này. Đấu tranh chính trị luôn là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Không có các tổ chức chính trị thì không thể có các chính trị gia đúng nghĩa vì tổ chức là nơi sản xuất ra các ý kiến và đào tạo ra nhân sự chính trị. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi quan sát sinh hoạt chính trị trong các quốc gia theo mô hình đại nghị, là thể chế chính trị dựa trên các chính đảng. Dưới chế độ đại nghị sự ổn vững của quốc gia luôn cao hơn hẳn so với các nước theo mô hình tổng thống chế.

Những người hời hợt và thiếu kiến thức về chính trị luôn cho rằng không thể thành lập các tổ chức đối lập tại Việt Nam vì sẽ bị đảng cộng sản tiêu diệt ngay lập tức. Điều đó chỉ đúng một phần, phần lớn là mọi người không biết phải làm và cần làm những gì ngoài việc hô khẩu hiệu và ra các tuyên cáo này nọ rất kêu nhưng không có thực chất. Những tổ chức như vậy chỉ làm được mỗi một việc là khiêu khích chính quyền. Dễ thấy nhất là tại hải ngoại, nơi không bị chính quyền cộng sản đàn áp thì người Việt vẫn chưa có được các tổ chức chính trị thực sự có tầm vóc. Vậy thì nguyên nhân đến từ lý do khác và lý do đó là "văn hóa Khổng giáo", một thứ văn hóa nô lệ, ngăn cấm con người kết hợp lại với nhau và mặc định tầng lớp trí thức khoa bảng chỉ có bổn phận phục vụ giai cấp thống trị thay vì phụng sự quốc gia và dân tộc.

Lý do thứ ba khiến Việt Nam không thể thành lập các tổ chức chính trị đúng nghĩa vì việc đó… quá khó. Khó đến mức mà suốt trong dòng lịch sử của dân tộc, người Việt Nam chưa từng xây dựng được một tổ chức như vậy. Ngày xưa bị ngăn cấm đã đành, ngày nay mức độ tự do dù khá hơn và với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin thì nỗi sợ và sự lười biếng học hỏi về kiến thức chính trị vẫn còn chiếm ngự trong tâm hồn trí thức Việt Nam khiến họ không muốn học hỏi về chính trị nữa. Thiếu kiến thức nên khi đụng việc họ thấy quá sức mình và bỏ cuộc. Thực sự việc kết hợp và tham gia vào các tổ chức chính trị là quá khó nếu không thay đổi tư duy và văn hóa về hoạt động chính trị.

Lý do thứ tư đó là người Việt hiểu rất sai về chính trị và rất khác nhau. Do ảnh hưởng của Nho giáo mà đa số người Việt đều cho rằng làm chính trị chỉ là tranh giành quyền lực bằng mọi thủ đoạn xấu xa, nhơ bẩn… vì vậy ai lên cầm quyền cũng vậy, và đã là "người tốt" thì nên tránh xa chính trị. Đây là một sự "lừa dối vĩ đại" mà các chế độ phong kiến ngày xưa và chế độ cộng sản bây giờ đã rất thành công trong việc "tẩy não" người dân Việt Nam. Khi người tốt quay lưng với chính trị thì các thế lực hắc ám sẽ tha hồ làm mưa làm gió, múa gậy vườn hoang. Đây là một chủ đề khá lớn và quan trọng, xin hẹn với độc giả trong một dịp khác.

Lý do cuối cùng thì như đã nói ở phần đầu, một số trí thức có khả năng và hiểu biết đã nhanh nhạy hùa theo trào lưu toàn cầu hóa để làm giàu. Họ chọn ‘giải pháp cá nhân’. Điều đó không có gì sai cho cá nhân họ, nhưng sự cống hiến của họ trong lĩnh vực chính trị là con số không. Có thể ban đầu họ cũng chỉ muốn làm giàu đến một mức nào đó rồi sẽ nghỉ và sẽ dấn thân cho dân chủ… Tuy nhiên do tham gia vào quá sâu và ràng buộc quá chặt vào chính quyền nên họ không thể thoát ra được nữa. Nhiều người lầm tưởng là có tiền bạc sẽ có sức mạnh và có thể tác động lên chính quyền và sau đó làm thay đổi nhận thức xã hội của dân chúng. Điều này hoàn toàn sai. Càng giàu có họ càng phụ thuộc vào chính quyền và không những không tác động gì đến được chính quyền mà họ còn trở thành con tin của chính quyền. Bất cứ sự phản kháng nào, dù nhỏ và chính đáng đến đâu đều bị trả giá ngay lập tức. Không có sức mạnh kinh tế nào đương đầu được với súng đạn. Những gì xảy ra với doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (Bình Dương) là một ví dụ.

Sở dĩ thế giới nói chung và Việt Nam đang phải vật vã đối phó cuộc khủng hoảng lần này là vì đa số người dân đã không dành cho chính trị một sự quan tâm cần thiết. Ăn nhậu, du lịch, chơi bời… là ưu tiên chính, đặc biệt là người dân Việt Nam. Họ tranh thủ hưởng thụ những thành quả gặt hái được nhờ nền kinh tế thị trường mang lại, sau những năm tháng dài sống trong đói khổ. Chuyện chính trị phó mặc cho chính quyền. Khi quyền lực chính trị không bị giám sát và chế tài thì nó sẽ như con thú dữ xổng chuồng và quay lại cắn xé tất cả chúng ta. Đến một lúc nào đó mọi người sẽ nhận ra là mình đang sống trong những lâu đài bằng cát. Chỉ một con sóng nhỏ cũng đủ để quét sạch đi tất cả những gì chúng ta đang có.

Đã đến lúc người Việt Nam cần dành một quan tâm nghiêm túc cho chính trị, không thể để mọi chuyện "đảng và nhà nước lo" vì điều đó có nghĩa là "đảng và nhà nước muốn làm gì thì làm". Phải có các tổ chức chính trị và sự cạnh tranh trong chính trị thì người dân mới có thể lựa chọn và xã hội mới có thể phát triển và văn minh. Thời gian không còn nhiều và một tổ chức chính trị muốn chứng tỏ sự đứng đắn phải mất rất nhiều thời gian, ít cũng vài thập kỷ. Nên tìm hiểu các tổ chức chính trị đang có bằng cách đọc các dự án chính trị (tức là cương lĩnh chính trị) của các tổ chức để biết họ đề nghị những gì và đưa ra những giải pháp gì… Tiếp theo là cần quan sát đội ngũ nhân sự của các tổ chức đó để xem họ có phải là một tổ chức đúng nghĩa hay không vì một tổ chức chính trị thực sự phải có hai yếu tố căn bản là "tư tưởng chính trị" và một "đội ngũ chính trị".

Đảng cộng sản Việt Nam không thể nào trụ được sau làn sóng dân chủ lần này. Vậy sau đảng cộng sản sẽ là cái gì ? Đâu là giải pháp cho Việt Nam ? Câu trả lời đã có : Các tổ chức chính trị chính là giải pháp cho đất nước. Các tổ chức xã hội dân sự, các câu lạc bộ hay giảng đường đại học sẽ không bao giờ là giải pháp cho đất nước và không thể nào thay thế cho vai trò và chức năng của các tổ chức chính trị dân chủ đúng nghĩa.

Việt Hoàng

(1/12/2019)

Published in Quan điểm